Ở khía cạnh tư duy tập thể, có liên quan gì đến những câu chuyện gần đây? Có thể nói rằng không riêng gì một số huyện ở Quảng Bình mà hầu hết các tỉnh đều có kiểu tư duy tập thể này, quà cứu trợ khi lên danh sách thì những gia đình bị thiên tai, thiệt hại được ưu tiên nhận nhưng khi quà về đến tay lãnh đạo xã, thôn thì họ tự tiện chia lại, chia đều theo bình quân đầu người và gia đình, bà con của họ được ưu tiên nhận khá nhiều quà mặc dù bản thân họ, gia đình, bà con của họ không bị thiệt hại gì.
Câu chuyện vài năm trở lại đây về việc thôn, xóm đến thu lại tiền cứu trợ của người dân rồi chia đều, cào bằng, gần đây nhất là câu chuyện quà cứu trợ của vợ chồng Thủy Tiên bị thu giữ, cào bằng và khi bị hỏi thì cán bộ thôn nói rằng đã có những cuộc họp, thống nhất từ trước. Mới nghe tưởng rằng đây là sự thống nhất do người dân thiếu hiểu biết và do tập quán của thôn. Nhưng trên thực tế, đây là kiểu làm việc hết sức xảo quyệt và léo hánh, bởi trước đây nhiều năm cũng từng xảy ra trường hợp này và từng bị phanh phui.
Kiểu họp dân, tạo ra thứ biên bản thống nhất lòng dân chỉ là một trò mèo chẳng khác nào bầu chức Trưởng thôn trên khắp đất nước này. Việc bầu bán chỉ tốn kém bữa nhậu, bữa ăn trưa, tốn kém giấy tờ, tốn kém ngân sách quốc gia mà trên thực tế không hề có thay đổi nào bởi cái chức Trưởng thôn vẫn như cũ, danh sách bầu bán có đúng một ứng cử viên là Trưởng thôn cũ, phiếu bầu chỉ ghi đúng một người, không lẽ dân gạch bỏ, mà gạch bỏ thì lấy ai làm, thì bị thù vặt, thậm chí gây thù chuốc oán với cán bộ!
Cái kiểu tư duy nông nghiệp tập thể, trí trá, cào bằng và nhân danh cán bộ địa phương, phép vua thua lệ làng, tao ở đây thì tao là vua, trong thôn này tao là luật, trong xã này tao là luật, trong huyện này tao là luật, trong tỉnh này tao là luật… Vẫn chưa bao giờ chấm dứt mặc dù cái thời kinh tế tập trung bao cấp đã chính thức chấm dứt từ năm 1986 của thế kỉ trước. Thế nhưng, hiện tại, mọi hành xử của giới quan chức địa phương đối với nhân dân đều y hệt thời kinh tế tập trung bao cấp, hống hách, cửa quyền, bưng bít và đe nẹt.
Chính vì kiểu hành xử này mà người dân bị uất ức, một người dân mang một tấm thớt gỗ nghiến bị tịch thu, bị phạt tù vì “xâm hại tài nguyên rừng”, một người dân bắt, bẫy một con chồn để cải thiện bữa ăn bị phạt trắng máu trong khi quan chức làm cả một căn nhà, thậm chí một biệt phủ toàn bằng gỗ quí, ăn trên ngồi trốc, thức ăn toàn thịt rừng, uống rượu ngâm nhung hươu rừng, sừng tê giác thì nói to tiếng, quát tháo và trịch thượng, đi đâu cũng hếch mặt lên trời, chẳng ai dám động cái móng tay… Đương nhiên đó là lúc quyền bính đầy tay, còn có thể gây oan trái mà không ai dám nói gì, chứ đến lúc quyền lực giảm thiểu, hết quyền bính thì hệ quả là… như đã thấy.
Chuyện Cựu Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa bị cắt cổ là chuyện động trời, chuyện oan ức nào đó đã vượt mức chịu đựng của người dân, còn chuyện các quan về vườn không dám ra ngõ thì đầy rẫy. Vì sao?
Vì khi đương quyền, hiếm có một quan chức nào không vấy bẩn, đặc biệt vấy bẩn trong các hàng quán trong địa bàn quản lý của y/thị. Vấy bẩn đến độ thấp nhất thì gặp lại cũng e dè, nhục mặt, cao hơn thì bị tới đòi nợ trắng trợn. Bởi khi đương chức, nổi hứng thì kéo đàn kéo đám tới quán ăn nhậu rồi ghi nợ, đương nhiên là quán phải hạng sang, mồi mè phải đắt đỏ. Ghi nợ xong để đó, đợi đến khi nào cơ quan tiếp khách thì dắt ra lại quán này và ghi cộng nợ vào hóa đơn đỏ, cơ quan phải thanh toán tiền tiếp khách.
Chính vì kiểu ghi nợ này mà có không biết bao nhiêu cơ quan mỗi năm, tiền tiếp khách lên đến hàng vài chục tỉ đồng. Ăn uống kiểu gì, tiếp khách kiểu gì mà đến độ sập nhà sập cửa, thâm thủng ngân sách như vậy?! Và khách nào mà ăn uống đến thủng cơ quan như vậy?! Thực tế là khách đến thì các quan địa phương mừng hơn cha chết đi sống lại, bởi đây là cái cớ để cộng nợ, cứ cộng tiền nợ quán bấy lâu nay vào tiền tiếp khách. Mà hầu hết các băng nhóm cán bộ cùng cơ quan, cùng là lãnh đạo rủ nhau đàn đúm, gái gú, chơi cho thỏa chí mà không lo bị vợ mắng, con ghét thì chỉ có cách này, nghĩa là cộng dồn nợ vào hóa đơn đỏ của cơ quan, không đụng đến túi tiền gia đình mà vẫn ăn ngon, nhậu sang.
Chính vì kiểu cộng dồn này mà có nhiều cán bộ không may trước khi về hưu, chưa có đoàn khách nào đến để tiếp, khoản nợ ăn nhậu, đàn đúm chưa kịp cộng dồn vào hóa đơn đỏ nên nợ vẫn cứ nợ và đùng cái về hưu, chủ quán vui vẻ thì để từ từ, chủ quán không ưa thì tới thẳng nhà để đòi. Đòi mà không trả thì đòi gay gắt bởi chẳng mấy ai ưa đám quan chức hống hách, trơn láng này nhưng khi còn tại chức thì dân “bằng mặt mà không bằng lòng”, cũng cười nói, cũng bợ đỡ để mà làm ăn, đến khi hết quyền thì trở cờ với nhau, chuyện thường ngày ở huyện.
Nhẹ thì đòi nợ ba bữa nhậu, mấy mâm ăn, nặng hơn thì đòi nợ hôn nhân, nợ đàn bà, bởi không thiếu cán bộ địa phương dựa vào quyền lực để chiếm đoạt vợ của cấp dưới, biến vợ của cấp dưới thành thớt nhì, thớt ba của mình. Khi còn quyền lực thì do giữ chén cơm manh áo, cái nhà mà chịu nhục, chịu cắn răng cho qua ngày đoạn tháng, khi mất quyền lực thì cấp dưới quyết ra tay rửa hận.
Rồi thêm chuyện ăn chặn của cấp dưới, đẩy cấp dưới vào chỗ sống không ra sống, chết không ra chết, rồi đẩy người dân thấp cổ bé miệng vào chỗ chết để chiếm đoạt đất đai theo kiểu đất công, mở công trình phúc lợi xã hội… Dân uất ức lên tận óc nhưng chưa có dịp trả thù, đến khi các quan về hưu thì họ ắt ra tay. Chính vì vậy làm hầu hết các quan chức Việt Nam khi về hưu thì kín cổng cao tường, chẳng dám ló dạng ra trước mặt dân. Hiếm hoi lắm mới có quan chức về hưu hòa đồng với nhân dân, sinh hoạt cùng nhân dân… Chuyện này hiếm vô cùng!
Và nói cho cùng thì khi một cựu Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa bị người ta đột nhập vào nhà gây thương tích, dù muốn hay không muốn, nó vẫn làm rúng động rất nhiều quan chức về hưu, đặc biệt các quan chức có liên quan đến đất đai, rừng, sông, biển, tài nguyên môi trường. Hi vọng rằng đây là tiếng chuông cảnh tỉnh cho lắm kẻ tham lam, dám làm những chuyện tày đình và đạp qua cả hiến pháp, đạp qua kỉ cương đạo đức và đạp lên sự đau khổ của đồng loại mà hí hửng, sung túc!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét