LTS: Để quý độc giả hiểu thêm bài viết dưới đây, xin nói sơ qua về chuyện tổng thống Mỹ bổ nhiệm các quan chức chính phủ, cũng như các thẩm phán… vào các cơ quan tư pháp.
Tổng thống chỉ có quyền đề cử hoặc chỉ định một người nào đó, nhưng người được đề cử phải ra điều trần trước Thượng viện, sau đó Thượng viện bỏ phiếu thuận (Yay) hoặc chống (Nay). Trường hợp tổng thống đề cử một nhân vật nào đó vào đúng kỳ nghỉ hoặc tạm ngưng các phiên họp của Thượng viện, thì việc đề cử này sẽ không gặp trở ngại nào, mà người đó đương nhiên sẽ được ngồi vào cái ghế mà tổng thống muốn.
Mặc dù Thượng viện do đảng Cộng hòa nắm đa số, nhưng các nhân vật do Trump đề cử không đủ năng lực. Lo ngại Quốc hội không thông qua, cho nên ông Trump muốn Quốc hội chấm dứt họp hành, để việc bổ nhiệm của ông ta không phải qua thủ tục điều trần và bỏ phiếu, mà người được đề cử sẽ trở thành nhân vật được ông ta bổ nhiệm thẳng vào cái ghế trống. Điều này không đúng với tinh thần Hiến pháp Mỹ. Đây là bài phân tích của hai luật sư về chuyện vi hiến của Trump.
_____
Tác giả: Neal K. Katyal và Thomas P. Schmidt
Dịch giả: Nhã Duy
Một tổng thống không thể dẹp Quốc hội khi ông ta muốn
Hôm thứ Tư, Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ làm một việc mà chưa từng có tổng thống nào làm: Chính thức đình chỉ Quốc hội, tức chấm dứt phiên họp Quốc hội hiện tại và buộc Quốc hội ngưng các cuộc họp. Rõ ràng là Trump đưa ra nhằm mục đích bổ nhiệm người của mình vào các chức vụ liên bang, thậm chí có thể cả những thẩm phán liên bang, mà không phải tuân thủ trình tự chuẩn thuận thông thường của Thượng viện. Làm như vậy là lật đổ thiết chế hiến pháp Hoa Kỳ.
Hãy bắt đầu với Tuyên Ngôn Độc Lập. Một trong những khiếu nại chống lại vua George Đệ Tam là ông “đã liên tục giải tán Hạ Viện”. Quan sát việc lạm dụng đó, những nhà kiến tạo hiến pháp đã không trao cho tổng thống quyền buộc Quốc hội phải ngưng bất cứ khi nào ông muốn. Thay vào đó, như Alexander Hamilton giải thích trong “Định Chế Liên bang 69” rằng, tổng thống chỉ có thể tạm đình chỉ cơ quan lập pháp quốc gia trong trường hợp duy nhất là có sự bất đồng về thời gian nghỉ. Điều đó trái ngược với nền quân chủ Anh, có thể đình chỉ hoặc thậm chí giải tán Nghị viện vì bất kỳ lý do nào. Vì vậy Hiến pháp chỉ trao cho tổng thống quyền đình chỉ trong hoàn cảnh bất phân định giữa Hạ viện và Thượng viện khi không đồng ý về “thời gian dừng phiên họp”.
Cứ nghĩ như vậy thì rõ ràng đề xuất của Tổng thống Trump là có vấn đề. Ngay lúc này, không có bất đồng nào liên quan giữa Hạ viện và Thượng viện, cũng như Thượng viện đang nhóm họp các phiên họp chính thức sau thời gian mỗi lần vài ngày. Với những phiên họp chính thức đó, có nghĩa là Thượng viện không nghỉ và tổng thống Trump không thể đơn phương sử dụng quyền hạn bổ nhiệm nhân sự. Nhân vụ này cũng xin nhắc lại, đây là điều chính xác những gì mà Thượng viện đã làm trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama: Ngăn ông thực hiện các vụ đề cử trong phiên giải lao. Và năm 2014, Tối Cao Pháp Viện đã cho Thượng viện quyền hành để thực hiện điều đó.
Tất cả những điều này là để nói rằng, tổng thống không có quyền hạn để buộc Quốc hội phải nghỉ ngang. Rõ ràng, đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, đòi hỏi phải có một sự chống trả mạnh mẽ và hiệu quả từ chính phủ. Nhưng đại dịch không cho Tổng thống Trump cái quyền vượt lên các giới hạn không thể nhầm lẫn của hiến pháp.
Tất cả những chuyện hoãn họp và tạm đóng Quốc hội này nghe có vẻ chuyên môn, kỹ thuật. Nhưng nhiều nguyên tắc quan trọng của luật hiến pháp đã được in rõ trong hiến pháp. Rõ ràng nhất là, một tổng thống không thể dẹp bỏ Quốc hội như ý muốn của ông, ví dụ như để chấm dứt một cuộc điều tra trong thẩm quyền giám sát của lập pháp, hoặc để ngăn cản Quốc hội bỏ phiếu phủ quyết cuộc chiến tranh mà tổng thống muốn tiến hành.
Đối với câu hỏi về vấn đề nhân sự chính phủ, Tối Cao Pháp Viện đã giải thích trong quyết định năm 2014 rằng, phương pháp chính yếu được Hiến pháp quy định trong việc bổ nhiệm các viên chức Hoa Kỳ, bao gồm cả Bộ trưởng Tư Pháp, các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện và hơn 1000 chức vụ khác nhau, là do tổng thống đề cử cộng với sự chuẩn thuận của Thượng viện.
Có lý do cho điều này. Như Hamilton đã giải thích trong “Định Chế Liên Bang 76” là, “việc chuẩn thuận của Thượng viện là một sự kiểm soát tuyệt vời trước sự thiên vị của tổng thống và có xu hướng ngăn chặn việc bổ nhiệm các nhân vật thiếu năng lực“. Nói chung là tổng thống không thể loại Quốc Hội ra khỏi tiến trình này.
Tổng thống Trump đã công khai về mục đích muốn loại Thượng viện ra khỏi tiến trình này. Nếu Thượng viện đang nghỉ, thì Thượng viện sẽ không có vai trò gì trong việc bổ nhiệm ở thời gian nghỉ đó. Nhưng nếu không có bất kỳ sự bất đồng nào giữa lưỡng viện mà tổng thống dùng quyền lực để buộc phải nghỉ, lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Điều đó chà đạp lên các đặc quyền hiến pháp của Thượng viện và đặt Thượng viện vào tình thế phòng vệ, để bảo vệ chính mình.
Tình hình có thể khác đi nếu Thượng viện thật sự không tròn nhiệm vụ pháp chế của mình trong việc đưa ra lời cố vấn và chuẩn thuận với các ứng viên mà tổng thống đề cử và điều kiện về quyền hạn đình chỉ Quốc hội được thỏa mãn. Nhưng điều mà Tổng thống Trump tuyên bố về một quyền hạn to lớn và chưa từng có tiền lệ trong việc đình chỉ Quốc hội rất khó hiểu vì chính đảng của ông đang nắm giữ Thượng viện. Không chỉ vậy, Thượng viện gần đây đã loại bỏ các cuộc giằng co để bỏ phiếu chuẩn thuận cho các đề cử từ tổng thống, giảm nhẹ sự cân bằng của đảng thiểu số trong quá trình bổ nhiệm. Và Thượng viện đã không ngại ngần chuẩn thuận các ứng viên của Trump, ngay cả với những người có trình độ và năng lực đáng nghi vấn.
Chỉ trong hơn ba năm, Tổng thống Trump bổ nhiệm số thẩm phán liên bang vào các tòa án phúc thẩm gần như nhiều bằng Tổng thống Obama đã làm trong tám năm. (Gần suốt hai năm cuối nhiệm kỳ tổng thống của Obama, chỉ có hai thẩm phán như vậy đã được chuẩn thuận và ứng viên Merrick Garland được đề cử vào Tối cao Pháp viện, thậm chí đã không được ra điều trần). Tổng thống Trump tất nhiên được tự do trải qua tiến trình bổ nhiệm thông thường. Ông chỉ cần thuyết phục các nghị sĩ của đảng mình bỏ phiếu để chuẩn thuận.
Trong luận điểm đồng tình ở vụ kiện năm 2014 về các cuộc bổ nhiệm giữa kỳ nghỉ Quốc hội của Tổng thống Obama, cựu thẩm phán [Tối cao Pháp viện] Antonin Scalia đã nói thẳng những gì ông nghĩ về quyền hạn bổ nhiệm này rằng, “trao quyền cho tổng thống phá vỡ vai trò của Thượng viện trong quy trình bổ nhiệm” là “hạ cấp”. Ý đồ hiện tại của tổng thống Trump còn tồi tệ nhiều hơn như vậy. Ông ta rõ ràng đang tìm cách, không phải để thực thi quyền hạn được hiến pháp giao cho một cách “hạ cấp”, mà thay vào đó là phá hủy giới hạn mà Hiến pháp đặt ra trong quyền hạn của mình một cách “hạ cấp”, bằng thủ đoạn qua mặt Quốc hội. Không có cuộc khủng hoảng nào, ngay cả trong hiện tại, là một cái cớ để làm điều đó.
____
Tác giả: Cả hai tác giả đều là luật sư, trong đó LS Neal Katyal là cựu quyền biện lý của Tối cao Pháp viện. LS Katyal đã tranh luận nhiều vụ kiện ở Tòa án tối cao hơn bất kỳ luật sư của nhóm thiểu số nào khác trong lịch sử Hoa Kỳ. Năm 2017, Tạp chí Luật sư Hoa Kỳ đã trao cho ông Katyal giải thưởng lớn nhất Grand Prize Litigator cho cả năm 2016 và 2017.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét