TS Phạm Quý Thọ
Đảng cộng sản Việt Nam vẫn sử dụng các văn kiện, nghị quyết như một phương thức, trong đó thể hiện quan điểm đường lối, chính sách lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội. Toàn bộ dự thảo các văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ 13 đã được công bố hôm 20/10 để lấy ý kiến nhân dân. Tài liệu này được cho là có một số “điểm mới”, trong đó phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đã có trước đây, được bổ sung nội dung “dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” đòi hỏi chế độ đảng toàn trị phải thể chế hoá, luật hoá các văn kiện, nghị quyết. Tuy nhiên, do mâu thuẫn giữa ý thức hệ và các giá trị thị trường mà việc xây dựng các cơ chế chính sách, đặc biệt là “cơ chế dân chủ”, luôn gặp khó khăn, không đáp ứng thực tế, thường chậm trễ, nhanh chóng lạc hậu và hay phải sửa đổi. Niềm tin của nhân dân vào chế độ là thước đo quan trọng biểu thị hiệu lực, hiệu quả của cơ chế, đang bị giảm sút. Hậu quả là tính chính danh của đảng và hệ thống chính trị bị lung lay.
“Điểm mới” lần này, dù có được tuyên truyền giải thích, nhưng liệu có thể thể chế hoá để người dân có thể thực thi quyền công dân của mình vẫn là câu hỏi lớn cho các nhà hoạch định chính sách.
Cơ chế dân chủ
Theo giải thích của ông Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương, “điểm mới” dẫn ở trên trong dự thảo văn kiện Đại hội 13 thể hiện tiếp tục phát triển “tư duy về nhân dân”. Được biết “tư duy” này được đúc kết từ quá trình thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới. Theo đó, người dân đồng tình với chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng: đường, trường, trạm… cho cộng đồng của họ, tự nguyện đóng góp bổ sung cùng với nguồn vốn từ ngân sách của nhà nước, họ giám sát toàn bộ quá trình thực hiện và chính họ là đối tượng hưởng thụ lợi ích này. Thực ra, ý tưởng “có sự tham gia của cộng đồng” đã được thực hiện từ nhiều năm trước ở phạm vi thôn, bản trong các dự án “tài chính vi mô” ở một số vùng nông thôn nghèo do Ngân hàng Thế giới tài trợ cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Trong quá trình chuyển đổi Đảng “đổi mới” bằng cách xây dựng và hoàn thiện cơ chế dân chủ, các chính sách dần hướng tới cơ sở, hướng tới người dân. Tuy nhiên, ý thức hệ giáo điều đang cản trở quá trình này. Trước hết, có thể thấy rõ rằng nhiều quyền tự do và dân chủ của người dân được quy định trong hiến pháp, như tự do lập hội, biểu tình, bày tỏ chính kiến… đã không thể cụ thể hoá bằng các cơ chế cụ thể hoặc bị trì hoãn kéo dài.
Ngoài ra, các cơ chế để tiếp thu nguyện vọng, ý kiến người dân như các văn phòng tiếp dân, các đợt tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu quốc hội tại các địa phương, chương trình trợ giúp pháp lý cho dân nghèo… mang tính thủ tục, không phát huy tác dụng như người dân mong muốn. Minh chứng là hàng năm có hàng ngàn đơn thư kiếu nại tố cáo vượt cấp và được cử tri gửi lên Quốc hội, nhưng tỷ lệ giải quyết không cao, các “bức xúc” của người dân vẫn “nóng”, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai và oan ức pháp lý.
Các nhà quan sát cũng đang đặt vấn đề về chức năng giám sát tối cao của Quốc hội nói chung và trước những sự kiện nóng được dư luận đông đảo quan tâm, về vai trò của hội đồng nhân dân các cấp trong phát huy dân chủ và giám sát quyền lực ở tại địa phương. Dư luận cũng nêu câu hỏi về chức năng phản biện của Mặt trận Tổ quốc, cũng như nhiều các tổ chức chính trị xã hội khác… Trước mắt người dân, các tổ chức này vẫn bị coi là “cánh tay nối dài của Đảng” thay vì có các hoạt động hướng tới và vì người dân.
Niềm tin của nhân dân
Người dân Việt nói chung có tính cộng đồng cao, và điều đó khiến họ tin tưởng ở người khác và chế độ. Ngoài ra, mệt mỏi và tổn thương bởi chiến tranh kéo dài, họ đặt ưu tiên sự ổn định và lo ngại về sự bất ổn xã hội. Chế độ toàn trị, thay vì tạo ra các thể chế phát huy tính tự chủ của người dân và cộng đồng, lại luôn có xu hướng chuyên chế, sử dụng bạo lực trước bất ổn thể chế nảy sinh từ chính nội bộ Đảng và bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi chỉ có thể mang lại sự tuân phục nhất thời từ người dân, và nếu muốn sự tuân phục đó cộng hưởng trong xã hội thì hiệu quả hoạt động và sự đáp ứng yêu cầu của người dân từ hệ thống chính trị, vốn là hai thành phần tạo nên tính chính danh, phải được người dân đánh giá trong thực tế cuộc sống. Bởi vậy, đẩy mạnh cải cách cơ chế dân chủ để lấy lại niềm tin của nhân dân đang là cấp thiết.
Niềm tin của nhân dân, yếu tố quyết định tính chính danh của Đảng, đang ở mức thấp. Không được bầu lên trực tiếp từ nhân dân tính chính danh là vấn đề quan trọng. Nó phản ánh trạng thái niềm tin của công chúng vào tính hợp pháp của chế độ và nên được phục tùng ra sao.
Chế độ đảng cộng sản toàn trị thường đạt được tính chính danh cao khi đất nước mới giành được độc lập. Sau đó, tính chính danh đã giảm dần theo thời gian vì nhu cầu cần có các quy trình dân chủ nhằm duy trì sự đồng thuận trong nhân dân. Chính sách cải cách và mở cửa, chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang thị trường đã tạo ra động lực để người dân nâng cao mức sống, nhưng trong quá trình này dư địa tăng trưởng kinh tế dần thu hẹp và sự bất ổn xã hội gia tăng.
Hệ thống chính trị cồng kềnh, phình to, tốn phí cao từ ngân sách do tiền thuế của dân đóng góp, nhưng hoạt động trì trệ, “hành là chính”, kém hiệu năng. Bộ máy quan chức suy thoái đạo đức và lối sống, tham nhũng, trục lợi nặng nề. Tình hình khiếu kiện ngày càng trở nên gay gắt. Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng…
Tập trung quyền lực thông qua chỉnh đốn nội bộ và phát động chiến dịch chống tham nhũng được ví như chính sách “tự lấy đá ghè chân mình” của Đảng. Ngoài ra, sử dụng các biện pháp bạo lực, gieo rắc nỗi sợ hãi để chứng tỏ quyền lực của chế độ đang vững mạnh không chỉ với mục đích răn đe sự suy thoái của quan chức, mà còn cả đối với dân chúng, không những không thể lấy lại niềm tin của họ, thậm chí có thể phản tác dụng, như sự kiện “Đồng Tâm” đang để lại những hậu quả lâu dài.
Thay cho lời kết, nội dung bổ sung “dân giám sát và dân thụ hưởng” được cho là “điểm mới” trong dự thảo văn kiện, thực ra chỉ phản ánh “sự tham gia của cộng đồng”, được áp dụng chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế. Thực tế chuyển đổi hiện nay đang đòi hỏi “nâng cấp” quan niệm ưu tiên quyền kinh tế là quyền cơ bản bằng việc bổ sung các cơ chế dân chủ thực chất, mở rộng quyền dân chủ và nhân quyền. Ngoài ra, cần có cơ chế “dân giám sát” quyền lực nhà nước, bổ sung cho “cái lồng thể chế” mà Đảng đang cố gắng tạo ra, mặc dù là giải pháp tình thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét