TS Phạm Quý Thọ
Hình minh hoạ. Người dân mang hàng cứu trợ do Hội Chữ Thập Đỏ phân phát đi qua cây cầu sập do lở đất ở Quảng Trị hôm 21/10/2020. Reuters
Thực trạng lũ lụt ở miền Trung là nghiêm trọng và công tác cứu trợ đang rất cấp bách và khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền, thì phong trào ‘hướng về miền Trung’ đang cho thấy vai trò tích cực và sự đóng góp to lớn của các nhóm và cá nhân thiện nguyện. Một số hoạt động của họ đã trở thành “hiện tượng”, thu hút sự chú ý của truyền thông và dư luận.
Đằng sau những sự kiện, các hoạt động cứu trợ này đang phản ánh vấn đề lớn hơn liên quan đến cải cách thể chế. Đó là tầng lớp trung lưu và xã hội dân sự. Vai trò của họ ngày càng lớn hơn trong nền kinh tế chuyển đổi sang thị trường, vì vậy họ cần có cơ chế để phát triển.
‘Hiện tượng’
Dải đất miền Trung Việt Nam đầy cát sỏi, khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, ưỡn mình ra Biển Đông như thách thức với thiên nhiên. Hàng năm, nơi đây, vào mùa này, thường đón chịu những đợt mưa bão gây ngập lụt. Năm nay đợt lũ lụt, xảy ra từ đầu tháng 10 và kéo dài trong nửa tháng, được đánh giá nghiêm trọng nhất sau nhiều thập kỷ. Những thiệt hại về tính mạng và tài sản của cư dân được các địa phương ước tính sơ bộ là rất nặng nề.
Vấn đề thời sự trên các mặt báo, truyền thông là hoạt động cứu trợ. Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền trung ương và địa phương, thể hiện tính ưu việt của nhà nước tập quyền trong những tình huống khẩn cấp, cứu người và tài sản, khắc phục hậu quả, có những hành động cứu trợ của các nhóm và cá nhân thiện nguyện trong phong trào “cả nước hướng về miền Trung” thu hút sự chú ý của dư luận. Những hình ảnh xúc động được phát trên tivi về việc quyên góp đồ cứu trợ, về sáng kiến của chị em phụ nữ ‘gói bánh trưng’ để chuyển đi, các đoàn xe kéo dài chở hàng hoá, nhu yếu phẩm trên đường đến vùng ngập lũ… phản ánh truyền thống ‘tương thân tương ái’ tốt đẹp của dân tộc, mang tính cộng đồng cao trong những tình huống khó khăn.
Tuy nhiên, một tình huống trở thành “hiện tượng”, một nữ ca sĩ quyên góp được số tiền kỷ lục, trên 100 tỷ đồng trong thời gian ngắn, và tự tổ chức đi ‘cứu trợ’ làm ‘dậy sóng’ truyền thông lề phải và mạng xã hội. Một vị đại biểu quốc hội, bình luận bên lề kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khoá 14 đang diễn ra tại Hà Nội, coi đó là bài học 'có thể đưa vào giáo trình giảng dạy' cho trẻ nhỏ về tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Bên cạnh những lời ca ngợi “Thuỷ Tiên (tên nữ ca sĩ) hay là Tiên!”…, cũng không ít lời bình trái chiều về hình ảnh ăn mặc ‘phản cảm’ hoặc băn khoăn liệu hành động như vậy có ‘trái với quy định pháp luật’, liệu có minh bạch số tiền quyên góp và liệu có động cơ ‘đánh bóng’ mà giới ‘showbiz’ thường hay bị gắn mác…
‘Bị động’
Chính quyền, ban đầu, dường như ‘bị động’ trước ‘phong trào thiện nguyện’ này. Một quan chức Chính phủ chỉ đạo cứu trợ, trong một chuyến thị sát đã nhận định: “Từ thực tế chuyến đi của tôi, quá nhiều đoàn cứu trợ chỉ đi vào chỗ thuận lợi giao thông, còn những chỗ khó thì chưa vào. Chính vì thế có chỗ nhận được nhiều, có chỗ chẳng có gì…” Sau đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giám sát việc vận động quyên góp hỗ trợ theo Nghị định 64 và đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để chỉ đạo, giám sát việc quyên góp, vận động hỗ trợ theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi. Chính quyền địa phương khuyến cáo các tổ chức và cá nhân thiện nguyện khi đến các vùng lũ lụt cần liên hệ với chính quyền địa phương để phối hợp…
Theo Nghị định 64, chỉ có các cơ quan trong hệ thống chính trị của đảng, như Ủy ban mặt trận tổ quốc, Hội chữ thập đỏ… mới được đứng ra tổ chức thực hiện hoạt động cứu trợ. Điều 4, Chương 2 Nghị định trên có ghi: “Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.”
Tuy nhiên, tính chất cấp bách của đợt lũ lụt phong trào cứu trợ mang tính tự nguyện lần này ‘rầm rộ’ đến mức khiến chính quyền phải đối phó lúng túng. Trên báo mạng đã có nêu ý rằng nên sửa Nghị định 64 cho phù hợp thực tế, tuy nhiên tin này đã bị gỡ bỏ. Chính quyền chưa ‘lên tiếng’ chính thức về hiện tượng Thuỷ Tiên, nhưng rõ ràng tính tích cực và vai trò ngày càng lớn của phong trào thiện nguyện là không thể phủ nhận.
‘Cơ chế nào?’
Cơ chế nào cho phong trào thiện nguyện, đằng sau là tầng lớp trung lưu và xã hội dân sự, phát triển? Đó là câu hỏi đối với các nhà cải cách.
Đường lối Đổi mới do Đảng khởi xướng đã được hơn 30 năm. Chính sách chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường giúp cho vị thế kinh tế của đất nước và tính độc lập về kinh tế của người dân được nâng cao. Kinh tế thị trường không chỉ làm tăng mức sống vật chất mà còn cải thiện đời sống tinh thần. Tuy nhiên, những quan niệm, giáo điều từ ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, không phù hợp thực tế về ‘tầng lớp trung lưu’ và ‘xã hội dân sự’ đang hạn chế động lực của thị trường, cản trở “tiếp tục” (được cho là điểm mới trong Báo cáo chính trị trình Đại hội 13 sắp tới) cải cách thể chế chính trị.
Lý luận chủ nghĩa Mác cho rằng các tầng lớp xã hội không phải theo tài sản hay danh tiếng của các thành viên của nó, mà theo quan hệ của họ với phương tiện sản xuất, phân biệt giai cấp tư bản và công nhân là cơ sở của học thuyết bóc lột sức lao động. V. Lenin từng coi xã hội dân sự là thứ cản trở cho nền chuyên chính vô sản. Ông tin rằng: "Phạm vi công cộng trong xã hội xã hội chủ nghĩa thì phải thống nhất và duy nhất." Đây là một trong những nền tảng của mô hình Liên Xô trước đây.
Tuy nhiên, trong quá trình vận động và phát triển kinh tế thị trường các khái niệm trên dần thay đổi. ‘Tầng lớp trung lưu’ được dùng để chỉ những người có một mức độ độc lập kinh tế nào đó với nhà nước. Ở Việt Nam họ có thể là những giới nghệ sĩ, ca sĩ, tiểu doanh gia, các nhân viên ‘cổ cồn trắng’ hữu sản… Mặc dù họ có ảnh hưởng, nhưng không quá lớn đối với xã hội hay về quyền lực của họ trong xã hội. Ngoài ra, tuy tầng lớp này chưa thực sự ‘vững chắc’ về nền tảng vật chất, nhưng việc một ca sĩ huy động nhanh chóng được số tiền bằng một phần năm tiền cứu trợ ban đầu của Chính phủ từ ngân sách, 500 tỷ đồng cho 5 tỉnh chịu ảnh hưởng lũ lụt nặng nề, thực sự là ‘hiện tượng’!
Như đã biết, nghiên cứu của giáo sư Fransis Fukuyama từng hy vọng về vai trò ngày càng lớn của tầng lớp trung lưu đối với chuyển đổi dân chủ ở các nền kinh tế như Trung Quốc hay Việt Nam.
Về ‘xã hội dân sự’ các nhà tư tưởng như Edmund Burke, Alexis de Tocqueville từ thế kỷ 18 đã quan niệm đó là nền tảng căn bản cho nền dân chủ. Xã hội dân sự được cấu thành từ tổng thể của các tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện, tạo nên cơ sở của một xã hội tự vận hành, khác với các cấu trúc quyền lực nhà nước. Hơn thế, nó được coi là cầu nối giữa thị trường, người dân và nhà nước, bởi vậy hoàn thiện mối quan hệ này có vai trò thúc đẩy động lực thị trường cho tăng trưởng.
Theo tôi, đã đến lúc, có thể từ Đại hội 13 này, cần thúc đẩy cải cách thể chế chính trị cho phù hợp hơn với thực tế, tạo động lực thị trường cho tăng trưởng bền vững. Trước hết, các nhà lãnh đạo, giới tinh hoa, cần gạt bỏ ‘nỗi ám ảnh’, đã đeo đuổi cách đây 30 năm, rằng M. Gorbachev, người đề xướng cải cách chính trị, trong đó cho phép các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự được thành lập, khiến mô hình Xô Viết trở nên ngày một yếu đuối, dễ bị tổn thương và là căn nguyên sụp đổ chế độ toàn trị. Hơn thế, cần tăng cường thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, trong đó "Xã hội dân sự" được xác định là vấn đề cần nghiên cứu để "phát huy quyền làm chủ của người dân đi đôi với hoàn thiện hệ thống chính trị".
Thực tế đang minh chứng rằng, tầng lớp trung lưu và các nhóm dân cư đa dạng ngày càng có vai trò tích cực trong nền kinh tế chuyển đổi ở nước ta. Xã hội dân sự, các hội đoàn độc lập đang cần một khuôn khổ pháp lý cho phát triển, về lâu dài, để nhân dân thể hiện quyền làm chủ đối với xã hội và nhà nước, và trước mắt, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, tinh giản bộ máy để hoạt động hiệu quả và minh bạch.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/party-congress-13-need-machanism-to-encourage-development-of-civil-society-10232020094336.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét