Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

975 - Tranh chấp Biển Đông và bài học

Càng đọc, tôi càng cảm thấy Việt Nam đuối lý trong vụ tranh chấp này. Ở đây, chúng ta bàn để nhận chân điều gì thực sự đang diễn ra để tìm hướng đấu trí với kẻ thù, tìm hướng đưa đất nước đi lên chứ không phải để hô khẩu hiệu, thể hiện lòng yêu nước hay quyết tâm gì cả.
Ai đó có thể sẽ nói người dân như chúng ta thì lo làm gì, việc ấy là của lãnh đạo. Xin thưa, lãnh đạo cũng có thể có những sai lầm chết người gây tổn hại cho quyền lợi dân tộc. Họ đã sai và hoàn toàn có thể tiếp tục sai. Cho nên sự quan tâm rộng rãi của công luận là điều cần thiết. Đất nước này là của dân tộc Việt Nam và chính chúng ta phải quan tâm và cùng suy nghĩ tìm giải pháp cho những việc quan trọng.
Tôi sẽ bàn về vài điểm:
1. Họ đã sai và có thể tiếp tục sai:
Công hàm ngày 10 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một sai lầm chết người như vậy. Đây chính là gót chân Asin của ta mà phía Trung Quốc đã và sẽ bám vào nhằm chứng minh Việt Nam đã công nhận chủ quyền của chúng tại HS và TS.
Ngày 4 tháng 9 năm 1958 Trung Quốc ra tuyên bố về lãnh hải quốc gia. Tuyên bố gồm 4 điều, nội dung phần quan trọng tóm lược như sau:
Điều 1: Lãnh hải của TQ rộng 12 hải lý. Điều này áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ TQ, các hải đảo Đài Loan và các đảo phụ thuộc, đảo Bành Hồ và các đảo phụ thuộc, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa)…
Điều 3: Tất cả phi cơ, thuyền bè không được phép của TQ thì không được xâm phạm vào không và hải phận của nước TQ.
Điều 4: Nguyên tắc qui định ở điều 3 (và 2) được áp dụng cho cả HS và TS.
Ngày 10 tháng 9 năm 1958 Thủ Tướng Phạm Văn Đồng gởi công hàm (công hàm 1958) ủng hộ tuyên bố của TQ nguyên văn như sau: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.”
Về mặt ngoại giao hay chính trị thì phía Trung Quốc có thể đưa tuyên bố thế nào, ấy là quyền của họ và không ai bắt ta phải ra công hàm ủng hộ. Không thể nói như ông Phạm Văn Đồng là: “Lúc đó là thời kỳ chiến tranh và tôi đã phải nói như vậy”.
Tôi hiểu lúc ấy ông Đồng chịu sức ép bởi VNDCCH đang nhận viện trợ nhiều từ Trung Quốc nhưng phải nói lúc ấy các lãnh đạo Việt Nam đã ngây thơ trong mối quan hệ với người anh em “môi hở răng lạnh” cùng lý tưởng cộng sản.
Việc ngây thơ này có thể được dẫn chứng bằng lời của TS Hoàng Việt:
“Trước hết là về bối cảnh đưa ra công hàm mà năm 1958 ông Phạm Văn Đồng đã ký. Thứ nhất là lúc đó quan hệ Việt Nam-Trung Quốc vẫn còn như là anh em, vừa là đồng chí vừa là anh em. Năm 1949, Quân Giải phóng Việt Nam còn tấn công và chiếm vùng Trúc Sơn thuộc lãnh thổ của Trung Quốc, sau đó trao trả lại cho Trung Quốc. Thế rồi sang năm 1957 Trung Quốc chiếm lại từ tay một số lực lượng khác đảo Bạch Long Vĩ và sau đó đã trao trả lại cho Việt Nam. Muốn nói tới câu chuyện đó để làm gì? Đấy là lúc đó hai nước tình cảm rất là chặt chẽ với nhau.”
Tức là lúc ấy hai nước đang rất tin cậy lẫn nhau, cho nên cả tin dẫn tới bị lừa là điều đã xẩy ra.
2. Lý luận yếu ớt:
Trong cuộc họp báo quốc tế về chiều 23-5-2014, ông Trần Duy Hải – phó chủ nhiệm UB Biên giới quốc gia đã phát biểu:
“Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là văn bản ngoại giao, nó có giá trị pháp lý về những vấn đề được nêu trong nội dung, đó là Việt Nam tôn trọng 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. Công thư không đề cập chủ quyền lãnh thổ, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa nên đương nhiên nó không có giá trị pháp lý trong vấn đề chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa.”
Lý luận như vậy là yếu ớt và nếu mang ra toà quốc tế, chúng ta sẽ bất lợi. Tuy công hàm của ông Phạm Văn Đồng không nói một cách cụ thể công nhận chủ quyền của TQ về Hoàng Sa, Trường Sa nhưng đây là một công hàm tán thành công hàm của TQ trong ấy có tuyên bố rõ ràng chủ quyền của họ với hai quần đảo này.
Lý luận tiếp theo của ông Trần Duy Hải lại càng không thuyết phục: “Thứ hai, giá trị công thư cũng phải đặt trong bối cảnh cụ thể. Công thư gửi cho Trung Quốc trong bối cảnh Hoàng Sa, Trường Sa đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa theo Hiệp định Genève 1954 mà Trung Quốc có tham gia. Do đó, tôi xin nói logic thông thường là bạn không thể cho người khác cái gì khi bạn chưa có được (cái đó)”.
Và Việt Nam đã hai lần gửi công hàm cho UN, giải thích công thư Phạm Văn Đồng 1958 bằng lập luận khẳng định chính thể Việt Nam Cộng hoà là một chính thể độc lập, có đủ mọi quyền pháp lý quản lý hai quần đảo HSTS, còn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có quyền tài phán với hai quần đảo vào thời điểm đó cho nên công thư của Phạm Văn Đồng là vô hiệu.
Cái lý luận “không thể cho những gì chưa thuộc về mình” này có phần rất trẻ con, bởi tuy không nói ra nhưng việc ấy ngầm hiểu như là một khế ước hứa hẹn một món lợi trong tương lai với đối tác để có được sự hỗ trợ của họ trong hiện tại.
Giả sử bên thắng cuộc là VNCH thì đúng là cái công hàm (hay các vị gọi cho nhẹ đi là công thư) ấy đúng là không có giá trị nhưng ở đây ông Phạm Văn Đồng lúc ấy là thủ tướng của bên về sau thành bên thắng cuộc.
Nếu lý luận VNCH là một chính thể độc lập và dựa vào đấy như một cái bình phong để chối bỏ giá trị của công hàm hay công thư kia đi thì luật sư bên ta sẽ bị vặn lại dễ dàng là nếu đã nhìn nhận VNCH như vậy thì tại sao các ông lại có quyền chiếm đóng một chính thể đã được quốc tế công nhận.
Nếu bám vào cái ý ấy, tôi sợ rằng Việt Nam sẽ thất thố khi tranh biện pháp lý ở toà án quốc tế.
Ở đây chúng ta bàn không phải để trách móc những người đi trước mà để tránh sai lầm cho hiện tại và tương lai.
Vậy chúng ta học được gì qua những sai lầm ấy?
3. Điều đáng bàn là hiện tại và đối tượng cần bàn ở đây chính là những người lãnh đạo hiện tại của Việt Nam.
Sai lầm của công hàm Pham Văn Đồng là một sai lầm chết người bởi nhiều nguyên nhân: sự cả tin, sự ngây thơ vào cái gọi là tinh thần quốc tế vô sản, ở tình anh em “môi hở răng lạnh”, cái nhìn hời hợt về chủ quyền và cũng bởi số phận của một nước nhỏ khi chúng ta bị những nước lớn coi như những quân cờ trên bàn cờ quốc tế.
Việc giải quyết tranh chấp biển đảo sẽ cần những bộ óc thông minh nhất, am tường sâu sắc nhất về luật pháp và phải có khả năng tranh biện hùng hồn và thuyết phục nhất trong trường hợp có tranh chấp pháp lý. Khi đọc mấy cái lý do mà các vị nêu ra như trên, tôi thấy lo lắng vô cùng. Trung Quốc có 1.4 tỉ dân, nếu phải tranh biện, họ sẽ có những luật sư rất giỏi và mấy cái lý luận trẻ con ấy sẽ bị bẻ gẫy tan tành ngay lập tức.
Và đây mới là điều quan trọng nhất của bài viết này. Trong cuộc chơi với Trung Quốc, chúng ta luôn ở thế cửa dưới và khi ta mất cảnh giác, quyền lợi dân tộc sẽ bị xâm hại. Để lấy lại được sự mất mát cần nhiều máu và nước mắt.
Ấy vậy mà có nhiều kẻ đang giả vờ ngây thơ không hiểu con quỷ Trung Cộng và đang trải thảm đón chúng vào 3 đặc khu kinh tế. Vậy chúng là ai, đang phục vụ lợi ích cho ai? Chúng ngu hay giả vờ ngu? Chúng tham thật hay vì một mục đích nào khác?
Còn nữa. Khi nói tới tranh chấp là nói tới cơ sở pháp lý. Pháp lý là thứ không thể dùng quyền lực theo kiểu “cả vú lấp miệng em” được. Do vậy, các vị hãy hành xử tôn trọng pháp luật trước hết với chính người dân của mình để những vụ việc vô lý không xảy ra như ở Đồng Tâm, Vườn Rau Lộc Hưng hay Thủ Thiêm.
Vấn đề đặt ra nữa là làm thế nào để dân tộc nhỏ bé này có thể đương đầu với con quỷ Trung Cộng. Điều này cha ông chúng ta đã làm thật xuất sắc. Chúng ta nhỏ bé nhưng đã nhiều lần đập cho giặc phương Bắc dập đầu, chỉ có thời đại này chúng ta mới bị thất thố đến mức này. Tôi đã nói nhiều lần và tiếp tục nói rằng để đất nước yếu ấy chính là một tai hoạ khi bên cạnh con quỷ Trung Cộng. Do vậy việc thực sự coi trọng nhân tài, cải cách thể chế sao cho đất nước vận hành được hiệu quả nhất, diệt trừ tham nhũng quyết liệt và gắt gao, nâng cao dân trí, nhân quyền, dân chủ… là những việc cần thiết để đưa đất nước mạnh lên.
Ngày 30.4 sắp đến rồi, hãy vứt bỏ mấy cái câu nhàm chán và vô duyên như “giải phóng” “nguỵ quân, nguỵ quyền” đi. Đừng khôn nhà dại chợ như vậy. Cuộc chiến ấy là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn có sự can thiệp của ngoại quốc ở cả hai bên, đấy là một nỗi đau của Mẹ Việt. Hãy thực tâm bắt tay vào hàn gắn tâm hồn Việt, thực tâm với sự nghiệp hoà hợp hoà giải dân tộc để đất nước này được mạnh lên chứ đừng hô hào đầu môi chót lưỡi như những năm qua.
Trọng trách của các vị là bảo vệ được quyền lợi dân tộc và điều ấy là tối thượng, còn khi không làm được, các vị sẽ mất uy tín với nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét