Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

1010 - Việt Nam sau 30/4/1975: “Mê tín dị đoan” trở thành “bản sắc dân tộc” như thế nào – Kỳ 1


Người dân đi lễ ở Lăng Ông Bà Chiểu nơi thờ phượng Tổng Trấn Lê Văn Duyệt năm 1971. Ảnh: Philip Jones Griffith.

Tám giờ tối một ngày tháng 9/2019, sâu trong một ngõ nhỏ trên phố Giảng Võ, thành phố Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, 57 tuổi, đang chuẩn bị lên đồng trong đền thờ Bà Chúa Kho, cũng là Nhà văn hóa của phường.
Trong ngôi điện thờ sơn son thếp vàng nhỏ nhắn nhưng lộng lẫy này, bà Oanh ngồi trước một tấm gương, hai bên là các giá đồng, nơi đặt những bức tượng nhỏ mô phỏng hình hài của các ông hoàng, bà chúa.
Phía trước khu vực điện thờ chếch về bên phải là bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên một bục cao ngang vai người bằng gỗ, bên cạnh là một tấm bảng giới thiệu về ngôi đền do chính quyền cấp.
Hơn 25 năm trước, bà Oanh bắt đầu thờ điện để xin bề trên cho bà sớm có con vì lúc bấy giờ bà đã 31 tuổi dù tìm đủ mọi cách nhưng vẫn hiếm muộn. Hơn nữa, bà nói mình có duyên làm đồng vì hễ cứ đến nhà ai có người chết trẻ là bà lại nhập đồng nói về chuyện nhà của người đó. Sau khoảng bảy năm thờ điện, bà có con gái đầu lòng, và theo bà điều kỳ diệu này là nhờ lộc của các thánh.
Khi cung văn nổi lên tiếng nhạc linh đình cùng với tiếng hát nhịp nhàng, bốn người phụ nữ xung quanh bà Oanh đã sắp xong các phục trang sặc sỡ, cầu kỳ tương ứng với từng bà chúa, ông hoàng sẽ nhập vào đồng trong suốt buổi trình diễn.

Bà Oanh trong ảnh hóa thân thành Bà Chúa Kho. Buổi hầu đồng của bà Oanh diễn ra trong khoảng hai giờ đồng hồ. Ảnh: Luật Khoa tạp chí.
Sau ít phút đong đưa, khi khăn trùm đầu được kéo xuống, bà Oanh bắt đầu những điệu nhảy sống động, không khí trở nên rộn ràng nhưng linh thiêng ngập tràn ngôi đền. Đó là lúc các “vị thánh” đã “về đến” và “nhập vào” đồng. Người đến dự nhận kẹo bánh, tiền lẻ như lộc của từng vị thánh ban cho.
Bắt đầu hầu đồng vào giữa thập niên 1990, bà Oanh có lẽ là một trong những người đầu tiên được phép hầu đồng công khai vào lúc bấy giờ.
Trước đó, khi chế độ cộng sản chính thức nắm quyền ở miền Bắc từ năm 1954, thờ mẫu hay hầu đồng bị cấm hoàn toàn vì bị gắn nhãn “mê tín dị đoan” hay “tàn dư của chế độ phong kiến”. Để tránh bị công an bắt giam, những người hầu đồng phải chuyển sang “hầu trốn”, theo nghiên cứu của Tiến sĩ Claire Chauvet. [1]

Các bà đồng xem bói ở đền Ghềnh, Hà Nội vào năm 1953. Ảnh: Ecole française d’Extrême-Orient.

Tiến sĩ Chauvet dẫn lại nghiên cứu của Vũ Ngọc Khánh cho biết rằng các đền thờ mẫu vào lúc đó bị tịch thu để làm cơ quan nhà nước hay công trình công cộng. Ví dụ, như đền Bắc Lệ ở Lạng Sơn, nơi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, trở thành trụ sở uỷ ban nhân và trường học. Đến năm 1995, lễ hội ở Phủ Dầy thờ Bà Chúa Liễu Hạnh mới chính thức được khôi phục. [1]
Làn sóng tiêu diệt tôn giáo, tín ngưỡng cực đoan này đã tràn vào miền Nam khi những người cộng sản lật đổ chế độ Sài Gòn.

Tín ngưỡng miền Nam
trước ngày Sài Gòn sụp đổ 

Vùng đất miền Nam đa sắc tộc đã phát triển đa tín ngưỡng, ngoài các tôn giáo truyền thống, Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài Đại Đạo là hai tôn giáo mới ở miền Nam.
Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, chính phủ đã cố gắng đồng hóa người Thượng ở Tây Nguyên bằng đạo Thiên Chúa, giáo dục dân tộc và chính sách “định canh” nhằm đô thị hóa nhanh chóng khu vực Tây Nguyên cũng như những vùng nông thôn khác. [2]
Ngoại trừ Thiên Chúa giáo, Phật giáo cũng như các tôn giáo hoạt động ở vùng nông thôn như Cao Đài và Hòa Hảo đã bị chính phủ đánh giá rất thấp và phải gồng mình trước những cuộc đàn áp của chính quyền. [2]
Năm 1962, chính quyền Ngô Đình Diệm còn thông qua một đạo luật để bài trừ các chủ nghĩa tâm linh, huyền bí và các hoạt động bị cho là “mê tín dị đoan”. [3]
Chính sách đô thị hóa đã kéo giãn các truyền thống cộng đồng ở vùng thôn, tín ngưỡng dân gian ít nhiều cũng đã bị phai nhạt.
Theo Giáo sư Philip Taylor, dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, truyền thống tín ngưỡng miền Nam mặc dù bị đô thị hóa lấn át nhưng vẫn sinh sôi, nảy nở.
Nhiều ngôi chùa, đền, miếu được xây dựng lại và tân trang. Các anh hùng, liệt sĩ được tôn kính hết mực nhằm kích thích tinh thần chống chủ nghĩa cộng sản đang xâm chiếm miền Nam. [3]
Nhiều ngôi mộ, đền thờ của các danh nhân lịch sử như Lê Văn Duyệt, Trần Hưng Đạo, Trương Định, Nguyễn Trung Trực… được các chính trị gia, các cơ quan chính phủ từ thấp đến cao bảo trợ cho các hoạt động tín ngưỡng. [3]

Một người phụ nữ thắp nhang trong một ngôi đền ở Chợ Lớn vào dịp Tế Nguyên Đán năm 1962, ảnh chụp vào ngày 6/2/1970. Ảnh: Bettmann/CORBIS.
Những cuộc hành hương đến ngôi đền linh thiêng như miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, chùa Bà Đen ở Tây Ninh… không bị xem là mê tín dị đoan và chính phủ cố gắng đảm bảo an toàn cho người dân trên đường hành hương. [4]
Theo Giáo sư Taylor, cho đến những năm 1960, khi Việt Cộng gieo rắc nỗi sợ hãi bằng các cuộc đánh phá ở các vùng nông thôn miền Nam, đường bộ cũng như đường thủy, lượng người hành hương đến các ngôi đền xa xôi bắt đầu giảm sút. Ví dụ như đi chùa Bà Đen ở Tây Ninh, người dân phải đi qua một pháo đài du kích của Việt Cộng đáng sợ tại Củ Chi. [4]
Tháng 3/1973, tưởng rằng hòa bình sẽ đến trong êm đẹp sau khi ký Hiệp định Paris, chính quyền Sài Gòn đã thuê hai công ty ở Hồng Kông làm chiến dịch bá du lịch và đầu tư ở miền Nam ra toàn cầu.
“Miền Nam Việt Nam rất có tiềm năng để một lần nữa trở thành điểm đến nổi bật của châu Á”, đại diện của một công ty được thuê nói với The Tampa Times vào tháng Bảy năm 1973.
Nhưng giấc mơ đó không bao giờ đến khi những người cộng sản đến, không có du lịch, không có đầu tư, không còn đền đài nào được hoạt động.

Các cô gái xem bói ở Vũng Tàu vào năm 1967. Ảnh: Bruce Tremellen.

Tín ngưỡng miền Nam
dưới bàn tay cộng sản

Tháng 5/1975, khi Sài Gòn đã sụp đổ, ông Đạo Dừa bắt đầu nói chuyện sau bao năm ông thề sẽ im lặng cho đến ngày hòa bình, theo hãng tin United Press International (UPI).
“Người Công giáo và Phật giáo phải cho thấy họ đang sát cánh cùng nhau trước khi chúng tôi có thể nói về hòa bình”, ông nói với phóng viên UPI dưới bức vẽ Chúa Giê-su và Phật tổ quàng vai nhau.
“Tôi có thể sẽ đi Hà Nội vào lúc này”, ông nói. “Tôi chỉ là chờ Nguyễn Hữu Thọ xuống dưới đây để sắp xếp nữa thôi”. Ông Nguyễn Hữu Thọ lúc bấy giờ là Chủ tịch Mặt trận Giải phóng Miền Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng cố vấn của chính phủ Cách mạng lâm thời của miền Nam.
Ngay sau khi tiếp quản miền Nam, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đa dạng của miền Nam là một thế giới xa lạ trong mắt những người cộng sản.
Các hoạt động tâm linh vốn phổ biến, bao gồm các tục lễ cúng bái, lễ hội ở các đình, miếu đều bị cho là “mê tín dị đoan”, “hủ tục”, “tiêu cực”, ảnh hưởng đến công cuộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. [5]
Miền Nam cũng giống như miền Bắc, theo Tiến sĩ John Kleinen, những người cộng sản đã cấm các tục lệ thờ cúng, thi triển phép thuật, xem phong thủy, xem tướng số và hầu đồng. [6]
Phật giáo và Thiên Chúa giáo bị kiểm soát chặt chẽ. Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài Đại Đạo bị xóa bỏ hoàn toàn.
Ông Đạo Dừa cũng không được phép cho hành đạo. Theo báo Pháp luật, ông bị bắt giam vì tìm đường vượt biên cho đến năm 1985 mới được thả ra.
Những nơi thờ đình, miếu, chùa bị chính quyền đóng cửa, đất đai bị tịch thu, vật dụng và các đồ trang trí cũng bị chiếm đoạt. Nhiều đình, chùa ở khắp miền Nam bị biến thành các viện bảo tàng, nơi tuyên truyền tinh thần đấu tranh của cách mạng. Ở một số ngôi đền, những hình ảnh của Hồ Chí Minh và liệt sĩ cách mạng để nhấn mạnh với thế hệ trẻ những phẩm chất cần có để tiến lên chủ nghĩa xã hội. [7]
Theo Giáo sư Philip Taylor, các cán bộ cách mạng đã xem tôn giáo như một nơi mà kẻ thù luôn tìm cách xâm nhập để chống phá cách mạng. [7]
Ví dụ như trên báo Giác Ngộ vào năm 1982, ông Vũ Thanh Huân, Ban Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã lên án khả năng các hoạt động “mê tín dị đoan” có thể phá hoại chế độ:
“Về nhận thức, chính quyền, đoàn thể và quần chúng cho những sinh hoạt đó không thuần túy, mê tín dị đoan. Nếu như trong chế độ thực dân kiểu mới, Mỹ ngụy khuyến khích, tăng cường hoạt động mê tín dị đoan nhằm kìm kẹp, ngăn chặn, tách quần chúng nhân dân ra khỏi phong trào cách mạng, ngày nay, chúng vẫn chưa từ bỏ âm mưu, thủ đoạn dùng mê tín dị đoan để phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta”. [8]

Bài viết của ông Vũ Thanh Huân trên báo Giác Ngộ ngày 1/8/1982. Ảnh: Luật Khoa tạp chí.

Sức sống dẻo dai của
tín ngưỡng dân gian

Theo Giáo sư Taylor, vào đầu thập niên 1980, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chợ đen ở thành thị, mà phụ nữ đóng vai trò chủ yếu, đã hồi sinh các hoạt động bị cho là “mê tín dị đoan” như xem bói, xem tướng, xem lá, gọi hồn, cúng bái các linh hồn… [7]
Trong các đoạn trích khác từ bài viết trên của ông Vũ Thanh Huân đã cho thấy các hoạt động tín ngưỡng dân gian đã trở lại mạnh mẽ trong lòng người dân:
“Sau ngày Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng, các cơ quan ngôn luận, các trung tâm xuất bản, các luồng nhập khẩu sách, báo mê tín dị đoan của Mỹ ngụy bị thủ tiêu. Các trung tâm lớn, nhỏ của hoạt động mê tín dị đoan trong chế độ cũ chuyển sang hoạt động lén lút. Gần đây đang đang có xu hướng phát triển. […]
Hoạt động của hội “Bà Chúa xứ Nương Nương” sử dụng kiểu đồng bóng cải tiến. Hồn con vật nào nhập vào ai, người ấy phải cử động như con vật đó. Hội “Đền Thánh Phủ Giày” vẫn giữ cách sinh hoạt bốc bát nhanh và chữa bệnh bằng tàn nhanh nước thải. […]
Các cuộc hành hương đến các vùng “Thánh Địa” được đua nhau tổ chức để làm tiền. […] 
Sau tết Nhâm Tuất, nhân ngày “Vía Bà”, các quận 5, quận 6, quận 8, quận Tân Bình bỗng rộ lên các kiểu trả lễ. Người người đua nhau đến chùa với những cây nhang lớn, đắt tiền. Mỗi cây nhanh được gắn bằng giấy đỏ, nhỏ viết chữ Hán mang nội dung: “Thuận buồm xuôi gió”, “Thượng lộ bình an”, “Gia đình sum họp”.” [8]
Những hoạt động dân gian này đã trở lại rất mạnh mẽ, đa dạng, rời rạc, ở khắp các góc ngách thành thị khiến chính quyền dùng đủ mọi cách nhưng không sao tiêu diệt được. 
Hơn một thập niên sau ngày 30/4/1975, khi kinh tế thị trường bị tẩy chay, tín ngưỡng dân gian bị loại bỏ, Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất thế giới.
Năm 1990, nhà báo Jonathan Freedman sau chuyến đi bốn tuần từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh, đã chứng kiến cảnh nghèo khó của Việt Nam.
“Hà Nội, không kể đến nghèo đói, đã trở thành một thành phố hoàn toàn khác so với thế kỷ trước. Giờ đây, nó là một thành phố  lặng lẽ với những chiếc xe đạp. Trên các con phố, chỉ có một cột đèn giao thông nhưng lại không hoạt động”, ông viết cho hãng tin Copley News Service. “Sài Gòn, theo cách gọi của nhiều người dành cho thành phố Hồ Chí Minh, là một thành phố chuyển động không ngừng và xe đạp chen chúc nhau kẹt cả các con phố”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét