Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

4806 - Bài Việt-sử học lại

Phạm Minh-Tâm


Thời-điểm này cơn đại-dịch còn đang phát-tác cùng với nhiều biến-động xẩy ra khắp thế-giới, nhất là tình-trạng hỗn quân hỗn quan tại Mỹ trong những ngày cuối của cuộc chạy đua quyền-lực vào Bạch-cung….tất cả đã gợi cho người viết ý-hướng tưởng-niệm cố Tổng-thống Ngô-Đình Diệm năm nay không bằng những lời ca-tụng dư-thừa hay kể công kể trạng vì “hữu xạ tự nhiên hương”, mà bằng các cố gắng nhận-diện những oan-khiên người ta đã hè-hụi cùng  nhau trút trả cho ông sau chín năm “hồi-sinh nửa mảnh giang-san”.

Nhớ lại trong ngày Quốc-khánh 26-10-1963, khi Tổng-thống Ngô-Đình Diệm đứng đọc diễn-văn trước một cử-toạ toàn những khuôn mặt quá quen thuộc của các Tổng, Bộ-trưởng trong Chính-phủ, các tướng tá trong Quân-lực, các đại-diện tôn-giáo, các quốc-khách trong Ngoại-giao đoàn…thì chắc-chắn ông không dám nghĩ rằng lẫn trong đó có một đám lang sói biến hình đang trà-trộn trong các thành-phần đẹp-đẽ kia nhìn ông trong tâm-trạng chờ con mồi sắp sa bẫy. Và chỉ mấy ngày sau, cái bẫy chính-trị tồi-tệ đã sập xuống đời Tổng-thống Ngô-Đình Diệm, xuống toàn-bộ nền Đệ-nhất Cộng-hoà, xuống Miền Nam và di-lụy cho cả Miền Nam từ-từ đi vào hố-thẳm  30-4-1975.

Trong lời hiệu-triệu quốc-dân vào ngày Quốc-khánh cuối cùng này, tôi nhớ nhất là thành-ngữ “thắt lưng buộc bụng” Tổng-thống Ngô-Đình Diệm dùng kêu gọi đồng-bào chịu khó cùng ông tiếp-tục xây-dựng Đất Nước và chống cộng-sản không cần viện-trợ của Mỹ nếu họ muốn cắt.

Và đúng ra cá-tính cương-trực này của Tổng-thống Ngô-Đình Diệm khi chọn lựa chính-nghĩa của hai chữ “độc-lập” và “tự-chủ” thì phải là niềm tự-hào của của bất kỳ người Việt-Nam nào còn trung-thực với lịch-sử trường-kỳ đấu-tranh chống ngoại-thuộc đã ăn rất sâu trong tâm-thức. Hoặc ít ra, sau khi Việt-Nam vừa thoát ra khỏi thời-kỳ Pháp-thuộc gần một thế-kỷ, lại có được  một nhà lãnh-đạo đầy tâm-huyết với đất nước và dân-tộc như Tổng-thống Ngô-Đình Diệm, cương-quyết không muốn lại bị lệ-thuộc vào Hoa-kỳ dưới bất cứ hình-thức nào. Cho nên,  nếu không đươc đáp trả bằng hai chữ “hy-sinh” khí-thế của một hội-nghị Diên-hồng xa-xưa thì cũng đâu đến nỗi phải trả giá bằng hình-ảnh để đời là sau cái chết thảm-khốc từ các bàn tay bạo-tặc lại còn bị để nằm trơ thân giữa cái nơi mang danh là Bộ Tổng-tham-mưu Quân-lực Việt-Nam Cộng-hoà mà trước đó vài ngày ông vẫn còn là Tổng-tư-lệnh.

Có thể giữa sự cao-khiết và niềm tự-hào về chính-nghĩa dân-tộc nơi Tổng-thống Ngô-Đình Diệm với sự quyết-đoán dựa vào quyền-lực nước mạnh của Hoa-kỳ đã không có điểm dung-hoà. Ngược lại, không chừng với những chính-khách Mỹ đang muốn lật đổ ông thì họ còn cho đó là thái-độ ngạo-mạn phải trừng-trị cũng nên. Và họ đã tìm ra được một số kẻ theo nghĩa đúng người đúng việc lúc nào cũng sẵn-sàng chờ lệnh để ra tay thô-bạo và rừng-rú cho kế-hoạch họ bày ra.

Song cho đến nay, đã có nhiều tài-liệu cùng các hồi-ký chính-trị (the Political Memoirs) của các chính-khách Hoa-kỳ liên-hệ đến thời-điểm 1963 được bạch-hoá thì vào thời Tổng-thống John F. Kennedy, chính-sách của Hoa-kỳ về Việt-Nam đã chia hai, phe ủng-hộ và phe muốn lật đổ Đệ-nhất Cộng-hoà, nhưng không có chủ-trương đuổi tận giết tiệt. Còn kết-quả như đã xẩy ra là hành-động của số nhỏ cá-nhân tướng tá Việt-Nam sẵn tâm-địa phản-phúc; nhiều “chính-khách” xôi thịt lúc nào cũng ghen ăn tức ở;  không loại trừ cả thế-lực đen tối từ Miền Bắc hợp-tác với một số nhân-sự, như nhà sư Thích Trí-quang xác-nhận với ký-giả Marguerite Higgins…chúng tôi chỉ có thể dàn xếp được với Miền Bắc sau khi đã lật đổ được Diệm và Nhu. (Marguerite Higgins, Our Vietnam Nightmare, 1965, p.28).

Đại-sứ Mỹ Henry Cabot Lodge và Lucien Conein, một viên-chức C.I.A đã giao nhiệm-vụ và trực-tiếp điều-khiển cái tập-hợp nhân-sự nêu trên thực-hiện kế-hoạch. Theo trang www.vietnamwar.net, công việc cụ-thể của Lucien Conein là giữ liên-lạc từ C.I.A với các tướng lãnh Việt-Nam…Mật-danh Conein dùng năm 1962 và 1963 tại Việt-Nam là Lulu hoặc Black Luigi…Vào thời-điểm năm 1963, Conein giữ vai trò chính trong cuộc đảo-chính quân-sự chống lại Ngô-Đình Diệm…Conein đã cho các tướng lãnh biết rằng Hoa-kỳ sẽ ủng-hộ một sự thay đổi trong chính-phủ. Cuộc đảo-chính diễn ra vào ngày 1 tháng 11 năm 1963 là việc ám-sát ông Diệm…(his actual job was to maintain C.I.A contacts with Vietnamese generals…. Conein’s codename in 1962 and 1963 was Lulu or Black Luigi…. His chief role in Vietnam at that time was in the military coup against Ngo Dinh Diem in 1963… Conein worked with the generals to let them know that the United States would look favorably on a change in government. The coup, as well as Diem’s assassination, took place on November1, 1963 )

Vào thời gian cuộc bạo-loạn 01-11-1963 xẩy ra, bản thân người viết mới vừa xong chương-trình Trung-học, chưa có được bao nhiêu nhận-định về chính-trị, về thời-cuộc. Song cứ mỗi khi nghĩ đến cảnh các tướng tá trong quân-đội Quốc-gia “hồ hởi” xúm nhau lại trong Bộ Tổng-tham-mưu Quân-lực Việt-Nam Cộng-hòa, dưới sự giám-sát của Lucien Conein “làm cách-mạng”, tôi lại nghe như đâu đây có giọng sang-sảng của Đức Trần Hưng Đạo mắng chửi …Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc-sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc mà không biết tức…Và những gì cho đến nay vẫn còn đậm nét là hình ảnh một Sài-gòn hỗn-loạn với từng sự việc đầy bạo-lực và khủng-bố. Nơi này, một căn nhà bị mang danh là của phe đảng Cần-lao đang bị nhóm người mang gậy gộc kéo đến đập phá tan-hoang, không loại trừ cả những kẻ gian manh lợi dụng để hôi của. Góc phố kia một chiếc xe hơi đang chạy thì bị chặn lại, vì bị quy cho là tay sai Diệm Nhu nên người trong xe bị đuổi ra và xe bị đốt…Người đi đường chỉ dám liếc nhanh rồi tránh xa vì lúc đó người ta muốn chụp cho ai cái mũ “Cần Lao” hay “tay sai Diệm Nhu” là điều dễ-dàng.

Nỗi sợ-hãi này có lẽ cũng căng-thẳng không kém cảnh quân hồi vô phèng của thời-gian đầu sau ngày 30-4-1975, với các nhóm người không biết từ đâu nhảy ra, cứ có khẩu súng AK và dải vải đỏ thắt ở cánh tay là mang danh “cách mạng 30”, hung-hăng đi lục xét nhà này nhà khác…Giờ này tôi vẫn chưa hết hoài-nghi là họ có học chung một bài-bản không mà sao giống nhau thế…

Ngày 06-5-1957, các ông Nghiêm Xuân Thiện, Hoàng Cơ Thụy, Phan Quang Đán và một số chính-khách đối-lập với chính-quyền mở cuộc họp báo, thành-lập khối Liên-minh Dân-chủ, chính-thức xác-định chủ-trương bất-đồng chính-kiến với chính-quyền. Báo Thời Luận của ông Nghiêm Xuân Thiện trở thành tiếng nói đối-lập mạnh-mẽ. Nền chính-trị Miền Nam bắt đầu lao-xao từ đây. Và nền Đệ nhất Cộng-hoà cũng từ đây có chỗ hở cho ngoại-lai đột-nhập.

Hai chữ “đối lập” trong sinh-hoạt chính-trị của các nước Tây-phương mang nghĩa chính-xác và trong sáng chỉ là không cùng quan-điểm với nhau vì bất-đồng nhưng không bất-hoà. Cho nên, đôi khi những bất-đồng sẽ bổ-túc cho nhau mà chính-sách cai-trị phong-phú thêm. Còn “đối-lập” ở Việt-Nam luôn đồng-nghĩa với một tiến-trình mưu-sự cướp chính-quyền khi có cơ-hội, kể cả cơ-hội được ngoại-bang đỡ đầu hay giúp sức.

Tháng 3-1960, một số chính-khách tên tuổi miền Nam, chủ-xướng là ông Trần Văn Văn, thành-lập Khối Tự Do Tiến Bộ. Ông Trần Văn Văn và nhóm chính-khách đã nhờ qua một người Mỹ giúp họ phổ-biến ra dư-luận thế-giới bản điều-trần của nhóm. Dư-luận nhận-diện nhóm này là hậu-thân của khối Liên-minh Dân-chủ.

Ngày 26-4-1960, mười tám nhân-vật tên tuổi từ nhiều khuynh-hướng chính-trị khác nhau và gần hết từng là Tổng-trưởng, Bộ-trưởng của Chính-phủ,  gồm các ông Phan Huy Quát, Trần Văn Hương, Trần Văn Đỗ, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Văn, Lê Ngọc Chấn, Nguyễn Lưu Viên, Huỳnh Kim Hữu, Trần văn Lý, Nguyễn Tiến Hỷ, Lê Quang Luật, Lương Trọng Tường, Nguyễn Tăng Nguyên, Phạm Hữu Chương, Trần Lê Chất, Tạ Chương Phùng, Trần Văn Tuyên và linh-mục Hồ Văn Vui… họp nhau ở nhà hàng khách-sạn Caravelle ra tuyên-cáo chỉ-trích nền Đệ-nhất Cộng-hòa là độc-tài, đồng-thời đòi buộc Tổng-thống Ngô-Đình Diệm thay đổi chính-sách, chấm dứt việc thành-lập các Khu Trù-mật. Vì vậy họ có tên là nhóm Caravelle.

Theo trang tài-liệu www.flickr.com › photos › albums…có đăng nguyên-bản phóng-ảnh bản tuyên-ngôn này, thì nơi đầu trang số (4) có việc yêu-cầu Chính-phủ ngưng thành-lập các Khu Trù-mật. Nguyên-văn như sau: Về mặt kinh tế xã hội: Một xã-hội phì nhiêu phong phú dư ăn dư mặc, một ngân sách khỏi phải đài thọ quân phí, bồi thường chiến tranh, tiền lời quốc trái; một viện trợ khổng lồ, một thị trường mới mẻ có nhiều bạn đồng minh đầy thiện chí muốn bỏ vốn kinh doanh, bao nhiêu điều kiện thuận lợi để biến Miền Nam thành một vùng sung túc thịnh vượng. Thế mà hiện nay, dân nghèo thất nghiệp, của hết tiền khan, lúa đầy đồng không bán đặng, hàng đầy chợ không người mua, mọi nguồn lợi tức lọt vào tay một nhóm người đầu cơ, lấy đảng phái đoàn thể làm bình phong che đậy độc quyền tư lợi; trong lúc bao nhiêu vạn người bị huy động, khổ cực vất vả bỏ công ăn việc làm, xa nhà cửa vườn ruộng, lìa cha mẹ vợ con, đem thân đi sống tập đoàn tập thể, để xây đắp những khu trù mật hữu hình thức, vô công dụng, làm mệt mỏi nhơn dân, mất cả nhơn tâm, thêm thù thêm oán, nhất là thêm cơ hội tuyên truyền cho đối phương…

Ai cũng biết, thời gian đầu của Miền Nam vừa sau cuộc di-cư là một nửa đất nước tan-hoang, rách nát với tàn cuộc người Pháp để lại …với những phe nhóm chia rẽ kiểu sứ-quân. Ngân-quỹ Quốc-gia trống rỗng sau khi Thủ-tướng Bửu-lộc từ-chức và một triệu người từ Miền Bắc bồng-bế nhau di-cư vào Nam chưa biết sinh sống ra sao…thì lấy đâu ra tình-trạng… Một xã-hội phì nhiêu phong phú dư ăn dư mặc…một viện trợ khổng lồ…bao nhiêu điều kiện thuận lợi để biến Miền Nam thành một vùng sung túc thịnh vượng…như nhóm này nêu ra. Song 18 nhân-sự ký tên ở trên thư lại không một ai bị Chính-quyền bắt giam hay làm khó dễ…Tác-giả Phạm Văn Lưu trong “Lịch Sử Chính Trị Cận Đại Việt Nam viết…Và một thời gian ngắn sau khi bản tuyên ngôn được công bố, các vị này còn được ông Nhu mời vào Dinh Độc-lập để thảo-luận, nhưng không có vị nào lên tiếng góp ý gì cả…(Sách đã dẫn, trang 189).

Chẳng trách gì, trong danh-sách này, có vài ba tên tuổi cũng đã có lúc cờ đến tay nhưng  phất không xong mà thành “xôi hỏng bỏng không” như  ông Phan Khắc Sửu đã ngồi ghế Quốc-trưởng thời gian 1964-1965, ông Phan Huy Quát, làm Thủ-tướng từ ngày 16-02-1965 đến ngày 05-6-1965; ông Trần Văn Hương hai lần làm Thủ-tướng vào các năm 1964-1965 và 1968-19691, rồi làm Phó Tổng thống giai-đoạn 1971-1975 và nhờ vẫn kiên-trì bước theo hoạn-lộ để cuối cùng cũng ngồi lên được ghế Tổng-thống một tuần từ ngày 21-28 tháng Tư  năm 1975.

  Tiếp theo là cuộc đảo-chánh hụt này 11-11-1960, cũng có sự tiếp tay của đại-sứ Hoa-kỳ tại Việt-Nam lúc đó là ông Elbridge Durbrow. Luật-sư Hoàng Cơ Thụy là người được nêu tên hàng đầu trong danh-sách những tên tuổi phía dân-sự có liên-hệ trong cuộc binh-biến và một số nhân-sự thuộc nhóm Caravelle. Như vậy, tuy hình-thức là một cuộc binh-biến do vài đơn-vị quân-đội tạo ra, song bản-chất lại là một chính-biến do Hoa-kỳ giật dây các chính-khách Miền Nam bằng chiêu-bài đấu-tranh chính-trị để phá đổ nền Đệ-nhất Cộng-hoà.

Sau cuộc binh-biến 11-11-1960, mối giao-hảo giữa Việt-Nam và Hoa-kỳ thêm xấu hơn. Nhất là sau khi ông Kennedy lên thay thế Tổng-thống Dwight D. Eisenhower, Hoa-kỳ có những đòi-hỏi vi-phạm đến quyền tự-quyết của Việt-Nam, nhất là về quân-sự.

Ngày 15-3-1961, đại-sứ Federick E. Nolting sang thay Durbrow vì ông này đã nhúng tay vào cuộc đảo-chính hụt 11-11-1960, gây nhiều tai-tiếng cho Hoa-kỳ. Những tai-tiếng này bổ-túc cho nhận-định rằng do Tổng-thống Ngô-Đình Diệm cương-quyết không cho Hoa-kỳ đem quân vào Việt-Nam nên Hoa-kỳ bắt đầu muốn loại-trừ Tổng-thống Ngô-Đình Diệm, chấm dứt nền Đệ-nhất Cộng-hoà để khống-chế Miền Nam. Và vụ việc xẩy ra ngày 11-11-1960 là bước đầu dò đường cho các hành-động chính-trị sau này của Hoa-kỳ tại Miền Nam.

Vào năm 2016, điều này đã được xác-nhận trên trang điện-tử của Binh-chủng Nhảy Dù…Về việc người Mỹ dính dáng vào “vụ đảo chánh hụt” này là có thật. Không có Mỹ thì không ai dám đảo chánh, các Tướng Tá, chính khách muốn hành động gì thì cũng dựa vào Mỹ. Trước khi biến cố này xảy ra, George Alexander Carver Jr. một nhân viên mật vụ tòa đại sứ Mỹ đã liên lạc với Hoàng Cơ Thụy và khuyến khích phe đối lập đứng lên chống đối chính quyền…(Binh Chủng Nhảy Dù – 20 Năm Chiến Sự: Binh Biến ngày 11-11-1960 trang 12).

Ngày 27-02-1962, hai phi-công  Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc của Không-lực Việt-Nam Cộng-hòa ném bom xuống Dinh Độc-lập, nhắm sát-hại Tổng-thống Ngô-Đình Diệm, gia-đình ông Ngô-Đình Nhu. Đây là một hành-động mang tội danh ám-sát chính-trị mà đa-số dư-luận cho rằng vẫn chỉ là bước tiếp theo cùng một mưu-đồ của các “chính-khách đối-lập” đứng chờ ở “hậu- trường” để được Hoa-kỳ hỗ-trợ.

Đến lúc này, Tổng-thống Ngô-Đình Diệm không chỉ phải đề-phòng một kẻ thù là cộng-sản phía Bắc, mà còn thêm những mũi giáo nhọn nghiệt-ngã ngay sát bên mình từ các cá-nhân, các đảng-phái đã một thời cùng nhau cầm lá cờ Quốc-gia bước qua sông Bến Hải xuôi nam.

Cuối cùng là chiêu-bài tôn-giáo được Hoa-kỳ khai-thác sử-dụng cho biến-cố 01-11-1963. Bởi vì họ đã nắm được tâm-lý của một số tăng-sĩ Phật-giáo còn nặng nghiệp sân-si, còn nhiều vọng-động và các thành-phần thiên-tả tại Miền Trung đầy lòng đố-kỵ và ghét-ghen với một Tống-thống Công-giáo và thế-giá của gia-đình ông. Viết đến đây, tôi nghĩ đến một Đỗ Thích khi xưa chỉ vì một giấc mơ thấy sao rơi vào miệng…Còn ở đây lại tốn bao ngày dài lao tâm khổ tứ cho Hoa-kỳ lợi-dụng mà mơ sự đổi đời, vô-hình-trung chỉ làm được việc tạo hoả-mù dư-luận cùng một trật cả trong và ngoài nước cho các loạn tướng dễ bề thi-hành mệnh-lệnh của Hoa-kỳ. Cho nên, công-tâm mà nói, không thể đánh-đồng họ với danh-xưng Phong-trào Phật-giáo tranh-đấu khi mà không phải toàn-thể đồng-bào Phật-tử cùng đứng trong cuộc.

          Theo tác-giả Phạm Bá Hoa trong hồi-ký Đôi dòng ghi nh xuất-bản  ở Hoa-ký năm 2007, thì Thiếu-tướng Trần Thiện Khiêm là người ngay từ lúc đầu đứng điều-động cuộc phản-loạn này. Song phút chót Tướng Dương Văn Minh lại là người ra quyết-định giết Tổng-thống Ngô-Đình Diệm và ông Ngô-Đình Nhu theo khuyến-cáo của Cabot Lodge khi nói với Dương Văn Minh …Nếu để ông Diệm đi lưu-vong thì chỉ cần bất cứ một đại-tá nào cũng có thể làm đảo chánh để đưa ông ta trở về…(Neil Sheehan. A Bright Shining Lie). Trong bài viết “Bí ẩn bao trùm ba vụ án “Nam Kỳ” Trần Văn Văn – Nguyễn Văn Bông – Trần Văn Bá” đăng trên trang Namkyluctinh.com, tác-giả Lâm Lễ Trinh cho biết đã được nghe bác-sĩ Nguyễn Lưu Viên kể lại …Ngày 1.11.1963, khi hay tin đảo chính thành công, Trần Văn Văn liền điện thoại cho ông, vừa nói vừa cười hô hố…Viên ơi, “thằng Minh Cồ” nó giết lão Diệm rồi, bây giờ nó không biết phải làm gì….”

          Ngày 02-11-2020 năm nay là đã 57 năm, Tổng-thống và hai người em là các ông Ngô-Đình Nhu và Ngô-Đình Cẩn chắc hẳn đã đi vào cõi thiên-thu thanh-thản, vô oán vô hối, vì các ông biết việc mình làm là cho ai và vì ai.

Trước khi chấm hết bài này, người viết muốn nhắc đến một đại trí-thức là Ngoại-trưởng Vũ Văn Mẫu. Sau tám năm sát cánh với Tổng-thống Ngô-Đình Diệm, đến phút cuối đã “thí phát” để chứng-tỏ mình “ngộ” ra  sự mê lầm là ngồi quá lâu trên ghế Bộ-trưởng Ngoại-giao trong Chính-quyền Đệ-nhất Cộng-hoà. Nhìn tấm hình lịch-sử chụp ông trong chức vụ Thủ-tướng cùng Dương Văn Minh vào sáng ngày 30-4-1975, đang bị một đám bộ-đội Miền Bắc giong đi từ  Dinh Độc-lập đến Đài Phát-thanh công-bố đầu hàng mà không khỏi bùi-ngùi cho nghiệp duyên quá nặng của ông, cứ quanh-quẩn vướng mắc mãi cái vòng luân-hồi chính-trị, cho dù chỉ một ngày.

***

Đường dẫn thuưmời tham dự Lễ Tưởng Niệm Cố TT Ngô Đình Diệm của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Tiểu Bang Victoria – Úc Châu:

file:///F:/KHOI%20TUYEN%20VAN/L%C3%8A%20T%C6%AF%E1%BB%A0NG%20NI%E1%BB%86M%20L%E1%BA%A6N%20TH%E1%BB%A8%2058%20C%E1%BB%90%20TT%20NG%C3%94%20%C4%90%C3%8CNH%20DI%C3%8AM%20-2020.pdf

https://chantroimoimedia.com/2020/10/28/bai-viet-su-hoc-lai/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét