Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

4820 - Bầu cử 2020 trong thời 'Nước Mỹ là trên hết'

  • Nguyễn Sĩ Bình - Viết từ California
A girl raises a hand as she reacts during U.S. President Donald Trump"s campaign rally at Laughlin/Bullhead International Airport in Bullhead City, Arizona, U.S., October 28, 2020
REUTERS

Chụp lại hình ảnh,

Người dân ủng hộ Tổng thống Donald Trump tại một sự kiện

Năm 2020 cả thế giới lần đầu tiên cảm nhận được bầu không khí của sự sợ hãi, hư thực bao phủ lên hiện thực. Thế giới trong đại dịch COVID-19 quay cuồng và hỗn loạn như thách thức hệ thống niềm tin của nhân loại về một tương lai tốt đẹp. Và giữa tâm điểm đó có một sự kiện quan trọng quy mô lớn diễn ra, bầu cử Mỹ.

Tầm ảnh hưởng của nước Mỹ lên cục diện thế giới trong nhiều lãnh vực là chuyện không thể phủ nhận nên vị thế của nước Mỹ ở cấp độ toàn cầu rất đặc biệt. Hiển nhiên, vị trí Tổng Thống Mỹ là vị trí lãnh đạo không chỉ có công dân Mỹ quan tâm mà còn có lãnh đạo và người dân các quốc gia khác chú ý.

Có hai vị thế để nước Mỹ là trên hết: trên về tình cảm công dân Hợp Chủng quốc và trên về vị trí vai trò quốc tế. Để có được hai vị thế đó, nước Mỹ cần đoàn kết và tinh tế hơn.

Cử tri Hợp chủng quốc nhưng nhiều mâu thuẫn nội tại

Nước Mỹ giàu tinh thần tự do, dân chủ, thượng tôn pháp luật, cấu thành nền tảng chính trị quốc gia vững chắc. Sự kiện một người da màu bị cảnh sát đè chết, một bộ phận công dân biểu tình phản đối, trong đó không ít biến thành bạo động đốt phá. Điều đó cho thấy trong lòng nước Mỹ đang chất chứa không ít mâu thuẫn xã hội.

Về phân tầng, Hoa Kỳ chủ yếu có 3 thành phần cử tri: 30% lao động, 50% trung lưu, 20% thượng lưu, trong đó 1% là giàu nhất giữ 40% tài sản quốc gia và có nhiều ảnh hưởng đối với xã hội (theo Washington Post 06/12/2017). Thống kê trên được dùng để tác động, săn kiếm phiếu bầu ủng hộ với các hứa hẹn về y tế, giáo dục, việc làm...

Một phân tích của Gallup (analysis) cho thấy chỉ có 3% người Mỹ tự nhận mình là tầng lớp trên, và 15 % là trung lưu trên (upper-middle class), 43% là trung lưu, 30% là giới lao động bình dân và 8% tầng lớp dưới (lower class).

Một số "cử tri giàu tiền của" gây quỹ ủng hộ tranh cử cho đảng mình để không muốn tiếp tục thấy ông chủ Nhà Trắng thuộc đảng có khuynh hướng khác. Tiền của cá nhân, nhưng được sử dụng cho việc trọng đại quốc gia thành gây ảnh hưởng lên tiếng nói chung.

Hiện nay bảng ghi danh cử tri cho thấy Đảng Cộng hòa khoảng 25%, Đảng Dân chủ khoảng 30% và cử tri độc lập khoảng 40%. Lịch sử nhiều kỳ bầu cử hai đảng đan xen những vùng "chiến địa", "sân nhà" từng đảng ở các bang thường là những nơi quyết định kết quả bầu cử.

Dư luận còn dự báo nếu chuỗi sản xuất và cung ứng di dời từ Trung Quốc về lại thì người lao động tăng sẽ tạo thành khu vực lá phiếu tiềm năng. Những sự kiện lớn như đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế, sắc dân chia rẽ làm cho kỳ bầu cử tổng thống lần này thêm phần sóng gió hơn.

Trong mùa đại dịch, bầu cử tự do hay thủ tục bầu cử đang bị thử thách. Nỗi lo cuộc tranh cử bị truyền thông mạng xã hội và thuyết âm mưu thao túng gây nhiễu loạn nhằm giằng co lôi kéo cử tri cũng đang hiển hiện. Khách quan mà nói nếu có sự cố hay lỗi lầm nào thì nguyên nhân sâu xa không phải trực tiếp từ cử tri. Ở Hợp Chủng quốc (có cách viết khác là Hợp Chúng quốc) thì cử tri mang tư tưởng đa dạng và có nhu cầu khác biệt đối với nhà nước.

Trump and Biden composite image
REUTERS

Bài học lịch sử nước Mỹ

Tổng thống Mỹ là Tổng thống của toàn dân Mỹ, không phải Tổng thống của một đảng chính trị. Chia rẽ quốc gia là hành động không ai chấp nhận được, không thể một bên đoàn kết và một bên chia rẽ, một bên cuồng ủng hộ và một bên cuồng chống.

Trong lịch sử, khi kết thúc nội chiến, hai tướng Nam - Bắc bắt tay xóa bỏ thù địch. Vậy mà hôm nay lên bục tranh cử, hai ứng viên vì lý do giãn cách dịch bệnh không bắt tay nhau mở đầu tối thiểu nhưng cần phải bảo đảm nhiệm kỳ tới hai chính đảng sẽ bắt tay vì một hợp chủng quốc.

Abraham Lincoln (1809 - 1865) là tổng thống tiêu biểu. "Người giải phóng vĩ đại" đã vượt qua hiềm thù nội chiến để tái thống lãnh thổ, mở ra thời đại mới để có nước Mỹ hôm nay. Ban đầu không ai tin ông vì xuất thân từ tầng lớp nghèo. Nhiều lần ứng cử thất bại vẫn kiên định, khi làm tổng thống thì phái bảo thủ còn công kích chính sách.

Nhưng tinh thần vì nước Mỹ đoàn kết đã giúp ông thu phục sự ủng hộ, dần đặt nền móng chính trị bền vững. Nếu nói trước đây "thời thế tạo anh hùng", hoàn cảnh lịch sử đặt ra nhiệm vụ và xuất hiện con người giải quyết; thì nay thời thế khác đang đến và cần lãnh đạo với tư duy khác để thay đổi.

Truyền thông rầm rộ, cả nước Mỹ và thế giới quan tâm, vẫn chưa thấy ứng viên nào hoàn toàn xứng tầm. Tổng thống chính nghĩa phục vụ nước Mỹ và dẫn đầu thế giới đi tới thì không chính trị hóa kế hoạch tranh cử mà cần đưa ra sách lược rõ ràng.

Tranh cử giờ đây chỉ tập trung lo ngại gian lận phiếu bầu, chỉ trích cháy rừng, hủy hoại kinh tế, ứng xử với tội phạm, vấn đề bảo hiểm y tế, nhân sự tòa án tối cao… Điều đó cũng cần nhưng là sự vụ ngắn hạn rời rạc. Không ứng viên nào dự đoán chiều hướng quốc gia lâu dài và có quốc sách xử lý các vấn đề lớn thực tế đặt ra.

Tranh biện không chấp nhận đối đầu, ngắt lời, áp đảo, vạch lông tìm vết chuyện cá nhân, bôi đen dìm đối thủ, tung tin sai, đấu khẩu thoá mạ…Theo cách nhìn của tôi, đó không phải là tranh luận ở thế thượng phong.

Tôi thấy nước Mỹ luôn cần và vào giai đoạn này lại càng cần một tổng thống mạnh mẽ, đáng tin cậy, không phải chỉ vì phe phái. Đó là tổng thống quyết định rõ ràng và kiên quyết, đoàn kết quốc gia và hợp tác quốc tế. Tổng thống có tầm nhìn chiến lược, phục vụ cho nhu cầu toàn dân và hướng cho toàn cầu đi tới.

Hoa Kỳ là điển hình của một nhà nước uy tín, luôn cần lãnh đạo chính trực. Như vậy sẽ tạo con người bình đẳng, hạn chế thấp nhất bạo lực cảnh sát và bạo loạn đường phố. Vì thịnh vượng xã hội và không quên hài hòa con người, vì lợi ích quốc gia và không bỏ qua phát triển quốc tế. Tổng thống ý thức sẽ không thách thức, biết nhận trách nhiệm sẽ không đổ lỗi và kể công.

Nước Mỹ vì mục tiêu toàn cầu

Nước Mỹ nỗ lực rất lớn, sự hùng mạnh không phải từ cá nhân hay qua một vài năm mà kế thừa liên tục nhiều thế hệ hơn 200 năm.

Đại chiến thế giới lần 2 mang lại cho Mỹ nhiều cơ hội phát triển kinh tế. Buôn bán vũ khí lợi tức cao, hầu hết tinh túy trí tuệ liên tục tập trung sản xuất và nâng cấp. Nguyên tắc xác lập qua nhiều đời tổng thống là điểm nóng xung đột toàn cầu càng xa càng tốt nhưng điều đó chỉ tốt cho giới bán vì vũ khí. Binh sĩ và người dân tại các điểm nóng chiến sự trong đó có cả binh sĩ Mỹ đều nhận lấy tang thương sau các trận chiến.

Điều chỉnh thương mại toàn cầu theo thị trường tự do là cần thiết. Trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, thương thảo hay gây áp lực để xác lập sòng phẳng mậu dịch sẽ không dừng lại với tổng thống nào nắm quyền. Sẽ có cách xử lý khác linh hoạt quy mô, thời điểm, hạn chế thiệt hại mà vẫn đạt hiệu quả. Quốc gia không thể bị quyết định bởi một nhóm, biến người đứng đầu thành độc tài tai hại.

Người Mỹ nhận thức cần có đoàn kết quốc gia, liên kết quốc tế cho hòa bình và phát triển, do đó chính trị gia cần đặt quyền lợi chung lên trên chức vụ và quyền lực cá nhân. Mỹ vẫn phải ngoại giao củng cố liên minh, nhưng không phải vì quyền lợi nhất thời, lập phe phía chống đối mà phối hợp từng bước cho thế giới đi tới. Không có quốc gia nào mà người dân là thù địch, chỉ có các lãnh đạo độc tài mới hiếu chiến.

Khi nước Mỹ không còn kỳ thị con người thì con người ở các quốc gia khác không có lý do gì kỳ thị người Mỹ. Sứ mạng và ảnh hưởng của tổng thống không chỉ để "America first", nước Mỹ thời gian dài nữa vẫn phải chủ chốt tầm nhìn chung cho nhân loại.

Tôi thấy rằng nước Mỹ cần đi cùng hòa bình phát triển thế giới, người Mỹ cần đi bỏ phiếu cho kỳ bầu cử trọn vẹn và ủng hộ tổng thống phấn đấu vì mục tiêu trên.

Cố tổng thống JF Kennedy từng nhận định: "Nước Mỹ là ngọn hải đăng hy vọng cho bao người khác trên thế giới". Để tiếp tục là ngọn hải đăng, nước Mỹ trước hết cần đoàn kết quốc gia, tổng thống phục vụ cho toàn thể người Mỹ và phối hợp với toàn thể thế giới đi tới.

Nói chuyện bầu cử Mỹ thì cũng nên nhìn về Việt Nam và không phải nói nhiều, nhưng đến khi nào đất nước sẽ có bầu cử tự do và công bằng, các ứng cử viên được tranh luận để nhân dân được chọn người lãnh đạo đất nước, như ở Hoa Kỳ hiện nay thì chúng ta mới thực sự kiến tạo ra một nhà nước uy tín, nhà nước đáng tự hào của mọi thành phần và qua mọi thế hệ. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể đáp ứng mục tiêu quốc gia lâu dài, xây dựng một nền chính trị cân bằng và xã hội hài hòa, ổn định.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-54732932

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét