Blogger kiến nghị Tòa Bạch Ốc đóng cửa các Viện Khổng Tử tại Hoa Kỳ.(白宫请愿网站截图)
Các Học viện Khổng Tử ngoài bề mặt là những trung tâm dạy Hán ngữ và văn hóa Trung Hoa được đặt tại các trường đại học trên khắp thế giới. Nhưng nhiều học giả tin rằng hệ thống các Học viện Khổng Tử là công cụ tuyên truyền của đảng cộng sản Trung Quốc nhằm phục vụ các lợi ích của Trung Quốc, giúp nước này nâng cao quyền lực mềm hay mở rộng ‘biên giới mềm’.
Được thành lập từ năm 2004, các trung tâm này do chính phủ Trung Quốc tài trợ và điều hành, và trực thuộc Văn Phòng Hội Đồng Quảng Bá Hán Ngữ Quốc Tế, gọi tắt là Hanban hay Hán Biện. Tạp chí Economist cho rằng nhiệm vụ chính của các Học viện Khổng Tử là “thay đổi cách nhìn của thế giới về Trung Quốc và các chính sách của Trung Quốc”, làm cho thế giới “hiểu đúng về Trung Quốc”, và chấp nhận các chính sách của Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ, Giáo sư Tạ Văn Tài, nguyên Giáo sư Luật của Đại học Harvard, cho biết ý kiến và kinh nghiệm cá nhân của ông về các Học viện Khổng Tử (HVKT).
“Ngoài mục đích truyền bá ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc thì Bắc Kinh còn có những mục đích khác nữa, thí dụ họ kiểm soát ngân sách rất kỹ do chính phủ Trung quốc cung cấp, và họ kiểm soát những vấn đề được bàn luận, không cho bàn đến những chuyện mà họ không muốn bàn. Ai mà có vẻ có ý kiến gì khác với mục dích của họ, thì họ tìm cách không để cho tham gia trong những buổi họp của Viện Khổng Tử.”
Giáo sư Tạ Văn Tài nói kinh nghiệm của ông là các Viện Khổng Tử kiểm soát chặt chẽ những ai được mời dự, đề tài nào nên mang ra tranh luận, đề tài nào bị cấm kỵ.
Giáo sư Tài cho biết ông đã từng hai lần đến dự sinh hoạt của Học viện Khổng Tử, theo lời mời của một vị giáo sư nổi tiếng, nhưng sau đó không còn tham gia sinh hoạt nữa.
“Đến lần thứ ba vì tôi hỏi những câu hỏi gọi là khó cho người trả lời về một vấn đề gì đó… Từ đó tới giờ họ không mời tôi nữa.”
Giáo sư Tạ Văn Tài nói rằng bên cạnh mục đích tuyên truyền, các Viện Khổng Tử còn có mục đích tình báo nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật công nghệ của các nước tiên tiến.
Về hoạt động của các Viện Khổng Tử của Trung Quốc ở Viêt Nam, Giáo sư Tạ Văn Tài nói:
“Hoạt động của các Viện Khổng Tử tại Viêt Nam tôi không theo dõi kỹ, nhưng tôi có đọc một vài tin thì hình như có một sự tự trị khá mạnh, chắc là Viêt Nam để cho các viện đó tự trị, từ vị trí đặt trụ sở cho đến quyền điều hành..rất là tự trị trong các Viện Khổng Tử ở Viêt Nam. ”
Theo Giáo sư Tạ Văn Tài thì các Viện Khổng Tử chỉ là một trong nhiều công cụ mà Trung Quốc sử dụng để tạo ảnh hưởng ở Viêt Nam. Giữa hai nước còn có nhiều liên kết sâu xa về ý thức hệ như trong quan hệ giữa hai đảng cộng sản, và ngoài các viện Khổng Tử, Bắc Kinh còn nhiều biện pháp còn nguy hiểm hơn để can thiệp vào tình hình Viêt Nam.
Giáo sư Tạ Văn Tài nhắc đến nguy cơ tiềm tàng của các vụ mua bán nhà đất hay quyền sử dụng đất, kể cả các khách sạn, cho Trung Quốc thuê dài hạn tại các địa điểm có vị trí trọng yếu đối với an ninh quốc gia.
“Tôi được nghe từ một nguồn khá thạo tin ở Đà Nẵng, cho tôi biết là có nguyên một cái hotel lớn ở Đà Nẵng có những phiên họp quy tụ tới hàng trăm người, thế rồi từ hotel đó có đào những đường hầm ra biển. Nếu họ đổ bộ thì quân đội họ sẽ đi qua đường hầm, rồi nặm ụ ở trong những phòng lớn ở bên trong mà không ai biết, như vậy họ có thể cắt đôi nước Viêt Nam ở đèo Hải Vân, tức là nguy hiểm lắm chứ không phải không. Chính phủ trung ương không dám báo tin này cho công chúng biết nhưng đã ra lệnh đóng lại cửa biển này.”
Giáo sư Tạ Văn Tài nói VN nên dẹp các Viện Khổng Tử, xét nền văn hoá và luật pháp cũng như chính trị truyền thống cuả VN đã thấm nhuần kỹ Khổng học, bằng chứng là Việt Nam có Viện Hán Nôm ở Hà nội mà Giáo sư Tài cho là rất giỏi về khổng học.
Giáo sư Tạ Văn Tài nói:
“Tôi thấy các Viện Khổng Tử không cần thiết bởi vì khi tôi dự “Hội Thảo quốc tế Nho Giáo 2007” tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm Việt Nam ở Hà nội, do Harvard Yenching Institute bảo trợ một phần, thì tôi thấy là các vị trong Viện Hán-Nôm rất là giỏi về những cuộc nghiên cứu về Khổng Mạnh, cho nên ông Tàu cần gì phải mang Viện Khổng Tử tới dạy? Trường Harvard hôm đó cử GS Weiming Tu, Giám đốc Harvard Yenching Institute, là viện đã có bao nhiêu năm nghiên cứu về Trung Quốc, Nhật Bản và văn minh Á Châu, gần đây hơn có cả Việt Nam, viện chuyên môn về các nền văn minh Á Châu và Khổng Mạnh, thành ra nó cũng chả cần phải có Viện Khổng Tử ở bên Mỹ đâu.”
Giáo sư Tạ Văn Tài lưu ý rằng ngoài các Viện Khổng Tử, Trung Quốc cũng đổ rất nhiều tiền để viện trợ cho các trường đại học Mỹ. Riêng Đại học Harvard đã nhận 250 triệu, ngoài ra có East-West Center Asia Institute ở Hawaii, John Hopkins, the Brookings Institute vv…
Gần đây có bằng chứng cho thấy Trung Quốc tiếp tục mua chuộc một số học giả, trí thức và chuyên gia phương Tây nhằm phục vụ cho các lợi ích lâu dài của Bắc Kinh. GS Tài nói:
“Viện Khổng Tử chỉ là môt thí dụ nhỏ về cách mà Trung Quốc đột nhập vào vấn đề giao lưu văn hóa để có những bước đi khác về tình báo, để chộp các kỹ nghệ tân tiến của Hoa Kỳ. Nhiều người sang đây nghiên cứu về sinh học, vi trùng học, kỹ nghệ internet, kỹ nghệ hàng không để lấy cắp. Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ họ dò la thì thấy rằng nguy hiểm lắm. Họ lấy cắp và mua các học giả hay giáo sư các trường đại học Mỹ, giả vờ tài trợ cho các công trình nghiên cứu nhưng thực ra là để gạ gẫm hầu lấy được những tin tức về quốc phòng và khoa học.”
Thế Giáo sư Tạ Văn Tài đánh giá như thế nào về thành tích của các Viện Khổng Tử trên thế giới? Liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc và giới lãnh đạo ở Bắc Kinh có đạt được mục tiêu mong muốn khi đầu tư vào viêc xây dựng các học viện Khổng Tử và duy trì hoạt động của các cơ sở này?
“Họ dồn nỗ lực lập ra Viện Khổng Tử bây giờ bị đóng cửa hàng loạt như vậy là họ đã thất bại hoàn toàn vì quốc tế đã nhận ra cái mục đích không có tính cách hoàn toàn chỉ có văn hóa của họ mà có tính cách tình báo. Người Mỹ đã nhận ra âm mưu tình báo qua Viện Khổng Tử, thành ra Mỹ bắt đầu làm khó Trung Quốc trong vấn đề tình báo kỹ nghệ, bằng sáng chế vv…”
Theo Wikipedia tính cho tới năm 2019, tổng cộng có khoảng 530 học viện Khổng Tử và hơn 1.100 Lớp Khổng Tử được thành lập tại hàng chục quốc gia. Bắc Kinh đặt mục tiêu là tới năm 2020 sẽ có 1000 Viện Khổng Tử trên thế giới.
Một số các nước phương Tây kể cả Úc và Hoa Kỳ, vv… đã cảnh báo về thâm ý của Bắc Kinh khi cho xây dựng hệ thống Học viện Khổng Tử ở nước ngoài, họ bày tỏ lo ngại về âm mưu của Bắc Kinh tẩy não sinh viên học sinh địa phương thông qua các Viện Khổng tử. Họ đề nghị các nước nên giám sát chặt chẽ và hạn chế hoạt động của các Học viện Khổng Tử, và đề cao cảnh giác về những phương thức khác mà Bắc Kinh sử dụng để thao túng công luận quốc tế.
Trong phúc trình năm 2019, Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói “các Viện Khổng Tử là cánh tay nối dài của chính quyền Trung Quốc”.
Nhiều học giả cũng lên tiếng cảnh giác thế giới về nguy cơ của các Học viện Khổng Tử, nói rằng hệ thống Học viện Khổng Tử là “Con ngựa Thành Troa mang đặc điểm Trung Quốc”.
Thụy Điển, nước đầu tiên ở Châu Âu có Học viện Khổng Tử, đã lắng nghe lời cảnh giác này. Vào cuối năm ngoái, chính phủ Stockholm đã quyết định đóng cửa tất cả các học viện Khổng Tử trong nước để ngăn chặn ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét