Hoàng Hoành Sơn
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Căn cứ Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (1).
Kèm theo những trích dẫn về nghị định 64 trên đây là các công văn, điện khẩn cấm đoán các đoàn thiện nguyện trực tiếp cứu trợ dân vùng lũ đang gặp muôn vàn khó khăn cần cứu giúp, vì quy định đảng và nhà nước nó là như thế (2). Nên trong thực tế nhiều đoàn thiện nguyện đã phải chở hàng rời đi vì cán bộ địa phương không cho phân phát quà hàng tới tay người dân. Quyền được sống của người dân bị đảng và nhà nước xem thường tới mức không tổ chức nào được hỗ trợ dân vùng lũ ngoài đảng và các tổ chức của đảng.
Đang khi ở các nước phát triển, các tổ chức Phi Chính Phủ (NGOs) tự do hoạt động trong các công tác cứu trợ khẩn cấp; và những chương trình phát triển bền vững cho cộng đồng của họ đã có từ những thập niên 50 của thế kỷ trước (3). Các NGOs không bao giờ giao tiền vào tay chính phủ, mà chính họ sẽ giữ nguồn tiền để trực tiếp phân phối về các dự án do họ quản lý, điều hành. Chính quyền địa phương chỉ có chỉ định một phó chủ tịch tỉnh hoặc huyện để đại diện cho chương trình mà thôi.
Nhờ thế mà mỗi năm tài khóa, các NGO này đã giúp hàng tỷ đô la cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam được hưởng cả trăm triệu đô để xóa đói giảm nghèo (4). Và số tiền này được đầu tư trực tiếp giúp nâng cao đời sống cộng đồng và đến tận tay người dân khi cần kíp. Các tổ chức này âm thầm làm việc; họ không phô trương cũng không hề quảng cáo trên báo đài để thu thêm bất cứ đồng nào của người dân trong nước; họ cũng không cần giấy chứng nhận hộ nghèo để rồi mới khởi đầu dự án trợ giúp. Nhưng công việc họ làm luôn có kế hoạch, chương trình, dự án và cách thực hiện hết sức cụ thể, hiệu quả và phân bổ nguồn lực chu đáo đúng theo lời cam kết và các giá trị tùy mỗi tổ chức.
Các NGO ủng hộ triệt để quyền sống và phát triển của hết thảy mọi người, và tinh thần tương thân tương ái với nhau lúc nguy khốn. Những thiên tai nhân họa chợt đến khiến người dân đang sống an lành phải cần đến những cánh tay chìa ra cứu giúp ngay tức thời. Đây là lúc những gói đồ ăn, chai nước sạch cần được ưu tiên hàng đầu cho đồng bào giữa dòng nước lũ mênh mông không biết trông cậy vào đâu. Chờ đến khi giao tiền cho nhà nước, chuyển ngân sách phân bổ từ trung ương về địa phương, hết họp rồi bàn rồi tranh giành nguồn tiền thì dân đã kiệt sức mà chết.
Dài dòng về các tổ chức phi chính phủ như thế để cho thấy cả guồng máy đảng và nhà nước cồng kềnh, đầy dẫy bộ - ban - nghành từ địa phương đến trung ương; đầy các hội đoàn ngồi không nhưng nhận lương ngân sách nhà nước hàng năm lên đến hơn 45 ngàn tỷ đồng/năm (5). Đấy là theo con số báo đảng tính giúp. Chứ con số thật phải cao hơn nhiều. Vậy mà chẳng có hội nào can đảm xông pha ra miền Trung hoặc có kế sách cắt giảm ít chục tỷ ngân sách giúp đồng bào. Họ chỉ biết ngồi bàn giấy ra công văn cấm đoán mặc cho nhân dân khốn đốn trong vùng rốn lũ.
Vả lại tại sao lại có kiểu người đứng đầu đảng và nhà nước kêu gọi hỗ trợ đồng bào vũng lũ (6), đang khi cấp dưới lại ra công văn cấm các đoàn từ thiện tiếp cận địa phương nhận hàng hỗ trợ? Tại sao mỗi năm đến mùa lũ chả bao giờ thấy được sự trợ giúp thiết thực của đảng và nhà nước? Người dân chỉ có thể nhận được hỗ trợ của đảng trên tivi, nhận những bánh vẽ to ơi là to mà không bao giờ có thể ăn được hay ăn no. Và các quan chức địa phương ngồi đó chực chờ cướp tiền cứu trợ mỗi khi có người nổi tiếng nào huy động được nguồn tiền từ thiện khủng (7).
Ngay cả 100 ngàn đô đại sứ quán Hoa Kỳ trao cho nhà nước hỗ trợ dân gặp lũ không hề được nghe nhắc đến sẽ có những hướng sử dụng cụ thể nguồn tiền này như thế nào (8). Và rồi VN đã hỗ trợ chính quyền TQ, dịp Covid-19, 500 ngàn đô la tiền vật tư thiết bị y tế, hội chữ thập đỏ hỗ trợ 100 ngàn đô (9). Sốt sắng giúp TQ như thế sao người dân miền Trung ruột thịt lại không được cắc bạc nào từ đảng và chính phủ?
Người Việt Nam cần hiểu thêm về những khái niệm cứu trợ khẩn cấp và phát triển cộng đồng dài hạn, mà trách nhiệm đầu tiên thuộc về Nhà nước đang điều hành đất nước. Bất cứ tổ chức tôn giáo hay tư nhân hoặc nhà nước nào đều có những nguồn thu nhất định. Họ cần có những kế hoạch chi tiêu hợp tình hợp lý và biết dành ra những khoản riêng dành cho những thời điểm nguy cấp cho tổ chức, cộng ty hoặc quốc gia tùy theo khu vực địa chính trị; chẳng hạn vùng dễ gặp hạn hán, ngập mặn, nhiều mưa bão, hay chịu lũ lụt.
Cho nên phải có kế sách dài hạn và nguồn tiết kiệm để làm kho lương thực dự trữ, các nguồn hỗ trợ thiên tai, tiết kiệm cứu trợ khẩn cấp cho người dân dưới bất cứ hình thức nào. Không phải chờ đến khi nguy cấp mới đao to búa lớn rằng mở kho dự trữ quốc gia, gói hỗ trợ này, chi ngân sách nhà nước kia mà rốt cuộc người dân nghèo không bao giờ nhận được.
Như đại dịch Covid-19 vừa qua với các gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đến được tay người dân như thế nào? Chỉ riêng việc hành hạ người nghèo đi chứng giấy xác nhận hộ nghèo ở chính quyền địa phương gây biết bao phiền toái; người nghèo cần hỗ trợ khẩn cấp không thể tiếp cận được nguồn tiền cần kíp trong cơn nguy cấp.
Đến nay chỉ những gia đình có đảng hoặc có người thân làm công bộc tại địa phương là được nhận (10). Rồi tái xuất hiện những lá đơn theo kiểu: những người ăn xin, những bà cụ già thiếu ăn viết đơn xin không nhận gói hỗ trợ từ nhà nước để nhường cho người “nghèo” hơn (11). Đây là những chiêu trò khiến người dân mất hẳn niềm tin vào đảng và nhà nước. Trong cơn khốn khó mới biết ai thật tâm muốn giúp đỡ người hoạn nạn. Những kiểu chơi chiêu khiến đảng mất danh dự, mất niềm tin trong tâm hồn người dân. Nên không ai gởi tiền nhờ nhà nước đi cứu trợ thay là điều dễ hiểu.
Vả lại việc cứu trợ là bổn phận của nhà nước. Nhân dân đóng thuế để nhà nước phải chi tiêu hợp lý và hỗ trợ người dân khi cần. Tại sao đảng viên cứ chực chờ đòi nắm lấy phần tiền bà con tin tưởng gởi cho Thủy Tiên chẳng hạn. Vì sao cứ đòi chuyển tiền từ thiện để Mặt trận tổ quốc và hội chữ thập đỏ, vốn nhiều tai tiếng và không có kinh nghiệm cứu trợ khẩn cấp, nắm giữ?
Cơn lũ mấy tuần vừa qua hoành hành ở các tỉnh miền Trung từ cao nguyên xuống Quảng Nam, ra Huế, Quảng Trị, Quảng Bình khiến hơn 100 người chết. Hàng chục người mất tích. Tổn thất về nhà cửa, hoa màu và nguy cơ đói ăn, dịch bệnh vì vệ sinh môi trường kém sau khi lũ rút là rất cao. Phải nói đây là tình trạng khẩn cấp quốc gia, vậy mà Quốc Hội họp hành chỉ để tưởng niệm tướng Nguyễn Văn Man, đại biểu quốc hội, cùng các quân nhân; mà không hề có lời nhắc đến gần 100 dân thường thiệt mạng do thủy điện xả lũ vô trách nhiệm gia tăng cường độ cho dòng lũ.
Tại sao như thế? Mạng sống đại biểu, đảng viên được xem trọng hơn người dân chăng? Sống mặc dân chết cũng mặc dân là phương châm của đảng và Quốc hội chăng? Đảng vẫn họp đại hội cờ xí rợp trời như bình thường; Quốc hội vẫn bàn luận tiêu tốn ngân sách mỗi ngày một tỷ đồng theo thường lệ như không hề có hoàn cảnh đau thương của người dân miền Trung tồn tại.
Thêm vào đó là những công văn nghiêm cấm các đoàn thiện nguyện trực tiếp cứu trợ dân là sao? Để mặc dân đói để gây áp lực moi tiền từ thiện hay sao? Nguyên do tại sao dân không tin tưởng giao tiền cho nhà nước hoặc các UBMTTQVN, hoặc hội Liên Hợp phụ nữ hay UBND tỉnh, huyện, xã? Tại sao người dân chia sẻ tình thương với người dân vùng lũ qua những người đáng tin cậy để mang quà đến tận tay người dân lại bị cấm đoán? Chính người viết trong một dịp đi cứu trợ mùa lũ năm 2016, ở một xứ nghèo Quảng Bình đã gặp tình trạng: sau khi đoàn cứu trợ rời đi, chính quyền xã trực tiếp gọi loa phóng thanh bắt dân mang quà tiền cứu trợ lên nộp lại cho xã. Họ chỉ được nhận lại một phần tư giá trị số quà tặng. Thử hỏi ai còn dám tin tưởng chính quyền để mà giao trứng cho ác.
100 tỷ giao cho Thủy Tiên còn cơ may đến tận tay người cần hỗ trợ; nếu 100 tỷ đó giao vào tay chính quyền hoặc các tổ chức, hội đoàn nhà nước sẽ có bao nhiêu phần trăm đến được tay người dân; chưa kể đảng và chính quyền còn mượn hoa kính phật, gom luôn công đức từ tiền của các nhà từ thiện khắp nơi trở thành ân bác, ơn đảng, công cán bộ. Chúng còn được tính luôn vào số tiền đảng đã hô hào chi từ ngân sách v.v… và rốt cuộc đảng không bỏ ra đồng nào vẫn có tiếng và có miếng.
Trở lại vấn đề danh dự, không cần các dư luận viên mượn mồm các đảng viên cách mạng lão thành kêu gào: rằng thì là hãy giao tiền cho đảng phân phát thay; nếu dân tin đảng, họ tự khắc góp tiền cho đảng đi cứu dân vùng lũ. Ở đây dân đã đúng, họ không dại gì giao đồng tiền mồ hôi nước mắt, đồng tiền mà họ phải bớt xén chi tiêu trong gia đình để san sẻ cùng đồng bào miền Trung, cho những kẻ ăn hại đái nát, những kẻ tham nhũng tàn phá tài nguyên rừng. Chính đảng và nhà nước quản lý yếu kém khiến tình trạng phá rừng xây biết bao đập thủy điện tàn phá môi trường, xả lũ khiến nước lụt tăng cao đổ thẳng về nơi dân cư đông đúc gây bao hậu quả khôn lường và năm nào cũng tái diễn cảnh này.
Chính đảng và nhà nước giáo dưỡng biết bao kẻ thất nhân tâm luôn tìm mọi cách vinh thân phì gia; đại diện dân ở Quốc hội còn mua quốc tịch nước ngoài 70 tỷ, đảng giết cụ Lê Đình Kình, tuyên án tử hình hai con của cụ, bỏ tù người thân cụ như vụ Đồng Tâm; thủy điện đảng quản lý xả lũ tàn hại dân v.v…thì làm sao đảng còn đủ danh dự để dân tin tưởng. Kẻ gây tai họa lại bắt người bị hại đưa thêm tiền cho hắn để giảm thiểu thiệt hại do hắn gây ra; và rồi nguồn tiền của những người từ tâm lại tiếp tục làm đầy túi những kẻ thủ ác, thử hỏi còn đất trời nào dung thứ? 45 năm qua, người dân cả nước đã mất niềm tin vào đảng cộng sản gian dối, đang dần hủy hoại đất nước này.
Ngay cả bộ trưởng bộ Truyền thông thông tin, vừa xuất bản sách “tự diễn biến, tự chuyển hóa” lại đi thẳng vào nhà tù do bản thân ngài bộ trưởng ấy cũng tự diễn biến, tự chuyển hóa khi nảo khi nao (12). Tướng công an lẽ ra phải làm điều đúng đắn, ngăn cấm cờ bạc, lại đi bảo kê mạng đánh bạc ngàn tỷ; quân đội lẽ ra tập trung lo bảo vệ tổ quốc lại chuyên lo làm kinh tế, Viettel, thủy điện, ngân hàng quân đội .v.v… lo xây biệt phủ. Thì thời gian đâu phác thảo kế hoạch chống ngoại xâm? Tòa án xử xét biết bao vụ án oan sai, tham nhũng bảo vệ những kẻ hối lộ; hai thiếu niên đói quá ăn cắp mấy ổ bánh mì đi tù gần năm (13); trong khi tham ô hàng chục ngàn tỷ như Tất Thành Cang chỉ bị phê bình vì hết thời hiệu xử lý (14).
Vậy ai dám tin tưởng mà giao tiền cứu trợ dân nghèo miền Trung vào tay đảng giữ thay phát giúp? Lấy gì bảo đảm đảng viên lại không xén bớt hoặc chỉ phát cho nhà có công cách mạng vốn nhà cao cửa rộng. Hoặc chỉ phát cho con cháu trong gia đình? Dân xin đủ; đảng đã cho dân nhiều bài học đau thương lắm rồi. Dân cả nước đã sáng mắt sáng lòng, nên Thủy Tiên nhất hô là bá ứng ngay 100 tỷ. Đang khi tổng bí thư kiêm chủ tịch nước lên đài phát thanh, báo đài ủng hộ lan truyền hết cỡ cả nước vẫn chả có tỷ nào đáp lại lời kêu gọi tha thiết của ngài chủ tịch – tổng bí thư.
Chỉ riêng hai hình ảnh:
- Hình ảnh cô Tiên lặn lội trong mưa gió giữa vùng lũ nguy hiểm trao quà tận tay người dân; thậm chí khi bị lừa 3 triệu đồng cô Tiên vẫn cố gắng lấy lại cho bằng được vì đó là tiền “niềm tin” dùng để cứu người gặp nạn (15). Kết quả hơn 100 tỷ được đóng góp vào tài khoản cô Tiên.
- Hình ảnh cụ tổng bí thư kiêm chủ tịch nước đứng trong đại hội đường, sáng lòa ánh điện, ngập tràn cờ hoa kêu gọi người dân trong và ngoài nước đóng góp cứu trợ. Chỉ có các đảng viên vỗ tay hoan nghênh và ra công văn cấm tiệt các đoàn từ thiện, cũng như kêu gọi chuyển hết tiền để đảng lo.
Hai hình ảnh đó đọng lại trong tôi và quý độc giả những gì? Và nếu muốn cứu dân vùng lũ, bạn sẽ chuyển tiền từ thiện cho ai, cô Tiên hay cụ Trọng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét