Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

4824 - Chính trị quốc tế: Các lý thuyết chính

Phạm Phú Khải


TT Woodrow Wilson, khôi nguyên Nobel Hoà bình 1919, nhờ nỗ lực góp phần hình thành Liên đoàn Quốc gia (the League of Nations) sau Thế Chiến I.


Trước khi trình bày về các lý thuyết chính trị quốc tế, câu hỏi cần đặt ra là tại sao chúng ta nên biết về lý thuyết? Nó có giá trị gì? Khi chúng ta học về khoa học, toán học hay vật lý, thì chúng ta cũng gặp vô số các lý thuyết khác nhau. Lý thuyết trong khoa học chính trị, nhất là chính trị quốc tế, thì cũng thế. Vô cùng đa dạng.

Nhưng tại sao nên biết về lý thuyết trong chính trị học?

Giáo sư chính trị học Stephen Walt thuộc đại học Harvard biện luận rằng, giới làm chính sách và những người thi hành nó thường gạt bỏ qua lý thuyết học thuật. Tuy có lúc cũng chính đáng thật, nhưng Walt cho rằng, giữa thế giới lý thuyết trừu tượng và thế giới chính sách thực tiễn có một sự liên kết không thể tránh được [1]. Lý do là vì những người làm chính sách mà coi thường lý thuyết thì cũng phải dựa vào những ý tưởng nào đó, thường là của chính họ, về cách chính trị thế giới hoạt động ra sao, để quyết định phải giải quyết vấn đề như thế nào.

Walt cho rằng, thật là khó để hoạch định chính sách hiệu quả nếu các nguyên tắc tổ chức căn bản của người thực hiện có lỗ hỏng.

Ngược lại cũng khó để đề ra những lý thuyết tốt, nếu không biết nhiều về thế giới thực tiễn.

Walt kết luận rằng, ai cũng sử dụng lý thuyết cả, dù người đó có biết hay không. Sự bất đồng về các chính sách, thường là do sự bất đồng cơ bản về các thế lực căn bản, các tác nhân chính yếu, ảnh hưởng lên hệ quả của nền chính trị thế giới.

Học giả Francis Fukuyama cũng biện luận rằng, khả năng lý thuyết hóa là một yếu tố quan trọng đóng góp cho thành công tiến hóa của loài người; nhưng ông cũng cảnh báo rằng, mọi lý thuyết đều dựa trên một số giả định nào đó [2].

Trong tác phẩm “Ý thức hệ Chính trị: Sự giới thiệu” (Political Ideologies, An Introduction) của Andrew Heywood cũng biện luận tương tự [3]. Heywood nói: “Tất cả mọi người đều là những người có suy nghĩ/tư tưởng chính trị. Dù họ có biết hay không, người ta dùng các ý tưởng và ý niệm chính trị khi họ bày tỏ ý kiến hoặc nói lên cảm nghĩ của mình. Các ngôn từ/thuật ngữ được dùng hàng ngày như tự do, công bằng, bình đẳng, công lý và quyền hạn v.v… Hay các thuật ngữ bảo thủ, cấp tiến, xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa, phát xít … cũng được dùng hà rầm…”

Thật vậy, một người không có học nhiều cũng có thể sử dụng các thuật ngữ này.

Lý thuyết rất quan trọng. Hiểu, thì xem nó như một phương tiện, dụng cụ, để giúp nhìn vấn đề sâu xa, và rộng lớn hơn. Nhưng cũng đừng quá phụ thuộc, hay tệ hơn, lệ thuộc vào nó. Để rồi trở thành nô lệ của nó. Giống như những người cộng sản đã làm, một thời trước đây. Và vẫn chưa dám “Chia tay ý thức hệ” với nó nữa, như ông Hà Sĩ Phu đã biện luận [4]. Ông ví von rằng, người cộng sản đã dùng ý thức hệ Mác Lê như con thuyền đưa họ qua bên kia bờ sông; qua bến bờ rồi mà họ tiếp tục gánh nó trên vai nặng trĩu. Vì vậy, ông đã kêu gọi hãy chia tay với ý thức hệ cộng sản; vứt nó đi.

Ba lý thuyết chính trị quốc tế cơ bản

Giáo sư Stephen M Walt biện luận rằng, các lý thuyết chính trị quốc tế có giá trị nhờ sự cạnh tranh kéo dài giữa các trường phái hiện thực (realist), cấp tiến (liberal) và triệt để (radical).

Chủ nghĩa hiện thực (Realism) nhấn mạnh đến xu hướng xung đột triền miên giữa các quốc gia.

Chủ nghĩa cấp tiến (Liberalism) nhận diện ra những cách khác nhau để giải quyết các khuynh hướng xung đột này.

Trường phái triệt để (Radical) diễn tả làm thế nào toàn bộ hệ thống quan hệ giữa các quốc gia có thể thay đổi, biến hoá.

Walt cho rằng, ranh giới giữa các trường phái này thường không rõ ràng; ngoài ra, còn có những nghiên cứu quan trọng không hoàn toàn nằm trong các trường phái nêu trên. Nhưng các tranh luận trong các trường phái với nhau và giữa các trường phái này với nhau đã định hình lĩnh vực này.

Trong thời Chiến tranh Lạnh, hai trường phái nổi bật và áp đảo nhất về chính trị thế giới là chủ nghĩa hiện thực (Realism) và chủ nghĩa cấp tiến quốc tế (Liberal internationalism). Trong khi đó, chủ nghĩa Mác Lê được Liên Xô và cộng sản quốc tế sử dụng làm nền tảng tư tưởng đối nghịch với các triết lý trên. Các ý thức hệ chính trị này luôn tranh giành ảnh hưởng lên nhau, tác động mạnh mẽ lên nền chính trị quốc gia và quốc tế của Mỹ, và toàn cầu.

Chủ nghĩa Cấp tiến (Quốc tế)

Trước và sau Thế Chiến II, triết lý chính trị nền tảng chung của lãnh đạo Mỹ, tuy có khi hiện thực, nhưng phần lớn vẫn mang tính chủ nghĩa quốc tế cấp tiến. Tư tưởng này muốn xây dựng hệ thống nhà nước độc lập nhưng tương thuộc lẫn nhau (interdependent). Họ tin tưởng mãnh liệt rằng, tinh thần hợp tác vì quyền lợi chung là ích lợi cho mọi bên tham gia, và tránh được chiến tranh. Khi hợp tác với nhau, ai cũng có triển vọng trở thành đồng minh, có qua có lại, tương quan quyền lợi, thay vì coi nhau như kẻ thù. Các ý niệm này được thể hiện qua những người có tư tưởng chính trị cấp tiến, như tổng thống Mỹ Woodrow Wilson (được nhận giải Nobel Hoà bình năm 1919) trong nỗ lực góp phần hình thành Liên đoàn Quốc gia (the League of Nations) sau Thế Chiến I, mặc dầu Mỹ sau cùng quyết định không tham gia như một thành viên. Liên đoàn Quốc gia không đủ quyền uy hay ảnh hưởng để ngăn cản Thế Chiến II [5].

Rút kinh nghiệm từ hai thế chiến, chủ trương của Mỹ từ đó trở đi là phải xây dựng một trật tự quốc tế cấp tiến/tự do (liberal international order) qua các định chế quốc tế dựa trên quy tắc và luật pháp để mọi quốc gia hợp tác và cạnh tranh trong hoà bình và thịnh vượng chung. Kết quả, như chúng ta cũng biết, là sự ra đời của các định chế quốc tế và toàn cầu, bao gồm: Liên Hiệp Quốc năm 1945 (United Nations); Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại năm 1947 (General Agreement on Tariffs and Trade/GATT), tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organisation/WTO); Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund/IMF) và Ngân hàng Tái Xây dựng và Phát triển Quốc tế (the International Bank for Reconstruction and Development/IBRD, sau này là Ngân hàng Thế giới/World Bank) thành lập năm 1944, hoạt động năm 1946.

Các viễn kiến và tư tưởng xây dựng một thế giới hoà bình, tôn trọng chủ quyền quốc gia và giải quyết xung đột/tranh chấp bằng đối thoại/ngoại giao thay vì quân sự/chiến tranh, đã có từ rất lâu. Triết gia người Đức, Immanuel Kant đã trình bày các ý tưởng Hoà bình Vĩnh cửu (perpetual peace) vào cuối thế kỷ 18. Nếu cân nhắc thì mọi cuộc chiến tranh đều gây đổ vỡ và thiệt hại nặng nề cho mọi bên tham gia.

Sự thành công vượt bực của Kế hoạch Marshall do Tướng/Ngoại trưởng Mỹ George Marshall đề xướng năm 1947 và bắt đầu hoạt động vào năm 1948, nhằm tái kiến thiết Âu châu trước mối đe doạ của Chủ nghĩa Cộng sản đã đặt các viên đá đầu tiên cho trật tự này. Bao nhiêu quốc gia đã ghi nhận vai trò quan trọng của Mỹ sau Thế Chiến II cho đến nay, điển hình là Âu châu và Úc châu. Tuy là trật tự quốc tế tự do ngày nay đã bị chính Mỹ làm hao mòn, và bị tấn công vì bên ngoài, nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày càng mang tính thách thức công khai.

Chủ nghĩa quốc tế cấp tiến cũng là triết lý nền tảng cho nền chính trị tại Tây Âu sau Thế Chiến II. Liên hiệp Âu châu có nguồn gốc nguyên thuỷ từ Cộng đồng Than Thép châu Âu (European Coal and Steel Community), gồm sáu quốc gia Bỉ, Pháp, Tây Đức, Ý, Hòa Lan và Luxembourg. Mục đích chính để thành lập cộng đồng mang tính thuần tuý hợp tác kinh tế này là để phòng ngừa một chiến tranh khủng khiếp lần nữa giữa Pháp và Đức [6]. Ngoại trưởng Pháp, Robert Schuman, tuyên bố vào ngày 9 tháng Năm 1950 như sau: Nền hoà bình thế giới không thể được bảo đảm khi không tạo ra các nỗ lực sáng tạo cân xứng với những hiểm nguy đe doạ nó; Âu châu sẽ không được thực hiện cùng lúc, hay theo một kế hoạch đơn thuần nào đó, nhưng nó sẽ được xây dựng qua những thành tựu vững chắc mà đầu tiên tạo ra sự đoàn kết thực tế; các quốc gia tại Âu châu chỉ có thể đến với nhau nếu không còn sự thù nghịch giữa Pháp và Đức, và sự đoàn kết trong việc sản xuất than và thép sẽ làm cho chiến tranh giữa Pháp và Đức không thể tưởng tượng được mà còn bất khả về mặt vật chất.

Ngày nay, không ai chối cãi được vai trò và tầm quan trọng của trật tự quốc tế tự do trong việc duy trì hoà bình và phát triển dựa trên khung sườn, quy tắc và luật pháp chung.

Tóm tắt về chủ nghĩa quốc tế cấp tiến:

  • Các nhà nước mang tính cách tương thuộc/Interdependent, và chấp nhận luật chơi chung
  • Cạnh tranh thì không đến mức tệ hại; hợp tác là có lợi cho cả hai bên/win-win kind.
  • Đối tác có thể là một đồng minh;
  • Các hình thức hòa bình giữa các nhà nước được kéo dài bởi sự tăng trưởng trong tính tương hỗ/có qua có lại, giữa các nhà nước.
  • Đối với trường phái này, cách phản ứng hợp lý nhất là tạo ra luật quốc tế, các tổ chức quốc tế, các chế độ/hệ thống quốc tế, cái mà các nhà hiện thực sẽ loại trừ.

Chủ nghĩa (Tân) Hiện thực

Không lâu sau Thế Chiến II thì bắt đầu cuộc Chiến tranh Lạnh. Kéo dài đến bốn thập niên, từ khoảng năm 1948 đến năm 1989. Nhưng trên thực tế thì nó đã xảy ra trước đó. Bức điện thư của George Kennan từ Moscow vào năm 1946 trình bày Nguồn gốc hành vi của Liên Xô đã làm thức tỉnh, và gây lo ngại, cho giới lãnh đạo chính trị của Mỹ [7]. Từ đó mới đưa đến chính sách ngăn chặn (Containment) đối với chủ nghĩa cộng sản.

Năm 1948, 2 năm sau bài viết của George Kennan, tác phẩm “Chính trị giữa các quốc gia” (Politics among nations) của Hans Morgenthau, ấn bản đầu tiên ra đời [8]. Hans Morgenthau đã phát triển các ý tưởng của xu hướng chủ nghĩa hiện thực này. Ông biện luận rằng, bản chất con người là ích kỷ và đam mê quyền lực, ham muốn thống trị/đô hộ người khác, là nguyên nhân chính đưa đến xung đột giữa con người với nhau. Chính trị quốc tế, cũng như mọi thứ chính trị khác, cũng chỉ là tranh giành quyền lực. Quyền lực, đối với Morgenthau, là nền tảng của bức tranh chính trị hợp lý (rational picture of politics).

Thập niên 1950 là thời điểm của Chiến tranh Lạnh. Mặc dầu Liên Hiệp Quốc là nơi có thể thảo luận và giải quyết các vấn đề/xung đột giữa các quốc gia với nhau, nhưng khối cộng sản không tham gia. Chính trị quốc tế vẫn mang tính cách vô chính phủ (anarchy), tức không có một chính quyền với đủ quyền lực, pháp luật và nhân/tài lực để giải quyết các xung đột giữa các quốc gia. Sự tranh chấp và xung đột giữa Mỹ/khối tự do, và Liên Xô/khối cộng sản, thể hiện tình trạng này.

Do đó, những ý tưởng và lý thuyết của Morgenthau có ảnh hưởng lớn lao trên toàn cầu, nhất là các quốc gia theo xu hướng tự do. Tác phẩm “Chính trị giữa các quốc gia” đã trở thành sách gối đầu giường, kinh điển của sinh viên ngành chính trị học thập niên 1950 đến 1970.

Xin lưu ý ở đây rằng, Morgenthau là người Do Thái, sinh ra ở Đức năm 1904, và những gì xảy ra cho người Do Thái trong lịch sử của họ, nói chung, và tại Đức, nói riêng, đã uốn nắn, định hình lối suy nghĩ/quan niệm của Morgenthau. Morgenthau nhìn con người với cặp mắt đầy bi quan. Trong mắt ông, con người rất dã thú.

Những người có ý tưởng, triết lý theo xu hướng chủ nghĩa hiện thực trước Morgenthau là Thucydides thời cổ Hy Lạp, Machiavelli thế kỷ 15 (tác phẩm The Prince), Thomas Hobbes thế kỷ 16, 17 [9].

Tựu chung, chủ nghĩa hiện thực có một số quan niệm chính như sau:

  • Nhà nước đóng vai trò trọng yếu trong quan hệ giữa các quốc gia (nhưng ngày nay, các công ty thương mại liên quốc gia, cũng như mạng truyền thông xã hội, có ảnh hưởng/tác động, có khi còn hơn cả nhà nước nữa!)
  • Nền chính trị quốc tế là vô chính phủ, cho nên việc sử dụng sức mạnh, nhất là quân sự/force, là điều chính yếu.
  • Cạnh tranh là cơ bản và mang tính tàn nhẫn, trong đó chỉ có kẻ thắng người thua, win or lose, Zero sum game, và bên kia là kẻ thù phải cẩn trọng; và hòa bình chỉ là tạm thời giữa các chiến tranh.
  • Các quốc gia vì thế, phải nỗ lực phấn đấu cho quyền lợi quốc gia, xây dựng liên minh với các quốc gia khác để đề cao và bảo vệ quyền lực; đưa đến sự ra đời của nhu cầu cân bằng quyền lực liên tục.

Chủ nghĩa Tân Hiện thực (Neo-Realism or Structural Realism), là lý thuyết do Kenneth Waltz đề ra vào năm 1979, trong tác phẩm “Lý thuyết về chính trị quốc tế/Theory of international politics” [10]. Phần lớn các quan điểm của Waltz không khác nhiều so với chủ nghĩa hiện thực của Morgenthau, nhưng lý luận vững chắc hơn. Ông không dựa vào giả định rằng, bản chất con người là xấu, mà cho rằng điều thực tế của chính trị quốc tế là vô chính phủ, vô trật tự, không có một cơ quan quyền lực tập trung nào cả. Tất cả mọi nhà nước đều muốn sống còn, và vì thế, quyền lực là quan trọng nhất để tồn tại và để tiến hành các quyền lợi quốc gia của mình. Họ cũng liên minh với các nhà nước/quốc gia khác để “cân bằng quyền lực” của đối phương/kẻ thù.

Khuynh hướng tân hiện thực cũng biện luận rằng, có ba khả năng xảy ra trong hệ thống chính trị quốc tế. Tùy vào sự phân phối khả năng/quyền lực giữa các cường quốc với nhau:

  • Hệ thống đơn cực: chỉ có một bá chủ/siêu cường quốc.
  • Hệ thống lưỡng cực: hai siêu/cường quốc
  • Hệ thống đa cực: nhiều hơn hai cường quốc

Theo tân hiện thực, thì lưỡng cực ổn định hơn (ít có nguy cơ xảy ra chiến tranh quyền lực lớn và thay đổi hệ thống) so với hệ thống đa cực. Lý do là vì sự cân bằng chỉ có thể xảy ra thông qua cân bằng nội bộ. Bởi vì chỉ có sự cân bằng nội bộ trong một hệ thống lưỡng cực, thay vì cân bằng bên ngoài khung sườn này, nên sẽ ít có cơ hội tính toán sai lầm và vì vậy, hiếm có rủi ro về chiến tranh quyền lực lớn.

Trước Thế Chiến II, chính trị quốc tế mang tính đa cực, giữa các cường quốc Anh, Mỹ, Liên Xô, cho đến Đức, Nhật, Ý v.v… Điều này dẫn đến chiến tranh với nhau. Trong khi đó, Chiến tranh Lạnh mang tính lưỡng cực, và hậu Chiến tranh Lạnh mang tính đơn cực.

Ngày nay Trung Quốc đã nổi lên. Các nước khác, một ngày nào đó, cũng đủ mạnh, như Ấn Độ, chẳng hạn. Trung Quốc đến năm 2030, hoặc không lâu sau đó, có nền kinh tế có thể lớn hơn Mỹ. Ấn Độ cũng có thể vượt qua Mỹ, có nền kinh tế đứng thứ nhì. Đến năm 2050, hoặc không lâu sau đó, chính trị thế giới rất có thể trở thành đa cực, với các cường quốc như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật, Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc (BRIC) v.v…

Vài lời kết

Các lý thuyết chính trị quốc tế khác, mang tính triệt để, cũng nhiều. Chẳng hạn như Thuyết Hoà bình Dân chủ (Democratic Peace) dựa trên giả định rằng, nền dân chủ vốn hoà bình hơn độc tài, và mặc dầu các nhà nước dân chủ cũng chiến tranh như các nhà nước khác, họ hiếm khi, hoặc không khi nào, chiến tranh với nhau [11].

Trong khi các thuyết khác nhấn mạnh đến yếu tố vật chất như quyền lực và thương mại. Walt biện luận rằng, Thuyết kiến tạo (Constructivist theory) nhấn mạnh đến tác động của ý tưởng (the impact of ideas). Thay vì coi nhà nước như cái đã sẵn có và phỏng đoán nó chỉ muốn tồn tại, các nhà kiến tạo xem quyền lợi và bản sắc của nhà nước như là sản phẩm của các tiến trình lịch sử cụ thể. Đối với họ, các diễn ngôn (discourse) đang thịnh hành trong xã hội là do nó phản ảnh và định hình các niềm tin và quyền lợi, và thiết lập các quy tắc hành xử được chấp nhận. Cũng vì thế nên thuyết kiến tạo tự bản chất là nguồn lực chuyển hoá, nên được xem là trường phái mang tính triệt để. Khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, cả hai trường phái hiện thực và cấp tiến đã không tiên đoán được sự kiện này và không giải thích được vì sao nó xảy ra như thế, trong khi đó các nhà kiến tạo lại có thể đưa ra được lời giải thích.

Các chủ thuyết chính trị quốc tế nêu trên đã có những ảnh hưởng lớn lao lên quan hệ quốc tế trên bảy thập niên qua. Nó vẫn tiếp tục chi phối tư tưởng chỉ đạo lên trên các lãnh đạo quốc gia và các chính sách ngoại giao tại Mỹ và khắp nơi. Trên thực tế, các lãnh đạo chính trị Mỹ, và nhiều nơi khác, đã áp dụng cả chủ nghĩa hiện thực lẫn cấp tiến trong bang giao quốc tế, tùy theo đối tượng. Tư tưởng này đã được thể hiện ngay trong sự thiết kế của cơ chế Liên Hiệp Quốc, điển hình là Đại Hội đồng LHQ (General Assembly) và Hội đồng An ninh (Security Council).

Bài tiếp theo sẽ bàn về các khía cạnh lịch sử xoay quanh những lý thuyết này.

Tài liệu tham khảo:

1. Stephen M. Walt, “International Relations: One world, many theories”, Foreign Policy, Spring 1998.

2. Francis Fukuyama, “Phần thứ ba của tâm hồn và nguồn gốc của ‘chính trị bản sắc’”, Nghiên Cứu Quốc Tế, 17 October 2020; Bài viết lấy từ chương 2 cuốn Bản Sắc – Nhu Cầu Phẩm Giá Và Chính Trị Phẫn Nộ (Identity: The Demand for Dignity and the Politics of Resentment) của tác giả Francis Fukuyama, do Omega+ ấn hành tại Việt Nam.

3. Andrew Heywood, Political Ideologies: An Introduction, Palgrave, 2017.

4. Hà Sĩ Phu, “Chia Tay Ý Thức Hệ”, Thư Viện Hà Sĩ Phu, 19 August 1995.

5. G. John Ikenberry, “The Next Liberal Order”, Foreign Affairs, July/August 2020; G. John Ikenberry, “Liberal World”, Foreign Affairs, July/August 2018; Rebecca Friedman Lissner and Mira Rapp-Hooper, “The Liberal Order Is More Than a Myth”, Foreign Affairs, 31 July 2018; Joseph S. Nye Jr., “Will the Liberal Order Survive?”, Foreign Affairs, January/February 2017; Phạm Phú Khải, “Trật tự thế giới: Phiên bản nào?”, VOA Tiếng Việt, 29 August 2018.

6. The Editors, “European Coal and Steel Community”, Encyclopaedia Britannica; Accessed on 24 October 2020.

7. George F. Kennan, “Nguồn gốc hành vi của Liên Xô/The Sources of Soviet Conduct”, Foreign Affairs, No. 25 (July), pp. 566-582.

8. Hans Morgenthau, Politics Among Nations: the struggle for power and peace, Alfred Knopf, 1st edition 1948; 5th edition, 1972.

9. Duncan Bell, “Realism”, Encyclopaedia Britannica; Accessed on 24 October 2020.

10. André Munro, “Kenneth N. Waltz”, Encyclopaedia Britannica; Accessed on 24 October 2020.

11. Ido Oren, “Democratic peace”, Encyclopaedia Britannica; Accessed on 24 October 2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét