Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

994 - Sự khác biệt Đông-Tây khi đối phó với dịch COVID-19


Các nước Đông Á đang làm tốt hơn Mỹ và châu Âu trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19, cho dù thực tế là đại dịch này bùng phát đầu tiên tại Trung Quốc, quốc gia mà phần còn lại của Đông Á có quan hệ gần gũi về thương mại và du lịch. Mỹ và châu Âu cần nhanh chóng học tập các cách tiếp cận của khu vực Đông Á để có thể cứu vớt tính mạng của rất nhiều người ở phương Tây và phần còn lại của thế giới.
Điểm quan trọng đầu tiên để so sánh giữa hai khu vực là tỷ lệ số ca nhiễm COVID-19 được xác định và số ca tử vong trên 1 triệu dân, được thể hiện trong bảng biểu ngày 7/4 của trang mạng worldmeters.info. Nhìn vào những số liệu đó, cứ như thể hai khu vực này là hai thế giới khác biệt. Châu Âu và Mỹ đang chìm trong đại dịch: số ca nhiễm bệnh/1 triệu dân nằm trong khoảng 814 (Anh) tới 3.036 (Tây Ban Nha), và số ca tử vong/1 triệu dân nằm trong khoảng từ 24 đến 300 ca. Ở các nước Đông Á, cứ 1 triệu dân thì có từ 3 (Việt Nam) tới 253 (Singapore) ca nhiễm COVID-19 được xác định, còn số ca tử vong/1 triệu dân chỉ từ 0 tới 4 ca.
Các nước Đông Á thực hiện thống kê số ca mắc bệnh và số ca tử vong ở quy mô tương đương với các nước phương Tây. Tỷ lệ được xét nghiệm/1 triệu dân của cả hai khu vực đều tương đương nhau. Điều quan trọng là, sự khác biệt giữa hai khu vực này không tương ứng với tình trạng phong tỏa kinh tế cứng rắn hơn ở Đông Á. Google gần đây đã công bố số liệu rất thú vị về tỷ lệ suy giảm hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Số liệu của Google cho thấy cuộc sống thường nhật ở Đông Á (so với đến cuối tháng 3) ít bị gián đoạn hơn.
Sự chênh lệch về kết quả kinh tế và y tế công cộng của Đông Á và các nước phương Tây phản ánh 3 điều khác biệt then chốt giữa hai khu vực này. Đầu tiên, các nước Đông Á được chuẩn bị tốt hơn rất nhiều để đối phó với một dịch bệnh mới bùng phát. Dịch SARS năm 2003 là một tiếng chuông cảnh tỉnh, và dịch sốt xuất huyết thường xuyên xuất hiện ở nhiều nước Đông Á đã càng giúp củng cố thêm sự cảnh giác này. Ở châu Âu và Mỹ, lo ngại về SARS, Ebola, Zika, và dịch sốt xuất huyết dường như rất xa vời, trừu tượng, và (ngoại trừ dịch SARS) đa phần các dịch bệnh này đều chỉ ở vùng "nhiệt đới". Việc thường xuyên phải đối phó với dịch bệnh khiến khu vực này có mức độ cảnh giác cao hơn nhiều khi Trung Quốc lần đầu tiên thông báo công khai về các ca mắc bệnh viêm phổi bất thường ở Vũ Hán vào ngày 31/12/2019.
Trong việc kiểm soát dịch bệnh, hành động sớm là điều rất quan trọng. Bắt đầu từ đầu tháng 1, phần lớn các nước láng giềng của Trung Quốc đã bắt đầu giảm bớt việc đi lại với Trung Quốc, và ngay lập tức tăng cường thực hiện xét nghiệm và giám sát. Trung Quốc và nhiều nước khác đã triển khai các công nghệ kỹ thuật số mới để giám sát sự lây lan của dịch bệnh.
Các nước phương Tây lại không hề quan tâm tới dịch COVID-19 khi dịch này lần đầu tiên xuất hiện. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã liên lạc với CDC của Trung Quốc vào ngày 3/1. Trường hợp đầu tiên được xác nhận mắc COVID-19 ở Mỹ là vào ngày 20/1. Cho dù vậy, những biện pháp hạn chế cần thiết không được xem xét một cách nghiêm túc. Theo những ước tính gần đây, 430.000 người đã từ Trung Quốc tới Mỹ sau khi dịch bệnh được tiết lộ, trong đó có khoảng 40.000 người trở về Mỹ sau khi Tổng thống Trump ban hành lệnh cấm đi lại.
Người dân Đông Á cũng hiểu biết nhiều hơn về các biện pháp phòng ngừa thích hợp. Khẩu trang được sử dụng rộng rãi, ít nhất là từ sau dịch SARS. Ngược lại, các nhà chức trách phương Tây lại nói rằng người dân không cần phải đeo khẩu trang, một phần là bởi họ chỉ có nguồn cung cấp hạn chế khẩu trang bảo vệ cho các nhân viên y tế, và một phần cũng bởi các quan chức đánh giá thấp tác dụng của khẩu trang trong việc giúp giảm số các ca mắc mới. Tương tự như vậy, nước rửa tay khô, giữ khoảng cách với nhau xa hơn, và không thường xuyên bắt tay đều là một phần trong cuộc sống thường nhật của người Đông Á.
Cuối cùng, các nhà chức trách ở Đông Á đã tăng cường kiểm tra các triệu chứng bệnh của người dân ở các khu vực công cộng, công sở, và những nơi tập trung đông dân khác. Nhiều doanh nghiệp đã tiến hành kiểm tra thân nhiệt của tất cả người lao động khi họ đến nơi làm việc. Máy đo nhiệt độ cũng được sử dụng ở các trạm trung chuyển như sân bay và ga tàu. Điều này gần như vẫn chưa được áp dụng ở Mỹ và châu Âu.
Trung Quốc là nơi xảy ra dịch COVID-19 tồi tệ nhất ở Đông Á, và có thể coi là bài học quan trọng nhất đối với Mỹ và châu Âu. Không giống như các nước láng giềng, Trung Quốc đã phải hứng chịu dịch bệnh này trong nhiều tuần, từ khoảng giữa tháng 12/2019 tới giữa tháng 1/2020. Trung Quốc đã phong tỏa Vũ Hán vào ngày 23/1, khi đã có 375 ca mắc COVID-19 được xác nhận ở tỉnh Hồ Bắc, và có thể còn có rất nhiều các ca nhiễm khác chưa được xét nghiệm (có thể có triệu chứng hoặc không có triệu chứng bệnh). Virus này đã bắt đầu lây lan ra khắp Trung Quốc khi có thêm 196 ca được xác định dương tính.
Tại thời điểm đó, Trung Quốc đã hành động rất quyết liệt. Nước này dừng mọi hoạt động đi lại và di chuyển ở nơi công cộng; nhanh chóng triển khai các hệ thống online để theo dõi các cá nhân và buộc phải thực thi các lệnh phong tỏa; tích cực xét nghiệm và giám sát trên diện rộng các triệu chứng bệnh. Các biện pháp này rất mạnh mẽ và gặp nhiều chỉ trích. Tuy nhiên, chúng cũng rất hiệu quả. Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh này chỉ trong vòng vài tuần - điều mà nhiều chuyên gia cho là không thể.
Nhiều người nghi ngờ rằng liệu các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt của Trung Quốc có hiệu quả hay không hay liệu chúng có được chấp nhận ở Mỹ hay không. Tuy nhiên, Mỹ phải học hỏi từ thành công của Trung Quốc, và từ thành công của khu vực Đông Á nói chung. Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, đã nói: "Cách tiếp cận chúng ta cần áp dụng hiện nay là cách mà phần lớn mọi người sẽ cho là quá quyết liệt, bởi vì những cách khác sẽ không đủ quyết liệt".
Châu Âu và Mỹ vẫn chưa thể kiểm soát được dịch bệnh, và tình trạng thiếu máy trợ thở, nhân viên y tế bị tử vong do thiếu các thiết bị bảo hộ càng khiến thảm kịch này tồi tệ hơn. Phản ứng của ngành y tế công sẽ đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19, trước khi dịch bệnh này tàn phá phương Tây và nhiều nơi khác trên thế giới. Cách tiếp cận đúng đắn đòi hỏi Mỹ và châu Âu học tập cách đối phó với dịch bệnh của khu vực Đông Á một cách nhanh nhất có thể.
Giáo sư Jeffrey D. Sachs - Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững của trường Đại học Columbia và cũng là giám đốc của Mạng lưới các Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (LHQ). Bài viết được đăng trên Project Syndicate

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét