Hoàng Hoành Sơn
Báo Tuổi Trẻ ngày 24/11 đưa tin: Trường ĐH Đông Đô đã cấp hơn 600 bằng cử nhân tiếng Anh giả (hệ văn bằng 2), trong đó có nhiều người “mua” bằng là cán bộ công chức nhà nước. Đáng chú ý có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ.
Sự kiện này giúp phản tỉnh gì cho bộ GDĐT, nhà nước, đảng cộng sản VN và toàn dân VN? Trước hết, cần lưu ý lãnh đạo đại học Đông Đô phải có ô dù cực lớn và có tấm thẻ đảng đo đỏ mới được phép ngồi vào ghế lãnh đạo. Ở VN, đcsVN độc quyền giáo dục, không có tổ chức dân sự hoặc tôn giáo nào được phép mở trường dạy học, ngoại trừ mở trường Mầm Non. Và những hiệu trưởng từ cấp tiểu học lên đến đại học phải là đảng viên. Nó là quy luật bất thành văn nhưng được áp dụng rất triệt để tại VN.
Trước khi sự việc đại học Đông Đô nổ ra, còn có rất nhiều lãnh đạo các trường đại học ở VN bị đưa lên mặt báo. Như vụ ông Lê Vinh Danh, vừa làm hiệu trưởng vừa nắm vai trò bí thư đảng ủy của đại học Tôn Đức Thắng (2); bị cáo buộc sử dụng quỹ không đúng mục đích; chênh lệch trong chi trả lương giữa Hiệu trưởng, Trợ lý Hiệu trưởng với các Phó Hiệu trưởng và phần lớn cán bộ, giảng viên, nhân viên (3).
Và thêm lãnh đạo đại học Đồng Nai bị kỷ luật vì sửa bài thi, bỏ ngoài sổ sách hơn 63 tỉ đồng (4). Nhiều giảng viên của Đại học Ngoại thương đã đơn gửi đến nhiều cơ quan Đảng, Nhà nước và người có thẩm quyền tố cáo các vi phạm của Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu và Phó hiệu trưởng Đào Thị Thu Giang; tố cáo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo bao che người có sai phạm thông qua kết luận thanh tra không đúng bản chất sự việc và xử lý sau thanh tra (5).
Rồi nào là đại học Nha Trang, đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, đại học Thành Đô, đại học Kinh Tế Quốc Dân, đại học Điện Lực, đại học Thái Nguyên (6) v.v… và còn nhiều đại học khác có những sai phạm nghiêm trọng về tuyển sinh đầu vào, bất kể điểm thi thế nào; hoặc một trường đại học cả hai chị em đều là lãnh đạo, em làm hiệu trưởng, chị làm hiệu phó và cả hai đều sử dụng bằng tiến sĩ của một trường đại học ma ở Hoa Kỳ; còn biết bao sai phạm về quản lý tài chánh, sử dụng tiền thu từ sinh viên vô tội vạ; chia bè kết cánh để tham nhũng… tất cả đều ở cấp lãnh đạo đại học, đều là những bí thư, đảng viên đảng cộng sản VN.
Thế nên, sự kiện Đông Đô và tình trạng đại học bát nháo tại VN hiện nay nói lên điều gì?
- Thứ nhất số lượng tiến sĩ, thạc sĩ ở VN tăng cao là đáng mừng hay đáng lo?
Theo báo cáo của bộ Giáo Dục và Đào Tạo (GDĐT), năm 2016 Việt Nam (VN) có 24 ngàn tiến sĩ, trong đó có 15 ngàn tiến sĩ làm việc trong các trường đại học, cao đẳng trên khắp cả nước (7). Theo chỉ tiêu hàng năm của bộ GDĐT về đào tạo tiến sĩ, có lẽ hiện nay số tiến sĩ VN đã lên đến trên 30 ngàn vị.
Đang khi trên thế giới, theo khảo sát của tạp chí Fobes, năm 2014, Hoa Kỳ là quốc gia có số tiến sĩ cao nhất với 67.449 vị; Đức có 28.147 vị; Anh quốc có 25.020 vị và thứ tư là Ấn Độ có 24.300 vị. Nhật bản đứng thứ năm, nhưng chỉ có 16.039 vị; kế đến là Pháp có 13.729 vị tiến sĩ (8). Các quốc gia này đều có những tiến sĩ đạt các giải thưởng khoa học danh giá trên thế giới và họ có những đóng góp thiết thực không chỉ cho quốc gia họ mà cho cả thế giới nữa.
Một vài con số tham khảo cho thấy VN là một lò đào tạo tiến sĩ thuộc dạng khủng. Quân bình mỗi ngày có thêm một người thăng học vị tiến sĩ và gần 10 người đỗ thạc sĩ. Theo đó, năm học 2016-2017, tổng số thạc sĩ và tiến sĩ tốt nghiệp là 35.918. Trong đó có 1.234 tiến sĩ. Đến năm học 2017-2018, số người tốt nghiệp sau đại học tăng lên 38.021, trong đó có 1.545 tiến sĩ. Số liệu này không tính các trường khối quốc phòng, an ninh, quốc tế, hoặc những ai lấy bằng tiến sĩ ở nước ngoài (9).
Tâm lý các bậc làm cha mẹ ở VN thường mong con cái thành đạt, làm quan chức. Cái tâm lý này càng bộc phát trong xã hội cộng sản vĩ cuồng đánh thắng cả thực dân lẫn đế quốc; những người cộng sản luôn mang tâm thế độc tôn, nắm quyền lực tự tung tự tác hoặc dán tấm thẻ đảng lên trán là có thể dương danh thiên hạ. Có sai phạm chỉ là kỷ luật, kiểm điểm, nghiêm khắc phê bình hay chỉ là phê và tự phê… là xong.
Nên nhiều bậc phụ huynh có thẻ đảng đã bằng mọi giá phải tạo một vỏ bọc an toàn giúp con cái đủ điều kiện bước vào hàng ngũ lãnh đạo. Tâm lý này giải thích vì sao đảng viên cấp cao luôn gởi con cái ra nước ngoài du học, và khi trở về với cái mác đi Tây lại nối tiếp chiếc ghế quyền lực đã được dọn sẵn.
Thành phần con ông cháu cha, thái tử đỏ này đa phần là cậu ấm , cô chiêu sung sướng từ nhỏ. Đi học chỉ là cái cớ ra nước ngoài ăn chơi phè phỡn. Cần bằng đã có tiền đủ mua tất cả. Những ai có bằng tiến sĩ ở Liên Xô cũ hẳn còn nhớ những vị tiến sĩ tranh thủ ở lại các nước thuộc khối cộng sản để buôn bán hàng hóa và kiêm luôn việc viết luận án tiến sĩ cho những cán bộ “nguồn” được VN gởi qua học chuyên tu, chủ yếu lấy bằng về làm lãnh đạo. Và mỗi bài luận như thế có giá cả chục ngàn rúp thời ấy.
Những đảng viên còn lại trong nước với quyền hô mây gọi gió từ bộ Giáo Dục trong việc cấp bằng tiến sĩ và thạc sĩ tiếp tục hà hơi tiếp sức cho tâm lý thăng quan tiến chức này. Có bằng tiến sĩ hoặc thạc sĩ là nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng. Vừa là chìa khóa mở ra con đường danh vọng làm thầy thiên hạ chứ không chịu lam lũ làm thợ.
Vì thế, điều đáng nói ở VN số lượng tiến sĩ rất đông, nhưng con số đóng góp cho công nghệ, khoa học, bài đăng báo nghiên cứu sau tiến sĩ rất là khiêm tốn. Càng không có chuyện giật giải Nobel hoặc đóng góp lớn lao cho đất nước, chứ chưa dám nói đóng góp cho thế giới. Ở đây chỉ nói đến chất lượng các tiến sĩ đào tạo trong nước, chứ nhân tài thực sự họ đã đi ra nước ngoài cống hiến mất rồi.
Điều đáng lo nhất cho hiện tượng Đông Đô chính là bằng cấp là tiến sĩ mà thực lực chỉ ngang đại học hoặc tệ hơn. Điều đáng lo thứ hai là nhân tài thực sự của nước nhà không nằm trong bảng vàng tiến sĩ VN. Đan cử trường hợp ông nông dân Hai Lúa Tây Ninh, người đã thành công chế tạo trực thăng và xe bọc thép. Ông được vương quốc Campuchia trao huân chương Đại tướng quân. Trực thăng của ông được bảo tàng Mỹ, Hàn mua lại để trưng bày, bản thân ông Hai Lúa cũng được Úc mời tham gia triển lãm và nói chuyện về công việc chế tạo trực thăng của mình (10). Có tiến sĩ giấy nào ở VN đã làm được như thế?
Việc chảy máu chất xám ở VN đã trở thành chuyện bình thường mấy ai quan tâm. Ban Tuyên giáo hướng người dân vào những thứ hài nhảm, những tai tiếng trong giới showbiz hơn là chú trọng tri thức. Cứ xem truyền hình sẽ rõ, các em đi thi đường lên đỉnh Olympia, vất vả học tập biết mấy, vậy mà đứng nhất cuộc thi tuần chỉ được thưởng 4 triệu đồng; riêng ai đi thi gameshow vốn dung tục, tấu hài chọc cười chốc lát, thí sinh lên chỉ hát “đà đá đa” lĩnh thưởng cả trăm triệu đồng?!? (11)
- Thứ hai, một nền giáo dục thất bại kèm theo những hậu quả gì?
Một lối giáo dục chỉ tiêu, thi đua đoạt thành tích di họa đầu tiên đến chính người đi học. Giáo dục chỉ nhắm đến tiền chứ không nhắm mục tiêu đào tạo con người. Hiển nhiên giáo dục phải có lợi nhuận, nhưng chỉ khi nào anh có khả năng mang lại chất lượng thật sự cho sinh viên. Hẳn nhiên, sinh viên sẽ chọn các trường danh tiếng, uy tín để gởi gắm kỳ vọng có được sự đào tạo chất lượng như bản thân mong ước. Đằng này cầm đèn chạy trước ô tô, đưa ra chỉ tiêu này nọ, đủ chỉ tiêu mới có thành tích, được khen thưởng, mà chất lượng lại yếu kém, thiếu vắng đạo đức.
Sao lạ vậy, đào tạo cần tùy thuộc vào khả năng của sinh viên, em nào giỏi giang có thực tài gồm cả đức độ mới được chọn lựa học lên thạc sĩ hoặc tiến sĩ chứ. Nhìn vào những người đi mua bằng giả của Đông Đô hầu đủ điều kiện nghiên cứu sinh tự nó nói lên điều gì? Đạo đức không có, nhân bản liêm sỉ cũng không còn. Vậy những tiến sĩ như thế mang lại phúc lộc gì cho tổ quốc?
Thời xưa cả nước thi tuyển nhân tài rất kỹ lưỡng, không dễ mà có tên trên bảng vàng. Nên người đi học thời trước nỗ lực gắng công học tập thành tài, rèn luyện gồm đủ: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín mới xứng danh làm tiến sĩ, ông Cống, ông Nghè. Người xưa về nhiều phương diện sẽ không thể qua mặt lớp hậu sinh thời hiện đại, nhưng các bậc hiền nhân đi trước đó đã hiểu rằng: hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nếu những kẻ được tuyển chon không hội đủ điều kiện là hiền tài sẽ làm tổn thương nguyên khí quốc gia nghiêm trọng.
Hiện trạng giáo dục VN như thế này không biết VN có còn nguyên khí để tổn thương hay không. Bộ Giáo Dục là người đại diện nhà nước, đại diện người dân để lựa chọn hiền tài quốc gia, ghi danh lên bảng tiến sĩ nhắm có người tài phục vụ quốc gia – dân tộc. Đáng buồn là bộ Giáo Dục cũng không minh chứng bộ mình có những bậc hiền tài thực sự. Họ không thể chọn ra người hiền tài, mà chỉ chọn ra người có tiền và có đầu óc vĩ cuồng, tự tôn bản thân ra khỏi tầm với của khả năng thực tế. Nên họ phải luồn lách, lươn lẹo đủ cách đạt cho được bằng cấp mà họ không đủ khả năng với tới được.
Hậu quả bằng giả công khai tồn tại cả thời gian dài ở VN là một minh chứng rõ ràng cho nền giáo dục hoàn toàn thất bại. Thất bại lớn nhất xuất phát từ chính việc tuyển sinh vào sư phạm. “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” là câu nói dành cho những nhà giáo tương lai dưới thời cộng sản. Điểm thi đầu vào của ngành sư phạm cũng rất thấp, vậy mà cũng không đủ chỉ tiêu tuyển sinh khiến nhiều ngành sư phạm phải đóng cửa (12). Thế lấy đâu ra những “danh sư” để có thể xuất ra những “cao đồ”?
Giáo dục VN như chiếc xe xuống dốc không phanh, biết bao tệ nạn xảy ra trong học đường: học sinh đánh nhau quay clip tung lên mạng; giáo viên hành hung học trò, tệ ngồi nhầm lớp lan tràn; sách giáo khoa gây bức xúc trong phụ huynh, học phí đại học tăng đột biến gây ồn ào trong dư luận; chuyện sinh viên nữ “đổi tình lấy điểm” từ giáo sư đại học không còn là chuyện xưa nay hiếm nữa.
Điều đáng sợ nhất là chính những “sản phẩm” học đường thời cộng sản vốn thiếu đạo đức và vô văn hóa như thế lại trở thành những lãnh đạo “nguồn” cao cấp trong bộ máy nhà nước cộng sản VN. Nó thể hiện qua những phát ngôn ngớ ngẩn, không giống ai của hàng ngũ lãnh đạo cộng sản này cũng như những hệ quả kinh tế yếu kém, tàn hại các tài nguyên đất nước, phá hoại môi trường sống, bất lực trước việc gìn giữ đất biên giới, biển đảo, trong nước đầy dẫy các vụ lừa đảo, trộm cướp, dân mất niềm tin vào nhà nước và thất vọng về sự lãnh đạo của đảng cộng sản.
Cán bộ cấp cao ra những luật không giống ai: lợn không được ăn rau chuối, bèo tây, thỏ không được ăn cà rốt (13). Bộ trưởng Nông Nghiệp không phân biệt được đâu là rừng nguyên sinh, đâu là rừng công nghiệp nên cứ “cộng bừa” cả hai vào 1 loại rừng nguyên sinh mà báo cáo trước Quốc hội (14)? Trạm thu “phí” đổi thành Trạm thu “giá” làm không ít tay tài xế “hiểu nhầm” vác nguyên thúng “giá đỗ” đi nộp mỗi khi qua trạm BOT (15). Hoặc như pháp ngôn “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc” của Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND Tp HCM (16). Ông Nguyễn Sinh Hùng, nguyên chủ tịch Quốc hội từng nói: “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai?” (17).
Vâng, vài minh chứng như trên cho thấy dân tộc VN có thể tồn tại bền vững và lâu dài như dãy Trường Sơn mà biết bao đời cha ông đã gầy dựng không? Nước Việt còn đủ khả năng “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ông Hồ quảng cáo hay không? Tương lai quê hương sẽ về đâu với lực lượng đảng viên cộng sản đang ra sức tàn hại đất nước vốn tươi đẹp này? Biết bao con dân đất Việt phải tức tưởi bỏ nước vượt biên tìm đường sống trong sự chết, với biết bao thảm cảnh khôn kể xiết và hiện nay vẫn thế, hẳn chúng ta chưa quên 39 người Việt chết cứng trong thùng xe đông lạnh ở Anh quốc!
Tuy nhiên, vẫn còn cả một dân tộc ở lại cũng phải chịu đựng biết bao đau thương khốn khổ với muôn ngàn đè nén áp bức mãi vẫn không thể thoát ra được. Thể chế cộng sản độc tài toàn trị này đã thành công phần nào trong chính sách ngu dân, để không ai có thể phản kháng hay lên tiếng chống đối. Nếu có công an sẽ lập tức giết chết hoặc tống giam bất kể tuổi tác, thế giới quan và giới tính. Và sự khủng bố này được tiến hành theo nguyên tắc: “Ai không theo đảng là chống lại đảng”.
(Ở đây, người viết xin phép nói về những mặt trái của xã hội VN, mà cái ác và điều xấu đang chiếm đa số. Trong xã hội ấy vẫn có nhiều những nhà giáo thanh cao, những giáo sư tiến sĩ, thạc sĩ là những nhà trí thức thực thụ, họ có tâm với nghề nghiệp, hết lòng với xã hội và người trẻ. Đấy là những người tôi hằng tôn trọng, cảm mến và dĩ nhiên khi nói chung về vấn nạn đang diễn ra, tôi không có ý nhắc tới họ trong bài viết này. Xin cám ơn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét