Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

917 - Căng thẳng leo thang trên Biển Đông, trong bối cảnh cả thế giới đang tập trung đối phó với virus Wuhan!


Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và xây thành đảo nhân tạo trái phép. Ảnh: internet

Ngày 10/4, Trung Quốc đưa tàu sân bay Liêu Ninh cùng 04 tàu chiến hộ tống và 01 tàu hậu cần tiến hành tập trận; Nhật và sau đó là Đài Loan đã phát hiện khi Liêu Ninh băng ngang eo biển Miyako rồi qua eo Bashi vào Biển Đông.
Ngày 14/4, tàu Haiyang Dizhi 8 và nhóm tàu hải cảnh theo hộ tống của Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam; và sau đó tiến hành khảo sát gần khu vực đang khai thác của hãng dầu khí quốc gia Malaysia Petronas; cũng gần vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam – Malaysia.
Ngày 17/4, để đáp trả công hàm ngày 30/3/2020 của Việt Nam đệ trình lên Liên Hiệp Quốc (UN) bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc cũng trình lên UN một tài liệu [công điện năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tán thành bản tuyên bố về hải phận của TQ]; Và yêu cầu Việt Nam rút tất cả người và phương tiện, thiết bị ra khỏi các đảo, đá.
Ngày 18/4, Chính phủ TQ phê chuẩn thành lập “quận Tây Sa” [tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam] và “quận Nam Sa” [tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam] tại “thành phố Tam Sa” do Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp hồi 2012.
Ngày 19/4, Bộ Dân chính TQ công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 25 đảo, bãi đá ngầm cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông; hầu hết nằm trong Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền VN.
Ngày 20/4, Mỹ triển khai tàu đổ bộ USS America và tàu tuần dương USS Bunker Hill ở Biển Đông, gần khu vực căng thẳng giữa Malaysia và Trung Quốc; nơi Haiyang Dizhi 8 đang hoạt động. Nhóm tàu sân bay Liêu Ninh cũng xuất hiện ở phía nam bãi cạn Macclesfield. Theo tờ dailymail, thì USS America đã cản chặn HD-8 và các tàu hải cảnh khi nhóm này tiến gần tàu khoan dầu West Capella của Malaysia.
Ngày 21/4, người phát ngôn BNG Trung Quốc Cảnh Sảng khi được hỏi về công hàm 17/4 gửi lên UN phản đối VN, đã nói: “Tôi nhấn mạnh, quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích của chúng tôi ở Biển Đông.
***
Giới quan sát nhận định gì về tình hình trên?
– Chuyên gia về công pháp quốc tế, luật biển, phân định biên giới, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao [người Việt Nam đầu tiên giữ vị trí Phó chủ tịch UB luật pháp quốc tế LHQ nhiệm kỳ 2017-2021] phân tích về công hàm 17/4 đã đặt ra khả năng, “đây là tín hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực đối với Việt Nam”.
Trung Quốc có khả năng sử dụng các đội tàu, từ tàu chiến Hải quân đến các tàu Hải cảnh, Kiểm ngư cùng tác tàu dân quân biển để đe doạ, bao vây các giàn DK gần khu vực Bãi Tư Chính mà Việt Nam hiện đang kiểm soát. Kịch bản “bắp cải” mà TQ đã áp dụng thành công khi chiếm thế thượng phong, giành quyền kiểm soát tại Scarborough từ tay Philippines năm 2012 có thể được lặp lại, dưới một hình thức mới. Chính vì vậy, Việt Nam cần có các kịch bản ứng phó trong các trường hợp xảy ra các tình huống xấu nhất!
– TS.Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam trả lời trên BBC: “Theo tôi, chúng ta không loại trừ khả năng Trung Quốc bất ngờ có hành động quân sự đồng thời hoặc liền chuỗi ở hai điểm Trường Sa và eo biển Đài Loan; bởi vì Trung Quốc trong khi thực hiện các chiến lược của mình, thường áp dụng kế sách dương đông – kích tây, rồi gây rối loạn nhiều nơi, để có thể đục nước béo cò …vv.”.
– Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà nghiên cứu Trung Quốc học, Đại học Maine, Hoa Kỳ trả lời trên BBC: “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đã phô trương quá nhiều và điều đó sẽ có tác hại cho họ về xa về dài. Việt Nam đến nay phản ứng vừa phải, nhưng vẫn còn dè dặt, mà tôi nghĩ Việt Nam không cần phản ứng thẳng với Trung Quốc.
Nghĩa là phản ứng như vậy cũng đã là đầy đủ rồi, bây giờ nên đem những vấn đề trên ra trước công luận thế giới, mà đặc biệt ở vùng châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Bởi “dầu sao đi nữa, Việt Nam cần vận động các nước láng giềng của mình để có một cuộc đương đầu tốt hơn đối với Trung Quốc.”
– Nhà nghiên cứu Hoàng Việt trả lời trên VOA: “Rất có khả năng là lúc này, Trung cộng có thể sẽ có hành động mạnh tay hơn ở khu vực Biển Đông. Việt Nam đang chiếm giữ, kiểm soát tất cả là 21 cấu trúc ở Trường Sa, cũng như các giàn ĐK, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, thì phải kiên quyết giữ vững được. Nếu không giữ vững được thì có thể bị đe dọa rất là lớn.
Việt Nam cần tiếp tục gửi công hàm, và phải vận động các quốc gia trực tiếp liên quan như Malaysia, Philippines cũng phải gửi công hàm lên tiếng cho trường hợp này”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét