Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

4688 - Ngao ngán vì sách giáo khoa Tiếng Việt

Phạm Hiền Mây

Một trang sách giáo khoa Tiếng Việt lớp Một. (Hình: FB Phạm Hiền Mây)

Núi cao, sông hãy còn dài,

Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen.

Tôi ngẩn người ra sau khi đọc xong hai câu trên trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp Một. Về nghĩa, nó chẳng có nghĩa. Đọc xong, với trình độ cử nhân và từng dạy văn, cố gắng mấy, tôi cũng chẳng hiểu hai câu này muốn nói đến ai và nhằm mục đích gì.

Về chữ, về vẻ đẹp của chữ, về vẻ đẹp của ngôn ngữ, của tiếng Việt, tôi lại càng chẳng thấy. Khoan nói tới việc, chữ thứ sáu của câu tám không vần với chữ thứ sáu của câu sáu, một thất bại của thơ lục bát, chỉ nói tới từ được sử dụng, cũng đã thấy ngao ngán.

Ngao ngán vì nó xưa rích xưa rang, rập khuôn theo kiểu khẩu hiệu đã kéo dài hàng trăm năm nay, “đời đời,” đời đời nhớ ơn bác, đời đời nhớ ơn đảng.

Chưa kể, chỉ vỏn vẹn mười bốn chữ, mà đã có đến bốn chữ gieo rắc tư tưởng hận thù, “báo oán,” “đánh ghen:”

Năm năm báo oán đời đời đánh ghen.

Trong khi phụ huynh ở nhà ra sức dạy các con, nuôi dưỡng cho các con, hướng tới cho các con tinh thần vị tha, bao dung, cởi mở, thì ở trường, người ta lại bơm vào đầu các em kiểu văn hóa phong kiến từ nghìn năm trước, cổ hủ, lạc hậu, có oán phải báo, có hận phải trả.

Trong khi ông bà, cha mẹ ở nhà lưu tâm đến việc vun xới, gieo trồng nhân cách trẻ, đừng tị hiềm, cay cú, ganh ghét, hơn thua mà hãy lấy nỗ lực, lấy cố gắng, lấy không chùn bước làm mục tiêu để khẳng định mình, thì ở trường, người ta lại cổ vũ, nếu thua, nếu cảm thấy tức, thì cứ đánh. Đánh mới là cách thức giải quyết mối ghen trong lòng nhanh nhất, gọn nhất. Thảo nào mà bây giờ, nhan nhản mỗi ngày, trên mạng, đầy những video, clip… quay cảnh các nam sinh, nữ sinh đánh hội đồng, đánh tay đôi, đánh đến đổ máu, đánh đến thương tật, đánh bất chấp có bị kỷ luật, có bị đuổi học… hay không.

Ngán ngẩm thay.

Đau lòng thay.

Có gì hay, có gì mang tính giáo dục ở đây:

Núi cao, sông hãy còn dài,
Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen.

Vậy mà cứ một hai đã thẩm định. Hội Đồng Thẩm Định gồm những ai? Họ đã thẩm định kiểu gì?

Lấy tiêu chí gì để thẩm định?

Trời mấy nay mưa dầm mưa dề, thương dân miền Trung chìm trong bể nước, buồn, chỉ biết buột miệng ngâm nga:

núi cao, sông thấp còn dài
thì còn tuồng sách tấu hài mua vui…

https://www.nguoi-viet.com/ban-doc-viet/ngao-ngan-vi-sach-giao-khoa-tieng-viet/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét