Trong thời gian gần một tháng trở lại đây, đã có những sự kiện, hoạt động giữa hai nước Việt Nam và Mỹ diễn ra đặt trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay có thể gọi là khá lạ. Đầu tiên là chuyến thăm Việt Nam của ngoại trưởng Mỹ ông Mike Pompeo không có trong lộ trình công du các nước châu Á, chỉ đến sát ngày thăm mới có thông báo. Gần đây, chuyến thăm của Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien trong hai ngày 20 và 21/11 cũng tạo ra nhiều sự chú ý.
Những sự kiện này diễn ra cùng lúc với một sự kiện khác của Việt Nam khá độc đáo. Trong khi rất nhiều nước trên thế giới chúc mừng liên danh Biden-Harris trúng cử tổng thống Mỹ theo truyền thông thì Việt Nam hoàn toàn không có một lời chúc mừng nào. Kể cả Trung Quốc giữ im lặng trong thời gian khá dài cũng đã lên tiếng chúc mừng thông qua Bộ Ngoại giao, còn Việt Nam đến nay vẫn im lặng.
Đi sâu vào một số hoạt động gần đây trong quan hệ Việt – Mỹ, chúng ta thấy còn nhiều vấn đề lạ lùng hơn nữa. Ông Robert O’Brien là một người rất cứng rắn với Trung Quốc. Ông đã từng có những phát biểu về chế độ cộng sản và đảng cộng sản Trung Quốc như sau: ”Dưới chế độ cộng sản, các cá nhân chỉ đơn thuần là một phương tiện được sử dụng để đạt được mục đích của nhà nước tập thể. Do đó, các cá nhân có thể dễ dàng trở thành vật hy sinh cho các mục tiêu của quốc gia. Dưới chủ nghĩa Mác-Lênin, các cá nhân không có giá trị vốn có. Họ tồn tại để phục vụ nhà nước; nhà nước không tồn tại để phục vụ họ… đảng cộng sản Trung Quốc toàn quyền kiểm soát cuộc sống của người dân. Điều này có nghĩa là kiểm soát kinh tế, nó có nghĩa là kiểm soát chính trị, nó có nghĩa là kiểm soát thân thể, và, có lẽ quan trọng nhất, nó có nghĩa là kiểm soát suy nghĩ” (trích trong bài “Ý thức hệ và các tham vọng toàn cầu của đảng cộng sản Trung Quốc”, Phát biểu của Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Robert C. O’Brien về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, ngày 24 tháng 6 năm 2020, tại Phoenix, Arizona. Nguyễn Trung Kiên lược dịch). Với một người có quan điểm về chế độ cộng sản, về Trung Quốc như vậy, nhưng trong chuyến thăm vừa qua, ông Robert O’Brien đã được bố trí nói chuyện với sinh viên ở Học viện Ngoại giao giữa thủ đô Hà Nội của Việt Nam!
Thêm một sự kiện, trang facebook của Đại sứ quán Hoa kỳ tại Hà Nội đã có một bài viết lên án chế độ cộng sản ở Trung Quốc. Nội dung bài viết hồi tuần trước đăng phát biểu cùng với tấm ảnh của ông David R. Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương như sau: “Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay có quan điểm thù địch với các nước láng giềng, Hoa Kỳ cũng như phần lớn các nước còn lại.
Mục đích của Đảng Cộng sản Trung Quốc không phải vì sự ổn định hoặc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia tôn trọng luật pháp“, ông David R. Stilwell nói trong buổi thảo luận trực tuyến về Trung Quốc của Viện Hoover.
Ngay sau đó, cơ quan đại diện ngoại giao của Bắc Kinh đăng bài viết bằng 3 thứ tiếng Việt, Trung, Anh cáo buộc: “Thời gian qua, một số chính khách và quan chức cá biệt của Mỹ liên tiếp chế tạo các loại lời nói dối và công kích ác độc đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, cổ xuý đối đầu ý thức hệ, bộc lộ hoàn toàn thành kiến ý thức hệ nghiêm trọng và tư duy bá quyền ăn sâu bén rễ của một số người phía Mỹ. Trung Quốc kiên quyết phản đối.
Sự điên cuồng của các quan chức Mỹ chỉ có thể khiến người dân Trung Quốc càng kiên định ủng hộ mạnh mẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc.”.
Mới đây, hai bên còn có một cuộc cãi vã khác liên quan đến phát biểu của ông Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien về vấn đề sông Mê Kông.
Như vậy, liên tục có những động thái lạ trong mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, đặc biệt đặt trong bối cảnh mối quan hệ tay ba giữa Việt Nam và hai cường quốc đang có những mâu thuẫn và cạnh tranh quyết liệt. Phải lý giải điều này ra sao? Có thể có ba khả năng sau đây.
Có nhiều người lạc quan cho rằng, đã có sự thay đổi lớn về lựa chọn đồng minh của Việt Nam, hàm ý Việt Nam đang rời xa Trung Quốc để tiến gần hơn và làm đồng minh với Mỹ. Những người này cũng cho rằng, đã đến lúc Việt Nam nên lựa chọn Mỹ để dứt khoát thoát khỏi vòng cương tỏa của Trung Quốc, và nhất là bảo vệ được chủ quyền trên biển Đông. Lập luận này được nhiều người dân Việt Nam ủng hộ, nhưng xét theo kinh nghiệm ứng xử của đảng cộng sản Việt Nam từ trước tới nay, lập luận này hơi quá lạc quan.
Có quan niệm cho rằng, việc tiến gần hơn trong quan hệ với Mỹ, có thể là Việt Nam không thật lòng, giả vờ để thăm dò đường đi nước bước của Mỹ trong khi bên trong vẫn thân thiết với Trung Quốc. Điều đó gần như một sự trá hàng trong chiến tranh để thăm dò đối phương. Xét về bản chất và ứng xử thông thường của đảng cộng sản Việt Nam, nhận xét như vậy không phải quá vô lý. Tuy nhiên, đối với một siêu cường như Mỹ, có lẽ dù lưu manh tráo trở cỡ nào, đảng cộng sản cũng không dám thực hiện việc này.
Khả năng sát với thực tế nhất, có lẽ đó là Việt Nam vẫn đi hàng hai, vẫn đu dây nhưng ngả mạnh về phía Mỹ hơn. Khi các diễn biến của thế giới và khu vực rõ ràng và thuận lợi, lúc đó có thể sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ hơn, mới tính tới việc thay đổi đồng minh một cách chính thức. Việc tăng cường quan hệ với Mỹ, với lý do chính đáng bảo vệ chủ quyền biển đảo ở biển Đông cũng làm Trung Quốc khó bắt bẻ, lại được người dân ủng hộ. Một lý do nữa khiến cho khả năng này đang hiện hữu, đó là trong nội bộ của Việt Nam từ trước tới nay luôn tồn tại hai phe tuy không rõ rệt, đó có thể gọi là phe thân Mỹ và phe thân Trung Quốc. Vì có hai phe như vậy nên rất khó để thống nhất việc thay đổi đồng minh ngay được. Tuy nhiên, cả hai phe này xét đến cùng đều lựa chọn xu hướng đứng về phía mạnh hơn, khả năng dành chiến thắng cao hơn trong xung đột Mỹ – Trung. Điều này lý giải Việt Nam có những động thái ngả về phía Mỹ hơn gần đây, nhưng luôn luôn giữ thăng bằng khi bối cảnh và tình thế chưa chín muồi cho sự thay đổi.
Nguồn: https://chantroimoimedia.com/2020/11/26/nhung-dong-thai-la-trong-quan-he-viet-my-thoi-gian-gan-day/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét