Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

5146 - RCEP: Đồng sàng dị mộng

Phạm Nhật Bình


Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (RCEP – Regional Comprehensive Economic Partnership) vừa được 10 quốc gia trong khối ASEAN và 5 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, Tân Tây Lan ký kết qua online vào ngày 15 tháng Mười Một vừa qua.

RCEP khởi đầu là ý tưởng của khối ASEAN đưa ra năm 2011 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Indonesia. Trung Quốc với tiềm năng kinh tế lớn mạnh nhưng không tham gia Hiệp Định TPP. Bắc Kinh đã nhảy vào hỗ trợ và dẫn dắt RCEP để làm đối trọng với TPP được Mỹ đỡ đầu, cũng đang trong vòng đàm phán.

Sau 8 năm đàm phán, RCEP được thông qua sau khi Ấn Độ rút lui vào tháng Mười Một, 2019. RCEP được coi là một thỏa thuận thương mại tự do giữa các nước trong khu vực Á Châu nhưng được mô tả có tầm vóc lớn nhất thế giới với 2,2 tỷ người tiêu dùng. Một trong những mục tiêu đầy tham vọng của RCEP là xóa đến 90% hàng rào quan thuế giữa các nước thành viên.

Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement) đàm phán trong gần 10 năm đáng lẽ ra đời với 12 quốc gia, nhưng cuối cùng Hoa Kỳ rút lui vào đầu năm 2017. Tuy mất Hoa Kỳ, nhưng Nhật Bản đã đứng ra thay thế xúc tiến việc đàm phán. Cuối cùng hiệp định cũng đã được ký kết vào năm 2018, được gọi là CPTPP mà Việt Nam là 1 trong 11 thành viên còn lại.

Sự ra đời của RCEP tuy trọng tâm là phục hồi và phát triển kinh tế sau thời đại dịch giữa 10 nước ASEAN với các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Nam Hàn, Úc nhưng mang ý nghĩa chính trị rất lớn. Trung Quốc là kẻ hưởng lợi nhiều nhất về sự ra đời của RCEP. Qua hiệp định, Bắc Kinh đã thu phục không chỉ các nước trong Khối ASEAN mà ngay cả những quốc gia đồng minh cật ruột của Mỹ là Úc, Nhật Bản, Nam Hàn nằm trong vòng ảnh hưởng của mình.

Đây là một trận đồ mới do Trung Quốc giương ra và trở thành là kẻ thống lãnh cũng như sẽ khống chế, lèo lái sau này theo ý đồ của mình. Nói khác đi, Trung Quốc đã thực sự giành được sân chơi của Hoa Kỳ ở Á Châu một cách chính thức. Trung Quốc âm thầm ghi được một điểm lớn trong lúc Hoa Kỳ rút về thế thủ. Sự ra đời của RCEP cho thấy là khi Hoa Kỳ lùi lại, chính là cơ hội để Trung Quốc tiến lên, chiếm phần còn lại trong Thế Kỷ 21.

Trước khi có RCEP, khối ASEAN và 5 quốc gia nói trên cũng đã có những trao đổi thương mại, kinh tế bằng hình thức song phương hay đa phương. Chẳng hạn như Hiệp Định EVFTA giữa Việt Nam và EU ký kết vào tháng Sáu, 2019. Vì thế trong thực tế hiệp định thương mại RCEP vừa qua cũng không thay đổi gì nhiều vấn đề mậu dịch giữa 15 quốc gia này. Nhưng có hai điều thay đổi căn bản sẽ lần lượt làm cho  khu vực này thay đổi là Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành quốc gia thay thế Mỹ, đồng thời tạo được một diễn đàn trao đổi thương mại lớn ở Á Châu. Điều này chẳng những mang lại lợi ích to lớn về kinh tế cho Bắc Kinh mà còn đạt được nhiều lợi ích chính trị không ngờ.

Về phần Việt Nam, với RCEP tuy có một chút lợi là có thể xuất khẩu nông sản và thuỷ sản nhiều hơn nhưng chắc chắn không thể cạnh tranh nổi với hàng hóa Trung Quốc khi Việt  Nam ngày càng lệ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngày nào Việt Nam còn làm gia công cho hàng hoá xuất khẩu của các doanh nghiệp ngoại quốc (FDI) để nuôi thân thì hy vọng giảm nhập siêu chỉ là ảo tưởng.

Ngoài ra, trong cả hai phương diện kinh tế và chính trị, Việt Nam khó thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc khi mà Hoa Kỳ không còn coi Á Châu là khu vực quan trọng. Sự kiện chính quyền Donald Trump đã liên tục bỏ lửng việc không tham dự hội nghị cấp cao ASEAN trong 3 năm liên tục đã khiến các nước trong khối ASEAN lo ngại.

Ông Joe Biden (có thể là Tổng thống kế nhiệm) đã trả lời báo chí Hoa Kỳ về sự ra đời của RCEP hôm 15 tháng Mười Một rằng: Hoa Kỳ chiếm 25% nền kinh tế thế giới và cần thêm 25% nữa hoặc hơn để thiết lập luật chơi thay vì để Trung Quốc và các nước khác quyết định như thể một mình một cõi. Điều này cho thấy là Ông Biden nhìn ra nhu cầu của sự tái đàm phán để gia nhập TPP; nhưng nước Mỹ đang gặp quá nhiều vấn đề nội tại từ chống Covid-19, phục hồi nền kinh tế cho đến giai quyết công ăn việc làm, phân hóa xã hội, cho thấy là vấn đề tham gia TPP quả là còn rất mơ hồ.

Rõ ràng là Hiệp Định RCEP đã và đang tạo ra một bài toán khó cho Ông Biden về việc chọn lựa những ưu tiên phải giải quyết trong đường lối đối ngoại tại Á Châu trong thời gian tới.

Tóm lại, Hiệp Định RCEP không làm thay đổi cấu trúc kinh tế thương mại giữa các quốc gia thành viên là bao nhiêu; nhưng về mặt chính trị đã giúp cho Bắc Kinh có rất nhiều lợi thế để củng cố vị trí “lãnh đạo” của họ tại Á Châu. Điều này sẽ là một thách thức lớn đối với các quốc  gia đang có những tranh chấp biển đảo với Trung Quốc như Việt Nam, Philippines, Mã Lai và Indonesia khi nền kinh tế càng ngày càng lệ thuộc vào vòng xoáy của Bắc Kinh. Rốt cuộc như bà Phạm Chi Lan đã phát biểu: Tham gia vào RCEP, Việt Nam lo nhiều hơn vui bởi càng ngày càng lún sâu vào sự phụ thuộc của Bắc Kinh.

Nguồn: https://chantroimoimedia.com/2020/11/20/rcep-dong-sang-di-mong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét