Chính nạn phá rừng và quy hoạch, trồng rừng thiếu hợp lý đã góp phần làm trầm trọng thêm thiệt hại thiên tai lũ lụt, lở đất ở miền Trung đất nước, bên cạnh việc thủy điện nhỏ phát triển tràn lan, theo một chuyên gia từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Hôm 03/11/2020, Tiến sỹ Mai Thanh Sơn, một nhà nghiên cứu xã hội từng tham gia nhiều dự án nghiên cứu, khảo sát ở miền Trung Việt Nam, đưa ra bình luận với BBC News Tiếng Việt.
"Rất nhiều nghiên cứu từ trước tới nay của giới chuyên môn tại Việt Nam và miền Trung Việt Nam nói riêng đã khẳng định mối quan hệ rất rõ nét giữa thiệt hại từ thiên tai như lũ lụt, lở đất, bão lũ với vẫn đề rừng bị xâm hại ở Việt Nam.
"Qua các nghiên cứu của chúng tôi, có thể thấy rằng về nạn phá rừng, hiện có nhiều hình thức, trong đó như là bà con làm rẫy, khi làm rẫy theo phương pháp truyền thống, diện tích rừng cũng bị thu hẹp, nhưng không đáng kể so với cách bà con phá rừng để trồng các loại cây lấy gỗ hàng hóa, như là cây keo, cây bời lời trên Tây Nguyên nhiều, nhưng đặc biệt ở miền Trung thì cây keo lá tràm, keo tai tượng nhiều.
"Tuy nhiên, quy mô, mức độ nghiêm trọng nhất phải nói tới thủy điện, thủy điện nhỏ, để phát triển thủy điện nhỏ ở nhiều nơi, đương nhiên người ta xâm hại đến rừng, không chỉ ở khu vực xây dựng lòng hồ, mà ở đường vào các công trình thủy điện mới kinh khủng, bởi vì tạo hành lang đường vào thủy điện, người ta phải phá rừng.
"Liền kề với hai nguyên nhân trên là nạn lâm tặc, có thể thấy rằng mặc dù hiện nay ở miền Trung Việt Nam, diện tích rừng nguyên sinh còn lại rất nhỏ, quy mô thấp, rừng này vẫn bị xâm hại thường xuyên và để đốn một cây gỗ, người ta phải tác động đến nhiều cây khác.
"Vì đặc điểm của rừng nhiệt đới, trên một đơn vị diện tích có rất nhiều chủng loại, nhưng lượng cá thể rất thấp, để lấy được một cây gỗ mà có thể đưa ra thị trường, chẳng hạn một cây gỗ thông, một cây gỗ pơ-mu vốn có mức độ ít hơn, nhưng với mức độ nhiều hơn như một câu chò, cây lim, cây sến, cây táu chẳng hạn, người ta phải phát quang đi một diện tích rất lớn, ít nhất bằng tán của cây bị khai thác đó, nhiều khi là nhiều hơn.
"Và như vậy, để đốn một cây gỗ, người ta phải triệt phá rất nhiều loại cây con xung quanh đó và diện tích bị ảnh hưởng ấy là không nhỏ, khi mà chúng ta tính toán rằng thực tế diện tích có thể đã bị triệt phá nhiều hơn nữa, vì diện tích rừng bị phá thường tỷ lệ thuận với lượng cây bị chặt hạ, để chặt hạ một cây, rõ ràng người ta tàn phá rất nhiều diện tích xung quanh, không có ai chặt một cây mà lại chỉ phá một cây theo tỷ lệ 1/1, rừng nhiệt đới không phải như thế, diện tích rừng bị chặt hạ do đó sẽ rất lớn. Đó là ba nguyên nhân chính, còn có nhiều nguyên nhân khác nữa mà có thể chưa thấy hết."
Vì sao vẫn xảy ra?
Theo Tiến sỹ Mai Thanh Sơn, các nguyên nhân trên đã được nhận biết, nhưng việc phá rừng vẫn diễn ra, nhất là với nạn lâm tặc và lợi dụng làm thủy điện để tiến hành phá rừng, xâm hại rừng, khi được hỏi nguyên nhân, ông bình luận:
"Cái đó theo tôi phải hỏi các nhà quản lý, các nhà hành pháp và các nhà thực thi công lý, còn qua phản ánh đã nghe thấy nhiều ý kiến cho rằng lâm tặc và lâm nghiệp có thể đã bắt tay với nhau thì mới có thể thực hiện được những hành vi phá rừng, xâm hại đất đai, diện tích rừng với những quy mô, mức độ như thế.
"Chứ còn Việt Nam có cả một đội ngũ kiểm lâm, lâm nghiệp không nhỏ, bộ máy chính quyền, công an từ cấp trung ương, đặc biệt từ cấp xã xuống cấp thôn, đặc biệt bây giờ còn tăng cường cán bộ công an chính quy về các thôn xã, thì tôi nghĩ rằng nếu luật pháp được thực hiện nghiêm, thì việc giữ rừng không quá khó và việc xâm hại, phá rừng bởi lâm tặc không dễ dàng xảy ra đến thế.
"Nhưng mà tới cấp chi cục trưởng kiểm lâm ở một tỉnh miền Trung Việt Nam mà báo chí truyền thông chính thống cũng đã đưa còn ở trong một ngôi nhà toàn gỗ quý như phản ánh như thế, thì người ta không thể không đặt ra những câu hỏi hoài nghi về vai trò của ai đó trong giới kiểm lâm và chính quyền địa phương có bao che, hợp tác, thông đồng hay không với lâm tặc trong việc phá rừng."
Chạy theo thành tích?
Theo ông Mai Thanh Sơn, cũng cần phải xem xét lại vấn đề quy hoạch, quản lý và trồng rừng ở Việt Nam, qua đợt thiên tai, bão lũ và lở đất vừa xảy ra ở miền Trung nước này, để làm cơ sở cho các hành động chính sách và can thiệp, ứng phó kịp thời và phù hợp hơn.
"Tôi nghĩ, bây giờ một trong các việc làm đầu tiên là các địa phương bị ảnh hưởng hay liên quan trong đợt thiên tai này phải ngay lập tức đánh giá và rà soát lại toàn bộ diện tích rừng đang có, trong đó có diện tích rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, kể cả diện tích rừng trồng.
"Theo thống kê, cả nước Việt Nam hiện nay có khoảng 14,2 triệu hecta rừng, nhưng trong đó chỉ có 600 nghìn hecta rừng là rừng tự nhiên, nguyên sinh, rừng già, điều ấy có nghĩa là tỷ lệ rừng nguyên sinh ở Việt Nam là rất thấp, còn lại chủ yếu là rừng tái sinh, rừng trồng…, thậm chí căn cứ vào độ che phủ và sinh khối, thì người ta đưa cả những diện tích cao su, diện tích bời lời, diện tích keo lá tràm vào tính thành diện tích rừng, rừng trồng.
"Tôi cho rằng có thể nói đó là một cách ngụy biện, đấy là số liệu mang tính không chân thực và có tính chất thành tích, bởi vì cao su không thể gọi là rừng được mà chỉ là vườn thôi, bởi vì dưới tán cao su không có gì hết, không có thực bì, không có cây bụi, không có đa dạng sinh học và tình hình cũng thế thôi dưới cái gọi là rừng bời lời, hay rừng keo lá tràm.
"Tất cả các tình miền Trung, đặc biệt các vùng dân tộc thiểu số, và mở rộng hơn từ Bắc và Nam của Việt Nam, từ Thanh Hóa, Nghệ An vào đến tận Ninh Thuận, Bình Thuận, diện tích keo lá tràm cực kỳ nhiều, đặc biệt các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định nữa, diện tích keo lá tràm rất nhiều và cây keo này hút nước cực kỳ mạnh, cho nên vào mùa khô hầu như là thiếu nước, đặc biệt là nước mặt, nước đều thiếu nước, rất nhiều sông, suối khô cạn.
"Nhưng đến mùa khô, thì lại gây ra tình trạng rất dễ bị trượt, bị xói lở do nguyên nhân cây keo không có lớp đất thực bì, mà lại hút nước cực mạnh vào mùa khô, cho nên khi mưa xuống một cái là mưa đi rất là nhanh, tạo nên những máng trượt ở những vùng có địa hình với độ dốc cao và việc này ngành địa chất đã khảo sát rất nhiều vùng và người ta có những cảnh báo từ lâu đến những điểm dễ sạt lở rồi.
"Trong lịch sử và những năm gần đây, nhà nước đã có chính sách di dân ra khỏi những khu vực có nguy cơ cao về sạt lở và lũ ống, lũ quét, một số tỉnh làm rất tốt, tôi nhớ là chương trình 167 từ cách đây hơn một chục năm rồi, những một số tỉnh mà rõ ràng trong đợt lũ vừa rồi đã không lường hết được, dù đã có những cảnh báo về tính thất thường của thời tiết, khí hậu cực đoan.
"Nhưng vấn đề đặt ra là sau những khảo sát của các nhà địa chất, người ta gửi kết quả về cho các địa phương, thì các địa phương đã cập nhật những thông tin đó vào trong kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai của mình hay chưa và đấy là câu hỏi cần được trả lời.
"Ở đây, trong câu chuyện liên quan miền Trung Việt Nam, tôi thấy rằng sau khi rà soát lại diện tích rừng đang có, cần phân loại rõ ràng ra đâu là rừng phòng hộ, đâu là rừng đặc dụng, đâu là khu bảo tồn thiên nhiên, đâu là rừng tái sinh, và diện tích rừng tái sinh còn có thể tăng được bao nhiêu nữa, tức là chỉ khoanh nuôi mà chưa cần phải trồng lại, vì với khu vực khoanh nuôi, ở Việt Nam diễn thế đi lên rất là nhanh, chỉ vài ba năm là đã có thể phủ xanh đất trống, đồi núi trọc rồi."
Bỏ qua khuyến cáo khoa học?
Đầu tuần này, truyền thông Việt Nam dẫn ý kiến từ một Bộ trưởng trong nội các chính phủ Việt Nam cho rằng bão lụt, lở đất là do thời tiết cực đoan và thủy điện nhỏ không phải là nguyên nhân gây thiệt hại, trái lại, lại có vai trò tích cực điều tiết, cắt lũ, Tiến sỹ Mai Thanh Sơn đưa ra bình luận với BBC.
"Tôi hình dung câu chuyện hiện nay mà ông Bộ trưởng Bộ Công Thương nói dưới góc độ của một nhà quản lý, mà cụ thể ở đây là của quản lý vĩ mô đối với các thủy điện, mà ông cho rằng thủy điện, thủy điện nhỏ không gây hại, nhưng trên thực tế, tôi cho rằng ông đang chạy tội cho việc cấp phép một cách hết sức vô lối.
"Và phát biểu đó bỏ qua khuyến cáo của những nhà khoa học, , ví dụ như những nhà địa mạo và các nhà lâm sinh đã nói rất nhiều đến chuyện khi rừng nhiệt đới có nhiều tầng, nhiều lớp, thì các bộ rễ ăn theo đúng tán lá và ăn theo đúng các chủng loại cây.
"Tức là các bộ rễ của các loại cây rừng nhiệt đới khác nhau ăn nông, sông khác nhau và với những cây cao nhất, thì rễ cái ăn xuống rất sâu và bộ rễ ngang ăn ngang với tán lá, thế thì nó có tác dụng là kết dính những thành phần thổ nhưỡng khác nhau lại và tạo nên độ bền trên các máng trượt của sườn đồi.
"Và những bộ rễ cái của các cây lớn, rễ cọc ăn xuống, có tác dụng dẫn nước sâu xuống, tạo ra độ ẩm, giữ độ ẩm ở độ sâu, còn những cây bụi thẩm thấu đến 1/3 lượng nước mưa và nó giữ lại độ ẩm như thế.
"Chưa kể, nó có tác dụng ngăn lũ, tức là ngăn việc tập trung nước lại sau mưa. Sau mưa mà bây giờ nếu không có lớp thực bì, không có các bụi cây, thì việc nước tập trung vào các máng xối là rất nhiều, rất nhanh và dễ tạo nên lũ ống, lũ quét."
Theo nhà nghiên cứu này, ở đây dường như đã có cách nhìn mà ông gọi là "siêu hình", như ông giải thích:
"Bởi vì mỗi một người chỉ đứng ở góc độ cá nhân thôi, mà không đứng dưới góc nhìn tổng thể của một người nhạc trưởng, mà ở đây cụ thể phải là vai trò của Thủ tướng Chính phủ.
"Với một góc nhìn đa chiều, Thủ tướng có thể tham vấn ý kiến của nhiều bên, đa ngành, liên ngành, trong đó có tham vấn ý kiến của bên lâm nghiệp, bên lâm sinh, bên tài nguyên - môi trường, tham vấn ý kiến các địa phương, của ngành công nghiệp và cuối cùng Thủ tướng phải yêu cầu bộ phận giúp việc đưa ra những kịch bản khác nhau để ứng phó với biến đổi khí hậu.
"Mà kịch bản ứng phó này năm nào cũng xây dựng, vài ba năm lại xây dựng một lần và kịch bản ứng phó với biển đổi khí hậu cho đến nay tôi nghĩ là bên Bộ Tài nguyên, Môi trường đã có, nhưng câu hỏi đặt ra là có đề cập những vấn đề liên quan thủy điện hay không, có đề cấp nạn phá rừng hiện nay hay không, có đề cập những vấn đề liên quan câu chuyện phải bảo tồn, khoanh nuôi, tái sinh hay là trồng rừng chạy theo thành tích hay lợi ích trước mắt hay không, thì hầu như tôi thấy cái này và khâu này rất là yếu."
Cần phải làm gì?
Khi được hỏi từ tình hình trên, cần phải có hành động gì cho kịp thời, phù hợp, Tiến sỹ Mai Thanh Sơn nói:
"Tôi nghĩ rằng để có thể phân tích một cách đầy đủ hơn bối cảnh miền Trung Việt Nam hiện nay, điều quan trọng là cần phải có một đánh giá khách quan gồm nhiều thành phần, trong đó có giới lâm nghiệp, lâm học, giới lâm sinh, các nhà nông nghiệp, phát triển nông thôn, bởi vì câu chuyện này còn liên quan cả đời sống của người dân và văn hóa bản địa của các tộc người thiểu số tại chỗ nữa.
"Do đó phải có một nhóm đánh giá độc lập, thay vì một biện bạch của ông Bộ Trưởng bộ Công Thương, hay bộ Nông nghiệp, hay bộ Môi trường, Tài nguyên, vì thế nhóm đánh giá này như thế phải có đủ thành phần, bao gồm cả các nhà khoa học tự nhiên, các nhà khoa học xã hội, trong đó quan trọng nhất là những người chuyên về môi trường, lâm sinh, lâm nghiệp, các chuyên gia dân tộc học, nhân học, kể cả những người làm về công nghiệp, đặc biệt liên quan những sản phẩm, dự án liên quan thủy điện chẳng hạn.
"Tôi nghĩ phải có một cái nhìn như thế mới có thể đánh giá được, chứ còn như bây giờ đúng là như đang "quân hồi vô phèng", tức là mỗi một người đưa ra một lý giải khác nhau, trong đó có các ông Bộ trưởng. Tôi cho rằng tình trạng ấy không khách quan và không phản ánh đúng thực tiễn và thực tế ở miền Trung Việt Nam.
"Thế và khung tham chiếu phải là môi trường sinh thái nhân văn, tức là phải bao gồm con người trong đó nữa, gắn với kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu hiện nay," nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nói với BBC hôm 03/11.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét