Lê Văn Đoành
Những trận quyết đấu giữa các phe phái hơn 30 năm qua
Trước khi nói tới các trận so găng ở Đại hội đảng sắp tới, xin điểm lại một số sự kiện đáng chú ý, xảy ra hơn 30 năm qua. Ngày 10/3/1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Phạm Hùng chết đột ngột ở tuổi 76, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công ký quyết định cử ông Võ Văn Kiệt, phó Chủ tịch thường trực, giữ quyền chủ tịch HĐBT (tức quyền Thủ tướng), chờ Quốc hội bầu chủ tịch mới.
Các lãnh đạo phe cánh miền Nam tin chắc rằng ông Kiệt sẽ được Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp tới, làm Chủ tịch HĐBT kế nhiệm. Thế nhưng, trong kỳ họp thứ 3 hồi tháng 6/1988, nhiều đại biểu Quốc hội miền Nam bất ngờ, ngạc nhiên khi người được đề cử chính thức thay thế ông Phạm Hùng là ông Đỗ Mười, không phải ông Kiệt.
Đây đó có những xầm xì, rằng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không ưa ông Kiệt, cho nên BCH Trung ương Đảng, dưới sự dẫn dắt của ông Linh, đã giới thiệu ông Đỗ Mười. Vậy là nổ ra phân hoá, tranh cãi.
Phía Nam đấu tranh cho ông Kiệt, phía Bắc đứng về ông Mười. Ban Bí thư Trung ương phải nhóm họp khẩn cấp, đồng ý giới thiệu hai ông, để Quốc hội bỏ phiếu chọn một. Ông Võ Văn Kiệt biết “bài” dân chủ giả hiệu, một mực xin rút, nhưng không được. Đây là lần duy nhất, ghế “tứ trụ” có hai ứng viên cùng tranh cử.
Chiều 22/6/1988, Quốc hội bỏ phiếu, kết quả: Ông Đỗ Mười đắc cử với 63% số phiếu.
Đại hội VII diễn ra tháng 6/1991, ông Đỗ Mười lên làm Tổng bí thư, nên ông “nhả” cái ghế Thủ tướng cho ông Võ Văn Kiệt. Từ đó, ghế Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, được chia đều cho ba miền Bắc-Trung-Nam.
Chính phủ thời ông Võ Văn Kiệt cũng không ít “sóng gió”, bộ đôi Mười – Kiệt cũng chẳng đoàn kết gì. Thêm ông cố vấn Nguyễn Văn Linh đi đâu cũng phát biểu bêu xấu ông Võ Văn Kiệt, chỉ trích phu nhân thủ tướng, bà Phan Lương Cầm “buôn lậu, tham nhũng”.
Từ năm 1992, cố vấn Nguyễn Văn Linh đã luôn “thọc gậy” phá ông Kiệt. Đỉnh điểm là vụ ông Đỗ Mười nghe theo ông Linh, cho khởi tố bắt giam Uỷ viên Trung ương, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải, trong Vụ án đường dây 500 KV Bắc Nam, sau đó không lâu.
Vũ Ngọc Hải Hải là người của ông Kiệt, đã bị bắt và bị kết tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, lãnh án ba năm tù giam. Ông Hải ở tù, nhưng được đích thân Thủ tướng và 28 Bộ trưởng, Thứ trưởng vào thăm. Bị kết án ba năm, nhưng Hải chỉ ở tù một năm thì được ân xá.
Đầu năm 1996, việc sắp xếp nhân sự cho Đại hội VIII cũng khá rắc rối. Dự tính ba ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt sẽ rút lui, nhường ghế cho những người trẻ hơn.
Nhân vật được cố vấn Nguyễn Văn Linh và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Lê Phước Thọ tích cực “vận động”, để ngồi vào ghế Thủ tướng thay ông Kiệt, là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Nguyễn Hà Phan.
Cả ông Đỗ Mười và ông Lê Đức Anh cũng ủng hộ ông Phan. Trong khi đó, ông Võ Văn Kiệt muốn Phó thủ tướng Phan Văn Khải là người kế nhiệm.
Phe ông Võ Văn Kiệt cho rằng, Nguyễn Hà Phan quyết đấu để giành ghế thủ tướng, công kích ông Kiệt, ông Khải, nên ra tay trước. “Vụ án Nguyễn Hà Phan làm gián điệp, phản Đảng” được phe ông Kiệt “thu thập tang chứng, vật chứng” hoàn hảo.
Ngày 17/4/1996, trước khi Đại hội VIII khai mạc hai tháng, BCH Trung ương Đảng họp biểu quyết, khai trừ ông Nguyễn Hà Phan ra khỏi Đảng. Vụ án Nguyễn Hà Phan cho thấy, các cuộc tranh giành quyền lực diễn ra trong nội bộ đảng CSVN ở mức độ tàn khốc, “một mất một còn”.
Tuy vẫn giữ nguyên chức vụ sau đại hội VIII, nhưng ba ông Mười-Anh-Kiệt chuẩn bị rút lui. Chiếc ghế Thủ tướng vẫn là điều “trăn trở” với ba ông. Cả ba ông muốn đưa Nguyễn Tấn Dũng lên thủ tướng, tuy nhiên khi thăm dò phiếu ở Ban Chấp hành Trung ương cho cương vị này, ông Dũng chỉ nhận được một lượng phiếu tín nhiệm rất thấp.
Tháng 7/1997, tại kỳ họp Quốc hội khoá X, chức Chủ tịch nước được giao cho ông Trần Đức Lương, chức Thủ tướng dĩ nhiên thuộc về Phó thủ tướng đương nhiệm Phan Văn Khải.
Ngày 31/12/1997, trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 4, ông Đỗ Mười chính thức bàn giao chức Tổng bí thư cho tướng Lê Khả Phiêu. Ba ông Mười, Anh, Kiệt ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương và trở thành “cố vấn BCH Trung ương”.
Đại hội IX diễn ra tháng 4/2001, “tiều phu” Nông Đức Mạnh thay ông Lê Khả Phiêu ở vị trí Tổng Bí thư. Ông Phan Văn Khải được tín nhiệm, tái đắc cử Thủ tướng. Hai nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Khải, xem ra “bình an” hơn ông Kiệt rất nhiều, mặc dù ông làm với hai đời Tổng bí thư: Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh.
Dù không gặp nhiều sóng gió, nhưng không phải ông không bị “phe Đảng” và một số khác trong Bộ Chính trị công kích, phê bình, chỉ trích trong việc điều hành Chính phủ, cũng như những chuyện bê bối của con trai ông. Nạn tham nhũng, lộng quyền, hư hỏng của cán bộ dưới quyền, cũng làm giảm đáng kể uy tín của ông Khải trong nhiệm kỳ thứ hai.
Vụ PMU18 nổ ra ngay trước thềm Đại hội đảng lần thứ X (tháng 4/2006). Hai ứng viên BCH Trung ương bị đánh bật ra, Nguyễn Việt Tiến bị bắt giam, Cao Ngọc Oánh bị điều tra, Bộ trưởng GTVT Đào Đình Bình phải mất chức.
Một bầu không khí u ám trong sắp xếp nhân sự trung ương. Ông Phan Văn Khải sẽ nghỉ hưu ở tuổi 73. Phe “miền Bắc có lý luận” muốn đưa Phó thủ tướng Vũ Khoan vào Bộ Chính trị để nắm Thủ tướng, nhưng không ổn. Tính tới tính lui, ông Khoan không đủ tiêu chuẩn, lại ở tuổi 69, hết tuổi ứng cử. Hơn nữa, thế lực ông Nguyễn Tấn Dũng quá mạnh, đã ở trong Bộ Chính trị hai khoá, nên Vũ Khoan đành tiếc nuối, từ giã chính trường.
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng lên thay ông Khải. Tân Thủ tướng cùng Tổng bí thư tái đắc cử Nông Đức Mạnh “răng chắc”, tạo thành một đôi “song kiếm hợp bích”.
Những “cú đấm ngàn tỷ”, cùng các “đại dự án” lên đến hàng chục ngàn tỷ, đã trở thành đống phế liệu, phơi mưa phơi nắng. Nợ công “ngập mặt”, không ai kiểm soát quyền lực. Từ đây, tệ nạn tham ô cửa quyền, mua quan bán chức, hư hỏng, suy đồi… tạo thành “dây chuyền” trong hàng ngũ quan chức cấp cao. “Nhóm lợi ích”, thị trường “sao và vạch”, bọn ăn tàn phá hoại, câu kết với nhau … bắt đầu phá nát nền kinh tế quốc gia.
Đại hội XI diễn ra vào tháng 1/2011, với “vây cánh” quá mạnh, phe nhóm áp đảo trong Trung ương, đã đưa ông Nguyễn Tấn Dũng tái đắc cử nhiệm kỳ Thủ tướng lần thứ hai. Thế nhưng, Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải vất vả chống đỡ trong suốt cả khoá, bởi một người quyết tâm kiểm soát quyền lực của ông và ghìm cương con ngựa bất kham, đó chính là “sĩ phu Bắc Hà” Nguyễn Phú Trọng.
Dù không phế truất được Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 12/2012, nhưng bản “luận tội” đã “lột trần” chân dung ông Thủ tướng trước BCH Trung ương. Rồi ba năm sau, giáo sư Nguyễn Phú Trọng đã hạ knock-out, loại Nguyễn Tấn Dũng vĩnh viễn ra khỏi cuộc chơi quyền lực tại Đại hội XII, tháng 1/2016.
Trước đó, hồi tháng 1/2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kéo Nguyễn Bá Thanh ra Hà Nội nắm giữ Ban Nội chính Trung ương. Toan tính của ông Trọng là đưa Thanh vào Ủy viên Bộ Chính trị trong kỳ bầu bổ sung tại Hội nghị Trung ương 7, diễn ra vào tháng 5/2013, để sau đó sẽ đưa Thanh về “nhà xanh”, thay thế Nguyễn Tấn Dũng ở Đại hội XII.
Nhưng người tính không bằng Trời tính. Hai “quân bài” mà ông Trọng đích thân nâng đỡ là Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ không đủ số phiếu vào Bộ Chính trị trong Hội nghị Trung ương 7, Đại hội XI.
Kỳ vọng của ông Trọng, cũng như giấc mơ ngồi vào chiếc ghế cao nhất ở Phủ Thủ tướng của Bá Thanh đã tan thành mây khói, khi ông Thanh bị đầu độc phóng xạ vào tháng 9/2014 và qua đời vào đầu năm 2015.
Người được “quy hoạch” vào ghế Thủ tướng kế nhiệm Nguyễn Tấn Dũng trong Đại hội XII là Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Từ trước Hội nghị trung ương 10 khoá XI (tháng 1/2015), nhân chuyện Nguyễn Bá Thanh bị nhiễm xạ và tử vong, trang Blog Chân Dung Quyền Lực (CDQL) đã liên tục tấn công ông Nguyễn Xuân Phúc một cách “dày đặc”.
Dư luận đồn đoán “chủ nhân” CDQL là những cá nhân ở Cơ quan an ninh, tình báo Bộ Công an. Mục đích CDQL muốn đạt được, là đánh bật Nguyễn Xuân Phúc ra khỏi Bộ Chính trị khoá tới, loại ông khỏi vị trí ứng viên “nặng ký” cho chức Thủ tướng Chính phủ, tạo cơ hội chạy đua cho một người khác.
Đại hội XII diễn ra hồi tháng 1/2016, Nguyễn Tấn Dũng ngậm ngùi từ giã chính trường, về làm “người tử tế”. Ông Nguyễn Xuân Phúc tái trúng cử Bộ Chính trị.
Chiều ngày 6/4/2016, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng với Nguyễn Tấn Dũng.
Sáng ngày 7/4/2016, tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra mắt Quốc hội và nhậm chức, ngồi vào ghế Thủ tướng, nhiệm kỳ 2016-2021. Nguyễn Tấn Dũng kịp dặn dò ông Phúc đôi điều bên hành lang, rồi xách cặp… về vườn.
Điểm qua những kỳ Đại hội Đảng gần nhất như thế, để thấy sự khốc liệt của những cuộc đua vào những cái ghế trong chính trường Việt Nam. Chiếc ghế Thủ tướng lúc nào cũng “nóng” hơn bao giờ hết. Nó là đích ngắm, tranh giành của các đối thủ chính trị.
Những cuộc tấn công không khoan nhượng, “thuyết âm mưu”, cùng toan tính chính trị, luôn là cuộc đua ác liệt. “Yêu thương, đoàn kết” chỉ khẩu hiệu suông, ẩn bên trong là sát phạt, thậm chí tiêu diệt “đồng chí” của nhau, để giành cho bằng được chiếc ghế quyền lực nhất và bỗng lộc nhất nhì trong bộ máy cai trị của ĐCSVN.
Chỉ còn 8 tháng nữa, Đại hội XIII sẽ khai mạc. Những cuộc đấu đá để tranh giành vé vào Bộ Chính trị đã “nóng” lên từng giờ. Ai sẽ về đích trong cuộc đua “tam trụ”, và ai sẽ giành được ghế Thủ tướng khoá XIII, nhiệm kỳ 2021- 2026?
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét