BBC
Sự trỗi dậy của Trung Quốc, tình trạng Tân Cương, Biển Đông và Hong Kong là các lý do khiến nhiều người Mỹ gốc Việt dành nhiều năm vận động chống lại chính phủ do ĐCSVN kiểm soát.
David Tran đã dành phần lớn cuộc đời mình để vận động cho sự sụp đổ của chính phủ do đảng cộng sản kiểm soát ở Việt Nam, theo SCMP.
Giống như nhiều thành viên của cộng đồng người Việt hải ngoại tại Hoa Kỳ, Tran, nhập cư từ khi còn là một thiếu niên cách đây hơn ba thập kỷ, từ lâu đã mơ về một ngày quê hương của mình chấp nhận nền dân chủ tự do.
Chống Trung Quốc
Tuy nhiên, hiện nay, David Tran, người điều hành Trung tâm Dân chủ Việt Nam có trụ sở tại Texas, lại đang nhắm vào một nhà nước độc đảng khác: Trung Quốc.
"Chúng tôi nhìn vào tầm nhìn của tương lai, một tương lai do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo thông qua hình ảnh của Tây Tạng, Tân Cương, Biển Đông và thậm chí cả Hong Kong… và chúng tôi không chấp nhận tương lai đó cho con cháu chúng tôi," Trần, một bác sỹ y khoa, nói.
Đối với nhiều người Mỹ gốc Việt đã dành nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ tham gia vận động chống lại chính quyền Việt Nam, sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến họ chuyển sự tập trung sang nâng cao nhận thức về dân chủ, nhân quyền và sự nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản.
Trong khi chia sẻ nhiều mối quan tâm chung với giới hoạt động ở những nơi khác, chẳng hạn như cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, sự phản đối của họ đối với Bắc Kinh thường tập trung vào những xung đột ảnh hưởng đến quê hương, bao gồm tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông.
Đầu năm nay, vẫn theo SCMP, hơn 80 nhóm người Việt Nam ở nước ngoài, nhiều người trong số họ sống tại Hoa Kỳ, đã thực hiện một cuộc "trưng cầu dân ý" không chính thức qua mạng xã hội để công chúng Việt Nam có cơ hội thể hiện quan điểm về các tuyên bố bành trướng và việc xây dựng quân đội của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Chín lăm phần trăm số người được hỏi cho biết họ ủng hộ việc khởi kiện Bắc Kinh tại các tòa án quốc tế, theo cuộc thăm dò ý kiến 1,2 triệu người Việt Nam trong nước, theo ban tổ chức.
Hà Nội đã ám chỉ sẽ kiện nhưng cho tới nay vẫn chưa thực sự theo đuổi việc này.
Tran, người giúp tổ chức cuộc thăm dò, nói rằng Hà Nội sẽ không bao giờ bảo vệ chủ quyền của đất nước trước sự hiện diện ngày càng lấn lướt của Trung Quốc.
Ông nói: "Việt Nam và Trung Quốc có cùng hệ tư tưởng cộng sản. Giữ lập trường vững chắc hơn có nghĩa là tách khỏi hệ tư tưởng đó... Việt Nam và Trung Quốc là quốc gia công an trị, có sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bộ máy an ninh nội bộ."
Trọng tâm vận động của các nhóm như Trung tâm Dân chủ Việt Nam là xác quyết rằng Bắc Kinh gây ra mối đe dọa không chỉ đối với Việt Nam, mà cả thế giới nói chung.
Một số nhà hoạt động hải ngoại từng tham gia các chiến dịch về Biển Đông đã bắt đầu vận động hành lang để Đảng Cộng sản Trung Quốc được xác định là một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, một vấn đề được đưa ra bởi Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Scott Perry, người vào ngày 1/10 đã giới thiệu một dự luật liên quan tại Hạ viện Hoa Kỳ.
Quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc vốn đã căng thẳng trong lịch sử, với việc các bên phải đối mặt với một loạt xung đột biên giới trước khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991. Trong một cuộc khảo sát của Pew năm 2017, chỉ 10% người Việt Nam cho biết họ có cái nhìn tích cực về nước láng giềng Trung Quốc.
Những mâu thuẫn lịch sử đó trở nên trầm trọng hơn trong những năm gần đây do các cuộc đối đầu liên tiếp ở Biển Đông, bao gồm cả cuộc biểu tình kéo dài một tuần vào năm 2014 sau khi một công ty Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu ở vùng biển này, làm dấy lên phản đối ở khắp Việt Nam.
Will Nguyen, một nhà hoạt động dân chủ người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ, cho biết chủ nghĩa bành trướng chống Trung Quốc đã "ăn sâu vào tâm trí của hầu hết mọi người Việt Nam".
Ông Nguyễn nói: "Nhiều nhà hoạt động ở nước ngoài tỏ ra hiếu chiến với Trung Quốc vì họ không thích Đảng Cộng sản Việt Nam. Về mặt lịch sử, điều này có ý nghĩa vì cả hai đảng đều có chung nguồn gốc và rõ ràng các đảng này đang điều hành các quốc gia độc tài độc giống nhau."
Ủng hộ Trump
Trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 3/11, nhiều người Mỹ gốc Việt hy vọng Donald Trump tái đắc cử, ủng hộ lập trường diều hâu của ông và Đảng Cộng hòa đối với Trung Quốc. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng trước bởi APIAVote, AAPI Data và Người Mỹ gốc Á ủng hộ Công lý, 48% người Mỹ gốc Việt cho biết họ ủng hộ Trump, so với 36% thích Joe Biden.
Nguyen-vo Thu-huong, phó giáo sư về Nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại Đại học California, Los Angeles, cho biết sự phản đối truyền thống đối với Trung Quốc và chủ nghĩa cộng sản trong cộng đồng hải ngoại hiện đang được một số nhà hoạt động ủng hộ Trump đồng tình.
Bà nói: "Các cuộc biểu tình có thể vẫn chống Trung Quốc, nhưng đã trở thành một phần của thông điệp về lý do tại sao người Việt Nam ở hải ngoại nên ủng hộ Trump và chống lại bất kỳ kẻ thù nào của Trump và chống lại tầm nhìn của ông về Mỹ. Kể từ sau đại dịch và George Floyd, tình cảm chống Trung Quốc đã được huy động cho Trump, chống lại các lệnh phong tỏa do đại dịch, chống lại các chính trị gia Dân chủ khác."
Trần, người đứng đầu Trung tâm Dân chủ Việt Nam, cho biết ông không tập trung vào kết quả của cuộc bầu cử, mà tiếp tục truyền bá thông điệp của mình ra thế giới.
Ông nói: "Công việc của chúng tôi không liên quan đến dự đoán ai thắng ai thua. Dù ai thắng hay thua thì công việc của chúng tôi vẫn vậy: Thông báo cho công chúng và các đại diện dân cử của chúng tôi từ tất cả các cấp chính quyền và từ tất cả các chính phủ, rằng chủ nghĩa cộng sản là xấu xa. "
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét