
Tại các quốc gia dân chủ, việc tham gia hoạt động chính trị thường xuất phát từ hoài bão hay tham vọng cá nhân, từ lý tưởng muốn cống hiến cho một xã hội bình đẳng hơn, muốn thay đổi thực trạng xã hội.
Hầu hết các cá nhân dấn thân vào chính trị đều có những xuất phát điểm khiêm tốn, tự rèn luyện và thăng tiến dần qua tranh đấu, qua những đợt bầu cử cấp cơ sở đến cấp cao hơn và cuối cùng vào vị trí chủ chốt lãnh đạo đất nước. Các nhà lãnh đạo như Margaret Thatcher của Anh, Bill Clinton của Hoa Kỳ, Jacinda Arden của New Zealand là những ví dụ rõ nhất.
Các quốc gia được lãnh đạo bởi đảng Cộng sản được cho là có quy trình chọn và bổ nhiệm lãnh đạo phức tạp. Người được bổ nhiệm phải tuần tự qua các thủ tục, quy trình, phải nằm trong cơ cấu, trong quy hoạch lãnh đạo.
Đối với các vị trí lãnh đạo chủ chốt còn phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn cao hơn. Ở Việt Nam, thông báo mới đây của đảng Cộng sản cầm quyền do người đứng đầu - Tổng Bí thư ban hành, quy định chi tiết các tiêu chuẩn cá nhân sẽ được bầu vào ban lãnh đạo của đảng, với chú trọng về Đức (tức về tiêu chuẩn chính trị) hơn là về Tài (khả năng quản lý).

Từ những quy định về tiêu chuẩn tưởng rằng rất kỹ càng, cụ thể được kỳ vọng sẽ chọn ra được những cá nhân lãnh đạo hoàn hảo. Tuy nhiên thực hiện lựa chọn bằng cách nào để không nhầm người không đủ năng lực, hay bỏ sót người tài để dẫn đến hậu quả đáng tiếc sau này trong quản lý điều hành, là một vấn đề mà tất cả các đảng cầm quyền đều quan tâm.
Tại Việt Nam gần đây hai thành viên trong Bộ Chính trị đảng bị kỷ luật, có người bị kết án tù, có ủy viên TW bị cách chức, hàng hoạt quan chức lãnh đạo hàm Bộ trưởng dính án tham nhũng. Tại Trung Quốc, hơn 1.5 triệu quan chức bị phát hiện tham nhũng, thoái hóa biến chất và bị đưa ra xét xử, trong đó có cả những thành viên trong Bộ Chính trị đảng cầm quyền.

Chúng ta thử tìm hiểu một quốc gia nhỏ bé về địa giới hành chính, song lại là một cường quốc hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng tài chính, giao thông vận tải, hàng không, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, xem họ lựa chọn, quản lý và xây dựng Nhân tài và cán bộ lãnh đạo như thế nào.
Singapore là một đất nước Kỹ trị, vì vậy yếu tố Tài được đặt lên trước trong quá trình chọn lựa nhân sự lãnh đạo. Có thể nhận thấy chưa một quốc gia nào khác có cách tìm kiếm, lựa chọn nhân tài và cán bộ lãnh đạo được cộng đồng thế giới thừa nhận là chính xác và hiệu quả như Singapore đã thực hiện từ khi lập quốc (1965) đến nay.
Nhân tài được chính quyền tìm kiếm ở trong nước và thậm chí được chào đón từ nước ngoài. Giới lãnh đạo Singapore không có sự phân biệt là cư dân sinh sống lâu đời hay người mới nhập quốc tịch. Nội các đầu tiên mười thành viên của Singapore, chỉ có hai người sinh ra tại Singapore (trong đó có Thủ tướng Lý Quang Diệu), các Bộ trưởng còn lại xuất thân từ Ceylon, Malaya, Trung Quốc và các nước khác. Chánh án Tòa án Tối cao Singapore (Chief Justice) Yong Pung How cũng từng là công dân Malaysia trước khi được yêu cầu nhập quốc tịch Singapore để lãnh đạo ngành tư pháp nước này.
Cơ quan chuyên trách cho việc thu hút nhân tài là Ủy ban nhân tài (STAR) của Chính phủ Singapore, thành lập năm 1998, đi kèm với nó là nhiều Tiểu ban chuyên trách săn đón nhân tài từ các lĩnh vực từ thể thao đến khoa học.

Mời trà
"Mời trà" là nghĩa đen và cũng là nghĩa bóng để chỉ việc một ứng cử viên bắt đầu được tham gia chương trình lựa chọn rất kỹ lưỡng của đảng Hành động nhân dân (PAP) cầm quyền cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt của chính quyền. Ứng cử viên sẽ được mời dự tiệc trà ít nhất là 3 lần với các cấp lãnh đạo của đảng, lần cuối cùng là với Tổng bí thư.
Đảng cầm quyền PAP không chỉ chọn cán bộ lãnh đạo từ cấp cơ sở đảng, tức là nội bộ tuần tự nhi tiến. Những tài năng kỹ trị từ khu vực tư nhân, là bác sỹ, luật sư, doanh nhân thành đạt, v.v. có thể được bổ nhiệm thẳng lên hàm Bộ trưởng. Ngay từ đầu, trong đảng PAP đã có tranh luận về ưu tiên chọn lựa thành viên từ cấp cơ sở đảng, căn cứ yếu tố "trung thành" hay "kiên định lý tưởng". Tổng bí thư Lý Quang Diệu đã phản ứng lại với Chủ tịch đảng Toh Chin Chye: "Ông muốn người làm phong trào, muốn người hô khẩu hiệu, hay muốn nhà quản lý lãnh đạo chính quyền đây?"
Những sinh viên xuất sắc tốt nghiệp từ các trường đại học nổi tiếng, các doanh nhân, kỹ sư, bác sỹ, luật sư thành đạt sẽ được lưu trữ hồ sơ để theo dõi, dựa theo bốn tiêu chí: Khả năng nhìn sự vật từ vị trí thuận lợi chiến lược, khả năng tập trung vào chi tiết, khả năng phân tích, tưởng tượng và khả năng tư duy thực tế.

Một hội đồng trắc nghiệm tâm lý (psychological test) do Chính phủ tổ chức, gồm các chuyên gia tâm lý học và tâm thần học hàng đầu của Singapore sẽ kiểm tra ứng cử viên nhiều lần. Ứng cử viên được hỏi và được đánh giá về tham vọng cá nhân, về cam kết phục vụ cộng đồng, về lòng trung thành với sự nghiệp và với tổ chức.
Vòng tiếp theo là kiểm tra về chỉ số thông minh (IQ), các bài kiểm tra về khả năng phân tích, xét đoán, khả năng tổ chức và lãnh đạo.
Vòng cuối cùng là những thẩm vấn hóc búa về chỉ số cảm xúc (EQ), về bản thân, hôn nhân, gia đình, các biến cố trong đời, về sở thích cá nhân, về tình dục và tình cảm, các thói quen, các vấn đề sức khỏe.
Nếu vượt qua những vòng kiểm tra này của hội đồng chuyên gia, ứng cử viên sẽ dự "tiệc trà" với Thủ tướng - Tổng bí thư đảng, là người xem xét cuối cùng trước khi được mời tham gia chính trị (vào đảng) và bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo trong đảng và chính quyền.

Mô hình tuyển chọn nhân tài, chọn cán bộ lãnh đạo này được Thủ tướng Lý Quang Diệu lựa chọn từ kinh nghiệm của Tập đoàn "Shell" sau khi sau khi tham khảo cách chọn nhân sự của các tập đoàn đa quốc gia (MNC), rồi điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm của Singapore. Sau khi Thủ tướng Ngô Tác Đống lên cầm quyền, ông đã bổ sung thêm tiêu chí "năng lực sáng tạo và phục vụ cộng đồng" trong các bài kiểm tra năng lực.
Tuy nhiên chưa phải qua "Mời trà" là ứng cử viên nghiễm nhiên làm lãnh đạo đến khi nghỉ hưu. Hàng năm Thủ tướng - Tổng bí thư sẽ đánh giá lại năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của toàn bộ nội các và thành viên lãnh đạo đảng để điều chỉnh.
Và mô hình Mời trà cũng không phải là đã hoàn toàn tối ưu. Có những ứng cử viên đã lọt lưới, qua mắt hội đồng chuyên gia bằng khả năng "giả vờ" hay "động tác giả", cuối cùng chỉ bị phát hiện bởi " trực giác lãnh đạo" của Thủ tướng. (Lý Quang Diệu thừa nhận điều này trong một cuộc phỏng vấn năm 2004). Có những nghị sỹ quốc hội bắt đầu lộ ra sự "tham lam quyền lực" sau một nhiệm kỳ. Có những lãnh đạo có năng lực giấy tờ nhưng không đáp ứng được kỳ vọng của tập thể. Số cán bộ này đều lập tức bị thay thế chứ không điều chuyển sang vị trí khác trong bộ máy chính quyền.
Nhưng mô hình "Mời Trà" phản ánh tầm nhìn hiện đại, nguyên tắc khoa học, vô tư và bình đẳng đối với việc tìm kiếm, lựa chọn và sử dụng nhân tài. Cách kiểm tra, đánh giá độc lập cán bộ qua một hội đồng chuyên môn rõ ràng đã tránh được, đã giảm đi rủi ro đạo đức vì bổ nhiệm dựa trên cảm quan, theo "cánh hẩu, nâng đỡ không trong sáng", hay chọn cán bộ theo "chủ nghĩa hồ sơ bằng cấp" hoàn hảo về giấy tờ mà năng lực thực tế không đáp ứng được.
Năm 2000, tại một diễn đàn quốc tế về hành chính công, Lý Quang Diệu thừa nhận :" Chính phủ Singapore điều hành hiệu quả ngày nay không có được một cách ngẫu nhiên. Nó cần một quá trình lựa chọn cán bộ tổng thể, xuyên suốt và gian nan. Cuối cùng chúng tôi đã học và sử dụng mô hình quản lý doanh nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia, dùng các nhà tâm lý học và tâm thần học chọn lựa, kiểm tra cán bộ trước khi bổ nhiệm. Với sự giúp đỡ của họ, chúng tôi hiểu rõ tâm can, khả năng, tính cách của từng cá nhân để kết hợp họ thành một nhóm hiệu quả"
Một bài học nữa rút ra từ thông điệp của Lý Quang Diệu: Để tiến từ một thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất, trước hết cần một chính phủ kỹ trị, chuyên hơn hồng chứ không phải hồng hơn chuyên. Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình cũng đã nhận ra điều đó vào năm 1978.
*Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một cây bút tự do và doanh nhân sống ở Singapore nhiều năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét