Ảnh minh họa. Một TPB VNCH đến tham dự chương trình Tri ân TPB-VNCH năm 2019, do Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức tại Sài Gòn.
Những nạn nhân của cuộc chiến
Cũng là những thanh niên cầm súng với lý tưởng cho quê hương Việt Nam thanh bình, độc lập và cũng để lại một phần thân thể nơi chiến trường đẫm máu như Khe Sanh, Đồi Charlie…nhưng rất nhiều thanh niên ở miền Nam Việt Nam không được Chính phủ Hà Nội, sau ngày 30/4/1975 ghi nhận bởi vì họ là các Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (TPB VNCH).
Không những vậy, các TPB VNCH còn bị phân biệt đối xử, ngược đãi vì họ bị chính quyền mới xếp vào thành phần “ngụy quân, ngụy quyền” và “có nợ máu với nhân dân”.
Ông Quang, một cựu quân nhân TPB VNCH, vào tối ngày 21/4 chia sẻ với RFA rằng thoắt đó mà đã 45 năm ông rời bỏ quê nhà ở Tây Ninh, lê la khắp đất Sài Gòn với thân hình không lành lặn bị cụt hai chân, bán vé số sinh sống qua ngày và còn chắt mót từng đồng bạc lẻ gửi về quê nuôi 4 đứa con thơ dại.
Ông Quang tâm tình số phận thế nào thì cũng đành chịu vậy. Tuy nhiên, ông luôn cảm thấy xót xa cho cuộc đời 4 đứa con mình không được may mắn. Vợ của ông Quang bỏ đi từ rất lâu vì không chịu nỗi cảnh gia đình khổ cực. Bản thân ông lại lây lất bữa đói bữa no nơi chốn thị thành, trong khi 4 người con của ông lớn lên như những cây cỏ dạị, làm thuê làm mướn qua ngày ở thôn quê.
Sau 45 năm đất nước không còn chiến tranh, ông Quang, 72 tuổi đời, sức đã mòn, đầu đã bạc trắng phau nhưng vẫn bươn chải bán vé số để còn phụ giúp cho thế hệ cháu của mình.
“Con của thằng thứ ba bị tai nạn và bị liệt hai cái chân. Vợ nó cũng bỏ nó rồi nên tôi bán vé số để giúp cho thằng đó.”
Có lẽ phần nào đó được an ủi hơn hoàn cảnh của ông Quang, ông Đoàn Đình Hồng, cựu quân nhân TPB VNCH ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk ngậm ngùi nhớ lại ông cưới vợ trong thời gian gia đình ông từ Huế dời vào vùng kinh tế mới hồi đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Vợ của ông là một phụ nữ tảo tần, chịu thương chịu khó gánh vác công việc kiếm tiền thay chồng, vì ông bị cụt hai chân nên chỉ có thể quanh quẩn ở nhà lo cơm nước và chăm sóc hai đứa con nhỏ. Mỗi ngày vợ ông Hồng nhận tiền công là 2kg gạo và cả nhà quây quần bên nồi cơm trắng nhiều nhất được nấu từ 1,5 lon gạo. Mặc dù thế, gia cảnh của TPB VNCH Đoàn Đình Hồng cũng không được đầm ấm trọn vẹn. Ông Hồng kể về biến cố của gia đình:
Con của thằng thứ ba bị tai nạn và bị liệt hai cái chân. Vợ nó cũng bỏ nó rồi nên tôi bán vé số để giúp cho thằng đó
-Ông Quang, TPB VNCH
“Ngày xưa là khu kinh tế mới chỉ có rừng núi hoang vu thôi. Hồi đó, vợ tôi bị sốt rét rừng ác tính. Mình thì ở xa thành phố, không có phương tiện xe đi. Hồi đó đi bệnh viện thì phải hai người khiêng trên một cái võng và đi bộ. Từ chỗ này ra đến bệnh viện khoảng 15 cây số. Khi đưa ra bệnh viện thì bà xã không qua được và đã mất. Khi bà xã mất rồi thì tôi ở vậy với hai đứa con và cũng nhờ vào gia đình, bà con chòm xóm giúp đỡ. Cuộc sống khó khăn lắm, tôi không có điều kiện cho con cái đi học. Hai đứa nó chỉ học hết cấp một thôi.”
Thế hệ tiếp nối không tương lai
Cô Hồng Gấm, con gái của cựu quân nhân TPB VNCH, ông Đoàn Đình Hồng, cho biết cô cũng cố gắng thu vén cho cuộc sống hiện tại của gia đình:
‘Hiện tại anh trai đi làm tóc thuê cho người ta, còn em ở nhà cũng may vá lặt vặt. Một tháng cũng được 4-5 triệu đồng. Trong gia đình có 5,6 người thì nói chung đủ hay thiếu cũng do mình thôi.”
Cô Hồng Gấm, 34 tuổi, đã lập gia đình và có hai cháu trai song sinh đang học lớp 9. Cô bộc bạch rằng mình không được học hành nhiều nên cố gắng lo cho con với mong muốn tương lai các cháu được tốt hơn. Thế nhưng, cô Hồng Gấm lo lắng rằng gia đình sẽ rất chật vật khi hai cháu bắt đầu lên học cấp 3 trong niên học tới.
Cách đây gần 5 năm, hồi trung tuần tháng 12/2015, năm vị Dân Biểu Hoa Kỳ gửi thư kêu gọi Ngoại trưởng John Kerry xem xét để tái định cư cho các cựu sĩ quan TPB VNCH còn sót lại ở Việt Nam. Vào dịp này, Đài RFA đã liên lạc với gia đình của cựu Chuẩn úy Nguyễn Văn Đức, một TPB VNCH ở Tiền Giang và được nghe em Nguyễn Thị Trúc An, con gái út của ông Đức, khi đó học lớp 11, chia sẻ rằng nếu như ba của em qua Mỹ thì em mong được đi theo vì “sợ ba ở một mình, không ai lo”.
Chúng tôi liên lạc lại với em Trúc An vào tối ngày 21/4/2020 và em chia sẻ ước mơ học bác sĩ hay y tá để chăm sóc sức khỏe cho ba của em đã không thực hiện được.
“Tại vì em thấy cha không có tiền rồi càng lên cao thì tiền đóng càng nhiều nên em nghỉ học. Em xin làm việc ở công ty và làm luôn tới bây giờ.”
Trúc An vào làm việc trong một nhà máy gia công giày ở tỉnh Vĩnh Long. Em nói với RFA rằng em chưa bao giờ dám than phiền một tiếng về đời sống công nhân cực khổ với ba mẹ vì sợ họ buồn.
“Dạ cực lắm! Ngồi may suốt. Nhiều khi muốn đi vệ sinh cũng đi không được vì hàng gấp. Muốn đi vệ sinh thì phải gọi cán bộ vào thay cho mình, phải đi thiệt nhanh vì chỉ có 5 phút. Có lúc may mà bị ứ hàng quá thì phải tranh thủ giờ nghỉ trưa để ngồi may. Được lãnh lương cố định nhưng người ta quy định bao nhiêu người trong một tiếng đồng hồ phải may được mấy trăm đôi. Nếu mình không may được mức quy định đó thì cuối tháng bị chấm điểm ‘C’ và bị trừ lương mấy trăm ngàn. Quy định bây giờ lại càng nhiều hơn lúc trước. Lúc trước một tiếng quy định may 200 đôi, còn bây giờ quy định may 250 đôi.”
Mong muốn sau cùng
Nguyễn Thị Trúc An, 23 tuổi, lập gia đình được 1 năm và có một cháu nhỏ. Em chia sẻ rằng cuộc sống cực mấy em cũng cố gắng để thực hiện điều mà em hằng ấp ủ.
“Cha lúc này yếu lắm. Cái chân còn nguyên của cha vẫn còn một miếng miểng trong đầu gối. Bây giờ càng ngày nó càng lộ ra. Trời lạnh thì bị nhức. Với lại ngay phần đầu cái chân cụt của cha bị nhức lắm. Em nói với cha là tiền bảo hiểm xã hội của em, sau này em nghỉ làm, em lấy số tiền đó để đi trị vết thương của cha.”
Cha lúc này yếu lắm. Cái chân còn nguyên của cha vẫn còn một miếng miểng trong đầu gối. Bây giờ càng ngày nó càng lộ ra. Trời lạnh thì bị nhức. Với lại ngay phần đầu cái chân cụt của cha bị nhức lắm. Em nói với cha là tiền bảo hiểm xã hội của em, sau này em nghỉ làm, em lấy số tiền đó để đi trị vết thương của cha
-Nguyễn Thị Trúc An
Trong khi đó, ba của Trúc An, ông Nguyễn Văn Đức nói với RFA rằng vợ chồng ông đã làm tròn trách nhiệm với 3 đứa con gái. Giờ đây con cháu đề huề, và mỗi đứa con còn báo hiếu cho ba mẹ già vài trăm ngàn mỗi tháng tiền thuốc men nên ông không trông mong gì hơn nữa.
Ông Quang, người TPB VNCH bán vé số ở Sài Gòn cũng đồng chia sẻ rằng không mong muốn gì cho bản thân, nhưng ông vẫn canh cánh cầu cho dịch bệnh COVID-19 qua mau để ông có thể nhanh chóng đi bán vé số trở lại cho cuộc sống sinh nhai và phụ giúp chút ít cho con cháu.
“Bán đã từ lâu mấy chục năm nay rồi. Cuộc sống có dư thì cũng cho con cháu. Nói chung vì là con của mình mà nó khổ sở thì mình cũng phải giúp. Ngày nào cũng bán thì có bao nhiêu xài bấy nhiêu, vậy thôi. Rồi đùng một cái bùng phát bệnh dịch cả tháng nay chúng tôi không bán buôn gì được.”
Những cựu quân nhân TPB VNCH Đài RFA tiếp xúc được đều tâm tình rằng họ đã đến tuổi gần đất xa trời và mong ước cuối đời là được trút hơi thở sau cùng trong giấc ngủ, để được thanh thản về với đất mẹ và họ cũng mong mỏi thế hệ con cháu của họ sẽ được hòa nhập với cộng đồng, được có cuộc sống trong tương lai sáng sủa hơn và không còn bị mang danh là con, cháu của những người “lính ngụy”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét