Tác giả: Lê Khánh Công
Cho đến gần giữa thế kỷ 19, mỡ động vật và dầu thực vật là nguồn thắp sáng chủ yếu cho tầng lớp giàu có trong xã hội. Mặc dù nhiều loại dầu đã được phát triển nhưng giá của chúng vẫn rất cao và chất lượng kém. Phần còn lại của thế giới vì thế vẫn chìm trong đêm tối.
Dòng sông dầu ở Pennsylvania (Mỹ) đã giới thiệu một loại nhiên liệu mới làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống con người: dầu hoả. Ngày 27 tháng 8 năm 1859, đại tá Drake đã khoan thấy dầu lần đầu tiên. Từ đây, thành thị và nông thôn nước Mỹ đã không còn phải đi ngủ sớm do thiếu ánh sáng. Dầu hoả trở thành nhiên liệu thắp sáng phổ biến và đưa John Davison Rockefeller Sr. thành người siêu giàu của thế giới. Nhu cầu thắp sáng trong tương lai lúc đó dự kiến sẽ làm nhu cầu dầu hoả tăng mạnh.
Nhưng một thử thách lớn đang chờ phía trước: Ngày 19 tháng 10 năm 1879 tại phòng thí nghiệm ở Menlo Park, ánh sáng chói loà 40 giờ liên tục của bóng đèn điện Edison đã thay thế dầu hoả trên thị trường thắp sáng. Nhu cầu tiêu thụ dầu cho việc thắp sáng vì thế bị giảm xuống.
Khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác lại mở ra. Những chiếc xe hơi chạy bằng xăng của Henry Ford đã cứu thị trường dầu. Động cơ đốt trong thể hiện vị thế ưu việt toàn diện trước các đối thủ chạy bằng hơi nước. Năm 1912, số xe hơi tại Mỹ đã lên tới 902.000 chiếc. Xe hơi trở thành phương tiện cá nhân được ưa chuộng, thay đổi hoàn toàn cách sống của con người. Thị trường xăng cho xe hơi đã mở ra cánh cửa mới cho ngành dầu mỏ.
Trước Thế chiến I, nguồn nhiên liệu than vẫn đóng vai trò quan trọng. Vào khoảng giữa thế kỉ 18, nước Anh đã tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp thế giới lần thứ nhất dựa trên nền động cơ hơi nước và nguồn nhiên liệu than trong nước. Đến thời điểm Churchill nhậm chức tại Bộ Hải Quân Anh năm 1911, các tàu chiến đại diện cho sức mạnh nước Anh tất cả vẫn chạy bằng than. Bằng tầm nhìn thời đại, Churchill cảm nhận chiến tranh đang đến rất gần, ông đã có một quyết định “cú nhảy định mệnh”.
Trong ba chương trình hải quân 1912, 1913, và 1914, Churchill đã chuyển tất cả các tàu chiến từ chạy bằng than sang chạy bằng dầu và đã gặp sự phản đối của dư luận trong nước đến từ nhiều phía với lập luận rằng: nước Anh không thể chủ động nguồn cung dầu trong khi nguồn than ở nước Anh sẵn có. Tuy nhiên, những người phản đối đó không thể phủ nhận rằng, dầu tạo ra những con tàu chiến với tốc độ lớn hơn và khả năng bứt tốc cao hơn. Những con tàu này chính là biểu trưng cho sự thống lĩnh tiếp nối của Hải quân Hoàng gia trên vùng biển quốc tế và nắm giữ cuộc sống của người dân Anh. Than đang dần nhường lại vị trí dẫn dắt cho dầu.
Tuy vậy, về mặt thương mại, dầu không phải là hàng hoá phổ biến và động cơ đốt trong chưa được sử dụng nhiều trước Thế chiến I.
Đến khi Thế chiến I nổ ra, động cơ đốt trong đã phổ biến trong mọi ngóc ngách của đời sống. Về bản chất, chiến thắng của phe đồng minh trước Đức trong cuộc chiến này là chiến thắng của sự cơ động của tàu chiến bằng dầu, xe tải, xe tăng, và máy bay so với đầu máy xe lửa.
Tin vào sự ưu việt của sắt thép, than đá và một hệ thống đường sắt tốt hơn, quân Đức nhanh chóng di chuyển lượng quân lớn dài dọc biên giới Pháp năm 1914. Đội quân Đức gần nhất chỉ còn cách Paris 65 km. Pháp không thể đưa một lượng lớn quân ra mặt trận vì hệ thống đường sắt bị hư hại nghiêm trọng. Tại thời điểm đó, sự sụp đổ của Paris dường như sắp diễn ra, Pháp đang ở tình thế rất hiểm nghèo.
Lúc 8 giờ tối ngày 6 tháng 9 năm 1914, tướng Gallieni đã quyết định trưng dụng tất cả 3000 taxi Paris để đưa hàng ngàn quân lính ra mặt trận. Binh lính lập tức chặn xe, lệnh cho các xe này phải trả khách tại chỗ và chỉ đạo họ lái tới Invalides.
“Chúng tôi sẽ được thanh toán thế nào?. Theo kilomét hay theo giá cố định”, một tài xế taxi hỏi viên trung uý chặn xe anh ta.
“Theo Kilomét”, viên trung uý trả lời.
“Được, thế thì đi nào” người tài xế trả lời.
Theo cách đó, hàng nghìn quân đã đổ về điểm trọng yếu của phòng tuyến vào bình minh ngày 8 tháng 9. Điều này tạo một chuyển biến lớn. Ngày 9 tháng 9, quân Đức thất thế và bắt đầu rút lui. Những người lái taxi đã cứu Paris. Họ đã chứng tỏ sự cơ động của các phương tiện động cơ đốt trong có ý nghĩa như thế nào trong thế chiến thứ nhất.[1]
Sau cuộc chiến, lịch sử công nghệ đã bước sang trang mới. Xe tải, xe tăng, máy bay đã làm động cơ đốt trong có một thị trường lớn chưa từng có. Chiến tranh là động lực để cải tiến và áp dụng công nghệ hiệu quả nhất. Động cơ đốt trong chính là công nghệ ưu việt nhất vào thời điểm đó.
Rất nhiều quốc gia rất cần dầu lửa cho phát triển công nghiệp. Nước Đức cần các mỏ dầu Baku (Nga) và Iran, nước Nhật cần các mỏ dầu Đông Ấn (Indonesia). Hơn thế nữa, nước Đức của Hitler cũng chưa bao giờ quên nỗi nhục hoà ước Versailles. Vì thế, Thế chiến II nổ ra để phân chia lại thế giới.
Trớ trêu thay, dầu lửa vừa là nguyên nhân nhưng lại là yếu tố căn bản nhấn chìm phe Trục trong thất bại. Chỉ chiếm 5% trong tổng số nguồn lực quân sự nhưng đội tàu ngầm của Mỹ đã đánh chìm hầu hết các tàu chở dầu của Nhật đi từ Đông Ấn (Indonesia) sang Nhật Bản.[2] Những ngày gần cuối của cuộc chiến tranh, Nhật Bản khan hiếm dầu mỏ đến cùng cực. Những chiếc máy bay theo tinh thần võ sĩ đạo của Nhật lao vào đội tàu quân Mỹ trong tuyệt vọng để tiết kiệm nhiên liệu.
Ở mặt trận Châu Âu, mùa đông nước Nga đã chôn vùi quân Đức trong tuyết, người Đức lại bỏ lỡ mỏ dầu Baku một lần nữa như trong Thế chiến I. Trong khi đó, các mỏ dầu ở Texas và Oklahoma của Mỹ đã liên tục cung cấp nguồn lực dồi dào cho phe đồng minh. Phe trục đã bước vào đường cùng, Thế chiến II kết thúc.
Trước và sau năm 1945, nỗi lo nguồn nhiên liệu hoá thạch từ dầu mỏ sẽ cạn kiệt chưa bao giờ kết thúc. Nhiều tờ báo và nhiều chuyên gia nhận định rằng, không nên phụ thuộc vào dầu mỏ vì nguồn nhiên liệu này là hữu hạn và sẽ hết trong thời gian ngắn.
Sự thật là, ngày càng nhiều mỏ dầu được tìm ra ở nhiều nơi, đặc biệt là những chú voi (mỏ dầu lớn) ở Trung Đông. Trải qua hàng triệu năm, nguồn hydrocabon này đã tích tụ rất nhiều ở trong vỏ trái đất. Nhiều công nghệ tiên tiến đã ra đời để tiếp cận ở những nơi biển ngày càng sâu. Trữ lượng dầu cứ thế tăng lên mặc cho bao nhiêu lo lắng thường trực trên các mặt báo về việc hết dầu.
Dầu mỏ đã trở thành một thứ quyền lực lớn lao. Khi mà chủ nghĩa thực dân vẫn chưa tắt hẳn vầng hào quang dĩ vãng, thị trường dầu là thị trường của người mua. Liên minh ngầm của các nhà phân phối lớn của thế giới bao gồm các công ty Shell / Royal Dutch, các công ty tách ra của Standard Oil (Cheron, Exxon Mobil, …) và công ty BP đã điều khiển mọi thứ của thị trường dầu. Liên minh ngầm này mạnh tới mức gần như loại Mexico từ một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất trở thành một nước ngoài rìa thế giới sau khi họ quốc hữu hoá ngành dầu năm 1938.
Theo thời gian, chủ nghĩa thực dân suy yếu rồi sụp đổ, khi họ thấy chi phí duy trì thuộc địa lớn hơn lợi ích mà họ thu được. Phong trào giành độc lập trải rộng trên toàn thế giới, quyền lực trên thị trường dầu mỏ dần chuyển sang tay của người bán-các nước xuất khẩu dầu mỏ. Không giống như Mexico, quá trình quốc hữu hoá các mỏ dầu tại thời điểm này đã thành công với phản ứng yếu ớt của liên minh các nhà phân phối. Vai trò điều chính giá dầu thế giới giờ đây thuộc về Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thông qua việc tăng hay giảm sản lượng sản xuất. Địa chính thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Các nước Trung Đông bước lên vũ đài chính trị với vai trò lớn hơn bao giờ hết.
Với quyền lực trong tay, người bán trở lại thao túng thị trường. Ngày 17 tháng 10 năm 1973, OPEC quyết định không cấp dầu cho Mỹ và các nước đồng minh để ủng hộ các nước Ả rập chống lại Israel trong cuộc chiến 6 ngày. Giá dầu đã tăng từ 3 USD lên 12 USD trong năm 1974 dẫn tới suy thoái kinh tế thế giới cho đến thập niên 1980. Ngày 11 tháng 2 năm 1979, cách mạng hồi giáo Iran xảy ra, thế giới mất 17% lượng dầu ngay lập tức. Giá dầu thế giới tăng phi mã lên 39,2 USD. Hậu quả là nhiều ngành công nghiệp nặng như xe hơi, sản xuất thép, nhà đất liên tục sụt giảm 10 năm sau đó.
Để giải quyết cuộc khủng khoảng năng lượng, các nhà máy điện hạt nhân là một giải pháp để đa dạng hoá các nguồn năng lượng. Tổng thống Mỹ Eisenhower đã đề ra chương trình “Atoms for peace”. Từ đó, 96 lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện đã được xây dựng riêng ở Mỹ. Ở các nước trên thế giới, phong trào xây dựng các nhà máy điện hạt nhân cũng diễn ra mạnh mẽ.
Thật không may, tai nạn ở Chernobyl (Ukraine) và The Three Mile Island (Mỹ) đã làm sụp đổ tương lai tươi sáng của điện hạt nhân. Các tiêu chuẩn về an toàn được nâng lên nhiều lần làm việc xây dựng mới các nhà máy điện hạt nhân rất khó khả thi. Phong trào xây dựng điện hạt nhân coi như dẫm chân tại chỗ, vai trò của dầu vẫn được giữ vững.
Con người giờ đây trở nên nghiện dầu mỏ trong hầu hết các thiết bị mà họ dùng. Dầu mỏ từ thứ đặc biệt trở thành một loại hàng hoá như bao hàng hoá khác. Giá cả được quy định trên trên ba nhóm dầu chính là Brent, WTI (West Texas Intermediate) và Dubai Crude.
Đồng đô la Mỹ là đồng tiền dữ trữ và phương thanh toán chính trên thế giới chính nhờ đóng góp lớn của dầu mỏ. Trong thập kỷ 1970, nước Mỹ đã thực hiện một thoả thuận ngầm với Ả Rập Xê Út, nước lãnh đạo OPEC, về việc Ả Rập Xê Út chỉ nhận duy nhất đồng USD trong mọi giao dịch về dầu mỏ, đổi lại Mỹ cam kết sẽ bảo đảm an ninh cho đất nước này. Tiếp theo đó, tất cả các giao dịch dầu của OPEC được quy định thanh toán chỉ bằng đồng USD. Vì lo ngại an ninh năng lượng, kho bạc các nước trên thế giới ngập tràn đồng USD với số lượng lớn. Thế kỷ 20 là thế kỷ của dầu mỏ định hình sự thống trị của đồng đô la Mỹ, sức mạnh Mỹ, trong nền kinh tế toàn cầu.
Bước vào thế kỷ 21, vai trò của dầu đã không còn như xưa. Sự lùi dần của dầu thay bằng các dạng năng lượng khác như năng lượng tái tạo hay Hydrogen có thể cảm nhận được trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21. Nguyên nhân đến từ giá năng lượng tái tạo đã giảm rõ rệt do Trung Quốc sản xuất số lượng lớn các tấm pin mặt trời và turbine gió. Ngoài ra, dầu và lượng lớn khí từ tầng đá phiến được khai thác thương mại ở nhiều nơi làm trữ lượng dầu tăng đáng kể. Trong tương lai, khi dầu không còn là nhiên liệu chính cho các thiết bị quân sự của thế giới thì vai trò của dầu sẽ tắt hẳn. Dẫu vậy, một điều vẫn luôn bất biến: cuộc sống con người và công nghệ vẫn luôn vận động tiến lên.
Lời kết: Cuốn sách “The Prize: Dầu Mỏ, Tiền Bạc và Quyền Lực” (giành giải Pulitzer) là cuốn sử thi hay chưa từng thấy về dầu mỏ (Business Week)… một tác phẩm phi thường (Peter Walker) của Daniel Yergin. Tác giả đã lôi cuốn người đọc mải mê theo dòng chảy thời gian và nhiều kịch tính của trò chơi chính trị trên sân khấu của toàn thế giới. Sự vận động của thế giới trở nên đầy cuốn hút giống như một bộ phim suất sắc nhưng lại mang đầy hơi thở của đời sống. Bài viết cơ bản dựa trên cuốn sách tuyệt vời này.
——-
[1] Trích từ “The Prize: Dầu Mỏ, Tiền Bạc và Quyền lực”, Daniel Yergin, 2017.
[2] Như trên.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2020/11/25/vai-tro-cua-dau-mo-qua-dong-chay-thoi-gian/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét