Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

5268 - 30 năm Liên Xô tan rã: Nikolai Ryzhkov, vị thủ tướng bị 'thị trường hạ bệ'

BBC 


Nikolai Ryzhkov, vị thủ tướng bị 'thị trường hạ bệ'

Chụp lại hình ảnh,

                                         Nikolai Ryzhkov, vị thủ tướng bị 'thị trường hạ bệ'

Cải cách giá-lương-tiền bất thành của thủ tướng cuối cùng, Nikolai Ryzhkov góp phần làm Liên Xô sụp đổ. Tháng 6/1991, nước Nga có cuộc bầu cử tổng thống tự do, đa đảng đầu tiên kể từ Cách mạng 1917.

Boris Yeltsin thắng giòn giã, được 59% phiếu của 70 triệu cử tri Nga.

Thủ tướng Liên Xô Nikolai Ryzhkov, người đại diện cho Đảng Cộng sản và được Tổng bí thư Mikhail Gorbachev tin cậy, về nhì với chừng 17% phiếu.

Riêng tại thủ đô Moscow, có tới 72% cử tri bỏ cho ông Yeltsin, và chỉ hơn 10% - chính xác là 10,58% bỏ cho thủ tướng đương nhiệm.

Số phiếu ít ỏi bỏ cho Ryzhkov là bước ngoặt, cho thấy dân Nga còn tín nhiệm chính phủ Liên Xô.

Cuộc bầu cử diễn ra trong biến động lớn và đem lại kết quả không bình thường: nước Nga, thành viên to nhất của Liên bang Xô Viết, có tân tổng thống chống lại Đảng Cộng sản.

Nhưng ý thức hệ, cộng sản và hoặc lý tưởng xã hội chủ nghĩa không phải là vấn đề duy nhất khiến cử tri Nga bỏ phiếu cho ông Yeltsin.

Cuộc bầu cử xảy ra sau khi ông Ryzhkov tung ra một kế hoạch cải tổ Giá - Lương – Tiền bất thành nhằm cứu vãn kinh tế.

Bị cho là 'ba phải', 'đầy mâu thuẫn', kế hoạch Ryzhkov dự kiến kéo dài tới 1995.

Đáng tiếc cho ông thủ tướng và sếp của ông, Gorbachev, Liên Xô không tồn tại được tới năm đó.

Cải cách vì nền kinh tế 'thị trường có chỉ đạo'

Mùa thu năm 1985 Nikolai Ivanovich Ryzhkov, người Ukraine, lên làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (thủ tướng) khi mới 56 tuổi.

Đi lên từ ngành cơ khí, ông được cho là nhân vật 'kỹ trị' và cởi mở.Vào Đảng Cộng sản năm 1956, giữa thời Tan băng của Tổng bí thư Nikita Khrushchev, ông thuộc lứa cán bộ không có 'não trạng thời Stalin'.

Trở thành cánh tay phải của Gorbachev, người lên nắm quyền Tổng bí thư Đảng năm 1985, Ryzhkov lao vào cải cách nền kinh tế Liên Xô, và ngay lập tức vấp phải những mâu thuẫn rất căn bản về giá cả và cơ cấu sở hữu.

Nền kinh tế Liên Xô từ nhiều năm được điều hành bởi GOSPLAN, cơ quan siêu quyền lực, quản lý từ nguồn vốn cho mọi ngành công nghiệp, nông nghiệp, tới ngân sách các nước cộng hòa, và giá, lương, tiền.

Mọi nỗ lực cải cách GOSPLAN, 'ông chủ' của cả nền kinh tế, đều gặp sự chống đối của nhiều nhóm lợi ích trong bộ máy và trở thành tranh chấp ý thức hệ, về định nghĩa sở hữu, và thế nào là kinh tế thị trường.

Theo các tài liệu công bố sau này, như 'Differences over Economics in Soviet Leadership 1988-90' của Anders Aslund, cho thấy bức tranh như sau:

Nhà tư tưởng (bảo thủ) Yegor Ligachev chống lại sở hữu tư nhân và thị trường tự do, còn Alexander Yakovlev (nhà lý luận cải cách) tin rằng thị trường tự do vẫn có thể tồn tại trong khuôn khổ thể chế Liên Xô.

Ligachev đồng ý là cần nới lỏng quản trị của nhà nước, và để các doanh nghiệp tự chủ hơn một chút, còn Yakovlev thậm chí muốn Liên Xô có thị trường chứng khoán. Phó Thủ tướng Vadim Medvedev chọn cách đứng trung dung, giữa hai người kia nhưng thực chất nghiêng về phía tự do hóa của Yakovlev.”

Các cuộc họp do Gorbachev chủ trì thường có Ryzhkov là người thực hành ý tưởng không quá bảo thủ, không quá cấp tiến của Gorbachev.

Nhưng nhu cầu cải tổ hệ thống giá hàng hóa vốn đã rất bất hợp lý buộc Gorbachev phải lập ra một cơ quan to hơn cả GOSPLAN, mang tên Ủy ban Nhà nước về Cải tổ Kinh tế thuộc Hội đồng Bộ trưởng vào tháng 7/1989.

Sang tháng 10, nhà kinh tế Leonid Abalkin được giao nhiệm vụ soạn thảo kế hoạch cho Ủy ban mới lập, và các đề xuất của ông đã gây choáng cho lãnh đạo Liên Xô.

Abalkin muốn công nhận nền kinh tế nhiều thành phần sở hữu, giảm quản trị của nhà nước trong kinh tế, tiến tới tự do hóa giá hàng hóa và lập thị trường chứng khoán.

Ông Abalkin còn công khai lên án nền kinh tế kế hoạch hóa và nói thẳng rằng “thị trường là con đường dân chủ nhất để quản trị kinh tế”.

Chưa đầy hai tháng vào, vào tháng ngày 13/12/1989, Thủ tướng Nikolai Ryzhkov tung ra một kế hoạch khác với kế hoạch Abalkin về nhiều điểm, mà thực chất là một bước lùi.

Cho đến nay người ta không rõ vì sao Gorbachev không ủng hộ 100% kế hoạch Abalkin mà cho phép Ryzhkov giới thiệu kế hoạch thứ nhì, lạc hậu hơn, trước các đại biểu Xô Viết toàn liên bang.

Chụp lại video,

Mikhail Gorbachev: 'Từ bỏ chức vụ là chiến thắng của tôi'

Kế hoạch của Ryzhkov xác định việc giải phóng các doanh nghiệp, nhà máy, công xưởng của Liên Xô khỏi quản lý của nhà nước là không khả thi, thậm chí “có thể gây sốc cho nền kinh tế”.

Về giá cả, ông đồng ý cần tiến tới sự điều chỉnh chứ không thả nổi giá như ngoài thị trường.

Ông đề xuất ba mức giá khác nhau: giá hàng của công nghiệp quốc doanh đẩy lên cao hơn một chút, giá nông sản được tự do ở thị trường và giá nhu yếu phẩm giữ thấp tối đa và theo quy định.

Ryzhkov bác bỏ việc chấp nhận sở hữu đa thành phần, gồm cả sở hữu tư nhân và chỉ đồng ý với Abalkin là cần có một lộ trình để điều chỉnh các kế hoạch kinh tế.

Abalkin cho rằng kinh tế Liên Xô cần khoảng thời gian từ 1990 đến 1995 để chuyển đổi sang thị trường toàn diện, còn Ryzhkov thì rút ngắn thời gian lại, chỉ trong hai năm 1991 và 1992.

Nhưng điều gây ngạc nhiên là ở chỗ vị thủ tướng Liên Xô cuối cùng muốn dùng hai năm đó để đưa nền kinh tế trở về với lối quản trị kế hoạch hóa như trước. Ông đề xuất tạm hoãn việc cải cách giá tới 1991.

Gorbachev hoàn toàn vắng bóng khi cuộc cãi vã trong Đảng CS LX xảy ra ở cấp cao nhất về Kế hoạch mang tên Ryzhkov, theo nghiên cứu của Anders Aslund.

Các diễn văn của Gorbachev đều rất chung chung, nhiều mỹ từ, né tránh thực tế và kế hoạch của Ryzhkov cũng vì phải nghe theo Gorbachev mà trở nên chậm trễ, và ngày càng bất khả thi.

Yeltsin xóa bỏ mọi kế hoạch Kremlin vẽ ra

Trở lại với cuộc bầu cử định mệnh cho Nikolai Ryzhkov tháng 6/1991: sự kiện Boris Yeltsin thắng cử, lên làm Tổng thống Nga (vẫn thuộc Liên Xô) đã làm đảo lộn mọi kế hoạch trên giấy.

Chưa kể, Yeltsin nhanh chóng cấm Đảng CS LX hoạt động, khiến các chức vụ của bộ máy Liên Xô ngay tại thủ đô Moscow trở nên mất hết quyền lực.

Cuối năm đó, Liên Xô giải thể. Sang đầu năm 1992, Boris Yeltsin ra sắc lệnh tự do hóa toàn bộ giá cả ở Nga, tạo cú sốc đẩy kinh tế Nga vào con đường 'thị trường tự do'.

Hậu quả trước mắt là lạm phát phi mã tước đi thu nhập, tiết kiệm của mọi gia đình, hàng vạn nhà máy phá sản.

Ứng cử viên tổng thống Boris Yeltsin cùng vợ bắt tay người ủng hộ khi đang trên đường đi bỏ phiếu vào tháng 6/1991.
GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Ứng cử viên tổng thống Boris Yeltsin cùng vợ bắt tay người ủng hộ khi đang trên đường đi bỏ phiếu vào tháng 6/1991.

Cuối năm 1992, chừng 1/5 GDP của Nga là tiền do nhà nước in ra, và sang năm 1993, đồng ruble sụp đổ và người dân dùng đô la Mỹ ngoài chợ đen để trang trải.

Mùa hè năm đó, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ rút khỏi khu vực tiền ruble (ruble zone), và về cơ bản đẩy mọi ảnh hưởng chính trị, lịch sử của nước Nga ở các xứ sở đó về số không.

Ngày nay nhìn lại, thật khó biết nếu thực hiện kế hoạch của Ryzhkov thì Liên Xô có cứu vãn được nền kinh tế năm 1989-90 hay là không.

Đa số các đánh giá nay cho rằng nước Nga không được chuẩn bị để chuyển sang kinh tế thị trường và di sản của 70 năm kinh tế XHCN quá nặng nề, không thể cứu vãn nổi bằng bất cứ kế hoạch nào.

Điều quan trọng là mọi nỗ lực tự làm của người Nga để chuyển đổi cơ cấu kinh tế của họ đều không thành công nếu thiếu sự ủng hộ từ bên ngoài.

Michel Camdessus (trái), Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Viktor Chernomyrdin, Thủ tướng Nga (phải) năm 1995, khi IMF cho Nga vay 6,5 tỷ đôla.
HECTOR MATA/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Michel Camdessus (trái), Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Viktor Chernomyrdin, Thủ tướng Nga (phải) năm 1995 tại điện Kremlin, khi IMF cho Nga vay 6,5 tỷ đôla.

Quả vậy, năm 1995, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp tín dụng và hợp tác giúp Ngân hàng Trung ương Nga ổn định thị trường tiền tệ, giữ giá đồng ruble, kìm được lạm phán.

Việc tái kiểm soát doanh thu từ xuất khẩu dầu và khoáng sản giúp chính phủ 'cầm cự' được tới khủng hoảng kinh tế thế giới 1998, khi nợ công của Liên bang Nga tăng khủng khiếp.

Sang thời kỳ mới, tác giả của chương trình cải cách giá 'ba mức' không thành, Nikolai Ryzhkov không muốn rời chính trường. Năm 1995, ông trúng cử vào Duma Quốc gia (Quốc hội) của Nga.

Ông trở thành chủ tịch khối Quyền lực Nhân dân rồi lên lãnh đạo Liên minh Nhân dân Ái quốc Nga, với Gennady Zyuganov là nhân vật đứng đằng sau.

Nhưng khi Zyunagov đại diện Đảng Cộng sản Nga (phục hoạt) ra tranh cử tổng thống chống lại Yeltsin năm 1996, giành được 54% phiếu, và dẫn dắt đảng này quay lại Viện Duma, Nikolai Ryzhkov chọn vị thế riêng.

Năm 2012, ông trúng cử vào Thượng viện Liên bang Nga với tư cách độc lập và tiếp tục có các hoạt động liên kết, trợ giúp các nước thuộc Liên Xô cũ như Armenia.

Nhiệm kỳ thượng nghị sĩ của ông còn tới 2022 mới kết thúc nhưng giờ đây, mỗi khi nhắc đến Liên Xô, người ta lại coi Ryzhkov là vị thủ tướng liên bang cuối cùng đã thất bại, không đủ dũng cảm để làm cải cách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét