Từ cuối năm 2019, dịch bệnh virus Corona, tức virus SARS-CoV-2, và sau đó có tên chính thức COVID-19, gây viêm phổi cấp tính bí ẩn tại thành phố Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, sau đó đã lan sang các nước láng giềng là Nam Hàn, Nhật Bản, Việt Nam… Thế rồi, chỉ trong vòng một tháng sau đó, dịch bệnh COVID-19 đã lan tới tận các nước Tây Âu như Ý, Tây Ban Nha, Pháp… rồi còn lan sang cả Mỹ và Canada, gây nên một đại dịch toàn cầu.
Tình trạng này đã khiến chính phủ và người dân Cộng Sản Trung Hoa bị mang tiếng xấu là quê hương của những ổ dịch bệnh, bởi vì, gần hai thập niên trước, tỉnh Quảng Đông của Trung Hoa cũng từng là nơi phát xuất dịch suy hô hấp mang tên SARS, từ đó lây lan tới 26 nước khác trên thế giới, với hơn 8,000 trường hợp lây nhiễm và làm hơn 750 người thiệt mạng.
Điều tệ hại hơn hết là chính quyền Cộng Sản Trung Hoa đã không dám thẳng thắn nhìn nhận đại dịch này xuất phát từ chính đất nước mình mà lại tìm cách đổ vấy cho các nước khác, hết Nhật Bản tới Ý rồi tới Hoa Kỳ, là nước mà Bắc Kinh cho là đã chế tạo ra con virus Corona từ phòng thí nghiệm, rồi đưa cho các quân nhân Mỹ mang tới Vũ Hán đặng gieo rắc cho dân địa phương nhiễm bệnh.
Hồi năm 1985, tại Đài Loan, tức Trung Hoa Dân Quốc, nhà văn Bá Dương đã cho xuất bản quyển “Người Trung Quốc Xấu Xí” (Xú Lậu Đích Trung Quốc Nhân) với mục đích tự vấn lương tâm để sửa mình hơn là để phô bày những thói hư, tật xấu của dân tộc Trung Hoa ra cho thế giới biết, bởi vì rõ ràng là chẳng có ai trên cõi đời này là hoàn toàn cả.
Thật đáng thương cho tập thể người gốc Hoa – và cả những người gốc Á Châu khác nữa – đang là công dân hoặc du khách định cư hoặc tạm trú tại các quốc gia trên khắp thế giới, từ Á Châu, Úc, Âu Châu cho tới Phi Châu và Mỹ Châu, khi họ bỗng dưng trở thành mục tiêu của lòng kỳ thị và tâm lý khinh ghét từ phía người dân các nước khác bên ngoài Hoa Lục.
Thẳng thắn mà nói, tình trạng đáng tiếc này đã xảy ra cho người Hoa trên khắp thế giới từ lâu lắm rồi, chứ không phải đợi đến hôm nay, khi loại dịch bệnh mang tên “Vi-rút Vũ Hán” hoặc “Vi-rút Trung Quốc” gây thiệt hại tối đa cho tánh mạng và sức khỏe cùng nền an sinh xã hội và kinh tế của thế giới mà chưa biết đến ngày nào mới chấm dứt.
Kể từ sau khi mở cửa buôn bán, làm ăn với Hoa Kỳ và các nước Tây phương khác theo chính sách “Cải Cách Khai Phóng” mà Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đề ra từ hồi cuối thế kỷ trước, nước Trung Hoa Cộng Sản bỗng trở nên giàu có nhờ mô thức toàn cầu hóa nền kinh tế được áp dụng để cho dân Trung Hoa có được cơ hội thầu sản xuất các chế tạo phẩm của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu do bởi giá nhân công tại Hoa Lục rẻ hơn các nơi khác.
Hậu quả của chính sách này, ngoài khía cạnh phát triển kinh tế, còn là cơ hội để cho giai cấp mới giàu có lên tại Hoa Lục có dịp giao tiếp với thế giới bên ngoài, dẫn đến hiện tượng hàng triệu người Trung Hoa đổ ra ngoại quốc mỗi năm để thăm viếng các nơi, vô tình để lộ cho thế giới thấy những cái xấu xa, băng hoại của những người Trung Hoa sống dưới chế độ Cộng Sản.
Phải chăng dân tộc Trung Hoa, nói chung, là những người xấu xa, tồi tệ, và độc ác như người các nước khác vẫn thường gặp khi họ là du khách đến viếng thăm các quốc gia trên thế giới và sau khi chính sách hà hiếp các nước nghèo khó và yếu thế để thủ lợi được chính quyền Bắc Kinh áp dụng triệt để từ Đông Nam Á cho tới Trung Đông và Phi Châu? Để có lời giải đáp thích đáng cho vấn nạn này, trước hết, cần phải phân biệt rằng hiện có hai nhóm người Trung Hoa đang sống trên thế giới hiện nay: Thứ nhất là những người dân Trung Hoa sống dưới chế độ Cộng Sản tại Hoa Lục, chịu ảnh hưởng của nền giáo dục vong bản do chế độ Cộng Sản vô thần áp đặt, và thứ hai là những người Trung Hoa tiêu biểu cho nền văn hóa Trung Hoa rực rỡ xưa nay, đang là công dân hoặc Hoa Kiều sinh sống tại các nước khác bên ngoài Hoa Lục, kể cả những người Trung Hoa sống tại các quốc gia hay lãnh thổ không trực thuộc quyền cai trị của Cộng Sản Trung Hoa, như Singapore, Đài Loan, và Hồng Kông.
Đối với nhóm người Trung Hoa thứ nhất, tức là người dân Trung Hoa sống dưới chế độ Cộng Sản ở Hoa Lục, họ chính là đối tượng bị nhiều dân tộc trên thế giới kỳ thị, chê bai và thậm chí còn thù ghét nữa, vì những thói hư, tật xấu của họ, như tùy tiện vứt rác, đi vệ sinh không xả nước, hút thuốc kể cả nơi có biển cấm, chen lấn, tranh cướp, trèo cây, hái hoa, nói năng ồn ào, thô lỗ, xâm lấn lãnh thổ, đất đai của nước khác…
Nhà Thờ Đức Bà Paris bên Pháp có trương tấm biển, ghi câu “Làm ơn giữ yên lặng,” viết bằng chữ Hán chỉ để cho người Trung Quốc đọc. Tờ The Journal của Anh, có lần, đã đăng hình một số du khách Trung Quốc thản nhiên ngâm chân trong đài phun nước phía trước Bảo Tàng Viện Louvre của Pháp. Tờ Daily Mail, cũng của Anh, từng đăng hình một thanh niên Trung Hoa hớn hở ngồi dạng cẳng ra trên bức tượng một nữ chiến binh tại một công viên ở Hoa Lục, nom rất chướng mắt. Trong nhà vệ sinh của Hoàng Cung Thái Lan ở Bangkok có một tấm bảng bằng chữ Hán, ghi câu “Làm ơn xả nước sau khi vệ sinh.” Các thùng rác ở Pearl Harbor, thuộc tiểu bang Hawaii của Mỹ, đều có tấm biển bằng chữ Hán, ghi câu “Thùng rác tại đây”…
Người dân tại Cộng Sản Trung Hoa ngày nay có khuynh hướng thờ ơ, xem thường tính mệnh người khác, như chuyện cô bé Duyệt Duyệt, 2 tuổi, ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, bị xe tải cán qua người vào Tháng Mười, 2011, làm chấn động thế giới. Không chỉ 18 người qua đường không dừng lại cứu giúp, mà một chiếc xe tải khác chạy qua vẫn tiếp tục cán lên người em bé mà chạy. Mãi cho đến khi một phụ nữ nhặt rác tốt bụng nhìn thấy và kéo em vào bên trong.
Thêm vào đó, thực phẩm độc và thực phẩm giả lan tràn tại nhiều nơi ở Trung Quốc. Năm 2003, ở Phụ Dương, tỉnh An Huy, đã phát sinh sự kiện “sữa bột độc” khiến 171 trẻ em bị suy dinh dưỡng, 13 trẻ em tử vong. Năm 2006, Sở Lương Thực Bắc Kinh cho biết có tới 2,300 tấn gạo cũ độc hại đang được lưu hành trên thị trường. “Ghét người Trung Quốc” đã trở thành một hiện tượng xã hội thời nay tại nhiều nước trên thế giới. Rồi những chuyện như quân đội Cộng Sản Trung Quốc thình lình đánh chiếm các đảo tại Biển Đông đang do các lực lượng Việt Nam và Phi Luật Tân trấn đóng, chuyện Bắc Kinh cho vay nặng lãi để dần dà tóm thâu chủ quyền các hải cảng tại Sri Lanka, chuyện Bắc Kinh đến thuê đất để khai thác tài nguyên tại các quốc gia Phi Châu với giá rẻ mạt… càng làm hình ảnh dân Trung Hoa ngày nay thêm tồi tệ trước mắt cộng đồng quốc tế.
Ngược lại, nhìn chung, phần lớn những những người Trung Hoa đang là công dân hoặc Hoa kiều sinh sống tại các nước khác bên ngoài Hoa Lục, dù là giới buôn bán hay người trí thức, đều là những công dân tốt tại các nước họ cư ngụ, bởi vì người Trung Quốc có bản bản tính bảo thủ, quyết giữ lấy nền văn hóa và văn minh lâu tới năm nghìn năm của mình, trong đó có những giềng mối đạo đức mà các triết gia bậc thầy của họ như Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Trang Tử, Chu Hy… đã lưu truyền lại cho hậu thế.
Trung Quốc vốn được coi là “lễ nghi chi bang” (“miền đất trọng lễ nghi”) đã có từ thời lập quốc. Trong “Lục Nghệ” truyền thống “Lễ, Nhạc, Xạ, Ngự, Thư, Số” của Trung Quốc, chữ “Lễ” đứng đầu, đủ để nói lên rằng người Trung Quốc coi trọng truyền thống lễ nghi. Trong “Luận Ngữ” có kể chuyện Đức Khổng Tử cảnh cáo con trai Khổng Lý rằng: “Bất học lễ, vô dĩ lập,” nghĩa là nếu như không học lễ nghĩa thì không thể có chỗ đứng trong xã hội. Đời Nhà Tống, trong cuốn “Tam Tự Kinh” do Vương Ứng Lân biên soạn và Vương Ích Tứ bổ sung, có chỉ ra rằng làm con cái, từ lúc tấm bé cho tới khi lớn lên, phải nên thành thục các loại lễ tiết trong mọi tình huống khác nhau. Trong một số “gia huấn” và “học quy” của Trung Hoa xưa đều có một số lượng lớn quy tắc đạo đức và lễ nghĩa liên quan đến các hanh vi như ăn ở, đi lại, đối nhân xử thế hằng ngày. Giao tiếp giữa người và người, xưng hô với nhau thế nào, đón tiếp nhau thế nào… đều có các quy định về lễ nghĩa trong đó. Ngoài ra, muốn được coi là “người quân tử” trong xã hội Trung Hoa cũng có phần khó khăn hơn là làm một “gentleman” của các nước Tây phương, do bởi những đòi hỏi khắt khe hơn về mặt đạo đức.
Ngày 19 Tháng Giêng, 1974, xảy ra trận Hải Chiến Hoàng Sa tại vùng đảo Quang Hòa, Hữu Nhật, Duy Mộng, và Quang Ánh, thuộc Quần Đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa, giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa và Hải Quân Cộng Sản Trung Hoa, với kết quả là các lực lượng Cộng Sản Trung Hoa chiếm được quần đảo này. Mặc dù có chiến tranh biển đảo với Cộng Sản Trung Hoa, giữa người Việt bản xứ và người Việt gốc Hoa tại miền Nam Việt Nam vẫn không có những xích mích chủng tộc nào đáng kể, bởi vì người Việt gốc Hoa tại miền Nam Việt Nam hầu hết đều coi Việt Nam là quê hương mới của họ và đều theo về với chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan, một quốc gia bạn thủy chung, gắn bó với Việt Nam Cộng Hòa cho đến giờ phút chót của cuộc Chiến Tranh Việt Nam, khi Tòa Đại Sứ Trung Hoa Dân Quốc trở thành tòa đại sứ cuối cùng rời bỏ Sài Gòn, vào hôm 28 Tháng Tư, 1975, chỉ trước Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ một ngày mà thôi.
Lịch sử cũng cho thấy người Việt gốc Hoa tại Việt Nam, bao gồm dòng họ Mạc Cửu tại Hà Tiên, người Minh Hương ở Hội An và những người Hoa sinh sống khắp nơi trên đất Nam Kỳ Lục Tỉnh từ xưa đến nay, đều sinh hoạt rất hòa thuận với người Việt Nam. Ngoại trừ một số gian thương – như Tạ Vinh chẳng hạn – chuyên đầu cơ, tích trữ các nhu yếu phẩm để bán lại với giá cao trong thời kỳ quân đội nắm quyền sau cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm hồi năm 1963, phần lớn các thương gia người Việt gốc Hoa đều buôn bán thật thà, giữ chữ tín với nhau, có khi còn hơn cả người Việt Nam nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét