Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

916 - Covid-19 làm “vàng đen” Mỹ rớt giá, một đòn đau cho Donald Trump




          Một mỏ dầu tại California, Mỹ. Ảnh tháng 3/2014. AFP/Archivos
Thứ Hai, 20/04/2020, ngày đen tối cho thị trường dầu lửa của Mỹ. Giá dầu thô WTI có niêm yết trên sàn chứng khoán New York rớt giá đến 300%, kết thúc phiên giao dịch ở mức -37,63 đô la/thùng. Nhu cầu tụt giảm, giá dầu lao dốc, một triển vọng khiến tổng thống Mỹ quan ngại.
Chuyện hy hữu trong lịch sử ngành dầu khí của Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Tốc độ lao dốc của giá dầu Mỹ WTI (West Texas Intermediate) không kém gì với đà lây lan dịch virus corona. Từ mức giá dưới 15 đo la/thùng trên sàn giao dịch chứng khoán châu Á, WTI lần lượt rớt giá trong ngày xuống còn dưới 10, 5, 1 để rồi kết thúc dưới ngưỡng 0 đô la : -37,63 USD/thùng. Để so sánh, mức giá WTI đầu năm nay là 60 đô la/thùng, và giá của WTI năm 2001 là 114 đô la/thùng.
Nói một cách khác, các nhà sản xuất và đầu tư đang tìm cách bán tống bán tháo, và chấp nhận trả tiền cho người mua để “tống khứ” số hàng hiện không ai muốn mua. Tuy nhiên, giới chuyên gia lưu ý, hiện tượng này chỉ liên quan đến hợp đồng giao dầu cho tháng Năm và hết hạn vào ngày 21/04. Còn hợp đồng giao dầu WTI cho tháng Sáu vẫn ở mức trên 20 đô la/thùng.
Nguyên nhân vì đâu ? Theo giới quan sát, có hai lý do để giải thích tình trạng giá dầu xuống thấp đến như vậy. Thứ nhất, cung vượt quá cầu, đây là hệ quả của dịch virus corona (Covid-19) bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc. Cả thế giới hiện trong tình trạng phong tỏa, mọi hoạt động di chuyển từ hàng không, hàng hải, đường bộ và các hoạt động sản xuất, kinh tế đều bị đình chỉ khiến nhu cầu dầu lửa giảm mạnh.
Cuộc chiến dầu lửa giữa Nga và Ả Rập Xê Út trong tháng Ba còn làm cho tình hình thêm tồi tệ. Việc Nga khước từ đề nghị của Ả Rập Xê Út giảm bớt sản lượng đã khiến cho Ryad tức giận, quyết định mở thêm van dầu. Phải đến đầu tháng Tư này, với sự can dự của Mỹ, các quốc gia sản xuất dầu lửa mới chấp nhận giảm gần 10 triệu thùng/ngày so với mức 100 triệu thùng hiện nay.
Thế nhưng, theo giới phân tích, mức giảm này (chỉ có 10%) và chỉ được bắt đầu áp dụng kể từ ngày 01/5 là quá ít, chưa đủ để bù đắp cho mức giảm mạnh nhu cầu. Theo dự đoán của Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế AIE, nhu cầu tiêu thụ dầu trong tháng 4/2020 giảm xuống còn 29 triệu thùng/ngày, tức giảm đến 30% so với cùng kỳ năm 2019.
Vấn đề đặt ra là người ta không thể đột ngột khóa van các giếng dầu vì những lý do kỹ thuật và cạnh tranh. Hệ quả là lượng dầu tồn kho tích tụ, đặc biệt là tại Mỹ, quốc gia sản xuất dầu lửa hàng đầu thế giới kể từ năm 2018. Khả năng cất trữ đã bị bão hòa chính là lý do thứ hai của cuộc khủng hoảng dầu lửa ngày hôm qua. 
Ông Jasper Lawler, thuộc London Capital Group trên Le Monde nhận định : « Hoa Kỳ, vì là một thị trường khai thác lục địa, có một vấn đề nghiêm trọng về kho lưu giữ. Mức cầu thấp hơn mức cung đến mức lượng lưu giữ trong kho đã chạm ngưỡng 70-80% khả năng ».
Thiếu khách hàng, thiếu kho lưu giữ, lượng vàng đen khai thác quá mức giờ còn phải được cất trữ trên các tầu chở dầu, các bể chứa tại các nhà máy hóa lọc, vốn cũng đang phải đối mặt với nguy cơ quá tải.
Theo AFP, việc giá dầu WTI của Mỹ tụt dưới 0 đô la/thùng ngày hôm qua là vố đau cho tổng thống Mỹ. Để hạn chế thiệt hại, Hoa Kỳ buộc phải ngưng sản xuất dầu đá phiến, vốn là một chính sách năng lượng trọng tâm, trong chiến lược độc lập về năng lượng của Donald Trump.
Giá dầu thấp còn là một vấn đề gai góc cho lĩnh vực khai thác khí đá phiến của Mỹ. Để có lãi, dầu đá phiến cần giá dầu cao, ở mức 50 USD/thùng, cao hơn rất nhiều mức giá hiện nay.
Nếu xu hướng này không đảo chiều, hàng ngàn việc làm có thể bị hủy. Đây có thể sẽ là một đòn khủng khiếp cho chiến dịch tái tranh cử của chủ nhân Nhà Trắng hiện nay. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét