Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

5252 - Vụ án Hồ Duy Hải: Bà Kim Ngân chờ đợi cái gì?

Gió Bấc (Nguồn: RFA)

Sau phiên tòa “giám đốc thẩm” ô nhục của Hội Đồng 17 mà dư luận đặt tên miệt thị là “hội đồng dao thớt,” nhân dân, giới luật học, đại biểu Quốc Hội đã lên tiếng, luật sư đã trình thêm hàng loạt chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải và chứng cứ làm sai lệch hồ sơ vụ án. Nhưng sau năm tháng, qua hai kỳ họp, bà Nguyễn Thị Kim Ngân – chủ tịch Quốc Hội – cứ ngắc ngứ bảo chờ kết luận của các cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan đó là ai trong khi Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự quy định đó là trách nhiệm của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội?

Bà Nguyễn Thị Loan (trái), mẹ tử tù Hồ Duy Hải, kêu oan cho con, và bài báo về vụ án của tử tù Hồ Duy Hải. (Hình minh họa: RFA)

Ngày 24 Tháng Mười Một, trả lời chất vấn cử tri Cần Thơ, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại ngắc ngứ về vụ án Hồ Duy Hải: “…Do có ý kiến khác nhau nên sau phiên tòa giám đốc thẩm thì Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội đã yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét lại. Do đó, vụ án đến nay vẫn chưa thi hành án, còn oan hay không thì đề nghị cử tri chờ ý kiến kết luận của các cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm trước đảng, nhà nước, trước nhân dân về thực hiện quyền tư pháp.” (1) 

Cử tri biết, đại biểu biết, chỉ chủ tịch Quốc Hội là không biết!

Câu trả lời của bà Kim Ngân thật vô cảm, vô lương, như con bò nhai lại mớ rơm khô. Năm tháng trước, ngày 24 Tháng Sáu cũng tại Cần Thơ tiếp xúc với hơn 300 cử tri là cán bộ hưu trí, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng: “Vụ án đang được xem xét nên không có cơ sở nói oan hay không oan. Cử tri để cơ quan có trách nhiệm xem xét lại và sẽ có báo cáo.” (2)

Thử hỏi, cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền mà bà Kim Ngân nại ra đó là cơ quan nào? Nó ở hành tinh nào xa xôi lắm sao mà năm tháng qua vẫn chưa báo cáo? Trong một đoạn khác bà Kim Ngân đã thừa nhận “đây là vụ án phức tạp, kéo dài 11 năm. Vụ án này đã được Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội giám sát và có báo cáo. Tuy nhiên, vừa rồi sau phiên ‘giám đốc thẩm,’ dư luận có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến nói đúng, có ý kiến nói oan. Do đó Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội chỉ đạo Ủy Ban Tư Pháp xem lại báo cáo thẩm tra để các cơ quan có trách nhiệm ngồi lại nghe báo cáo.” Hóa ra cơ quan chức năng đó chính là cơ quan của bà. Và liệu có phải là bà đang chờ báo cáo hay đã có báo cáo rồi mà bà cố tình né tránh?

Theo thông tin chính thức từ báo chí nhà nước thì ngoài những bất cập, vi phạm tố tụng của phiên tòa “giám đốc thẩm” của “hội đồng dao thớt,” trong năm tháng qua đã có thêm nhiều kiến nghị, nhiều diễn biến mới, chứng cứ mới củng cố thêm cho nỗi oan của Hồ Duy Hải cũng như những sai phạm của các cơ quan tốt tụng.

Trước hết, về cơ quan được bà Kim Ngân giao nhiệm vụ xem xét thì đã xem xét. Sáng ngày 16 Tháng Sáu, Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội đã họp phiên toàn thể hảo luận về quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải của Hội Đồng Thẩm Phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao. Đa số thành viên Ủy Ban Tư Pháp đã đánh giá những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án Hồ Duy Hải là nghiêm trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án.

Đặc biệt, các thành viên đã bàn, thảo luận về tính đúng đắn, sự phù hợp pháp luật của quyết định “giám đốc thẩm.” Do đó các thành viên này kiến nghị Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội đề nghị xem xét lại quyết định “giám đốc thẩm” theo đúng thẩm quyền tại Điều 404 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự. (3)

Cũng theo thông tin báo chí thì ngày 25 Tháng Mười, theo tập hợp kết quả giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 9 do Ban Dân Nguyện thuộc Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội thực hiện, có 14 ý kiến cử tri quan tâm đến vụ án Hồ Duy Hải, gồm cử tri Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, An Giang, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Bình Phước, Bình Dương và Long An.

Ủy Ban Tư Pháp cho biết trong nhiệm kỳ Quốc Hội khóa 13, đoàn giám sát tối cao của Quốc Hội về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự đã báo cáo Quốc Hội về vụ án này.

Để xem xét một cách toàn diện các vấn đề liên quan đến vụ án, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội đã giao Ủy Ban Tư Pháp nghiên cứu. Ủy Ban Tư Pháp đã tổ chức họp ủy ban và đang báo cáo kết quả nghiên cứu đến các cơ quan có thẩm quyền.” (4)

Như vậy là Ủy Ban Tư Pháp đã báo cáo từ ngày 25 Tháng Mười, ủy ban này và bà Kim Ngân cùng làm việc trong một tòa nhà Quốc Hội, cái báo cáo đó đi đâu mà bà không nhận được?

Không riêng Ủy Ban Tư Pháp mà Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao cũng có ý kiến tương tự, chiều 21 Tháng Bảy, nhân họp báo kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành kiểm sát nhân dân, trả lời báo chí, ông Hồ Đức Anh – vụ trưởng Vụ Thực Hành Quyền Công Tố và Kiểm Sát Xét Xử Án Hình Sự – khẳng định kháng nghị “giám đốc thẩm” vụ án Hồ Duy Hải là “có căn cứ, đúng pháp luật, hoàn toàn cần thiết.”

Theo ông Đức Anh, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng với hai người bị giết. Viện Kiểm Sát nhận thấy quá trình xử lý vụ án từ điều tra, xét xử có nhiều sai sót, nhiều mâu thuẫn, nhiều tình tiết quan trọng chứng minh hành vi phạm tội chưa được cơ quan tố tụng địa phương làm rõ.

Sau phiên tòa “giám đốc thẩm,” Viện Kiểm Sát đã có báo cáo gửi chủ tịch nước, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội để theo dõi chỉ đạo. Nội dung báo cào này khẳng định kháng nghị là có căn cứ đúng pháp luật, đúng thẩm quyền và hoàn toàn cần thiết.

Ông Đức Anh cho biết thêm đến nay Viện Kiểm Sát đang tập trung nghiên cứu quyết định “giám đốc thẩm,” đồng thời theo dõi ý kiến, kiến nghị nếu có từ các cơ quan liên quan.

Quan điểm của viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao là sẽ thực hiện quyền kiến nghị Hội Đồng Thẩm Phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao xem xét lại quyết định “giám đốc thẩm” vụ án Hồ Duy Hải theo quy định tại Điều 404 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự. (5) 

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội CSVN. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

Phát hiện mới hàng chục bằng chứng sai phạm

Điều đáng nói hơn nữa là, sau phiên tòa “giám đốc thẩm” đã xuất hiện rất nhiều tài liệu quan trọng của vụ án đã được đánh dấu bút lục bị bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án, hầu hết các tài liệu này là chứng cứ có lợi, thậm chi là bằng chứng ngoại phạm của Hồ Duy Hải. Ngày 26 Tháng Mười, 2020, Luật Sư Trần Hồng Phong và gia đình tiếp tục có “Đơn kêu oan cho bị án Hồ Duy Hải & Tố giác hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án & Đề nghị kháng nghị tái thẩm.”

Đơn kêu oan lần này tiếp tục phân tích những mâu thuẫn vi phạm tố tụng trong hồ sơ vụ án trước đây những bằng chứng ngoại phạm của Hồ Duy Hải đặc biệt là bổ sung nhiều tình tiết và nhận định mới.

Trong đơn đã dẫn chiếu và đính kèm 13 bút lục rất quan trọng bị bỏ ra khỏi hồ sơ vụ án trong đó có bản khai đầu tiên của Hồ Duy Hải (không nhận tội), lời khai của các nhân chứng Đinh Văn Còi, Lê Thanh Trí, Hồ Văn Bình xác định nhìn thấy một thanh niên khác không phải Hồ Duy Hải ở Bưu Cục Cầu Voi trước khi vụ án xảy ra. Những bản ảnh khám nghiệm hiện trường và thực nghiệm hiện trường mới xuất hiện lại cho thấy nhiều sai phạm nghiêm trọng như tấm thớt có dấu máu nằm ngay dưới đầu nạn nhân không được thu giữ, hiện trường có dấu hiệu bị sắp xếp lại, vết thương nạn nhân cho thấy hung thủ thuận tay trái, Hồ Duy Hải thuận tay phải nên không thể thực hiện hành vi giết…

Đặc biệt là nhân chứng duy nhất trong vụ án là Đinh Vũ Thường đã có đơn tố cáo điều tra viết giả mạo chữ ký và ghi sai nội dung lời khai. Thường chỉ thấy một thanh niên, không nhận diện được là ai, cũng không biết mặt Hồ Duy Hải. Nhân chứng Nguyễn Mi Sol cũng viết xác nhận đã từng gặp mặt Nguyễn Văn Nghị…

Từ những chứng lý đó, đơn đưa ra ba yêu cầu: thứ nhất là cần giải oan cho Hồ Duy Hải, theo thủ tục quy định tại Điều 404 Bộ Luật Hình Sự.

Thứ hai, trước các hành vi vi phạm làm sai lệch hồ sơ vụ án một cách trắng trợn bỏ ra ngoài trên 10 bút lục, sửa chữa lời khai, giả mạo chữ ký… luật sư yêu cầu phải khởi tố vụ án làm sai lệch hồ sơ vụ án với cơ quan điều tra cấp sơ thẩm mà người trực tiếp liên quan là điều tra viên Lê Thành Trung,

Thứ ba là trước nhiều tình tiết mới phát sinh như hung thủ thuận tay trái, nhiều nhân chứng xác định nhiều thanh niên khác có mặt tại hiện trường… luật sư yêu cầu tái thẩm vụ án.

Đơn này đã gởi đến các cơ quan tố tụng và Ủy Ban Tư Pháp, Thường Vụ Quốc Hội từ ngày 26 Tháng Mười, được đăng trên nhiều tờ báo chính thống và công bố công khai trên blog của Luật Sư Phong (6) bà Kim Ngân không thể nói là không biết các thông tin này.

Chánh Án Nguyễn Hòa Bình (giữa) trong phiên “giám đốc thẩm” vụ án Hồ Duy Hải ở Hà Nội hôm 7 Tháng Năm, 2020. (Hình: Thanh Tra)

 Hồ Duy Hải chết để Nguyễn Hòa Bình lên chức?

Lập luận của bà Chủ Tịch Quốc Hội Kim Ngân án oan hay không chờ cơ quan chức năng báo cáo, là thiếu thành khẩn và đáng thất vọng. Điều rất rõ ràng và đáng lo ngại nhất của vụ án này là sự vi phạm pháp luật cố ý, trắng trợn của cả ba cơ quan tố tụng từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm đến tối cao.

Vấn đề cần giải quyết không chỉ là giải oan cho Hồ Duy Hải mà cứu chuộc cho nền tư pháp đang bị cán bộ tư pháp chà đạp. Cần phải chấm dứt tình trạng cố ý làm giả hồ sơ, ngụy tạo chứng cứ để quy buộc người oan, tình trạng xét xử buộc tội dựa theo hồ sơ giả và lời nhận tội bị ép cung. Chánh Án Nguyễn Hòa Bình khoe với Quốc Hội rằng Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội mà quên rằng Nguyễn Thanh Chấn có đến 50 lời khai nhận tội.

Tại sao bà Kim Ngân lần lữa, ngắc ngứ né tránh giải quyết vụ án Hồ Duy Hải trong khi theo Điều 404 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự đó là trách nhiệm của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, mà chính bà là chủ tịch?

Phải chăng vì Nguyễn Hòa Bình đã cài thế đưa toàn bộ Hội Đồng Thẩm Phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao ngồi “giám đốc thẩm,” muốn xét xử lại phải bổ nhiệm thẩm phán mới, lập hội đồng mới là công việc rối rắm trong lúc hoàng hôn nhiệm kỳ?

Phải chăng vì con đường tiến thân tại Đại Hội 13 của Trương Hòa Bình, Nguyễn Hòa Bình – hai “thủ ác” đã từng ký quyết định đề nghị bác đơn ân xá, không kháng nghị bản án phúc thẩm, đã từng nhiều lần phát biểu trước Quốc Hội với lập luận loanh quanh “có sai nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án.”

Trong nhiệm kỳ Quốc Hội khóa 13, Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội đã giám sát, có báo cáo ghi nhận hàng chục điểm vi phạm của hồ sơ vụ án nhưng với thế lực và sự thăng tiến của hai ông tên Bình. Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội không ra kiến nghị “giám đốc thẩm.” Phải chăng lần này, lịch sử sẽ lập lại?

Hồ Duy Hải sẽ tiếp tục làm tử tù lót đường cho Trương Hòa Bình thăng tiến làm chủ tịch nước hay thủ tướng? Liệu các nguyên thủ quốc gia khác có dám bắt tay với bàn tay đẫm máu của kẻ giết người bằng quyền lực quốc gia?

Trở lại với bà Kim Ngân, xin nhắc lại với bà lời tâm huyết của cử tri Nguyễn Văn Hạnh (81 tuổi, ngụ phường 22, quận Bình Thạnh, Sài Gòn) đã gửi tới bà và Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng: “Nếu cứ tắc trách, muốn xử tội tử hình một cách dễ dãi như thế đối với Hồ Duy Hải thì đây là nỗi buồn, điềm lo của dân và cho ngành tư pháp nước nhà.”

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/vu-an-ho-duy-hai-ba-kim-ngan-cho-doi-cai-gi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét