"Đếm tất cả phiếu bầu," một cuộc tuần hành hậu bầu cử Mỹ tại Los Angeles.
Ngày Thứ Sáu 27 tháng 11, Tòa phúc thẩm liên bang tại Tiểu bang Pennsylvania đã bác bỏ đơn kiện nhằm ngăn không cho tiểu bang này chứng nhận ông Joe Biden thắng 20 phiếu cử tri đoàn, nêu lý do kết quả cuộc bỏ phiếu là do gian lận. Tổng thống Donald Trump đã “tuýt” ngay rằng: “Tối cao pháp viện sẽ quyết định!”
Nhiều người nghĩ rằng Tối cao pháp viện Mỹ có thể sẽ nghiêng về phía nguyên đơn, là ban vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump. Họ thấy trong 9 vị Thẩm phán Tối cao hiện có 6 người thuộc khuynh hướng bảo thủ, kể cả ba người do chính Tổng thống Trump bổ nhiệm. Chúng ta phải chờ coi kết quả sẽ ra sao; nhưng có thể tin rằng các vị Thẩm phán sẽ quyết định theo luật pháp và bằng chứng chứ không theo phe đảng.
Các phiên tòa cấp dưới đã chứng tỏ tinh thần chính trực, không theo phe đảng.
Vụ kiện được đưa ra xử lần đầu ngày 21 tháng 11 năm 2020, và bị Chánh án Matthew Brann bác bỏ vì Luật sư bên nguyên Rudy Giuliani cũng xác nhận trước tòa rằng “không có gian lận.” Thẩm phán Brann do Nghị sĩ Cộng Hòa Patrick Toomey đề cử năm 2012 và sau khi toàn thể Thượng viện bỏ phiếu tín nhiệm đã được Tổng thống Obama bổ nhiệm. Ba vị thẩm phán tòa phúc thẩm Pennsylvania đều do các tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm. Chánh án Stephanos Bibas viết rằng “Đơn tố giác cần phải có chứng cớ rõ ràng. Chúng tôi không thấy như thế.” Ông Bibas được Tổng thống Trump bổ nhiệm năm 2017.
Nhưng hiện nay 80% các cử tri Cộng Hòa vẫn nghĩ rằng kết quả cuộc bỏ phiếu năm nay là do gian lận. Hiện tượng này cho thấy lòng tin vào chế độ tự do dân chủ của chính người Mỹ đã lung lay. Phải công nhận rằng chế độ dân chủ đang trải qua một cuộc khủng hoảng niềm tin, không riêng gì ở Mỹ mà còn lan khắp thế giới.
Điều nguy hiểm nhất là các chính quyền do dân chúng bầu lên cũng tìm cách làm suy yếu các định chế dân chủ của nước họ. Tại Venezuela, chính quyền đang tiêu diệt các nhóm đối lập. Tại Ấn Độ, Tổng thống Narendra Modi và đảng Bharatiya Janata Party (BJP) của ông đang tìm cách thao túng các định chế dân chủ vẫn độc lập từ lâu như tòa án, cảnh sát, và có thể cả ủy ban bầu cử toàn quốc. Tổng thống Jair Bolsonaro ở Brazil đã được bầu lên trong phong trào này, và hiện nay vẫn được đa số dân tín nhiệm.
Tại Hungary và Ba Lan, các chế độ dân chủ phôi thai sau 30 năm đang bị đe dọa. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tìm cách nắm toàn quyền, lấn áp và đe dọa tất cả các phe đối lập. Tại Mexico, Tổng thống Andrés Manuel López Obrador tìm cách qua mặt quốc hội và ngành Tư pháp bằng các cuộc trưng cầu dân ý.
Tại nước Mỹ và các nước dân chủ tiền tiến Âu châu, các khuynh hướng cực tả hoặc cực hữu đều gia tăng vì nhiều người dân bất mãn khi họ cảm thấy các quyền tự do dân chủ không đáp ứng những nhu cầu kinh tế thiết thực của họ.
Nhiều người lao động tay chân thấy rõ họ đang tụt hậu về kinh tế, trong khi cả xã hội đang kiếm ra nhiều tiền hơn. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là các ngành kỹ thuật mới ra đời và phát triển đang thay thế các công nghiệp cũ. Những người trẻ tuổi tốt nghiệp đại học kiếm việc dễ dàng trong khi các công nhân lớn tuổi mất việc. Kinh tế toàn cầu hóa khiến cho sự chênh lệch càng trầm trọng hơn, khi tự do thương mại khiến giới lao động lãnh lương thấp ở các nước đang phát triển giành mất việc làm của công nhân các nước đã phát triển cao. Những người này cảm thấy các nhà chính trị đã bỏ rơi họ, Vì thế họ sẵn sàng bỏ phiếu cho các nhà chính trị chống thương mại tự do, chống di dân.
Nền dân chủ ở nước Mỹ đã tồn tại hơn 200 năm hiện nay vẫn được duy trì nhờ những người trong hệ thống hành chánh và tư pháp vẫn giữ đúng vai trò chuyên nghiệp của họ. Chính những người này, thuộc cả hai đảng, đang bảo vệ truyền thống tự do dân chủ. Các vị thống đốc, các ủy ban bầu cử và các quan tòa quyết định theo đúng luật lệ, đó là nền tảng của chế độ dân chủ.
Trong khi đó, nhiều người dân Mỹ sống trong hai thế giới khác nhau. Họ đọc và nghe những thông tin khác nhau, có khi hoàn toàn trái ngược nhau do sự phát triển các mạng thông tin ngoài lề. Sự khác biệt trong cách nhìn thế giới và thái độ đối lập về chính trị gia tăng và càng ngày càng kình chống nhau theo khuynh hướng cực đoan hơn. Một vấn đề nhỏ đã được các nước khác giải quyết nhanh chóng và ôn hòa, như việc đeo mạng che miệng trong cơn bệnh dịch, cũng trở thành một cách bày tỏ thái độ chính trị - có khi gây ra những xung đột chết người.
Tình trạng đó khiến cho nền tảng của cả xã hội suy yếu. Vì chế độ dân chủ là một cơ chế giúp mọi người trong một nước giải quyết những bất đồng quan điểm một cách hòa bình. Khi người ta nhìn người bất đồng ý kiến với mình như những kẻ thù, thì không thể nào chấp nhận có thể thỏa hiệp với nhau nữa.
Những chế độ độc tài, kẻ thù của dân chủ tự do, những ông Vladimir Putin, Tập Cận Bình, đang mỉm cười sung sướng. Báo, đài ở Nga và Trung Quốc đang mô tả những xáo trộn bầu cử ở Mỹ như một chứng cớ cho thấy chế độ dân chủ không những là giả hiệu, vì đầy gian lận, mà còn bất lực, vì các nhà chính trị chỉ lo tranh giành địa vị, không ai lo việc quốc gia!
Nhưng chúng ta có thể tin tưởng rằng chế độ tự do dân chủ của nước Mỹ đủ bền vững mặc dù có bao nhiêu xáo trộn trong cuộc bầu cử năm nay.
Một sức mạnh của chế độ dân chủ tự do là khả năng tái tạo, về kinh tế cũng như chính trị. Khi người dân có quyền bỏ phiếu một cách tự do, thì họ sẽ tạo ra cơ hội thay đổi. Không ai có thể thao túng cả guồng máy hành chánh và tư pháp. Không đảng phái nào có khả năng chiếm đa số vĩnh viễn. Vì người dân nào cũng biết suy nghĩ và được tự do phán xét.
Ngay trong cuộc bỏ phiếu ở Mỹ vừa qua, rất nhiều người đã lựa chọn khác hẳn với thành kiến cố chấp về họ. Nhiều người Mỹ đã bỏ phiếu cho ông Joe Biden nhưng đồng thời vẫn tín nhiệm các nghị sĩ, dân biểu Cộng Hòa. Tổng thống Trump và đảng Cộng Hòa đã chiếm thêm rất nhiều phiếu của người Mỹ da đen hoặc gốc Hispanic, hơn hẳn số phiếu họ bỏ cho ông Trump năm 2016. Trước tình trạng đó, cả hai đảng chính trị sẽ phải tìm cách chinh phục phiếu của từng người dân, vì không thể đoán trước một nhóm người hay một tầng lớp nào sẽ bỏ phiếu ra sao. Đó chính là điều thiết yếu của thể chế tự do dân chủ. Đó cũng là niềm hy vọng của thế giới.
Những người yêu chuộng tự do dân chủ ở Ba Lan, Hungary, Venezuela, Trung Quốc và Việt Nam sẽ còn hướng về nước Mỹ để giữ vững niềm tin. Trong mấy tháng qua, người dân Belarus vẫn tiếp tục biểu tình đòi tự do dân chủ, mặc dù ông tổng thống cố đấm ăn xôi được Vladimir Putin nâng đỡ bằng hai tay. Người dân Uyghur ở Tân Cương, các thanh niên đi biểu tình ở Thái Lan vẫn đặt hy vọng vào một tương lai tự do dân chủ. Họ có thể nhìn vào cuộc bỏ phiếu ở Mỹ vừa qua mà kết luận, như ông Alexei A. Navalny rằng: “Thế đấy! Thế mới gọi là bầu cử!” Ông Navalny mới thoát chết sau khi sang Đức chữa trị vì bị đầu độc, mà mọi người đều nghi ngờ là do thủ hạ của Tổng thống Vladimir Putin ra tay.
Muốn ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Cộng, nước Mỹ sẽ phải liên kết với các chính quyền dân chủ ở châu Âu và châu Á. Dân chúng các nước Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản cho tới Singapore, Đài Loan hoặc Indonesia đều thấy rằng họ không thể tin tưởng vào những lãnh tụ kiểu Tập Cận Bình, Putin hay Kim Jong Un. Và họ phải cảm thấy gần gũi với dân Mỹ hơn. Vì ai cũng muốn sống tự do và được quyền chọn lựa người cai trị mình bằng lá phiếu. Nước Mỹ sẽ phải tiếp tục đóng vai trò lãnh đạo trong việc cổ võ cho thể chế dân chủ trên toàn thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét