Y Chan
Câu than vãn này hợp tình hợp lý đến mức ai cũng nói, và rất ít người cảm thấy có gì bất thường với nó.
Sự thật là: khi xuất hiện trên đường, ta chính là một phần của giao thông, và nếu giao thông tắc nghẽn, ta chính là một phần tạo ra sự nghẽn mạch đó.
Không có ai là “nạn nhân”. Tất cả đều là những “kẹt nhân”.
Đây không chỉ thuần túy là chuyện chữ nghĩa. Cách đóng khung vấn đề ảnh hưởng đến cách mỗi người nhìn nhận vấn đề. Cụ thể hơn, trong trường hợp này, là cách mà chúng ta muốn thay đổi xã hội, hoặc không.
Thay đổi từ đâu mà ra
Triết gia Hy Lạp Heraclitus từng phát biểu, “thứ duy nhất trên đời tồn tại vĩnh hằng là sự thay đổi” (the only thing constant in life is change). Ông cũng được cho là tác giả của câu nói quen thuộc “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”.
Thay đổi là một phần tất yếu của cuộc sống. Ở quy mô lớn, ảnh hưởng đến nhiều người, ta gọi nó là các “thay đổi xã hội”.
Trong sách “Chính trị bình dân”, tác giả Đoan Trang đã dành đoạn đầu của chương I trong phần “Tương tác chính trị” (V) để giới thiệu về những thay đổi này.
Theo đó, các thay đổi xã hội là “sự biến đổi các thiết chế văn hóa và xã hội theo thời gian”. Nó thường là kết quả của những nguyên nhân dưới đây.
Công nghệ, khoa học kỹ thuật: những phát minh sáng chế thay đổi cả một nền văn hóa và xã hội. Ví dụ như kính đeo mắt, đồng hồ cơ giới, máy in…
Những phát minh như kính đeo mắt giúp kéo dài tuổi lao động của những thợ thủ công lành nghề, đặc biệt những người làm các công việc tinh vi: những người chuyên sao chép, những người đọc, những thợ làm dụng cụ và công cụ, những người chế tạo các sản phẩm tinh xảo… Năng suất lao động và khả năng làm việc được cải thiện giúp con người tiếp tục sáng tạo ra những dụng cụ tinh vi khác, biến đổi cả một nền văn hóa. Đó là điều đã xảy ra ở châu Âu khi các phát minh về thấu kính giúp khu vực này phát triển hơn xa những nơi khác, cả về năng lực làm việc lẫn trình độ sản xuất hàng loạt.
Mâu thuẫn, căng thẳng và xung đột: Theo Karl Marx, “đấu tranh giai cấp” là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Một thế kỷ sau Marx, nhiều người đã chỉ ra cách giải thích này không đủ mô tả bản chất của xã hội. Chính xác hơn phải nói là mâu thuẫn xã hội nảy sinh từ sự bất bình đẳng (bao gồm giữa giai cấp, sắc tộc, giới tính…) sẽ đưa đến các thay đổi xã hội.
Tư duy, quan niệm: Theo nhà sử học Max Weber, nguồn gốc của nhiều sự thay đổi xã hội chính là suy nghĩ, quan niệm. Ví dụ thường thấy là những người có sức hấp dẫn, lôi cuốn như Martin Luther King có thể đưa ra những thông điệp làm thay đổi thế giới.
Nhân khẩu học: Thay đổi về dân số cũng có thể đưa đến thay đổi xã hội. Ví dụ như việc tỷ lệ sinh gia tăng sau chiến tranh, tốc độ đô thị hóa nhanh hơn, việc đất nước bước vào thời kỳ dân số vàng, hay khi dân số già đi… tất cả đều có thể đưa đến thay đổi về tâm lý xã hội, văn hóa xã hội, thói quen tiêu dùng…
Biến động chính trị: Các nhân tố tạo ra thay đổi xã hội kể trên thường là không có kế hoạch, không ai định liệu trước, và không theo chủ ý của một cá nhân hay tổ chức nào. Trong khi đó, biến động chính trị là kết quả của những nỗ lực thật sự và có chủ đích.
Làm chính trị
Nếu không phải là một nhà phát minh với khả năng tạo ra những công nghệ đột phá, cách phổ biến để một người bình thường có thể thay đổi xã hội là tham gia vào việc tạo nên những biến động chính trị, hay nói nôm na là “làm chính trị”.
Đối với nhiều người Việt, “làm chính trị” là một cụm từ đáng sợ. Đó là vì cách hiểu của chúng ta về chính trị bị bó lại trong một không gian rất hẹp.
Ở chương đầu trong phần I “Chính trị là gì”, tác giả Đoan Trang đã giới thiệu bốn định nghĩa khác nhau về chính trị, từ hẹp đến rộng.
1. Chính trị là quá trình ra các chính sách công (chính sách công, tức là các chính sách của chính quyền).
2. Chính trị là việc giành, giữ và thực thi quyền lực nhà nước, do các đảng phái, tổ chức chính trị, và các cá nhân là chính trị gia thực hiện.
3. Chính trị là những gì diễn ra trong “lĩnh vực công”, tức những gì thuộc không gian chung, của cộng đồng. (Từ “công” ở đây nghĩa là “chung, của chung”).
4. Chính trị là việc gây ảnh hưởng lên những người khác, chẳng hạn và rõ rệt nhất là tác động lên chính sách.
Với hai định nghĩa đầu, chính trị là những gì chỉ diễn ra trong chính trường, hay nói đơn giản nó là “việc của các quan”.
Trong định nghĩa thứ ba, chính trị là những gì liên quan tới cái chung, còn những gì diễn ra trong lĩnh vực tư, không phải của cộng đồng, là phi chính trị.
Định nghĩa thứ tư là cách hiểu rộng nhất về chính trị. Mọi tương tác với mục đích ảnh hưởng đến người khác đều được xem là “làm chính trị”.
Một số người sẽ không cảm thấy thoải mái với cách hiểu rộng như vậy. Nhưng xét cho cùng, đó có lẽ là cách hiểu gần nhất với thực tế.
Con người là động vật xã hội, sống tập hợp theo bầy. Chất keo kết dính các thành viên trong bầy không gì khác hơn là các hoạt động tương tác ảnh hưởng lẫn nhau, mà trong tâm lý học được gọi với thuật ngữ “social influence” (ảnh hưởng xã hội). Mọi sự hợp tác, chia sẻ, liên kết tình cảm, đều là kết quả của các hoạt động tương tác kiểm soát lẫn nhau này. Không có nó, mọi tập hợp đều là vô nghĩa, có cũng vậy mà không cũng chẳng sao.
Gây ảnh hưởng lên người khác, hay “làm chính trị”, vì vậy là một phần tất yếu của xã hội loài người.
Ở những xã hội dân chủ, việc bỏ phiếu bầu chọn ra những người thay mặt mình quản lý đất nước là hành động “làm chính trị” tuy đơn giản nhưng đầy quyền lực. Ở những xã hội khác, “bầu ai cũng vậy thôi”.
Một mình hay nhiều mình
Một khi không còn thấy sợ hãi với chuyện “làm chính trị”, người ta sẽ phải suy nghĩ về việc “làm chính trị như thế nào”, hay thay đổi xã hội ra sao.
Lựa chọn trực tiếp nhất tất nhiên là “làm quan”, ra ứng cử và thuyết phục người khác bầu cho mình để thay mặt họ quản lý đất nước, ra các chính sách dẫn tới sự thay đổi.
Nhưng làm chính trị không phải chỉ có làm quan. Trong một xã hội dân chủ thật sự, bất kỳ ai cũng có thể làm chính trị, bất kỳ ai cũng có thể tạo ra thay đổi xã hội. Một trong những con đường để đi đến mục đích đó là tham gia vào “xã hội dân sự” – quá trình tham gia giải quyết các vấn đề của xã hội, hoặc với tư cách cá nhân, hoặc liên kết cùng người khác.
Cá nhân hay với người khác, một mình hay nhiều mình, là một vấn đề thú vị và gây tranh cãi.
Henry David Thoreau, một trong những triết gia có nhiều ảnh hưởng nhất ở Mỹ, được xem là người đặt nền móng cho phong trào “bất tuân dân sự” (civil disobedience). Vào năm 1846, Thoreau từ chối đóng thuế thân (poll tax) cho chính quyền địa phương, và bị phạt tù một đêm. Hành động của ông là để thể hiện sự phản kháng, không muốn đóng góp cho chính quyền thời đó khi họ đang thực thi các chính sách bất công (chiếm hữu nô lệ, chiến tranh với Mexico). Ba năm sau, Thoreau ghi lại những quan điểm của mình trong luận văn bất hủ “Trách nhiệm bất tuân dân sự” (On the duty of civil disobedience). Lý thuyết về bất tuân dân sự của Thoreau trở thành niềm cảm hứng cho rất nhiều danh nhân sau này, từ Leo Tolstoy đến Gandhi và Martin Luther King.
Hơn một thế kỷ sau khi Thoreau phản kháng, một triết gia tài năng khác của Mỹ là Hannah Arendt, đã chỉ ra rằng việc làm của Thoreau không thể gọi là “bất tuân dân sự”, vì nó thuần túy mang tính cá nhân, hay “chơi một mình”.
Thoreau cho rằng kim chỉ nam cho mọi hành động của con người, bao gồm bất tuân dân sự, phải dựa trên “lương tri cá nhân” (individual conscience). Thứ lương tri của mỗi người đó cao hơn tất cả mọi thứ, kể cả luật lệ của xã hội. Arendt trong khi đó tranh luận rằng lương tri cá nhân là một thứ rất chủ quan, mỗi người mỗi khác.
Nhiều người tham gia diệt chủng dân Do Thái trong Thế chiến II, hay thực hiện các hành vi khủng bố, hoặc chống lại dân nhập cư, kỳ thị người đồng tính… cũng hành động theo lương tri cá nhân. Họ cũng tin rằng mình đang làm điều có đạo đức, rằng mình đang làm điều tốt cho xã hội.
Lương tri cá nhân vì vậy có thể dùng làm cái cớ cho mọi hành động trên đời, bất kể nó vô đạo đức đến đâu.
Ngoài ra, Arendt còn cho rằng lương tri chỉ đủ để khiến mỗi người không làm điều xấu, chứ không phải là thứ sức mạnh giúp họ thay đổi xã hội.
Bằng cách yêu cầu bản thân không hại người, không làm điều ác, một người có thể bảo vệ lương tri trong trắng của chính mình. Nhưng chỉ nhiêu đó là không đủ để thay đổi xã hội, khi cái xấu, cái ác từ những nguồn khác vẫn tiếp tục tồn tại.
Điểm khác biệt quan trọng nhất giữa hai triết gia này nằm ở việc Thoreau xem bất tuân dân sự là chuyện của cá nhân, còn Arendt định nghĩa nó là việc của tập thể.
Thoreau không xem việc thay đổi xã hội là trách nhiệm của các cá nhân. Thay vào đó, ông quan tâm đến việc làm thế nào để mỗi cá nhân giữ lương tri của mình trong sạch. Arendt đồng ý rằng sẽ tốt hơn khi mỗi cá nhân không tự mình làm những chuyện xấu, nhưng khi đặt trọng tâm ở việc “chơi một mình”, sẽ rất dễ để mỗi người tự hài lòng với hiện trạng xã hội – miễn là chuyện xấu, chuyện bất công đó không có phần của mình tham gia.
Một mình hay nhiều mình, rốt cuộc tùy thuộc vào mục đích của mỗi người. Nếu mục đích là để thay đổi xã hội, phiên bản của Hannah Arendt có lẽ gần với thực tế hơn nhiều.
Ngay cả khi quyết định liên kết với những người khác, tạo sức mạnh tập thể để biến đổi xã hội thành một phiên bản tốt đẹp hơn, mỗi người vẫn không được phép quên rằng phiên bản đầu tiên phải cập nhật chính là thứ xuất hiện ở trong gương.
Ta không thể đòi cải thiện tình trạng kẹt xe khi không chịu nhận ra rằng mình cũng là một “kẹt nhân”.
Xã hội không thể thay đổi khi ta xem mình là khách đến chơi nhà, đục đục chọt chọt đập đập phá phá cho vui, để rồi phủi tay đi chỗ khác.
Xuất phát điểm của mọi thay đổi luôn đến từ chính bản thân mỗi người. Khi những điểm xuất phát riêng lẻ đó được nối liền một mạch cùng nhau, một bức tranh xã hội mới sẽ dần xuất hiện.
Và khi tất cả cùng về đến đích, ước mơ về một xã hội khác, tốt đẹp hơn, sẽ không còn chỉ là bức họa trong trí tưởng tượng.
Nó sẽ là thế giới thực mà chúng ta, và đặc biệt là những thế hệ tương lai, được quyền tồn tại trong đó.
Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2020/11/thay-doi-xa-hoi-ai-thay-ai-doi-va-de-lam-gi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét