Chính phủ Việt Nam trả tự do cho Việt Kiều Mỹ Michael Nguyễn (còn gọi là Michael Phương Minh Nguyễn) sau hai năm giam giữ, ngay trước chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Pompeo.
Theo thông cáo báo chí của văn phòng Dân biểu Alan Lowenthal, ông Micheal Nguyễn đã đoàn tụ với gia đình ở Quận Cam, California hôm Chủ nhật. Việc ông Micheal được trả tự do "đánh dấu một thắng lợi về nhân quyền và một bước tiến tích cực trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ".
Cũng theo thông cáo, Dân biểu Porter là người đã đấu tranh 'không mệt mỏi' trong suốt hai năm để ông Michael được trả tự do.
Dân biểu Porter được trích lời trong thông cáo, nói:
"Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì Michael đã được đoàn tụ với vợ, Helen và bốn cô con gái của họ. Michael và cả gia đình họ Nguyễn đã thể hiện sức mạnh và sự kiên trì đáng kinh ngạc. Việc ông ấy trở về nhà vào Chủ nhật là một cuộc đoàn tụ được mong đợi từ lâu."
Dân biểu Alan Lowenthal phát biểu trong thông cáo được gửi đi hôm 28/10:
"Tôi rất phấn khởi khi nghe tin ông Michael Nguyễn, công dân Mỹ bị bắt giam, tuyên án, và cầm tù một cách sai trái bởi chính quyền Cộng sản Việt Nam đã được trả tự do, trở về với gia đình và cộng đồng tại Mỹ. Tôi cảm kích sự tận tâm và nỗ lực vận động của Bộ Ngoại giao Mỹ, các nhân viên Đại Sứ Quán và Tổng Lãnh Sự Mỹ, đặc biệt là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink. Tôi cũng cảm ơn các vị Dân biểu đã hết lòng hỗ trợ vận động cho Michael Nguyễn được trở về với gia đình."
Dân biểu Brad Sherman bày tỏ:"Trong một thời gian dài, các thành viên lưỡng đảng của Hạ viện và Thượng viện, bao gồm cả tôi, đã kêu gọi trả tự do cho Michael Nguyễn. Tôi đã tổ chức các cuộc gặp với các Đại sứ Việt Nam và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam, gửi thư cho chính quyền, gặp các quan chức trong chính quyền, và hoan nghênh Helen Nguyễn đến điều trần trước Tiểu ban Châu Á để vận động thay cho Michael."
"Việc trả tự do cho ông Nguyễn sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự vận động của Dân biểu Porter. Đây thực sự là một chiến thắng đáng kinh ngạc về nhân quyền, và là một bước tiến quan trọng trong phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ".
Gia đình ông Michael Nguyễn cũng bày tỏ lòng biết ơn với các thành viên Quốc hội, Bộ Ngoại giao, nhân viên Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ trong nỗ lực đưa ông trở về.
'Đấu tranh suốt 2 năm'
Trong suốt thời gian làm Đại diện cho Quận 45 của California, Dân biểu Porter đã liên tục ủng hộ việc trả tự do cho ông Michael Nguyễn ngay lập tức và an toàn. Bà đã mời vợ của ông Michael làm khách của mình tại State of the Union vào năm 2019 để nâng cao nhận thức về việc ông Michael bị giam cầm.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống Trump với Kim Jong Un tại Hà Nội vào năm ngoái, Dân biểu Porter là người khởi xướng một lá thư lưỡng đảng kêu gọi Tổng thống có thêm hành động để đảm bảo việc thả ông Michael.
Tháng 11/2019, bà tham dự phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện để báo cáo trực tiếp với Bộ Ngoại giao Mỹ về trường hợp của Michael.
Bà Porter cũng viết một bài phân tích trên Orange County Registrar về việc cần khẩn cấp đưa ông Michael về Mỹ. Đầu năm nay, bà đã cùng các thành viên khác của phái đoàn quốc hội Quận Cam đón tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Dan Kritenbrink tại một tòa thị chính ở địa phương.
'Tư pháp Việt Nam vận hành một cách khó hiểu'
Trong bài báo Vietnam Justice Works in Strange Ways đăng trên Asiasentinel, nhà cựu ngoại giao Mỹ tại Việt Nam David Brown viết:
"Ông Nguyễn hẳn không thuộc kiểu người chế tạo bom dưới tầng hầm nhà riêng. Có vẻ như là, ông ấy chỉ là người thích tụ tập với bạn bè, uống vài cốc bear và mơ tưởng về việc lật đổ chế độ độc đảng của Việt Nam. Tuy nhiên, theo cảnh sát Việt Nam thì ông ấy đã cố gắng thực hiện những điều ông tưởng tượng. Chỉ có điều là thời điểm ông thực hiện nó lại rất tồi, rõ ràng là vụng về, giống như cách ông đảm bảo an ninh cho mình."
"Sau khi ở tù hai năm ở Việt Nam, mặc dù không phải là đại diện của cộng đồng những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam, Nguyễn đã trở thành một con tốt trong cuộc đối thoại hàng năm của chế độ Hà Nội với Hoa Kỳ về quyền tự do dân sự. Chỉ hai tuần trước đó, giới chức Hoa Kỳ và Việt Nam đã có cuộc thảo luận song phương thường niên về nhân quyền.''
"Bảo đảm việc trả tự do cho ông Nguyễn chắc chắn là một trong những mục tiêu chính của phía Hoa Kỳ. Và trớ trêu thay, gần đúng lúc hai bên đang gần như gói lại sự việc, thì Phạm Đoan Trang bị bắt với tội danh "tuyên truyền chống phá nhà nước". Và, không giống như Michael Nguyễn, khi những người bất đồng chính kiến sing sống tại Việt Nam bị bắt, họ bị từ chối cho người đến thăm hoặc nhận đồ gửi từ nhà, trừ khi họ thú nhận ý định phạm tội của mình."
So sánh trường hợp ông Nguyễn và Phạm Đoan Trang, ông David Brown viết rằng họ không thiếu bạn đồng hành trong tù. Thời điểm ông Micheal Nguyễn bị bắt năm 2018, có 147 tù nhân chính trị trong nhà tù Việt Nam. Vào tháng 10/2020 khi Phạm Đoan Trang bị bắt, con số đã tăng lên 254 người.
"Gia đình ông Nguyễn và những người hàng xóm của ông tị nạn sang Mỹ sau khi chế độ chống Cộng sản miền Nam Việt Nam sụp đổ, hiện định cư ở Nam California. Họ đã làm việc chăm chỉ, thịnh vượng và đồng hóa ít nhiều. Nhiều người vẫn còn đeo bám ý niệm rằng một ngày nào đó, chế độ Cộng sản Việt Nam sẽ bị lật đổ và họ sẽ có thể "trở về nhà," ông David Brown viết.
Ông Micheal Nguyễn là ai?
Ông Michael Nguyễn được cho là đến Việt Nam thăm người thân vào tháng 6/2018. Ông bị bắt vào 7/7 cùng năm, sau đó bị giam tám tháng tại Trại giam Phan Đăng Lưu, Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi bị đưa ra xét xử.
Trong phiên tòa kéo dài 4 giờ ngày 26/4/2019, ông Michael Nguyễn bị tuyên 12 năm tù với tội danh 'hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân' theo Điều 1, Khoản 109 Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng nói với BBC Tiếng Việt sau phiên tòa rằng ông Michael Nguyễn tại tòa rất 'điềm đạm' và 'khai nhận tất cả những gì ông làm', và rằng ông "không biết hành vi muốn giúp ích cho quê hương của ông lại vi phạm pháp luật Việt Nam."
Trước đó, ông Michael là doanh nhân sinh sống ở Quận Cam, bang California, Mỹ. Ông thường xuyên chia sẻ các bài viết của giới bất đồng chính kiến về hiện tình đất nước trên mạng xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét