Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
TIÊU ĐIỂM
Mỹ đẩy nhanh rút quân khỏi Afghanistan
Donald Trump đang gấp rút đưa quân ra khỏi Afghanistan. Vào tháng 2, Mỹ hứa sẽ rút lực lượng của mình trước tháng 5 năm sau nếu Taliban cắt đứt quan hệ với khủng bố quốc tế và bắt đầu đối thoại chân thành với chính phủ Afghanistan. Các cuộc đàm phán đó bắt đầu ở Doha vào tháng 9, nhưng tiến độ không mấy khả quan. Dù vậy, số lượng lính Mỹ ở Afghanistan vẫn giảm từ 9.000 xuống còn 4.500 người trong năm qua.
Hôm thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thông báo giảm thêm, xuống còn 2.500 người vào cuối nhiệm kỳ của ông Trump. Thay vì thúc đẩy đối thoại, Taliban đã tận dụng cơ hội để củng cố vị thế quân sự của họ. Họ coi đàm phán như là về sự đầu hàng của chính phủ, mặc dù điều này còn lâu mới được đảm bảo. Quân đội Afghanistan tuy suy yếu nhưng vẫn còn đó, và các cuộc tấn công vào các thành phố lớn có thể khiến Mỹ quay trở lại cuộc chiến. Nhưng việc rút quân nhanh chóng của ông Trump làm tăng khả năng Taliban trở lại nắm quyền.
Tình hình ở Thái Lan nóng lên
Căng thẳng chính trị ở Thái Lan tiếp tục gia tăng. Tuần này, người biểu tình ủng hộ dân chủ đã đụng độ với cảnh sát và những người bảo hoàng trước tòa nhà quốc hội. Sinh viên biểu tình đã vượt qua rào chắn. Cảnh sát dùng hơi cay và vòi rồng (khoảng 50 người bị thương và một số ít phải điều trị vết thương do đạn bắn). Ở phía trong tòa nhà, các nghị sĩ tranh luận về các cải cách hiến pháp – bao gồm hạn chế quyền lực hoàng gia và vai trò thống trị của quân đội trong chính trị, điều mà các sinh viên yêu cầu.
Chính phủ, theo chủ nghĩa bảo hoàng và ủng hộ quân đội, chiếm đa số trong nghị viện và bác bỏ những thay đổi đối với hiến pháp mà họ đã viết ra hồi năm 2017. Nghị viện có thể sẽ thành lập một ủy ban nhằm “giữ thể diện” và can thiệp vào hiến pháp nhưng vẫn giữ lại quyền lực cho phe thủ cựu. Những người bảo hoàng cực đoan thì tiếp tục kêu gọi một cuộc đảo chính để bảo vệ chế độ quân chủ. Vua Vajiralongkorn quyền quý – với triều đình ở cả Bangkok lẫn Bavaria (Đức) – theo hiến pháp vẫn “cai trị ở một vị trí được tôn kính”. Nhưng dưới triều đại của ông, sự kiểm soát của chế độ quân chủ đối với tinh thần của người dân đã giảm đi nhiều. Đất nước này đang tiến về vùng nguy hiểm.
EU vẫn chưa thể phát hành trái phiếu chung
Ngoài mặt, các lãnh đạo EU hôm nay sẽ bàn về phản ứng của họ trước covid-19 trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến. Các biện pháp phong tỏa đã được áp dụng trở lại trên khắp châu Âu mà không tạo ra hỗn loạn nào như hồi đầu năm nay, vốn dẫn đến xếp hàng dài tại các biên giới và các chính phủ giành nhau thiết bị bảo hộ y tế. Mặc dù không có trong chương trình nghị sự, nhưng một vấn đề khác cũng sẽ được đề cập.
Viktor Orban, nhà lãnh đạo cứng rắn của Hungary, đã chặn nỗ lực của EU để lần đầu tiên phát hành 750 tỷ euro (891 tỷ đô la) nợ chung, nhằm cứu trợ các nền kinh tế thành viên đang bị đại dịch tàn phá. Ông Orban không đơn độc. Chính phủ Ba Lan đã tham gia cùng Budapest chống các điều khoản gắn các khoản tiền với sự tôn trọng nhà nước pháp quyền của các thành viên. Slovenia – nước có thủ tướng là một người ngưỡng mộ Donald Trump – cũng đã bày tỏ ủng hộ. Kế hoạch phục hồi cần phải được tất cả 27 chính phủ phê duyệt.
Thổ Nhĩ Kỳ đánh tiếng tăng lãi suất
Một tuần sau tin tức gây sốc rằng bộ trưởng tài chính Berat Albayrak đã từ chức và thống đốc ngân hàng trung ương bị sa thải, đồng lira đã tăng khoảng 10% so với đồng đô la, cho thấy dấu hiệu quay lại kỷ luật tài chính và tiền tệ. (Dưới thời ông Albayrak, con rể Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, đồng lira mất giá 46%.) Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương mới, có vẻ nghiêm túc về việc cứu đồng lira và đưa lạm phát về mức một con số.
Ngay cả ông Erdogan, người muốn tăng trưởng bằng mọi giá, cũng thừa nhận nền kinh tế cần phải “ngậm một viên thuốc đắng”, tức tăng lãi suất. Hôm nay khi ngân hàng trung ương ấn định tỷ giá chúng ta sẽ rõ liệu ông có nghiêm túc không. Hầu hết các nhà phân tích kỳ vọng họ tăng lãi suất chuẩn, hiện là 10,25%, lên ít nhất bốn điểm phần trăm. Ít hơn con số đó đồng nghĩa nhiều rắc rối hơn cho đồng lira.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2020/11/19/the-gioi-hom-nay-19-11-2020/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét