Ngày 03/11/2020, cường quốc lớn nhất hành tinh sẽ bầu ra một lãnh đạo mới. Kết quả của cuộc bầu cử năm 2020 sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với địa chính trị thế giới. Một trong những vấn đề quan trọng mà chính quyền Joe Biden hay Donald Trump nhiệm kỳ II phải xem xét, là chính sách của Mỹ đối với châu Á và Trung Quốc, với một trong những vấn đề nổi cộm là Biển Đông.
Điều mà không một ai có thể phủ nhận là với tổng thống Donald Trump và chủ trương gây sức ép toàn diện của ông đối với Trung Quốc, châu Á đã chiếm một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Đây là một chuyển biến đã có từ thời chính quyền Obama, với chiến lược xoay trục sang châu Á, nhưng với việc tổng thống Trump nhấn mạnh vào chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, chính sách đối ngoại của Mỹ như đã chuyển trọng tâm từ Trung Đông để quay sang tập trung vào châu Á.
Vấn đề mà nhiều nhà quan sát ghi nhận là trong suốt thời kỳ tiền bầu cử tại Mỹ, do việc thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc là một chủ đề ăn khách, chính quyền của ửng cử viên Trump đã có những động thái quyết liệt, đặc biệt trên vấn đề Biển Đông, trong lúc đối thủ của ông là Biden cũng không thể để lộ vẻ thua kém.
Câu hỏi đặt ra là một khi bầu cử xong, cơn sốt chống Trung Quốc lắng xuống, thì chính sách châu Á của Mỹ, và nhất là chính sách Biển Đông sẽ ra sao ?
Chính sách Biển Đông không thay đổi lớn
Theo giới quan sát, về đại thể chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương và chính sách Biển Đông mà chính quyền tổng thống Donald Trump đã phác họa sẽ được duy trì, và tân chủ nhân Nhà Trắng sẽ phải đưa ra vô số quyết định quan trọng về cách dấn thân sâu hơn vào châu Á và quản lý căng thẳng với Trung Quốc.
Trong bài phân tích mang tựa đề “Biển Đông và tổng thống sắp tới của nước Mỹ - The South China Sea and the next president of the United States”, đăng ngày 20/10/2020 trên trang mạng Policy Forum của Hội Chính Sách Châu Á-Thái Bình Dương tại Úc, chuyên gia Indonesia Aristyo Rizka Darmawan cho rằng bất kể là ai thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tới đây ở Hoa Kỳ, chính sách Biển Đông của Mỹ sẽ không có thay đổi lớn, mà vẫn tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc như hiện nay.
Lý do rất đơn giản: Kinh tế châu Á đang ngày càng quan trọng hơn đối với thế giới, và nhiều học giả đã tuyên bố thế kỷ 21 là thế kỷ châu Á. Đối với Mỹ, việc tập trung chính sách đối ngoại nhiều hơn vào vùng châu Á chắc chắn sẽ có lợi cả về mặt chiến lược lẫn kinh tế.
Tuy nhiên, đây lại là điều nói thì dễ, nhưng làm thì khó hơn. Trong vài năm gần đây, thế giới đã chứng kiến quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Với cuộc chiến thương mại và căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đông, nhiều nhà phân tích cho rằng một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tất yếu nổ ra.
Theo chuyên gia Indonesia, một trong những xung đột chính ở khu vực châu Á vẫn là tranh chấp Biển Đông. Dù không phải là một bên tranh chấp, nhưng Mỹ đã dấn thân rất nhiều, với mục tiêu đảm bảo quyền tự do hàng hải.
Trong mấy năm gần đây, dưới thời chính quyền Trump, Hoa Kỳ đã tăng cường sự hiện diện của mình ở Biển Đông và bộ Ngoại Giao Mỹ gần đây đã đưa ra một tuyên bố chính thức, mạnh mẽ ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp.
Câu hỏi thường được nêu lên là sau bầu cử, Washington vẫn sẽ giữ chính sách cứng rắn đó ở Biển Đông hay là sẽ giảm bớt sự hiện diện trong khu vực tranh chấp? Khi xem xét phát biểu của cả hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống, cũng như phân tích lợi ích của nước Mỹ trong khu vực, câu trả lời trước mắt là: Sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông khó có thể thu hẹp lại.
Cả Joe Biden lẫn Donald Trump có khả năng tiếp tục coi châu Á và Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong thời gian vận động tranh cử vừa qua, cả Trump lẫn Biden đều tố cáo lẫn nhau là đã có lập trường mềm yếu trước Trung Quốc. Điều này cho thấy tầm quan trọng trong tương lai của vấn đề Trung Quốc, bất kể ai lên nắm quyền ở Washington.
Joe Biden: Tập Cận Bình là một kẻ "côn đồ"
Về phần Joe Biden, ông đã không ngần ngại gọi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một tên “côn đồ” và đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc. Dù không đề cập cụ thể đến tranh chấp Biển Đông, tham luận gần đây của ông trên tạp chí Mỹ Foreign Affairs vẫn nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ nên có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.
Về phía tổng thống Trump, trong suốt nhiệm kỳ của ông, Mỹ đã có một chính sách nhất quán ở Biển Đông, với việc nỗ lực tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực tranh chấp vẫn đang tiếp diễn.
Cùng với các chính sách của hai ứng cử viên tổng thống, chỉ cần nhìn vào toàn cảnh địa chính trị thì hiểu được vì sao chính sách Mỹ sẽ không thay đổi.
Mặc dù không phải là một bên tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp, nhưng Hoa Kỳ có lợi ích rất đáng kể trong việc đảm bảo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, một trong những tuyến giao thương quan trọng nhất của thế giới.
Hơn nữa, một sự dấn thân bền vững vào cuộc tranh chấp có thể giúp Hoa Kỳ có thêm ảnh hưởng và tính chính đáng ở Đông Nam Á để bảo vệ các đồng minh trong khu vực.
Tóm lại, cho dù Joe Biden hay Donald Trump thắng cử, sự dấn thân của Mỹ vào Biển Đông sẽ không có khả năng giảm sút, với hệ quả là quan hệ giữa siêu cường thế giới và một Trung Quốc đang trỗi dậy nhanh chóng sẽ còn căng thẳng hơn nữa.
Chiến lược an ninh quốc gia của Biden giống Trump hơn là Obama
Cùng một quan điểm với nhà nghiên cứu Indonesia Aristyo Rizka Darmawan, chuyên gia Úc Walter Lohman cũng cho rằng dù ông Trump ở lại Nhà Trắng, hay nhường chỗ lại cho ông Biden, chiến lược mang tính tiến công của Mỹ tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương vẫn sẽ được thúc đẩy, điểm khác biệt chỉ liên quan đến cách thức và quy mô mà thôi.
Trong bài phân tích đăng ngày 20/10/2020 trên trang mạng The Strategist của Viện Nghiên Cứu ASPI của Úc, ông Lohman đã nêu bật một số thành công ban đầu của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mà chính quyền Donald Trump đã đề ra.
Đó là việc Quân Đội Hoa Kỳ vẫn tiếp tục được triển khai trong vùng, trong khi Washington đã duy trì các liên minh của Mỹ trong toàn khu vực cũng như các cam kết ngoại giao đối với Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Mỹ còn thúc đẩy nhiều sáng kiến ngoại giao mới, ở những nơi như Biển Đông và sông Mêkông.
Tính chất nhất quán của chính quyền Trump trong việc thực hiện chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương đã có tác dụng lôi cuốn các nước khác, cũng đề ra những chiến lược tương tự, chẳng hạn như trường hợp của chính quyền Đức.
Về phía đối thủ của ông Trump là cựu phó tổng thống Joe Biden, chính sách châu Á mà ông gợi lên trong thời gian vận động tranh cử không khác gì mấy so với chính sách châu Á truyền thống của Mỹ, ngoài việc sửa chữa những thiệt hại mà ông cho là tổng thống Trump đã gây nên.
Điều lý thú mà Walter Lohman ghi nhận là chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Biden (nếu ông đắc cử) sẽ giống với tài liệu năm 2017 của chính quyền Trump hơn là bất kỳ thứ gì từng được đưa ra dưới thời chính quyền Barack Obama.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét