Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

1021 - Tháng Tư (Phần 2): Những gì thuộc về nhau, phải gắn kết với nhau

Nguyễn Thọ - Tiếp theo Phần 1

Anh Phong và anh Bình gặp nhau tại Sài Gòn. Ảnh: FB tác giả

Khi tôi viết: “Cuộc chiến khốc liệt đã nổ ra chính vì số người Việt thích bạo lực, coi trọng đấu tranh ý thức hệ nhiều hơn số người nghĩ đến quyền lợi dân tộc”, có người không đồng ý. Nhưng rõ ràng dân trí lành mạnh, xã hội văn minh đỡ tốn rất nhiều máu.
Trong một dân tộc mà tư tưởng sùng bạo lực thắng thế thì sẽ không thể có một người đang cầm quyền tuyệt đối như tướng Jaruzelski của Ba Lan lại chấp nhận đàm phán với kẻ thù là Walesa, thủ lĩnh Công đoàn Đoàn kết. Là tổng bí thư đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan, kiêm chủ tịch nước, Jaruzelski đã thiết quân luật, đưa nước Ba Lan vào tình trạng chiến tranh từ tháng 12.1981 để tiêu diệt Công đoàn đoàn kết. Ngày đó, Liên Xô hùng mạnh ở ngay bên cạnh khiến nhiều người đã nghĩ đến những kịch bản rợn người cho Ba-Lan.
Jaruzelski coi Walesa là kẻ thù giai cấp nên đã bắt giam ông ta hai năm. Từ ngàn năm qua người Ba-Lan nào cũng coi mối đe dọa từ nước Nga khổng lồ như người Việt nhìn vào Trung Quốc. Vì vậy Jaruzelski đã đã tìm mọi cách xử lý không để xảy ra thảm sát mà cũng không để đến nỗi Liên-Xô đổ quân vào. Tháng 4.1989 nước Ba-Lan chuyển mình mà vẫn giữ được nền độc lập.
Ngày nay, vấn đề công – tội của Jaruzelski vẫn là đề tài tranh cãi ở Ba Lan. Bức ảnh ông Walesa đến bệnh viện thăm ông Jaruzelski năm 2011 khiến tôi nghĩ: Cả hai ông tuy từng coi nhau như kẻ thù, nhưng không vì thế mà họ sẵn sàng đốt cháy cả nước Ba Lan. Vì cùng suy nghĩ đó nên khi về già họ thành bạn.
Anh sỹ quan an ninh Đông Đức H. Järger đã cấm binh sỹ nổ súng vào dân rồi tự tay nâng thanh chắn mở cổng thành Berlin vào đêm 9.11.1989 lịch sử. 40 năm nằm trong bức màn sắt, chất con người và lý trí ở Đông Đức vẫn còn đủ mạnh để Jäger cũng như hàng ngàn sỹ quan STASI khác chấp nhận con đường hòa bình, mặc dù tất cả họ đều biết sự nghiệp của mình sẽ tiêu tan. Đó là dân trí.
Nước Đức thống nhất không đổ máu và giờ đây cũng không quằn quại bởi các loại công hàm, hòa ước của nước CHDC Đức để lại. Nước CHDC Đức từng có các hiệp định về lãnh thổ và các thỏa thuận về bồi thường chiến tranh cho Ba Lan, Tiệp Khắc và Liên Xô. Tất cả các thỏa thuận đó đều được nước Đức thống nhất thừa kế hợp pháp. Năm ngoái chính phủ của đảng PIS ở Ba Lan gây sự đòi Đức bồi thường hàng trăm tỷ EUR cho chiến tranh thế giới II. Berlin chỉ cần đưa các thỏa thuận mà Ba Lan đã ký kết với CHDC Đức – Hết vở.
Trong những vấn đề dân tộc, người dân Đông Đức XHCN chỉ biết đến nước Đức. Thời tôi ở Đông Đức cuối những năm 1960, đội tuyển bóng đá Đông Đức chỉ là loại trung bình ở châu Âu, trong khi đội tuyển Tây Đức là một trong những đội đứng đầu thế giới. Các trận đấu của đội tuyển Tây Đức ngày đó luôn là những tuyệt tác nghệ thuật của các danh thủ Gerd Müller, Beckenbauer, Overrath, Netzer… Dân Đông Đức hay rủ nhau xem các trận này qua TV. Mặc dù đội Tây Đức luôn được ký hiệu trên TV là RFA hay FRG [1], dân Đông Đức chỉ hét cổ vũ “Deutschland, Deutschland” (nước Đức, nước Đức).
Đó là dân trí lành mạnh!
***
Dân trí không phụ thuộc vào học vị, vào số trường đại học, mà vào nhận thức về thế giới, về con người trong xã hội. Chúng ta chưa có một nền dân trí mạnh vì còn rất ít người có thói quen suy nghĩ độc lập, tự đi tìm sự thật. Đa số người Việt trên mạng chỉ có một hình ảnh kẻ thù cố định hoặc một anh hùng vĩnh cửu. Khi coi Trung Quốc là kẻ thù thì mọi thứ của Trung Quốc đều xấu, đều đáng bị tiêu diệt. Ai chửi Trung Quốc thì là bạn, ai phê phán người chửi Trung Quốc là kẻ thù. Có lẽ không ở đâu mà Fake news có đất sống và phát tán nhanh như mạng Việt ngữ.
Cách đơn giản hóa vấn đề, chỉ biết có trắng và đen đang làm cho người Việt trở nên cực đoan. Người ta chửi nhau, hủy bạn bè vì những chuyện nhỏ như dùng Chloroquine chữa bệnh Covid-19, vì Bill Gates, vì Greta Thunberg hay vì Mẹ Nấm. Lên đến mức độ Trump thì đã có những cặp vợ chồng tan vỡ.
Cái nền dân trí đó luôn là mảnh đất cho hận thù, ngờ vực và chia rẽ.
Nếu đa số người dân đều cảm nhận nỗi đau của những bà mẹ miền Nam có con chết trận mà không dám treo ảnh có quân phục, đều biết nỗi cơ cực của các anh thương binh VNCH giờ lê lết bán vé số hay hát rong thì chắc chắn những trò trống giong cờ mở sẽ trở nên nhạt nhẽo.
***
Tôi luôn được an ủi bởi những tấm lòng nhân ái mà tôi được kết bạn.
Tháng tư năm ngoái, tôi có viết về số phận những người lính của cả hai bên. Tôi đã gặp và kết bạn với anh Bình, một hạ sỹ Thủy quân lục chiến bị mất cả hai chân tai Thành cổ Quảng Trị hè 1972. Một anh bộ đội miền Bắc tên là Phong cũng bị thương trong những ngày đó ở phía bên kia chiến hào. Khi bộ đội miền Bắc rút lui, anh Phong bị kẹt lại và ai cũng tưởng anh đã chết.
Anh Phong may mắn được Thủy quân lục chiến tìm thấy, họ đưa anh về quân y viện cứu chữa. Có ông bác sỹ Khánh, người Bắc di cư, biết Phong là người Hà Nội, đã tận tình cứu chữa cho anh và quyết cứu được đôi chân anh không bị cưa. Một ngày nọ vợ chồng anh Phong vào Sài Gòn chơi, gặp anh Bình lết đến gần bán vé số. Nhìn cái mũ Thủy quân lục chiến trên đầu anh Bình, anh Phong hỏi chuyện và bỗng hiểu, anh ta có số phận giống như mình, nhưng hẩm hiu hơn vì sinh ở trong Nam. Từ đó hai anh là bạn.
Loạt bài viết về anh Bình, anh Phong ở đây.
Tuần trước tôi có gọi điện về cho anh Bình. Vụ phong tỏa Covid-19 khiến anh khốn khổ, vì không bán được vé số nữa. Tôi rất mừng là chính quyền có trợ cấp cho các hộ nghèo như anh 750 ngàn đồng. Số tiền tuy nhỏ nhưng không còn phân biệt “ta-ngụy” nữa. Cậu con trai làm bảo vệ cũng không có thu nhập. Ba người làm sao sống nổi với trợ cấp đó. Phong và tôi lại cùng nhau hỗ trợ anh chút ít.
Tết vừa rồi tôi có đến thăm gia đình bác sỹ Lựu, cựu đại úy quân y ở Tổng y viện Cộng hòa, người đã cứu sống anh Ngọc, chiến sỹ sư đoàn 320 bị thương trước của ngõ Sài Gòn hôm 29.4.1975 (Chuyện về anh Ngọc và Chuyện về gia đình bác sỹ Lựu).
Anh Lựu là bác sỹ duy nhất ở lại cùng một vài nhân viên khác vì anh có trách nhiệm với các thương binh VNCH đang kẹt ở viện. Trong ba tháng sau đó, anh đã cứu chữa cho rất nhiều thương binh Bắc, trước khi anh phải đi cải tạo. Rồi anh Ngọc khỏi bệnh được điều động ra Bắc. Họ mất liên lạc với nhau.
44 năm sau anh Ngọc đã tìm thấy vợ chồng chị Sương, anh Lựu. Họ đã gặp nhau trong nước mắt.
Ngày thống nhất nước Đức, cố thủ tướng Đức Willy Brand nói: Giờ đây những gì thuộc về nhau, lại gắn kết với nhau [2]. Mong càng ngày càng nhiều người Việt nghĩ vậy.
_____
[1] CHLB Đức viết tiếng Pháp là RFA = République fédérale d’Allemagne, tiếng Anh FRG = Federal Republic of Germany.
[2] Câu nói nổi tiếng của Willy Brand “Jetzt wächst zusammen, was zusammen gehört”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét