Nếu tiếp tục gọi Việt Nam Cộng hòa là “ngụy quyền”, chính phủ Việt Nam có thể sẽ rơi vào một tình huống há miệng mắc quai: luật sư Trung Quốc dùng chính lý lẽ “ngụy quyền” của Việt Nam để phủ nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa đối với Hoàng Sa – Trường Sa.
***
Việc chính phủ cộng sản Trung Quốc có các động thái khẳng định “chủ quyền” trên Biển Đông trong tháng 04/2020 đang châm ngòi trở lại các tranh cãi vẫn tồn tại từ trước.
Song song với tranh cãi về giá trị pháp lý của Công hàm Phạm Văn Đồng, có thể nhìn thấy một tranh cãi lâu đời khác: Chính thể Việt Nam Cộng hòa có đáng bị miệt thị bằng các từ ngữ như “ngụy quyền”, “ngụy quân” hay không?
45 năm sau khi kết thúc chiến tranh, vẫn tồn tại ở Việt Nam một quan điểm cương quyết không bao giờ công nhận Việt Nam Cộng hòa là một quốc gia độc lập, có chủ quyền.
Các nhãn mác “ngụy quân”, “ngụy quyền”, “chính phủ bù nhìn”, “con rối trong tay ngoại quốc” v.v. đã luôn được sử dụng để miệt thị Việt Nam Cộng hòa, đặc biệt trong giai đoạn gần đến kỷ niệm ngày 30/04.
Các nhãn mác đó đều là những nỗ lực từ chối tư cách quốc gia độc lập của Việt Nam Cộng hòa. Tư cách này vốn lại là một vấn đề pháp lý có thể được tranh luận và giải đáp bằng các tiêu chuẩn công pháp quốc tế cụ thể.
Hơn nữa, những ai vẫn đang sử dụng các nhãn mác miệt thị nói trên có thể sẽ phải cẩn thận hơn khi họ biết rằng: khi dùng những nhãn mác miệt thị đó, họ có thể đang góp phần giúp Trung Quốc có thêm sức mạnh khẳng định “chủ quyền” của nước này trong cuộc tranh chấp Biển Đông.
Tư cách pháp lý của nhà nước Việt Nam Cộng hòa liên quan đến chủ quyền biển đảo thế nào?
Có một luận điểm có thể được dùng để giúp Việt Nam đáp trả việc Trung Quốc đang lợi dụng Công hàm Phạm Văn Đồng để khẳng định “chủ quyền” của họ trên các quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Luận điểm đó có thể được diễn đạt như sau:
(1) Việt Nam Cộng hòa (VNCH) là một quốc gia độc lập có chủ quyền riêng (theo đó, không phải là một “ngụy quyền”) ở phía Nam Việt Nam;
(2) Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) là một quốc gia độc lập có chủ quyền riêng ở phía Bắc Việt Nam;
(3) Khi Công hàm Phạm Văn Đồng được viết, vùng biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa đang thuộc chủ quyền VNCH;
(4) Người ký Công hàm, Thủ tướng nước VNDCCH Phạm Văn Đồng, theo đó không thể khẳng định hay từ bỏ cái gì liên quan đến vùng biển đảo này (“Người ta không thể từ bỏ cái mà người ta không có thẩm quyền với nó”);
(5) Như vậy, Công hàm Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý.
Có các lý do xác đáng để không quá tin tưởng vào khả năng “chắc thắng” của luận điểm này, xét một cách khắt khe nhất từ quan điểm công pháp quốc tế.
Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy rằng luận điểm này (hoặc một phiên bản của nó) đã chính thức được chính phủ cộng sản Việt Nam sử dụng để đáp trả phía Trung Quốc trong công cuộc “đấu chữ”, “chọi luật” giành chủ quyền biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa trên trường quốc tế.
Chính phủ Việt Nam đã nhìn nhận nhà nước VNCH như thế nào?
Theo trang Facebook của Trung tâm Nghiên cứu Việt – Mỹ của trường Đại học Oregon (Hoa Kỳ), chính phủ Việt Nam đã hai lần sử dụng luận điểm này trong Công hàm 257-HC năm 2016 và Công hàm A/72/692 năm 2018 của họ.
Việc Bộ Ngoại giao Việt Nam không cho công bố rộng rãi các công hàm ngoại giao quốc tế trên trang web của họ (hay các kênh khác) dễ khiến những người đọc thận trọng phải đặt câu hỏi: các công hàm này có thực sự tồn tại?
Trên trang facebook cá nhân của mình, Thạc sĩ Hoàng Việt – một nhà nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông, hiện đang là giảng viên trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh – đã cho đăng toàn văn Công hàm 257-HC bản tiếng Anh. Theo ông Việt, công hàm này nằm trong kho lưu trữ tư liệu của Dự án Đại Sự ký biển Đông.
Dự án Đại Sự ký Biển Đông là một trong những nguồn thông tin đáng chú ý về tranh chấp Biển Đông mà Luật Khoa từng giới thiệu với bạn đọc.
Có thể tạm chấp nhận Công hàm 257-HC năm 2016 là xác thực, trên giả định rằng Thạc sĩ Hoàng Việt và Dự án Đại Sự ký biển Đông là những nguồn thông tin chuyên môn đáng tin cậy.
Riêng với Công hàm A/72/692 thì chúng ta có thể yên tâm hơn vì tính xác thực, bởi vì toàn văn bản tiếng Anh của Công hàm A/72/692 thì hiện vẫn đang được lưu trữ trên trang tài liệu chính thức của Liên Hợp Quốc – undocs.org.
Thực tế là Công hàm A/72/692 được đề ngày 26 tháng 12 năm 2017, và được bà Nguyễn Phương Nga (hiện là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam) ký. Liên Hợp Quốc đưa vào lưu trữ Công hàm này từ ngày 30 tháng 01 năm 2018.
Hai công hàm năm 2016 và 2017 nói trên vừa giống nhau vừa khác nhau.
Công hàm năm 2016 được đề gửi đến cho tất cả các phái đoàn thường trực của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc.
Công hàm năm 2017 được đề gửi đến cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Cả hai công hàm đều nhắc đến nhà nước Việt Nam Cộng hòa nhằm phản bác các lập luận khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.
Công hàm năm 2016
Công hàm này viết rằng chủ định của nó là để đáp trả Công hàm CML/59/2016 ngày 01 tháng 07 năm 2016 của chính phủ Trung Quốc.
Cụ thể, phía Trung Quốc viết rằng thông qua Công hàm Phạm Văn Đồng, Việt Nam đã công nhận toàn bộ nội dung của bản Tuyên bố ngày 4/9/1958 của Trung Quốc:
“…Không còn nghi ngờ gì nữa rằng: thay vì chỉ đơn giản là đồng ý với quyết định mở rộng phạm vi hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, Việt Nam đã “công nhận” (recognizes) và “đồng ý với” (agrees with) toàn bộ bản Tuyên bố, bao gồm các phần nói rằng các quần đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc về Trung Quốc.”
Đáp lại, công hàm năm 2016 của Việt Nam ghi:
“Từ 1954 đến 1975, Việt Nam tạm thời bị chia làm hai phần. Do vị trí địa lý của chúng, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong thẩm quyền về lãnh thổ (territorial competence) của Cộng hòa Việt Nam (Nam Việt Nam).
Theo đó, việc Cộng hòa Việt Nam thực thi thẩm quyền về lãnh thổ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong giai đoạn đó là phù hợp với thực tế và luật pháp trong bối cảnh của giai đoạn đó. Thực tế quốc tế cho thấy rằng trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, có tồn tại các quốc gia bị chia cắt như Việt Nam, ví dụ Đức, Yemen…
Theo đó, các luận điểm của Trung Quốc dựa vào tình trạng chia cắt của Việt Nam trong giai đoạn đó đều là vô ích…”
(Cách chia dòng do người viết)
Công hàm năm 2016 của Việt Nam như vậy không nói thẳng ra rằng Việt Nam Cộng hòa là một quốc gia độc lập (independent state) hay quốc gia (state).
Tuy nhiên, nó nói rằng Việt Nam Cộng hòa có thẩm quyền về lãnh thổ (territorial competence) đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong giai đoạn 1954 – 1975.
Công hàm năm 2018
Công hàm này của Việt Nam viết rằng chủ định của nó là để đáp trả Công hàm ngày 17 tháng 10 năm 2017 của chính phủ Trung Quốc, vốn viện dẫn Công hàm Phạm Văn Đồng tại đoạn (III) trang 3, và thậm chí còn đính kèm công hàm này trong phần phụ lục để bảo vệ quan điểm của Trung Quốc.
Công hàm này của Trung Quốc được Liên Hợp Quốc lưu trữ dưới số hiệu A/72/552.
Đáp lại, công hàm năm 2017 của Việt Nam ghi:
“2. Việc Trung Quốc viện dẫn một cách có chủ đích đến các tài liệu, tuyên bố và văn bản có liên quan, bao gồm lá thư năm 1958 của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong tranh luận của Trung Quốc với Việt Nam về các vấn đề chủ quyền không hề phù hợp với các dữ kiện lịch sử, hoàn cảnh của giai đoạn 1954-1975, hay với các nguyên tắc diễn giải luật pháp và luật học quốc tế.
Trong giai đoạn lịch sử đó, Việt Nam đang trong tình trạng bị chia cắt (state of division). Việc thực hiện các hoạt động nhằm khẳng định (affirm) và bảo vệ (protect) chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi đó đang thuộc thẩm quyền (authority) của Cộng hòa Việt Nam.
Như Việt Nam đã liên tục nhấn mạnh nhiều lần, lá thư năm 1958 của Cố thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ bao hàm một điều rằng Việt Nam trên nguyên tắc ủng hộ việc Trung Quốc mở rộng phạm vi lãnh hải và lá thư đó không hề bày tỏ bất kỳ ý kiến nào về vấn đề chủ quyền liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…”
(Cách chia dòng do người viết)
Thẩm quyền của một ngụy quyền?
Như vậy, cả hai công hàm năm 2016 và 2018 của Việt Nam đều không nói thẳng ra rằng Việt Nam Cộng hòa được công nhận là một quốc gia độc lập, mà chỉ công nhận rằng Việt Nam Cộng hòa có “thẩm quyền” (competence hoặc authority) với các quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Như trang Dự án Luật Pháp Quốc tế chỉ ra, đáng chú ý rằng trước đó vào năm 2014, chính phủ Việt Nam từng đưa ra Công hàm số hiệu A/68/942 cũng nhắc đến Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên công hàm năm 2014 này chỉ đơn thuần nói rằng Hoàng Sa – Trường Sa nằm dưới “sự quản lý” (administration) của Việt Nam Cộng hòa.
Cả ba công hàm năm 2014, 2016 và 2018 đều nhắc đến Việt Nam Cộng hòa một cách trọng thị, không phán xét (không thông qua các nhãn mác “ngụy quân, “ngụy quyền”).
Theo một cách mạnh mẽ hơn, cả hai công hàm năm 2016 và 2018 đều khẳng định rằng trong giai đoạn 1954 – 1975, Việt Nam Cộng hòa đang sở hữu:
- Thẩm quyền về vùng lãnh thổ (territorial competence) đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Thẩm quyền thực hiện các hoạt động nhằm khẳng định cũng như bảo vệ chủ quyền của Việt Nam (authority to conduct activities to affirm and protect Viet Nam’s sovereignty) đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Một “ngụy quyền” liệu có thể có “thẩm quyền về vùng lãnh thổ” đối với biển đảo Việt Nam hay không?
Một “ngụy quân” liệu có thể có “thẩm quyền thực hiện các hoạt động nhằm khẳng định cũng như bảo vệ chủ quyền của Việt Nam” đối với biển đảo Việt Nam hay không?
Những ai muốn vừa có thể miệt thị Việt Nam Cộng hòa vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam có lẽ sẽ phải yoga uốn lượn khá vất vả để chứng minh được rằng: Một chính thể ngụy quyền hay một quốc gia giả hiệu hoàn toàn có thể có “thẩm quyền về vùng lãnh thổ” và “thẩm quyền khẳng định, bảo vệ chủ quyền”.
Điều này đi ngược lại các nguyên tắc và cách hiểu truyền thống trong luật quốc tế vốn cho rằng chỉ có các quốc gia độc lập mới có thể có thẩm quyền về lãnh thổ và thẩm quyền khẳng định, bảo vệ chủ quyền của chính quốc gia đó trên lãnh thổ của họ.
Há miệng mắc quai: Những lời miệt thị có thể gây bất lợi cho Việt Nam về mặt pháp lý
Hãy dành vài phút để tưởng tượng rằng tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc được đưa ra tòa án quốc tế.
Luật sư phía Việt Nam vừa đưa ra luận điểm rằng Việt Nam Cộng hòa là một chính thể có “thẩm quyền khẳng định, bảo vệ chủ quyền” với các quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa xong.
Với khuôn mặt hồ hởi, vị luật sư Trung Quốc bèn đứng lên bật màn hình tại tòa án và cho chiếu lên màn hình các hình ảnh ghi nhận lại một loạt các bài viết trên sách vở chính thống (trước năm 2017), và trên báo chí quốc doanh, hay các trang mạng xã hội thân chính phủ của Việt Nam (vốn do chính phủ Việt Nam kiểm soát bằng nhiều cách). Các bài viết này đồng loạt gọi Việt Nam Cộng hòa bằng những nhãn mác miệt thị “ngụy quân”, “ngụy quyền”.
“Thưa quý tòa, phía Việt Nam đang lập luận rằng Việt Nam Cộng hòa là một quốc gia độc lập. Các bằng chứng này cho thấy đây là một luận điểm dối trá.
Chính phủ Việt Nam hoặc đã luôn khẳng định, hoặc đã không bao giờ phủ nhận rằng Việt Nam Cộng hòa là một quốc gia giả hiệu, một chính thể bù nhìn – vốn hoàn toàn không có tư cách cũng như thẩm quyền để khẳng định chủ quyền với bất cứ vùng lãnh thổ nào!”
Lúc đó, luật sư Việt Nam biết đáp lời thế nào?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét