Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

946 - Có những người như thế


Ông Trần Đức Thạch (Thứ 4 từ phải qua) trong một lần ra Hà Nội thăm các nhà hoạt động. Ảnh: FB tác giả

Hôm nay 23/4/2020, trong khi cả nước hân hoan đón chào một ngày mới vui vẻ, với bát phở sáng nóng hổi, với ly cafe thơm phức sau thời hạn cách ly toàn xã hội dài đằng đẵng thì có một người lại bị bắt. Đó là ông Trần Đức Thạch, sinh năm 1952, nguyên là phân đội trưởng đội trinh sát Tiểu đoàn 8 – Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 – Quân đoàn 4, quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là tác giả cuốn hồi ký “HỐ CHÔN NGƯỜI ÁM ẢNH”, phản ánh những mặt trái, phi nhân tính trong chính lực lượng quân đội mà ông đã tham gia.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Thạch bị bắt. Năm 2009 ông đã từng bị kết án 3 năm tù giam, 3 năm quản chế với cáo buộc vi phạm điều 88 bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam. Điều 88 là một điều luật ghê tởm thuộc bộ luật hình sự cũ 1999, với định nghĩa là: “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Hiện nay điều 88 được sửa đổi theo bộ luật hình sự mới 2017 là điều 117, với định nghĩa là “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Từ năm 2012 đã từng có một cuộc vận động rất lớn thu hút hàng loạt trí thức tiến bộ Việt Nam và cộng đồng quốc tế lên tiếng, đòi hủy bỏ điều luật 88 này. Những người tham gia vận động nhận định rằng: điều luật 88 là một điều luật mơ hồ, tuỳ tiện, phản dân chủ, đi ngược lại với các công ước quốc tế về quyền con người, quyền tự do ngôn luận mà nhà nước Việt Nam đã ký kết với quốc tế, hòng dập tắt và đàn áp những tiếng nói phản biện xã hội. Có lẽ trước sức ép mạnh mẽ của quốc tế về điều luật này, năm 2017 Việt Nam đã sửa đổi bộ luật hình sự, thay tên điều và sửa đổi nội dung một chút, nhưng thực chất vẫn là “bình mới rượu cũ”, hòng dập tắt mọi chỉ trích của người dân với chế độ mà thôi.
Người dân có quyền chỉ trích chính phủ không?
Ông Hồ Chí Minh, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà, nay đổi tên là Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từng khẳng định: “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ” – (HCM toàn tập).
Năm 2016, tại Trung tâm hội nghị quốc gia tại Hà Nội, tổng thống Mỹ Obama phát biểu với người dân: “Tôi vẫn nghe những lời chỉ trích hàng ngày. Nhưng chính sự giám sát đó, những cuộc tranh luận công khai, chỉ ra những điểm không hoàn hảo của chúng tôi, và cho phép tất cả mọi người có tiếng nói đã giúp chúng tôi phát triển mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn và công bằng hơn” – (trang web Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam).
Điều 117 (điều 88 cũ) bộ luật Hình sự có dập tắt được tiếng nói trái chiều trong xã hội không?
Ông Trần Đức Thạch không phải là người đầu tiên, và cũng không phải là người cuối cùng sẽ bị đàn áp bằng điều luật man rợ này. Có những người sẽ sợ hãi, tụt lại. Nhưng sẽ có nhiều người khác sẽ vẫn lên tiếng, bởi vì chúng ta là con người.
Con người là động vật bậc cao. Trong quá trình thoát thai, tiến hoá từ động vật bậc thấp, con người đã trở nên mạnh mẽ, làm chủ thế giới này bởi khả năng tư duy, nhận xét và lựa chọn những gì hữu ích cho mình. Và ngược lại, con người cũng biết phê phán và từ chối những gì có hại cho mình.
Trong quá trình đấu tranh và xây dựng xã hội loài người, có những dân tộc, bộ lạc… chấp nhận sự đàn áp, im lặng, cúi đầu. Kết cục là nhóm người đó sẽ trở thành những kẻ nô lệ, dân tộc nô lệ, và rồi bị diệt vong. Còn những đất nước, dân tộc và con người ngày nay chính là hậu duệ của những người đã không chịu khuất phục.
Không có người thông minh nào lại đồng ý trở thành thằng ngốc.
Không có ai có hiểu biết nào lại muốn trở thành người ngu dốt.
Không có ai có lương tâm và cảm xúc lại muốn trở nên ích kỷ và hèn hạ, kể cả khi họ bị thuyết phục rằng thằng ngốc, người ngu hay kẻ bất lương được an toàn và sung sướng hơn họ… vì điều đó chẳng khác gì việc từ bỏ tư cách của động vật bậc cao để quay về thân phận thấp kém hơn trong chuỗi tiến hoá.
Benjamin Franklin, nhà triết gia Mỹ từng nói: “Những người có thể từ bỏ tự do trân quý để đổi lấy sự an toàn tạm thời ít ỏi, không xứng đáng với cả tự do lẫn sự an toàn”. Những người đó là có, nhưng không phải là toàn bộ xã hội. Vẫn còn nhiều người khác, dù bị đàn áp khốc liệt đến đâu cũng không từ bỏ đấu tranh, để chấp nhận tụt xuống vị trí thấp hơn của bậc thang tiến hoá, mà ông Trần Đức Thạch chỉ là một đại diện.
Thấy sai trái, thấy bất công là phải lên tiếng. Đấy là đặc tính của động vật bậc cao. Một điều luật, một chế độ chỉ là nhất thời trong lịch sử tiến hoá của loài người, không thể bẻ gãy đặc tính tự nhiên này của con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét