Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

4828 - Quảng Bình: Tranh cãi việc thôn thu lại tiền sau khi Thủy Tiên phát

Người dân nhận quà cứu trợ ở Quảng Trị
GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Người dân nhận quà cứu trợ hôm 16/10 ở Quảng Trị (ảnh minh họa)

Theo thông tin ban đầu, tại thôn Ngoạ Cương, xã Cảnh Hóa, Quảng Trạch, Quảng Bình có 69 hộ nhận tổng cộng 414 triệu đồng. Sau đó, ban cán sự thôn này đã thu lại toàn bộ gây bức xúc dư luận.

Sáng 29/10, Facebook tên Nguyen Thi Hang Nguyen đăng bài viết: "Nhà mình ngập lụt được Thuỷ Tiên về ủng hộ tiền nhưng đã bị thôn thu lại. Thật sự mình không đồng ý. Chuyện này mình sẽ đi hỏi tận nơi". Tuy nhiên tài khoản này sau đó không còn truy cập được.

Nguyen Thi Hang Nguyen
CHỤP MÀN HÌNH

Thông tin này đã thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận. Nhiều người bình luận, chia sẻ và thể hiện thái độ bất bình, không đồng tình với cách làm của chính quyền địa phương và cho rằng đây là hành vi "lá lành giành lá rách", làm nên tiền lệ xấu và gây mất lòng dân.

Thực hư chuyện cán bộ thu lại tiền của dân

Về tính xác thực của thông tin trên, báo Quảng Bình Online được xem là Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã có bài viết xác nhận có việc thu tiền của người dân.

Cụ thể, bài viết có tựa đề Cần hiểu rõ bản chất hoạt động thu tiền cứu trợ ở thôn Ngoạ Cương đăng tối 29/10 do tác giả Kỳ Sơn viết có ghi:

"Ngày 28-10-2020, ca sĩ Thuỷ Tiên đã về xã Cảnh Hoá (Quảng Trạch) trao quà ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do đợt lũ lụt xảy ra vào tháng 10-2020 cho 703 hộ, mỗi hộ 6 triệu đồng; riêng thôn Ngoạ Cương có 69 hộ được hỗ trợ. Sau khi các hộ dân được trao số nói trên, Ban cán sự thôn Ngoạ Cương đã thu lại toàn bộ".

Tuy nhiên, bài viết lý giải việc thu tiền là "để đảm bảo sự công bằng, hài hoà và giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm". Cụ thể, chủ trương của ban cán sự và người dân thôn Ngọa Cương là khi có các hoạt động cứu trợ bão lụt, đối với hàng hoá thì người dân được hưởng, còn tiền mặt thì thôn sẽ thu lại. Theo đó, số tiền ủng hộ của ca sĩ Thủy Tiên cũng áp dụng như trước đây.

"Cuối đợt, Ban cán sự thôn sẽ họp bàn với người dân bình xét, cân đối và phân chia lại cho từng hộ, trong đó ưu tiên cho những hộ gia đình bị thiệt hại nặng", người này viết.

Về việc người dân lên mạng bức xúc, tác giả Kỳ Sơn nói: "do chưa nắm bắt, tìm hiểu kỹ thông tin, chủ tài khoản Facebook Nguyen Thi Hang Nguyen đã vội vàng đăng tải thông tin nên gây hiểu nhầm, phản ứng trong dư luận và cộng đồng mạng. Sau khi được ban cán sự thôn giải thích cặn kẽ vào lúc 14h30 cùng ngày, chủ tài khoản Facebook "Nguyen Thi Hang Nguyen" đã gỡ bỏ thông tin đăng tải và đăng thông tin đính chính".

Tuy nhiên, sự việc vẫn gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Cụ thể, trên Facebook cá nhân, nhà báo Dương Minh Phong (Cu Làng Cát) ở Quảng Trạch, Quảng Bình, người liên tục tường thuật về tình hình bão lũ chất vấn:

"Cần hiểu rõ rằng việc trao tiền hỗ trợ cho toàn thôn Ngọa Cương của Thủy Tiên là sự sẻ chia rõ ràng tới từng hộ dân trong thôn...Ban cán sự thôn thống nhất bàn bạc bằng tình đồng ý của dân hay là tự trong cái ban cán bọ Ngọa Cương chủ đích?..."

Nhà báo Dương Phong nêu ra những vấn đề bất cập của chủ trương của thôn Ngọa Cương
CHỤP MÀN HÌNH

Chụp lại hình ảnh,

Nhà báo Dương Phong nêu những vấn đề bất cập của chủ trương của thôn Ngọa Cương

Ông Minh Phong cho rằng cách giải thích về việc "công bằng" là lỏng lẻo vì việc chia lại tiền của ban sự thôn có thể gây phức tạp lòng dân, chưa kể tới trường hợp "thân hữu" của ban cán sự sẽ dẫn đến việc chia tiền thiếu công bằng. Đồng thời, nhà báo cũng cho rằng đây là chủ trương "không thuận lòng dân cả người cho và người nhận".

Ông lý giải: "vì thôn đã lập danh sách từ trước để đoàn Thủy Tiên có căn cứ phát tiền, giờ thôn thu lại nghĩa là danh sách ấy là danh sách làm láo nhằm nhận tiền, vậy thì càng tai hại. Thôn Ngọa Cương cần nhanh chóng trả lại tiền cho dân để giữ tình làng nghĩa xóm".

Dư luận phản ứng gay gắt về chủ trương thu lại tiền của dân của thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình
CHỤP MÀN HÌNH

Chụp lại hình ảnh,

Dư luận phản ứng gay gắt về chủ trương thu lại tiền của dân của thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình

Nhiều người cũng ý kiến việc cán bộ thu lại tiền của người dân, đặc biệt là người đã quyên góp tiền cho Thủy Tiên. Facebook Nguyễn Ngọc Minh viết: "Chính quyền đã không coi trọng sức mạnh quyên góp của người dân, công lao của Thủy Tiên và xem thường dư luận. Chúng tôi quyên góp cho Thủy Tiên vì cô ấy đến tận nơi, trao tận tay và giờ cán bộ lại lấy cớ chủ trương lạc hậu mà thu lại. Chính vì thế từ đầu, chúng tôi không chọn quyên tiền cho Mặt trận Tổ quốc".

Có người còn đặt vấn đề về pháp luật, cho rằng Thủy Tiên tặng tiền cho dân thì đó là tài sản hợp pháp của người dân. Vì vậy, việc cán bộ chỉ vịn vào chủ trương để thu lại tiền của dân là hành vi xâm phạm tài sản.

Năm 2016, người dân của thôn Trung Thôn, xã Ba Đồn tỉnh Quảng Bình cũng bị thôn thu lại 400 nghìn đồng sau khi được nhận 500 nghìn đồng của đoàn cứu trợ từ TP HCM với lý do chia lại cho những hộ dân khác cũng bị thiệt hại trong thôn.

Tuy nhiên, sau khi vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận, chính quyền thị xã Ba Đồn đã chỉ đạo trả lại cho các hộ số tiền trên.

Ý kiến trái chiều chuyện làm từ thiện của Thủy Tiên

Dù nhiều người phản đối gay gắt cách làm, chủ trương của cán bộ xã thôn Ngọa Cương nhưng vấn đề trao tiền mặt có giá trị từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng của Thủy Tiên cũng gây phản ứng trái chiều, cho rằng việc này sẽ dễ dẫn đến chuyện "dân vòi tiền".

Một người làm thiện nguyện lâu năm nói với BBC: "Việc Thủy Tiên quyên góp được hơn 150 tỷ thể hiện được sức mạnh xã hội dân sự, tình người trong nguy khốn. Tôi cũng rất quý tấm lòng của cô ca sĩ khi có mặt trong lúc mưa lũ ở nhiều tỉnh thành và bây giờ quay lại miền Trung ngay bão số 9. Tuy nhiên, làm từ thiện kiểu rải tiền như Thủy Tiên cơ bản là giải tỏa tâm lý lúc đó chứ hiệu quả lâu dài thì không có. Dù Thủy Tiên có nói sẽ hướng đến việc xây lại nhà bị sập do lũ và xây nhà chống lũ cho người dân nhưng cô cũng khẳng định 150 tỷ, số hộ cần giúp tới hàng nghìn thì cũng như 'muối bỏ bể' nên càng cần cân nhắc kỹ".

Trước đó, việc nữ ca sĩ trao trực tiếp số tiền 200 triệu cho một ông cụ để trả nợ ngân hàng vì mất trắng sau lũ cũng gây tranh cãi trong dư luận.

Bình luận về việc Thủy Tiên trao 200 triệu cho ông cụ trả nợ ngân hàng.
CHỤP MÀN HÌNH

Chụp lại hình ảnh,

Bình luận về việc Thủy Tiên trao 200 triệu cho ông cụ trả nợ ngân hàng.

Cụ thể, một số người cho rằng Thủy Tiên làm như vậy là không công bằng với những hộ dân khác và cho rằng Thủy Tiên quá tin người. Có tài khoản cho rằng: "Thủy Tiên nên có bước xác minh hoặc cho người đưa ông cụ đến ngân hàng để trả nợ. Hơn nữa, việc trao trực tiếp 200 triệu tiền mặt cho ông cụ nhà cửa đã không còn thì càng nguy hiểm cho ông".

Một số người khác ý kiến rằng cô đã sử dụng tiền sai mục đích: "Tiền người dân quyên góp cho Thủy Tiên là để giúp người dân khỏi cái đói, cái rét và có chút vốn thiết lập lại cuộc sống sau lũ chứ không phải cho người khác trả nợ".

Tuy nhiên, phần đông người vẫn ủng hộ nữ ca sĩ và cho rằng cô hành động đúng đắn.

Thủy Tiên và Công Vinh trao 200 triệu cho bác nông dân mất trắng tài sản sau lũ để trả nợ.
CHỤP MÀN HÌNH

Chụp lại hình ảnh,

Thủy Tiên và Công Vinh trao 200 triệu cho bác nông dân mất trắng tài sản sau lũ để trả nợ.

Đáp lại dư luận, hôm 29/10, nữ ca sĩ đã đăng bài viết xác nhận ông cụ đã đến ngân hàng trả nợ số tiền 200 triệu và nói: "Mình nghĩ là khi con người ta đã vào đường cùng thì một là cứu, hai là không… Một quyết định có thể thay đổi cuộc đời con người ta. Mà ông phải như nào thì cả làng cả xóm ai cũng nói vào cho ông, lúc ông cầm 200 triệu cả làng xóm ai cũng mừng cho ông cả".

Trước đó, nhà báo Hoàng Hường viết trên Facebook cá nhân về việc làm từ thiện của Thủy Tiên:

"Trong bối cảnh đầy hoang mang, thật giả lẫn lộn này, thì có thể coi Thủy Tiên (nói hơi to tát) như "tài sản quốc gia" vì cô đang giữ giá trị niềm tin. Nếu giá trị ấy sụp đổ, thì nạn nhân bão lụt không chỉ mất đi một "cô Tiên", mà cộng đồng lại một lần tổn thương và "tài nguyên thiện nguyện" sẽ không được bảo vệ và khai thác hiệu quả. Thiệt hại cuối cùng sẽ là những người cần được hỗ trợ như các nạn nhân thiên tai và những người yếu thế".

Ảnh minh họa
GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Một người phụ nữ ở Hải Lăng, Quảng Trị ôm thùng mì được quyên tặng hôm 16/10 (ảnh minh họa)

Vì lẽ đó, bà Hoàng Hường gợi ý Thủy Tiên nên lập một đội ngũ, bao gồm luật sư, người làm truyền thông, kế toán… hỗ trợ mình và kết nối với những chuyên gia và lan tỏa mạng lưới cộng đồng thành cánh tay nối dài để việc giúp đỡ người dân được công bằng, minh bạch: "như qua nhiều năm, vẫn có hiện tượng những gia đình gần trục giao thông, hoặc bỗng nổi lên trên truyền thông với câu chuyện xúc động nào đó, lập tức hút hầu hết nguồn tài trợ, trong khi những nơi khác không có".

Bà Hường cũng đề xuất Thủy Tiên có thể áp dụng công nghệ, lập thành bản đồ có số liệu, hộ dân, các vùng ngập nặng để việc từ thiện triệt để hơn: "Các đoàn thiện nguyện sẽ đánh dấu những làng, thậm chí những hộ đã cứu trợ; các đoàn sau sẽ tìm địa điểm khác, tránh chồng chéo. Công việc sẽ được phân bổ hợp lý, và minh bạch hơn. Phần mềm này sẽ được lưu lại để dùng cho các đợt sau nữa".

    Trả lời BBC News Tiếng Việt trước đó, PGS. TS Phạm Hùng Cường, giảng viên Bộ môn Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội và kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Viện trưởng Viện Kiến trúc Việt Nam cũng đưa ra mô hình nhà chống lũ đơn giản, giá rẻ và hy vọng hợp tác với Thủy Tiên để xây cho bà con miền Trung.

    https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54743719

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét