Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

4871 - Nhìn lại quan hệ Mỹ- Việt dưới thời Tổng thống Donald Trump

Thanh Phương RFI

Trong bốn năm dưới thời tổng thống Donald Trump, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đã có nhiều thay đổi lớn, nhưng quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam nói chung vẫn đi theo hướng được mở rộng thêm, thậm chí hiệu quả hơn và có thực chất hơn, theo nhận định của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 22/10/2020. 

RFI :  Thưa ông Lê Hồng Hiệp, trong bốn năm dưới sự lãnh đạo của tổng thống Trump, quan hệ Mỹ- Việt đã có những thay đổi gì đáng kể về chiến lược, an ninh, cũng như về kinh tế?

Lê Hồng Hiệp : Năm nay, Mỹ và Việt Nam kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong 25 năm qua, quan hệ song phương đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ, ngày càng có thực chất hơn. Nhất là trong 4 năm vừa qua, dưới thời tổng thống Donald Trump, quan hệ song phương đã có những bước tiến đáng kể. Các hoạt động hợp tác giữa hai bên ngày càng có thực chất, đặc biệt là về hợp tác chiến lược, hợp tác an ninh-quốc phòng, cũng như là hai bên có sự tương đồng ngày càng lớn về các lợi ích chiến lược, đặc biệt là trên vấn đề Biển Đông, hay cách ứng phó với Trung Quốc, nhất là trong việc Mỹ hỗ trợ các quan điểm, lập trường của Việt Nam về Biển Đông, hay các trợ giúp của Mỹ để Việt Nam xây dựng năng lực quốc phòng.

Trong năm 2017, Mỹ đã cấp cho Việt Nam 6 xuồng tuần tra Metal Shark, cùng với một tàu của tuần duyên Hoa Kỳ. Sau đấy, Philip Davidson, chỉ huy của Bộ chỉ huy Ấn Độ-Thái Bình Dương, cũng nói là Việt Nam đang chuẩn bị mua các trang thiết bị của Hoa Kỳ, như máy bay không người lái, hay máy bay huấn luyện, và Mỹ sẽ tiếp tục chuyển giao cho Việt Nam các tàu tuần duyên mới.

Những hoạt động này cho thấy quan hệ giữa hai bên về chiến lược, về hợp tác quốc phòng càng ngày càng được mở rộng. Có thể coi đó là một trong những điểm nhấn của quan hệ song phương trong 4 năm vừa qua.

Bên cạnh đó, về mặt kinh tế, có thể nói là trong giai đoạn đầu đã có một số nghi ngờ, nhất là khi chính quyền Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp định TPP. Nhưng trên thực tế, trong 4 năm qua, quan hệ kinh tế giữa hai nước tiếp tục phát triển rất mạnh.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 23 hay 24% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong năm 2019, trao đổi thương mại giữa hai bên đã lên đến gần 76 tỷ đôla, mà đặc biệt là trong đó Việt Nam xuất sang Mỹ tới 61,3 tỷ đôla. Trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục ngày càng tăng. Bên cạnh đó, có nhiều công ty Mỹ, kể cả các tập đoàn lớn như Apple, đã tính đến việc mở rộng sản xuất và đầu tư vào Việt Nam.

Tất nhiên là cũng có những thách thức nhất định, ví dụ như vừa rồi phía Mỹ điều tra về cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ hay đã áp thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi đó là một trong những biểu hiện bình thường trong bối cảnh Việt Nam đang xuất siêu với Mỹ rất nhiều.   

RFI : Riêng về Biển Đông, trước đây, tổng thống Obama đã đề ra chiến lược « xoay trục » sang châu Á. Đến thời tổng thống Donald Trump, Mỹ vẫn theo chiến lược đó và đã tỏ ra kiên quyết hơn với Trung Quốc trên vấn đề chủ quyền, đầy mạnh tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở vùng biển này. Chiến lược đó có những tác động gì đối với Việt Nam ?

Lê Hồng Hiệp : Dưới thời Obama, như anh có nói, họ đã có một số điều chỉnh để ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, và trong sự điều chỉnh ấy, họ có chú ý nhiều hơn đến Biển Đông. Tuy nhiên, các chuyển biến ấy còn dè dặt, tương đối còn mang tính chất thăm dò, chưa có những bước đi mạnh mẽ như dưới thời ông Donald Trump.

Dưới thời Trump, chính sách của Mỹ ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc nói chung và về Biển Đông nói riêng, thể hiện ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất là về mặt chiến lược, Mỹ đã xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hàng đầu và họ tung ra chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương « tự do và rộng mở », trong đó nhấn mạnh đến nguyên tắc « tự do hàng hải », thúc đẩy sự can dự của Mỹ vào vấn đề Biển Đông.

Họ cũng mạnh mẽ hơn về luận điệu, với các tuyên bố khác nhau của chính quyền Trump về Biển Đông, theo hướng bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc, hay ủng hộ các nguyên tắc về pháp quyền, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, họ cũng mạnh mẽ hơn về hành động, chẳng hạn số lượng các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trong 4 năm qua lớn hơn rất là nhiều so với thời kỳ Obama : năm 2018 có 5 lần tuần tra, 2019 có đến 9 lần tuần tra, trong đó có những lần đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể mà Trung Quốc quản lý.

Những ví dụ đấy đều cho thấy tính hiệu quả, mạnh mẽ và kiên quyết hơn của chính quyền Trump. Tuy nhiên, nói một cách công bằng thì được như thế, đó là do có tiền đề, nền tảng từ thời Obama. Vào thời Obama thì quan hệ song phương, cũng như hợp tác về Biển Đông đã có những bước đi tạo tiền đề cho 4 năm vừa qua. Ví dụ như năm 2013, hai nước đã thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện. Đến năm 2016, chính quyền Obama cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam

 RFI :  Chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc nói chung và trên vấn đề Biển Đông nói riêng dưới thời Trump có lợi gì cho Việt Nam hay không, trong lúc mà Hà Nội cũng phải cân bằng quan hệ với Trung Quốc ?

Lê Hồng Hiệp : Với sự can dự sâu hơn của Mỹ vào vấn đề Biển Đông và sự ủng hộ lớn hơn của Mỹ dành cho Việt Nam trên vấn đề Biển Đông trong thời gian qua thì có lợi rất nhiều cho Việt Nam so với các tác động tiêu cực, cụ thể là Việt Nam đã có thêm một đồng minh trong vấn đề Biển Đông. Họ là một đồng minh rất mạnh, có ý chí chính trị trong việc kềm chế Trung Quốc và có năng lực để thực thi chiến lược đó.

Đương nhiên, có thách thức là mặc dù trong 4 năm qua, Mỹ đã có những bước đi ngày càng quyết liệt như vậy trên vấn đề Biển Đông, nhưng trên thực tế thì dường như sự hung hăng, sự lấn lướt của Trung Quốc chưa giảm đi nhiều. Trung Quốc tiếp tục gây sức ép với Việt Nam trên Biển Đông trong 4 năm qua.

Tuy nhiên, phải chờ thêm thời gian để biết kết quả trên thực tế của chính sách đó. Tôi cho rằng nếu Mỹ liên tục gây sức ép như vậy, Trung Quốc sẽ chịu nhiều áp lực, trong nước cũng như ngoài nước, khiến họ có thể bị phân tâm, không thể duy trì sức ép liên tục với Việt Nam trong thời gian dài.

Một tác động tiềm tàng, có thể mang tính tiêu cực, đó là nếu như Việt Nam tiếp tục xích gần lại Mỹ trong hợp tác quốc phòng, an ninh, trên vấn đề Biển Đông, thì cũng có người cho rằng Trung Quốc sẽ có phản ứng và gây áp lực với Việt Nam. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp đó thì chúng ta cũng không có sự lựa chọn nào hơn là phải tăng cường hợp tác với Mỹ, tại vì nếu như Việt Nam không xích lại gần Mỹ, không hợp tác với Mỹ, thì không có gì bảo đảm là Trung Quốc sẽ mềm mỏng hay buông tha cho Việt Nam.

Việt Nam nếu không hành động và tìm kiếm các đối tác đồng minh để chia sẽ các áp lực đó, thì Việt Nam sẽ càng ngày gặp bất lợi hơn. Trong thời gian 4 năm tới, dù là dưới sự lãnh đạo của ông Trump tái cử hay của ông Biden, thì Việt Nam cũng phải củng cố quan hệ với Mỹ. Bên cạnh đó phải xây dựng năng lực trong nước để thúc đẩy sự tự cường, đồng thời phải đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ để có thể tận dụng được càng nhiều nguồn lực từ bên ngoài càng tốt, để có thể ứng phó với Trung Quốc, nhưng vẫn không quá phụ thuộc vào Mỹ, qua đó giúp Việt Nam giữ được sự chủ động, sự tự chủ về chiến lược.

Tôi thấy trong thời gian qua, Việt Nam đã tăng cường quan hệ với Nhật, Ấn Độ, Úc, EU (Liên Hiệp Châu Âu) và Anh. Tất cả những bước đi ấy là hoàn toàn cần thiết, nhưng không thể thay thế được việc Việt Nam tăng cường quan hệ với Mỹ. Nếu như Việt Nam có thể khéo léo khai thác quan hệ với Mỹ, cũng như với các đối tác khác, đồng minh của Mỹ, thì Việt Nam sẽ có một vị thế tốt hơn trong việc ứng phó với áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét