Thứ Năm, 19 tháng 11, 2020

5133 - RCEP và thách thức của ông Joe Biden

Hiếu Chân/Người Việt

Một ngày sau khi 15 quốc gia Đông Á ký kết hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership – Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực), Tổng Thống đắc cử Joe Biden nói rằng Mỹ cần đàm phán với các đồng minh để thiết lập các luật lệ thương mại toàn cầu nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng ông không xác nhận liệu ông có sẽ tham gia hiệp định do Trung Quốc hậu thuẫn này hay không.

Chính sách thương mại của Mỹ tại khu vực Châu Á chắc chắn sẽ là một phần trong chiến lược ngoại giao-kinh tế của chính phủ Biden/Harris. (Hình minh họa: AP Photo/Andrew Harnik)

RCEP – Mỹ vắng bóng ở Châu Á

Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có tham gia RCEP hay không, ông Biden nói ông chưa thể thảo luận chính sách thương mại của Mỹ bởi vì ông chưa nhận nhiệm vụ và “tại một thời điểm chỉ có một tổng thống mà thôi,” hãng tin Reuters tường thuật từ cuộc họp báo của ông Biden ở Wilmington, Delaware, sáng Thứ Hai, 16 Tháng Mười Một.

Khi được hỏi tại sao ông nói sẽ tái gia nhập Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) và Hiệp Định Khí Hậu Paris mà không bình luận về việc tái gia nhập các hiệp định thương mại, ông Biden đáp: “Các vị yêu cầu tôi bình luận liệu tôi có gia nhập một đề nghị cụ thể hay không, mà đề nghị đó vẫn đang được các quốc gia thảo luận. Nó cần một cuộc thương lượng,” vẫn theo Reuters.

15 nước Châu Á, gồm 10 quốc gia ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc và New Zealand hôm Chủ Nhật, 15 Tháng Mười Một, đã ký kết hiệp định RCEP, hình thành một khu vực thương mại tự do bao gồm 30% dân số và 30% tổng sản lượng kinh tế toàn thế giới. RCEP được cho là sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại giữa các thành viên, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ cả về xuất nhập cảng lẫn chuỗi cung ứng. Với RCEP, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ ngày càng mạnh, ngược lại Mỹ sẽ dần dần bị đẩy khỏi khu vực này.

Không có chân trong RCEP, và đã rút ra khỏi hiệp định TPP bốn năm trước, Mỹ rất khó gây được ảnh hưởng kinh tế ở Châu Á – được coi là vùng kinh tế phát triển nhất của thế giới, đồng thời cũng là khu vực chịu ảnh hưởng của Trung Quốc nặng nề nhất,

Khôi phục vai trò của Mỹ tại khu vực này là một thách thức to lớn mà chính quyền tương lai của ông Joe Biden phải đương đầu.

Ông Trump rút khỏi TPP – ai có lỗi?

Sự ra đời của RCEP khơi lại cuộc bình luận sôi nổi về một hiệp định tương tự, Hiệp Định TPP (Trans Pacific Partnership – Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương) và nhắc lại việc lên án nặng nề Tổng Thống Donald Trump đã rút ra khỏi hiệp định này, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ngày hôm nay.

Hiệp Định TPP quy tụ 11 nền kinh tế hai bờ đại dương với Hoa Kỳ là trung tâm và không có Trung Quốc. Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2008 và kết thúc sau lễ ký kết hiệp định ngày 4 Tháng Hai, 2016, dưới thời Tổng Thống Barack Obama. So với RCEP, Hiệp Định TPP “có phẩm chất cao” hơn vì TPP không chỉ quy định lộ trình giảm thuế mà đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường, quyền của người lao động và nghiệp đoàn, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cấm trợ cấp cho công ty quốc doanh và yêu cầu bình đẳng, minh bạch trong hoạt động mua sắm của các chính phủ. Hiệp định TPP là một phần trong chiến lược “xoay trục” (pivot) sang Châu Á của chính quyền Obama nhằm kiểm soát ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc và buộc nước này thay đổi cung cách thương mại theo hướng công bằng, minh bạch, dựa trên luật pháp.

Quyết định rút ra khỏi TPP ngay trong tuần lễ đầu tiên nhậm chức là một sai lầm có tính lịch sử của ông Trump. Nhưng quyết định này là một phần trong chủ trương tổng thể của ông: chống toàn cầu hóa, theo chủ nghĩa bảo hộ thương mại với khẩu hiệu “America First.” Ông Trump không chỉ rút ra khỏi TPP mà còn ra khỏi nhiều hiệp định quốc tế khác, đình chỉ thảo luận Hiệp Định Đối Tác Xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và khối Châu Âu (EU), đàm phán lại hiệp định thương mại tự do đã thực hiện với Canada và Mexico (NAFTA), Hiệp Định thương mại tự do Mỹ-Nam Hàn (KOR-US)…

Sở dĩ ông hành động như vậy vì ông – và một phần đông đảo người Mỹ – cho rằng toàn cầu hóa, cụ thể là các hiệp định thương mại đa phương, gây tổn hại cho người Mỹ và nền kinh tế Mỹ, làm cho cơ xưởng sản xuất và công ăn việc làm chạy sang các nước khác, thâm hụt thương mại của Mỹ với thế giới, đặc biệt là với Trung Quốc, tăng lên chóng mặt. “Nước Mỹ bị cả thế giới lợi dụng và cướp bóc” – chính lối suy nghĩ như vậy đã giúp ông thắng thế trong các kỳ bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa vốn có đường lối ủng hộ tự do mậu dịch và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống bốn năm về trước.

Khi đã có quyền hành, ông ban hành nhiều chính sách theo hướng bảo hộ mậu dịch như hạn chế nhập cảng, tăng thuế lên hàng hóa nhiều nước kể cả các đồng minh thân cận như Canada, và tiêu biểu là phát động cuộc thương chiến chống Trung Quốc; giảm thuế lợi tức của công ty và khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ hoặc rút về nước, hoặc tập trung đầu tư tại Mỹ. Ông cũng xóa bỏ hoặc nới lỏng các quy định chặt chẽ về môi trường, về tài chính và khuyến khích các ngành sản xuất “kiểu cũ” như khai thác mỏ (dầu, than đá), công nghiệp sắt thép…

Có thể nói, trong bốn năm cầm quyền của Tổng Thống Trump nước Mỹ đã “thử nghiệm” một đường lối kinh tế mới, hướng nội và bảo hộ thị trường thay cho toàn cầu hóa và tự do thương mại – đường lối cũng do Mỹ vạch ra và theo đuổi suốt mấy chục năm qua, góp phần không nhỏ tạo dựng thịnh vượng cho toàn thế giới.

Đường lối kinh tế mới có phần tích cực là kinh tế Mỹ phát triển, tạo ra thêm nhiều việc làm và thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, cho đến khi đại dịch virus Coronas bùng phát đầu năm nay. Nhưng về căn bản, đường lối đó thất bại nhiều hơn: thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn tăng đều, không có nhiều công ty chuyển sản xuất về Mỹ; đa số công việc làm được tạo ra chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ và công nghệ cao; hàng nông sản của Mỹ bị các nước khác chặn bằng thuế suất cao… Và Trung Quốc đã không “sụp đổ” hay “phục thiện” như kỳ vọng của những nhà hoạch định chính sách Mỹ.

Dù có công hay có tội, đường lối của ông Trump vẫn được sự chấp nhận của một số lớn dân Mỹ – những người và những cộng đồng bị bỏ lại trong công cuộc phát triển kinh tế của Mỹ, là “nạn nhân” của toàn cầu hóa và tự do thương mại – trong cuộc bầu cử chưa ngã ngũ hiện nay vẫn có 73 triệu cử tri bỏ phiếu cho ông là một minh chứng.

Biden – di sản và sách lược tương lai

Nên để ý rằng, trước khi được ký kết và chờ Quốc Hội phê chuẩn năm 2016-17, hiệp định TPP đã bị phản đối dữ dội ở Mỹ. Những người lên tiếng chống đối TPP mạnh mẽ nhất là giới hoạt động nghiệp đoàn và các chính trị gia đảng Dân Chủ – đảng mà ông Obama và ông Biden lãnh đạo, trong khi thành phần ủng hộ lại là các chủ công ty và chính trị gia Cộng Hòa. Những người Cộng Hòa nhìn thấy ở TPP một cơ hội tốt để phát triển mạng lưới hoạt động (và lợi nhuận) của các công ty Mỹ; kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc; trong khi những người Dân Chủ lo ngại TPP sẽ đặt người lao động Mỹ vào thế cạnh tranh không cân sức với công nhân nước ngoài có mức lương thấp và chấp nhận điều kiện làm việc tệ hơn công nhân Mỹ.

Do sự phản đối của đảng Dân Chủ mà suốt một năm từ ngày ký kết, hiệp định TPP vẫn không thể được Quốc Hội Mỹ xem xét và phê chuẩn như yêu cầu của Tổng Thống Obama. Để thu hút phiếu của giới lao động “cổ xanh,” trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2016, ứng cử viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton cũng cam kết sẽ rút khỏi TPP nếu đắc cử.

Phân tích như vậy để thấy rằng, việc rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định TPP là một sai lầm đáng tiếc nhưng không phải chỉ là sai lầm của riêng Tổng Thống Trump.

Trở lại với Tổng Thống đắc cử Joe Biden. Trong quá trình đàm phán Hiệp Định TPP, ông Biden là phó tổng thống, nghĩa là có vai trò quan trọng đối với việc thương thảo và ký kết hiệp định này. Đã có nhiều đồn đoán trong giới quan sát rằng chính quyền Biden/Harris sẽ quay trở lại Châu Á, hoặc tham gia Hiệp Định CP-TPP (Comprehensive and Progressive Trans Pacific Partnership, Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn Diện và Tiến Bộ) – một Hiệp Định TPP không có Mỹ và do Nhật Bản giữ vai trò nhạc trưởng; hoặc tham gia Hiệp Định RCEP vừa ký kết.

Nhưng như ông Biden trả lời báo chí hôm 16 Tháng Mười Một, ông chưa sẵn sàng xem xét một chính sách như vậy và cũng chưa sẵn sàng thương thảo bất cứ hiệp định thương mại nào. Có thể ông lo ngại phản ứng ngay trong đảng Dân Chủ vào lúc vị thế của ông rất mong manh vì ông Trump chưa thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua.

Chính sách thương mại của Mỹ tại khu vực Châu Á chắc chắn sẽ là một phần trong chiến lược ngoại giao – kinh tế của chính phủ Biden/Harris mà trọng tâm đã được ông Biden nhấn mạnh nhiều lần là “xây dựng liên minh” để chống lại Trung Quốc và các thể chế độc tài nói chung.

Trong một bài viết đăng trên Foreign Affairs hồi đầu năm, ông Biden nhấn mạnh: “Các quốc gia sẽ buôn bán với nhau dù có hay không có nước Mỹ. Vấn đề là, ai sẽ đặt ra luật lệ điều hành việc buôn bán đó? Ai sẽ bảo đảm rằng các nước sẽ bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường, hành xử minh bạch và bảo đảm tiền lương của tầng lớp trung lưu? Hoa Kỳ, chứ không phải Trung Quốc, phải lãnh đạo nỗ lực đó.”

Nhưng lãnh đạo bằng cách nào? Ông Biden viết tiếp: “Để chiến thắng cuộc cạnh tranh giành tương lai với Trung Quốc, Hoa Kỳ phải mài sắc lưỡi dao sáng tạo và đoàn kết sức mạnh kinh tế của các nền dân chủ khắp thế giới cùng chống lại cách làm ăn kinh tế lơi dụng và giảm thiểu bất công.”

Đoàn kết sức mạnh kinh tế của các nền dân chủ khắp thế giới là một lý tưởng đẹp. Nhưng ít có lĩnh vực nào mà quyền lợi của các nước lại va chạm nhau quyết liệt như kinh tế, thương mại, đơn giản vì cùng một chiếc bánh lợi nhuận, phần người này lớn ra thì phần kẻ kia teo lại. Những hiệp định thương mại song phương, đa phương phải mất nhiều năm đàm phán, có khi thất bại, là vì những va chạm kinh tế như vậy vì không ai muốn phần lợi của mình bị teo lại cả.

Lợi thế của ông Biden khi vận động đoàn kết là thị trường Mỹ quá hấp dẫn, sức mua của thị trường tiêu dùng Mỹ quá lớn nên nước nào cũng muốn có phần dù không phải là thị trường “dễ tính,” những tiêu chuẩn và điều kiện tham gia thị trường Mỹ khó hơn nhiều so với các nơi khác.

Nhưng thị trường 1.4 tỷ dân của Trung Quốc cũng hấp dẫn không kém, nhất là khi tăng trưởng kinh tế liên tục với tốc độ cao vài thập niên qua đã làm hình thành ở nước này một tầng lớp trung lưu còn đông đảo hơn toàn bộ dân số Mỹ, với sức tiêu thụ ngày càng lớn đủ loại hàng hóa, từ các mặt hàng xa xỉ và cao cấp đến thương phẩm (commodities) và nông sản phẩm.

Vì lẽ đó, hầu như không nước nào, không công ty nào chịu từ bỏ thị trường Trung Quốc cho dù bị Bắc Kinh gây khó dễ và chèn ép đủ điều. Trong bối cảnh như vậy, vận động đoàn kết chống Trung Quốc về kinh tế là chuyện nói dễ làm khó; chưa biết ông Biden và bộ sậu của ông sẽ có sách lược hữu hiệu nào.

Quad+3 là câu trả lời

Để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc về quân sự và an ninh, Mỹ đã cùng các đồng minh dân chủ ở Châu Á đẩy mạnh sáng kiến chiến lược “Bộ Tứ” (Quadrilateral Security Dialogue, Quad) gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ, làm Bắc Kinh ăn không ngon ngủ không yên.

Bị gián đoạn nguồn cung cấp các sản phẩm thiết yếu từ Trung Quốc do đại dịch COVID, Bộ Tứ đã đi xa hơn bằng sáng kiến thành lập “chuỗi cung ứng bền vững” (Supply Chain Resilience Initiative) gồm Bộ Tứ và thêm ba nước Nam Hàn, New Zealand và Việt Nam, gọi tắt là Quad+3 do chính quyền Trump đề xướng và vận động. Nhật Bản và Mỹ đã ban hành chính sách khuyến khích công ty nước mình chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, hồi hương hoặc đầu tư vào các nước Quad+3, tránh phụ thuộc vào ý muốn của Bắc Kinh.

Tuy chưa có hiệu quả gì nổi bật vì quá mới, Quad+3 có thể là mô hình hợp lý mà chính quyền ông Biden nên tham khảo. Thị trường 1.2 tỷ dân của Ấn Độ, nền công nghiệp chế tạo vững mạnh ở trình độ cao của Mỹ, Nam Hàn và Nhật Bản, tài nguyên khoáng sản của Úc, nông sản của New Zealand và Việt Nam, nếu hợp tác và được tổ chức hợp lý, Quad+3 có thể là đối trọng xứng tầm của RCEP ở Châu Á, gỡ thế khó của Mỹ trong những năm sắp tới. 

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/rcep-va-thach-thuc-cua-ong-joe-biden/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét