Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

4779 - Nếu Trump và Biden hòa nhau số phiếu đại cử tri thì sao?

 Huỳnh Minh Triết 

Dù khả năng Joe Biden và Donald Trump mỗi người giành được 269 phiếu đại cử tri (chỉ thiếu một phiếu đến mức 270 cần thiết để thắng cử) khó có thể xảy ra, cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đều đã có kế hoạch ứng phó. Dưới đây là bản dịch bài phân tích của tác giả Benjamin Siegel về vấn đề này đăng trên ABC News ngày 18/10/2020.

***

Một cuộc bầu cử chia rẽ đến nỗi mắc kẹt trong kết quả hoà 269-269 phiếu đại cử tri sẽ khiến quyền lựa chọn tổng thống rơi vào tay Hạ viện. Kịch bản này được viết trong Hiến pháp Mỹ, dù bị cho là xa vời đến mức HBO đã đưa vào bộ phim hài kịch. Nó chưa từng xảy ra từ năm 1824.

Tuy vậy, năm nay, các thay đổi về bỏ phiếu liên quan đến đại dịch COVID-19 có thể có tác động khôn lường lên cuộc chạy đua vốn đang vô cùng gay cấn giữa Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Kịch bản hai ông hòa phiếu nhau là một khả năng mà cả ông Trump và bà Pelosi đều đã tính tới.

“Tôi không muốn [kết quả bầu cử] cuối cùng do Tòa án Tối cao quyết định, và tôi cũng không muốn Quốc hội quyết định, mặc dù chúng tôi có lợi thế”, ông Trump nói trong sự kiện tại Pennsylvania hôm 26/9.

Bà Pelosi cũng phải thừa nhận lợi thế của ông Trump. Trong bức thư gửi các dân biển Dân chủ hai ngày sau, bà kêu gọi các thành viên nỗ lực ủng hộ cho các ứng viên “ở các quận quan trọng” trên khắp nước.

“Nếu Trump không thể thắng ở hòm phiếu, ông ta muốn Hạ viện trao cho ông ta chức tổng thống. Thật buồn là chúng ta phải lên kế hoạch theo cách này, nhưng ta phải làm thế để đảm bảo không bị cướp mất cuộc bầu cử”, bà viết.

Đảng Cộng hòa đang có lợi thế ở Hạ viện

Theo Tu chính án 12, Hiến pháp Hoa Kỳ, nếu không có ứng viên nào giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri thì Hạ viện sẽ tổ chức bầu chọn tổng thống và Thượng viện bầu chọn phó tổng thống. Cũng theo Hiến pháp, mỗi bang sẽ phải chọn đại cử tri trước hạn chót 8/12. Đoàn đại cử tri sẽ hội họp vào ngày 14/12, và Quốc hội chính thức đếm phiếu đại cử tri cũng như tuyên bố người chiến thắng vào 6/1. 

Phân bố đảng phái của Hạ viện Mỹ hiện nay. Đảng Cộng hòa đang kiểm soát nhiều bang hơn, mặc dù chỉ nắm thiểu số ghế ở Hạ viện (197/435 ghế). Nguồn: 270towin.com

Nếu kịch bản hòa phiếu xảy ra, mỗi bang sẽ chỉ có một phiếu bầu tổng thống ở Hạ viện. Mặc dù Đảng Dân chủ đang kiểm soát hạ viện với đa số ghế dân biểu, nhưng lại chỉ chiếm đa số ở 23 bang. Đảng Cộng hòa đang kiểm soát tới 26 bang. Hai đảng hòa nhau ở bang Pennsylvania (8-8). Ông Trump thậm chí có cơ hội chia một nửa lá phiếu với Joe Biden ở bang Michigan và Minnesota nếu Đảng Cộng hòa có thể chiếm thêm chỉ một ghế dân biểu ở mỗi bang này trong cuộc bầu cử tháng 11.

Những lãnh đạo Đảng Dân chủ, các chiến lược gia và nhà tài trợ của đảng này cũng nhận thấy rõ điểm yếu này. Hầu hết các ứng viên dân biểu Đảng Dân chủ đang đổ tiền vào các quận vốn nghiêng về ông Trump, và đang dẫn trước nhiều đối thủ Cộng hòa trong các cuộc thăm dò dân ý. Đảng Dân chủ đang cố gắng hết sức để mở rộng tầm ảnh hưởng nhằm bảo đảm khả năng có thể chiếm đa số trong Hạ viện.

Chiến dịch này bao gồm việc đổ tiền vào quảng cáo tại các khu vực chiến trường ở ngoại ô các bang Michigan, Pennsylvania và Florida, cũng như các cuộc đua gay gắt mới xuất hiện ở khu vực nông thôn Montana và Alaska. Vào năm 2016, Trump thắng cách biệt ở cả hai bang này với tỷ lệ 15 và 20%.

Đảng Dân chủ cũng đối mặt với nguy cơ lớn ở các bang chiến địa như Arizona, Minnesota và Nevada, với việc hơn chỉ một ghế dân biểu ở Hạ viện. Trong khi đó, họ thua Đảng Cộng hòa một ghế tại Florida. Hai bên đang giằng co nhau trong cuộc chiến giành Hạ viện, mà đang có cơ hội, dù ít ỏi, trở thành nơi quyết định chức tổng thống.

Chuẩn bị cho mọi kịch bản bầu cử

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thừa nhận tồn tại kịch bản Hạ viện quyết định kết quả bầu cử tổng thống trong một lá thư gửi các đồng nghiệp. Bà gửi lá thư sau khi ông Trump liên tục nhắc đến khả năng này cũng như không chịu cam kết chuyển giao quyền lực trong hòa bình nếu thất cử.

“Tôi đã làm việc về tình huống này rồi. Tôi đã chuẩn bị cho hầu hết mọi kịch bản ông ta có thể dùng để đánh cắp cuộc bầu cử sắp tới. Tôi làm việc này trong bí mật, nhưng bởi ông ta công khai nói ra, thì tôi cũng nói ra luôn”, bà Pelosi nói trong cuộc phỏng vấn cuối tháng Chín với MSNBC.

Ngoài việc đánh động để toàn đảng phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, bình luận của bà Pelosi còn nhắc nhở thành viên Dân chủ và các nhà tài trợ không được rời mắt khỏi các cuộc đua giành ghế dân biểu gay gắt, song song với cuộc bầu cử tổng thống và Thượng viện năm nay.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tại Điện Capitol. Ảnh: The NY Times.

“Cần nhắc nhở các nhà tài trợ và các nhóm vận động khác rằng cuộc đua tổng thống đang giành được quá nhiều chú ý, cuộc đua Thượng viện cũng vậy, và chúng ta phải làm mọi biện pháp có thể để đảm bảo ta không bỏ lỡ cơ hội ở Hạ viện”, Caitlin Legacki, giám đốc truyền thông của Democratic House Majority PAC (Một ủy ban vận động để Đảng Dân chủ giành đa số Hạ viện), nói.

Kyle Kondik, tổng biên tập của Sabato Crystal Ball, một trang thư tin (newsletter) do Trung tâm Chính trị – Đại học Virginia xuất bản, nói rằng kịch bản hòa phiếu đại cử tri năm nay rất khó xảy ra. Kondik dẫn quan sát rằng Biden liên tục dẫn trước Trump trong các cuộc thăm dò toàn quốc và ở các bang chiến địa trong nhiều tháng liền. Tuy vậy, ông cũng nêu ra một số viễn cảnh có thể xảy đến, dựa vào kết quả của cuộc bầu cử bất thường 2016.

Một trong số đó là Biden thắng ở mọi bang mà Hillary Clinton đã thắng năm 2016, cộng với lật ngược được bang Michigan và Pennsylvania và cuối cùng là thắng phiếu đại cử tri của quận cử tri số 2 của bang Nebraska (bang Nebraska và Maine khác với các bang còn lại, không sử dụng quy tắc “thắng ăn cả” đối với phiếu đại cử tri mà phân bổ theo tỉ lệ phiếu bầu tại các quận cử tri).

Nhưng nếu Đảng Dân chủ mà chiếm lại được các ghế Hạ viện ở Alaska và Montana thì Biden có thể đã thắng quá 270 phiếu Đại cử tri, và khiến cho việc lo lắng chức tổng thống rơi vào tay Hạ viện quyết định trở thành vô nghĩa, Kondak nói.

Derek Muller, một giáo sư luật tại Đại học Iowa, người đã viết về vấn đề này trước cuộc bầu cử 2016, gọi khả năng Hạ viện quyết định ai là tổng thống “cực kỳ khó xảy ra” trong thời kỳ lưỡng đảng thống trị chính trường Mỹ.

“Kịch bản này có khả năng xảy ra nhất là khi có một đảng thứ ba chen vào và chiếm được một số phiếu đại cử tri, khiến cho không ai giành được đa số theo yêu cầu (270 phiếu)”, Muller nói. Ông dẫn ví dụ về cuộc bầu cử bế tắc năm 1824 với bốn ứng viên. Cuối cùng, Hạ viện đã bầu chọn John Quincy Adam làm tổng thống.

“Vẫn có khả năng xảy ra, nhưng tôi nghĩ rằng nó rất xa xôi”, Muller nói.

David Mandel, nhà sản xuất của series phim “Veep” mà kịch bản trên được đưa vào, cũng nói ông không lo ngại chuyện này sẽ xảy ra.

“Không gì làm tôi sốc, nhưng trong số rất, rất nhiều thứ sẽ xảy đến với Trái Đất, nó vẫn là điều ít có khả năng nhất”, Mandel nói với ABC News. Ông là một thành viên Đảng Dân chủ, người tham gia vận động gây quỹ cho đảng này.

Các biến số khác của Đại cử tri đoàn

Ngoại trừ chuyện hai ứng viên hòa phiếu đại cử tri, các chuyên gia bầu cử còn nêu ra một số kịch bản khó ngờ khác có thể khiến cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay rơi vào hỗn loạn trong tháng Một tới, khi Quốc hội chính thức công bố kết quả.

Hiện tại ở Mỹ, có 32 bang và Quận Colombia (Distric of Columbia) yêu cầu các đại cử tri phải thề sẽ bỏ phiếu cho ai giành đa số phiếu phổ thông tại bang của mình. Tuy vậy, các cử tri “bất tín” vẫn có thể bội ước, tức là không bầu cho ứng viên giành phiếu phổ thông.

Một lo ngại khác là khả năng xảy ra tranh chấp bầu cử ở các bang chiến địa mà có chính quyền địa phương bị phân cực như Pennsylvania, Michigan và Wisconsin. Ở các bang này, Đảng Dân chủ nắm ghế thống đốc nhưng nghị viện bang lại do Đảng Cộng hòa kiểm soát.

Nếu lãnh đạo các bang phân cực này không nhất trí được kết quả bầu cử, thì cả hai đảng có thể gửi hai đoàn đại cử tri của riêng mình đến Washington, và Quốc hội sẽ phải chọn đoàn nào được bỏ phiếu.

Tuy nhiên, kịch bản này cũng chỉ xảy ra đúng một lần từ những năm 1800. Vào năm 1960, bang Hawaii gửi hai nhóm đại cử tri tới thủ đô và Quốc hội đã chọn công nhận nhóm đại cử tri của Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, năm đó, việc này không đáng quan tâm lắm bởi các lá phiếu đại cử tri của Hawaii dù bị thay đổi thế nào cũng không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử giữa John F. Kennedy và Richard Nixon.

https://www.luatkhoa.org/2020/10/neu-trump-va-biden-hoa-nhau-so-phieu-dai-cu-tri-thi-sao/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét