Nguyễn Khắc Mai
Đối với cột mốc này, theo ý kiến riêng của nhiều người, theo cái chủ kiến của mình, họ đặt cho ngày lịch sử này những cái tên khác nhau.
Tôi cũng có ý riêng của mình. Có lần dễ cũng đã ngót 20 năm nay, trên tờ Tuổi Trẻ (Sài Gòn), tôi đã có bài viết: 30 Tháng Tư Một Cột Mốc Lịch Sử. Đại để, tôi nói, từ cột mốc ấy, nếu nhìn theo chiều quá khứ, người ta (chủ yếu bên thắng cuộc) chỉ thấy chiến công, chiến thắng.
Mấy ngày gần đây tôi cũng lại thấy cái nhìn lịch sử theo chiều quá khứ. Mà với cái nhìn ấy, xã hội không thể không ngậm ngùi về cái bi kịch muôn đời mà nhân loại đã tổng kết: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô!” (Một tướng thành công vạn xác người). Vâng, người ta cũng sẽ không thấy cái bi kịch lớn của Dân tộc trong cuộc “nồi da nấu thịt” như giai thoại về hai anh em Tào Phi và Tào Thực con của Tào Tháo (*).
Với cái nhìn theo hướng tương lai, phải xóa bỏ hận thù, không coi Việt Nam Cộng Hòa là thù địch, phải thật lòng Hòa hợp, Hòa giải, mà mời gọi họ cùng chung tay xây dựng nước. Không phải chỉ có ở Mỹ mới có tư duy hòa giải, hòa hợp, như họ đã chơi rất đẹp sau nội chiến. Ở Việt Nam cũng từng có tư duy hòa giải, hòa hợp đó.
Năm kia Trung tâm chúng tôi cùng Huyện Hải Hậu tổ chức kỷ niệm ngày thành lập huyện và tôn vinh Quan Dinh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ. Chúng tôi đã đề cao công đức và tư tưởng hòa giải, hòa hợp của ngài. Nguyễn Công Trứ đã lôi cuốn những nông dân nổi loạn, đưa họ vào công cuộc mở làng lập ấp để họ cũng có cuộc sống yên bình.
Xa hơn nữa, vào đời Trần, nhà Vua đã cho đốt hết những văn bản đầu thú giặc Nguyên của một số tôn thất và làng mạc đã từng trót theo giặc. Huống chi anh em VNCH theo lý tưởng độc lập, phi cộng sản, đã hình thành nên một thực thể Nhà nước có chính danh trên quốc tế, mà cũng để lại nhiều thành tựu văn hóa, xã hội giá trị.
Tôi đem cái nhìn hướng tương lai, để nói đôi điều suy ngẫm của mình về một xu hướng “phi Cộng, phi phi Cộng”, đã và đang từng bước hiện thực trên Quê hương Việt Nam, mở đầu từ 30 tháng 4. Quả thật, đây là quá trình vô thức của đảng Cộng sản, nhưng lại xảy ra từng bước theo quy luật khách quan không thể cưỡng lại được.
Mười năm đầu sau năm 1975 là sự thất bại của đường lối tiến nhanh, tiến mạnh, tiến thẳng, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa, rập khuôn cứng nhắc theo mô hình Xô Viết và hỗn hợp với tư tưởng Diên An. Đói, thiếu hàng tiêu dùng, thiếu năng lượng… buộc phải hô hào bung sản xuất ra!
Đại hội VI buộc phải thừa nhận sai lầm về đường lối, tiến hành Đổi mới, thực chất là trở về cái cũ hợp quy luật. Từng bước rời bỏ kế hoạch hóa triệt để, công hữu triệt để. Lùi lại từng bước, cho nhạt dần khái niệm công hữu, lấy quốc doanh và kinh tế nhà nước làm chủ đạo, công nhận kinh tế nhiều thành phần. Gần đây phải thừa nhận kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng.
Tuy thế vẫn níu kéo từng bước, dù phải lùi lại, nhưng vẫn giữ quan niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Giữ lại cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”, thì đây chính là dấu hiệu không dám nói mạnh về “tiến lên chủ nghĩa xã hội” nữa, mà buộc phải tìm một ngôn ngữ mềm mại, nhẹ nhàng hơn.
Trong lòng những người lãnh đạo đã có những chớm hoài nghi: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” … Về đối ngoại, buộc phải “Làm bạn với mọi người”, xây dựng quan hệ chiến lược với rất nhiều nước mà rốt lại, có quá nhiều quan hệ chiến lược nên vẫn giống kẻ “lắm mối, tối nằm không”! Ít ai bênh vực cho khi hoạn nạn. Có người sẵn sàng muốn kết liên minh để sẵn sàng bênh vực cho thì lại sợ.
Phải chăng từ 30 tháng 4 năm 1975 đến nay đã diễn ra một quá trình phi Cộng sản tuy không tự ý thức trong những người cầm quyền ở ngay Trung ương đảng. Họ buộc phải thực hiện phi Cộng. Và tôi cho đó là quy luật.
Việt Nam Cộng Hòa đã tồn tại gần một phần tư thế kỷ, họ để lại nhiều dấu ấn, nhiều giá trị của một nền kinh tế thị trường thật chứ không nửa dơi nửa chuột, một xã hội dân trị tuy chưa đạt đến đỉnh cao nhưng là điều có thật, một nền văn hóa, giáo dục khá trưởng thành, để lại nhiều giá trị và kinh nghiệm lành mạnh.
Chính nhờ những nhân tố đó mà Việt nam đang chứng kiến quá trình phi Cộng diễn ra trong hiện thực. Đáng tiếc đó chưa phải là quá trình tự giác của đảng. Năm ngoái, khi nằm bệnh viện, tôi đọc được câu này trong IQ84 của Hariki Murakami: “Tước đoạt đi một lịch sử đúng đắn, cũng chính là tước đoạt đi một phần nhân cách con người. Đó là hành vi phạm tội”.
Quá trình khách quan ấy, tất yếu phải xảy ra, mà những níu kéo làm trì trệ và méo mó quá trình cũng đang là hiện thực. Thật ra, quá trình phi Cộng đã diễn ra từ khi bắt đầu đưa chủ nghĩa Cộng sản Stalinien và tư tưởng Mao với khẩu hiệu Tam vô nhị cát (**), rồi “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc trốc tận rễ”, thất bại, phải nương theo dân tộc và Tổ quốc mới giành được chính quyền năm 1945, nâng lên thành khẩu hiệu Độc lập gắn với chủ nghĩa xã hội…
Khi tiến nhanh, tiến thẳng, lên chủ nghĩa xã hội thất bại, phải từng bước xóa bỏ kinh tế quốc doanh, kế hoạch hóa, tập thể hóa nền kinh tế… Bây giờ thì rõ ràng là đang tiến hành môt nền kinh tế tư bản hoang dã màu đỏ không đỏ như son mà là màu máu của Dân.
Chặng đường phi Cộng này chưa hoàn thành, gần đây trong đảng đã manh nha những ý kíến về thể chế. Ông Nguyễn Phú Trọng thì đặt vấn đề, có ba khâu then chốt phải giải quyêt: Một là thể chế, hai là hạ tầng giao thông, ba là nhân lực. Còn ông Nguyễn xuân Phúc thì từng ngữa mặt lên trời than ba tiếng: Thể chế, thể chế, thể chế!
Tuy nhiên nếu không vứt bỏ cái ốp che mắt ngựa, cái vòng kim cô giáo điều Mác-Lênin thì không thể có tư duy tử tế lành mạnh để suy nghĩ. Họ phải hiểu được rằng, cái thể chế mà Dân Nước cần, hoàn toàn khác với cái mà họ đang tính trong cái đầu bí rị của họ. Thể chế này phải là một thể chế dân chủ thứ thiệt, không phải là thứ như họ đang đánh tráo khái niệm-dân chủ XHCN, hay pháp quyền XHCN. Bởi làm gì có chủ nghĩa xã hội mà có cái gọi là dân chủ XHCN!
Họ cũng không hiểu câu nói của Mác trong “Phê phán tư tưởng pháp quyền của Hegel: Chế độ dân chủ là câu đố đã được giải đáp của mọi hình thức chế độ nhà nước… Chế độ nhà nước ở đây xuất hiện theo đúng chân tướng của nó, tức là xuất hiện với tính cách là sản phẩm tự do của con người”.
Đúng như người dân Nam bộ thường nói chòi đạp. Phải chòi đạp để cho ra một chế độ thật là của dân do dân và vì dân – Là sản phẩm tự do của con người.
Quá trình phi Cộng vẫn sẽ tiếp tục, vì đó là lối ra của dân tộc ở khúc quanh lịch sử thời hậu-Covid. Có hai kịch bản sẽ xảy ra. Hoặc là trong đảng xuất hiện một nhóm Trường chinh mới, loại bỏ cái văn kiện giáo điều bảo thủ đang lưu hành để tiến hành đại hội XIII. Hãy tập hợp những người ưu tú trong các cộng đồng xã hội, cùng với những đảng viên nhận thức được thời cuộc, vị trí và thời cơ của Việt Nam, soạn thảo ngắn gọn, thực chất một chiến lược quốc gia trong tình thế mới. Đưa Việt Nam siêu việt lên làm nên một nhân cách Dân tôc mới cho hôm nay.
Hoặc là bảo thủ, bế tắc kéo dài để cho những nhóm lợi ích thay nhau thao túng, lợi dụng, đục nước béo cò. Để rồi Nhân Dân sẽ “tỉnh dậy, thấy mình là nô lệ, là con rối, con mồi của những tham vọng mới” (***). Và họ sẽ hành động. Như Hồ chí Minh nói, làm cuộc chiến xóa bỏ hư hỏng cũ kỹ.
Tôi bỏ cả ngày 30 tháng 4 để viết những tâm tư của mình, không phải để vui mừng hay oán hận, mà với niềm hy vọng như cách nói của Triết gia – quân tử Nguyễn Mạnh Tường từng đề cập với đồng nghiệp của mình ở Mạc Tư Khoa: “Chủ nghĩa anh hùng của các ông (Đảng) có làm cho các ông dám hy sinh Đảng của quý ông trên bàn thờ của Tổ quốc và Nhân Dân?”
Lỗ Tấn có câu nói nổi tiếng, “trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Niềm hy vọng cũng như thế.
Kính cẩn dâng lên hương hồn của những người con của Mẹ Việt đã bỏ mình để mong lời của Nguyễn Trãi được thực hiện: “Làm sao cho trong thôn cùng xóm vắng không còn lời hờn giận oán sầu”.
Nguyễn Khắc Mai
Ô Đồng Lầm, Hà Nội, ngày 30-4-2020
____
(*) Tào Phi: Con Tào Tháo, nối ngôi muốn trừ khử em là Tào Thực ra lệnh bảy bước phải làm xong bài thơ, nếu không thì phải chém. Tào Thực đi bảy bước làm bài thơ:
Chử đậu nhiên đậu ky,
Đậu tại phủ trung khấp.
Bản thị đồng căn sinh,
Tương tiễn hà thái cấp,
Dịch: Đậu nấu bằng cành đậu,
Hạt đậu trong nồi khóc.
Cùng một gốc sinh ra,
Sao đốt nhau tàn khốc.
(**) Tam vô: Vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo. Nhị các: Là các tận sở năng (làm hết năng lực), các tận sở nhu (hưởng hết nhu cầu).
(***) Câu này của Mác khi trò chuyện với Bakounine về tình cảnh giai cấp công nhân vô sản trong chế độ mới: “Sau một hồi được tự do và say sưa cách mạng, trong môt kiểu nhà nước mới, họ sẽ bừng tỉnh thấy mình là nô lệ, con rối, hoặc con mồi (nạn nhân) của một tham vọng mới”. Dẫn theo Mác – Cuộc Đời và Tác phẩm, của Jean Eleinstein NXB Fayard. Paris.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét