Đinh Xuân Quân
Đầu đề trên đây là một câu quen thuộc với người Việt chúng ta. Bầu cử tại Hoa Kỳ có một quy trình tranh cử rất rõ ràng, cả thế giới khâm phục. Cuộc bầu được ghi rõ trong Hiến Pháp. Từ ngày 3 tháng 11 khi có cuộc bầu cử đến ngày có Tổng thống (TT) mới được ghi rõ. Quy trình này được áp dụng trong bất cứ cuộc bầu cử Tổng thống nào.
Một số người không hiểu rõ các quy tắc bầu cử (hoặc biết mà lờ đi) đã phát biểu những điều gây hoang mang cho nhiều người khác. Tất cả các bước của cuộc bầu cử, từ ghi danh, bầu phiếu, đếm phiếu, khiếu nại và đưa kết quả đều đã được quy định rất rõ ràng.
Sau bầu cử, trong thời gian chờ đợi TT mới, (thời gian từ ngày 3 tháng 11 đến ngày 20 tháng 1 năm sau dành cho kiểm phiếu và kiện tụng nếu có) thì chính quyền cũ còn được gọi là vịt què (lame duck).
Cuộc tranh cử TT vào 2020 là một hiện tượng khá bất thường vì có sự tham gia rất đông đảo cử tri Hoa kỳ (65% cử tri)-- trên dưới 150 triệu cử tri. Hai đảng chính: Dân Chủ yêu cầu các cử tri ủng hộ họ nên dùng lá phiếu khiếm diện để bầu, tránh lây COVID, do khỏi phải sắp hàng trong thời kỳ lây nhiễm; trong khi đó TT Trump yêu cầu các người ủng hộ ông chờ đến ngày 3/11 đi bầu trực tiếp.
Bài này viết ngày 13 tháng 11, tức là 10 ngày sau ngày bầu cử với kết quả là 306 phiếu cử tri đoàn (78 triệu lá phiếu) cho Joe Biden, và 232 phiếu cử tri đoàn (72 triệu lá phiếu) cho TT Trump.
Sau kết quả bầu cử thì TT Trump không chịu chấp nhận kết quả vì ông ta cho là có gian lận rất lớn, cướp mất cuộc bầu cử của ông ta. Điều này làm cho nhiều người ngạc nhiên, vì như thế là Hoa Kỳ không có dân chủ. TT Trump không chấp nhận kết quả, vì theo ông ta có gian lận và đã kiện. Đa số phe Cộng Hòa cũng theo chân TT Trump không công nhận tân TT Joe Biden.
Bài này được viết nhằm làm rõ quy trình bầu cử để rộng đường hiểu biết về tục lệ bầu cử của Hoa kỳ và cái gì sẽ xẩy ra.
Cần phải phân biệt giữa cái THẬT và cái HƯ.
Các tục lệ lâu đời nhiều khi trên hơn 200 năm trong quy trình bầu cử tại Hoa kỳ ít người biết
Một tục lệ lâu đời trong chính trị Hoa kỳ là trong khi tranh cử TT chính quyền không can dự vào từ lúc tổ chức tranh luận đến việc thông báo kết quả. Đây là việc của hai ban bầu cử của hai ứng cử viên.
Nước Mỹ rộng lớn, cho nên trong quá khứ việc thông báo người thắng cuộc bầu cử TT là do các cơ quan truyền thông làm. Họ theo dõi tỉ mỉ , dự đoán và trong hơn 50 qua việc thẩm định bầu từ các bang và dự đoan ứng cử viên thắng cuộc là do cơ quan AP (Associated Press) truyền đi.
Vậy nếu sai thì sao? Trong quá khứ dưới thời TT Truman, các cơ quan truyền thông có một lần công bố sai. Nhưng sau đó họ đã sửa lại liền.
Hoa Kỳ là một nước rộng lớn với 50 tiểu bang, mỗi tiểu bang thực thi việc tổ chức bầu cử. Do đó các luật lệ bầu cử có phần khác chút ít. Mỗi tiểu bang có số cử tri đoàn khác nhau tùy theo dân số của tiểu bang. Tiến trình bầu cử theo 2 cấp: bầu cử chọn lựa ứng cử viên theo phổ thông đầu phiếu. Mỗi tiêu bang có nhiều quận hạt và mỗi quận, hạt có ủy ban bầu cử khác nhau và các ủy ban này làm việc công khai có mặt người đại diện của lưỡng đảng: DC và CH kiểm soát các công đoạn bầu cử, chưa kể có cả một phái đoàn quan sát viên từ một số nước Nam Mỹ do Tổng thống Trump mời đến. Tất cả kiểm soát và quan sát từ việc tổ chức bầu cử đến việc kiểm phiếu, kể cả khiếu nại nếu có, và sau cùng tuyên bố kết quả chính thức (certification) và xác định số điểm của cử tri đoàn cho mỗi ứng cử viên. Việc kiểm tra phiếu trực diện cũng khác giũa các tiểu bang ví dụ tiệu bang Pennsylvania chỉ cho phép bắt đầu kiểm tra phiếu khiếm diện vào 19.00 g ngày 3 tháng 11. Các phiếu khiếm diện chỉ được đếm nếu nó đến 3 ngày sau ngày 3/11 trong khi các tiểu bang như California thì các phiếu khiếm diện được đếm khi nào nó đến và vẫn còn đếm đến 17 ngày sau ngày 3/11. Thủ tục khác nhau giữa các tiểu bang khiến cho nhiều người, nhất là người ngoài Hoa Kỳ, lấy làm khó hiểu về cách thức bầu cử ở Hoa Kỳ.
Theo luật bầu của một số tiểu bang, chẳng hạn cử tri California có thể đến ngày bầu đến phòng phiếu mới ghi danh và bầu, do đó số người đi bầu có thể lớn hơn số người ghi danh. Tại bang Pennsylvania thì chỉ có thể ghi danh tới ngày 2/11 và có thể đi bỏ phiếu vào ngày 3/11.
Vì có nhiều điều luật đi bầu khác nhau do đó nhiều người không hiểu nói tại sao số ngưới đi bầu có thể hơn số ngưới ghi danh hay đối với người muốn bóp méo thì so số người đi bầu với số người ghi danh năm trước.
Như vậy ở cấp tiểu bang bộ trưởng nội vụ tiểu bang (secretary of state) phải tuyên bố mới chinh thức. Việc này phải làm trước ngày 6 tháng 12.
Vào ngày 14 tháng 12, các cử tri đoàn họp tại Washington DC tại cơ quan GSA (General Service Agency – tương đương với bộ công vụ) để coi là chính thức cử tri đoàn và ủy ban bầu cử của ứng cử viên thắng cuộc sẽ được ngân sách và các văn phòng làm việc. Vào ngày tháng 1 quốc hội (hạ và thượng viện) sẽ thông qua quy trinh bầu cử.
Một tục lệ - truyền thống đẹp của Hoa kỳ là tinh thần thượng võ (fair play). Khi thua thì ủng cử viên thua cuộc gọi chúc mừng người thắng cuộc (conceding message), tuyên bố chấp nhận thua. Người thua cuộc thường là 24 tiếng sau bầu cử là mời ứng cử viên thắng cuộc vào nhà trắng và được các cơ quan chính quyền thuyết trình về vấn đề an ninh. Các thành viên QH cũng gọi điện chúc mừng người thắng cuộc.
Bộ Ngoại giao sẽ giúp các thủ lãnh nước ngoài liên lạc với người thắng cuộc qua các đường giây an ninh và qua các dịch vụ thông dịch chính thức.
Ngoài ra còn truyền thống tiếp đón các êquíp sửa soạn việc chuyển tiếp (transition team) để có một sự chuyển giao chính quyền tốt đẹp.
Quyền lực là do lá phiếu người dân bầu. Sự chuyển giao quyền lực trong trật tự, hợp pháp và ôn hòa là dấu ấn đặc biệt của nền dân chủ Hoa Kỳ.
Trong quá khứ, TT Trump đã nhận được các dịch vụ này (cú điện thoại nhận là thua, được báo cáo về tình hình an ninh, được nhận tiền, có thể làm việc với các bộ trong thời kỳ chuyển tiếp từ chính phủ tiền nhiệm.
Nhiều thủ lãnh thế giới trong đó có TT Merkel của Đức, TT Suga của Nhật, TT Macron của Pháp, TT B. Johnson của Anh, đức Đạt lai Lạt ma, đức Giáo hoàng, v.v… đều gọi điện thoại chúc mừng ‘President elect’ Joe Biden.
Bầu cử 2020
Cuộc bầu cử 2020 xẩy ra trong một bối cảnh đặc biệt. Từ 2016 ứng cử viên TT Trump đã thắng ứng cử viên Hillary Clinton với 306 số phiếu cử tri đoàn.
Các cơ quan truyền thông được xã hội coi là một trong bốn trụ cột của nền dân chủ Hoa Kỳ vì sức mạnh, vì tự do và vì tiếng nói trung thực. Suốt bốn năm nhiệm kỳ TT Trump, các cơ quan truyền thông bị TT coi là thổ tả (vì không theo ý TT) được coi là chống ý dân.
TT Trump dùng twitter viết và cách chức các quan chức trong thời kỳ chuyển tiếp gây thêm xáo trộn. Ông ta được một số bộ hạ trung thành như bộ trưởng Tư pháp W. Barr hay Ngoại trưởng Pompeo ủng hộ và che chở, chống đỡ các vụ điều tra, kiện tụng khi ông ta tại chức.
Từ ngày 3/11 đến nay các cơ quan chính phủ dưới chính quyền Trump bị cấm làm việc với êquíp chuyển tiếp trong khi Hoa Kỳ còn trong cơn đại dịch covid với trên 10 triệu người bị lây nhiễm, trên 230,000 tử vong và nay trên 150,000/hàng ngày từ một tuần qua.
Giữa lúc đó TT Trump twit cách chức bộ trưởng Quốc phòng vì bất đồng ý. Đó là việc nguy hiểm trái ngược với lời tuyên thệ bảo vệ Hiến Pháp HK.
Theo Homeland Security thì bầu cử năm 2020 là cuộc bầu cử an ninh nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Cơ quan Committee for cyber security and Infrastructure security (CISA) đã nói ngược với những gì TT Trump khẳng định về gian lận trong cuộc bầu cử mà không hề đưa một bằng chứng nào.
Theo cơ quan này thì không có vụ phá hay gian lận vì các hệ thống bầu cử đã được cập nhật và kiểm soát bởi cơ quan US election assistance Commission certification. Vậy có làm sao có thể có gian lận đầu phiếu?
Liệu các nhân viên viết báo cáo này có sẽ bị trả thù? Ông Christopher Krebs giám đốc cơ quan này cho là ông có thể bị cách chức vì đã nói sự thật. Tòa Bạch Ốc đã đòi ông Brian Ware từ chức.
Các phong trào tuyên truyền cho TT Trump trong cộng đồng VN cũng khá mạnh mẽ. Họ khai thác tâm lý của người Việt là chống Cộng và chống Trung Quốc. Đặc biệt, hễ ai không đồng ý với họ là bị chụp ngay cái mũ cộng sản, mặc dù tuyệt đại đa số người Việt tại Hoa Kỳ đều là người tị nạn cộng sản.
Có người biến TT Trump thành thánh chứ không còn là một chính trị gia bình thường. Điều này biểu lộ một trạng thái tâm lý rất gần với hoang tưởng. Trong khi đó những vị có vị trí cao nhất về tôn giáo trên thế giới như Đức Giáo Hoàng hay Đức Lạt Lai Lạt Ma đều đánh giá Trump khác hẳn.
Muốn biết sự thật, người Việt chỉ cần vào trang nhà “2020 US Election – voting information center” tiểu bang nào cũng có nhất là tiểu bang California. Quý vị cứ vào trang nhà này có kết quả từng hạt, từng quận. Tại Orange County thì 87.2% cử tri đi bầu. Gần kỷ lục. Đa số OC vẫn bầu cho Dân Chủ, cho ứng cử viên Joe Biden, trong khi còn nhiều hạt còn bầu cho dân biểu Cộng Hòa như Joung Kim hay Michelle Steele.
Đánh giá
Trong 4 năm qua, TT Trump đã cáo buộc người theo đảng DC là các con ác quỷ, biến báo chí tự do thành truyền thông thổ tả, muốn buộc phe DC là biến nước Mỹ thành XHCN. Ông TT Trump tấn công các thỏa hiệp của các người tiền nhiệm, và biến đảng CH thành đảng Trump.
Theo truyền thông Hoa Kỳ và thế giới thì đây có phải là hành động cấm làm việc hay thọc gậy bánh xe đối với êquíp chuyển giao của DC là phe sore loser (thiếu tinh thần thượng võ) hay là hành động thọc gậy bánh xe - throwning a wrench into the process?
Trong 4 năm qua, người ta đã quen thấy TT Trump đã không thành thực (nói sai trên 20,000 lần) và sỉ nhục mọi người. Đây là một tình trạng nguy hiểm cho nền dân chủ Hoa Kỳ. Mặt khác cách TT Trump ứng xử với dịch bệnh Covid đã gây ra quá nhiều người chết cho nước Mỹ. Đó là những điều không thể chối cãi được.
Chúng ta sống trên đất Hoa Kỳ tự do dân chủ thì ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu. Nước Mỹ có hai chính đảng lớn đã hoạt động song song cùng nhau trong suốt lịch sử của Hoa Kỳ, và cách đây 30 năm Hoa Kỳ và đồng minh đã thành công đánh đổ chủ nghĩa Cộng sản trên thế giới. Bây giờ lại có người Việt Nam rêu rao đảng Dân Chủ là… cộng sản thì thật là ngu dốt một cách buồn cười. Hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ qua lịch sử đã cùng nhau giữ gìn sự thăng bằng, công bằng và thịnh vượng cho nước Mỹ. Người Mỹ gốc Việt có người theo đảng này hay đảng kia, đều hiểu rõ những nét tốt đẹp mà mỗi đảng mang lại cho nhân dân và đất nước này. Nên học theo truyền thống của xứ này, tranh luận chính trị dù ý tưởng khác nhau nhưng luôn luôn lịch sự và nhã nhặn, đó là sự trưởng thành của dân một cường quốc đứng đầu thế giới. Đừng đem những thứ thô bỉ của tâm địa nhỏ nhen, cách phát ngôn tồi tệ mà đối xử với nhau trong trường chính trị xứ này.
Nước Mỹ là một nước có quy trình rõ ràng và dân chủ về bầu cử. Phải biết chấp nhận trò chơi dân chủ. Hiện nay chúng ta còn trong thời kỳ kiểm phiếu và cũng còn trong thời kỳ kiện tụng. Ai muốn kiểm phiếu lại thì có thể, nhưng cần biết : Nếu sai biệt dưới 0.5% thì tiểu bang phải trả chi phí cho việc kiểm phiếu (như tiểu bang Georgia) và nếu trên 0.5% những người khiếu nại sẽ phải chi trả phí tổn cho các cuộc kiểm phiếu (như nhiều lần đã xảy ra trong quá khứ).
Ai cũng biết là với con số cử tri có ý thức của hai bên đã tham dự cuộc bầu cử thì không ai cãi kết quả bầu cử. Nhưng đối với người đã cuồng thì vô phương. Quyền khiếu nại là quyền trong quy trình bầu cử. Ai muốn, cứ khiếu nại lên tòa, tòa sẽ phán quyết. Nhiều vụ kiện không chứng cớ đã bị bác : đó chỉ là những “vụ kiện” lấy được, kiện bừa, không cần có chứng cớ của kẻ thiếu lý trí.
Hình ảnh của các phiên tòa như thế chính là : Chính nghĩa thắng gian tà.
Chứ chẳng lẽ, ở một nước đã đạt được nền văn minh dân chủ mấy trăm năm như nước Mỹ, với một cơ cấu bầu cử rất hoàn chỉnh qua bao nhiêu đời, bây giờ lại diễn ra cái cảnh : Được làm vua, thua làm giặc ?
Nguồn: https://www.diendantheky.net/2020/11/inh-xuan-quan-uoc-lam-vua-thua-lam-giac.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét