Thu Hằng
Mối quan hệ giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ xấu như hiện nay. Lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao hai nước, ngày 25/10/2020, Paris triệu hồi đại sứ Pháp tại Ankara “để tham vấn”, nhằm phản đối các phát ngôn gây sốc của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan khuyên đồng nhiệm Pháp kiểm tra “sức khỏe tâm thần” sau khi ông Macron tuyên bố tiếp tục đấu tranh chống “chủ nghĩa ly khai Hồi Giáo cực đoan” và “cơ sở Hồi Giáo cực đoan ở Pháp”. Phải chăng đây là bước tiếp theo trong lời đe dọa “Ông Macron, ông chưa hết rắc rối với tôi đâu !” mà nguyên thủ quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra vào tuần trước đó ?
Ankara bất bình vì Paris cản trở chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ ?
Đằng sau thái độ và phát biểu gay gắt là những bất đồng ngày càng lớn giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ : NATO, căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải, vấn đề di dân, các cuộc xung đột ở Syria, Libya, Thượng Karabakh và bây giờ thêm vấn đề tôn giáo. Dường như, theo Ankara, Paris đang cản trở tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế.
Pháp bị tổng thống Erdogan gọi là “côn đồ” khi điều động hai chiến đấu cơ Rafale và chiến hạm La Fayette vào tháng 8 để hỗ trợ chính phủ Hy Lạp, một thành viên của NATO, đối phó với hành động hung hăng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải.
Về cuộc xung đột ở Thượng Karabakh, tổng thống Pháp khẳng định có “300 chiến binh rời Syria để gia nhập đội quân của Baku” được Ankara hậu thuẫn. Pháp lên án “trách nhiệm lịch sử và hình sự” của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột ở Libya, vì từ năm 2016, Ankara yểm trợ quân sự ngày càng nhiều cho chính phủ Libya, trong khi đó Ankara coi Pháp là một “cản lực cho hòa bình” ở Libya, khi ủng hộ phe đối lập.
Gần một nửa trong tổng số 300 giáo sĩ Hồi Giáo (imam) nước ngoài được điều đến Pháp giảng đạo là do cơ quan Hồi Giáo tối cao ở Ankara cử đến. Điều này hiện trở thành một vấn đề gây lo ngại, vì tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ luôn khẳng định : “Người theo đạo Hồi ở châu Âu bị đối xử như người Do Thái trước Thế Chiến II”.
Bắt nạt Pháp dễ hơn so với Trung Quốc và Mỹ ?
Theo ông Dominique Moïsi, chuyên gia về Trung Đông, trả lời trang mạng 20minutes.fr ngày 26/10, có hai lý do khiến nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ tấn công gay gắt đồng nhiệm Pháp về tôn giáo.
Thứ nhất là lý do nội bộ. Điểm tín nhiệm trong nước của ông Erdogan, cũng như đảng của ông, đang sụt giảm, trong khi nền kinh tế bị ảnh hưởng vì khủng hoảng dịch tễ. Đưa ra những tuyên bố pha trộn khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và dân túy nhắm vào ông Macron, cũng như nhắm vào những tham vọng quốc tế của Pháp, là để đánh lạc hướng dư luận, để họ quên đi những vấn đề nội bộ.
Thứ hai, ông Erdogan muốn được coi là một tiếng nói có trọng lượng của khối Hồi Giáo trước phương Tây. Ông Erdogan đang tìm cách để Thổ Nhĩ Kỳ thay Iran làm thủ lĩnh trong thế giới Hồi Giáo, mở rộng bản đồ “đế chế” tân Ottoman. Bối cảnh Iran suy yếu, Ai Cập không còn mạnh, nhiều nước Hồi Giáo bắt tay với Israel, dường như là cơ hội tốt cho Ankara.
Vẫn theo phân tích của ông Dominique Moïsi, Pháp bị nhắm đến vì không mạnh bằng Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cần nhắc lại là Ankara thờ ơ trước chính sách trấn áp và đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương mà Bắc Kinh tiến hành từ nhiều năm nay.
Đúng là hàng hóa Pháp bị rút khỏi nhiều siêu thị, cửa hàng ở một số nước như Jordani, Qatar… nhưng theo một số chuyên gia, tạm thời, phong trào tẩy chay này chưa đến mức báo động và cần theo dõi thêm. Dù chỉ có 3% hàng xuất khẩu của Pháp được xuất sang khu vực Trung Đông, nhiều chính trị gia kêu gọi các tập đoàn có hàng hóa bị tẩy chay không nên nhân nhượng vào thời điểm này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn thu hút sự chú ý và đã được toại nguyện. Ngày 26/10, rất nhiều nước láng giềng châu Âu của Pháp đã lên tiếng chỉ trích phát biểu của ông Erdogan. Liệu một liên minh mới có sẽ được hình thành để kiềm chế tham vọng của “sultan” Erdogan ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét