Trần Bắc Hà và Nguyễn Tấn Dũng. (Hình: Facebook Khanh Vũ)
Mới đây, cơ quan điều tra, Bộ Công An đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển VKS đề nghị truy tố 12 bị can trong vụ án có liên quan đến bố con ông Trần Bắc Hà. Trần Bắc Hà là tiêu biểu cho loại quan chức Cộng Sản khi có chức, có quyền, có thế thì có thể hô mưa, gọi gió. Nhưng khi hết quyền, hết chức, hết thế thì sống và chết trong nhục nhã và đau đớn.
Trong giai đoạn Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng và cũng là thời kỳ mà Trần Bắc Hà giữ chức chủ tịch HĐQT BIDV (Ngân Hàng Đầu Tư và Phát Triển VN).
Trong các chuyến công tác của Nguyễn Tấn Dũng dù trong hay ngoài nước đều không thể thiếu được Trần Bắc Hà. Cộng với mối quan hệ gần gũi với Tô Lâm, nên Trần Bắc Hà rất có uy quyền. Chỉ là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của BIDV, tương đương với chức tổng cục trưởng, nhưng Trần Bắc Hà chỉ dưới một người mà trên muôn người.
Thời kỳ Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, hầu hết mọi nguồn vốn vay ODA đều được chuyển qua BIDV và sau đó được giải ngân thông qua BIDV.
Bởi vậy Trần Bắc Hà không chỉ thể hiện uy quyền với các doanh nghiệp đang vay hay muốn vay tiền của BIDV mà còn cả với chính quyền của các địa phương.
Lúc đó, Trần Bắc Hà chẳng coi chủ tịch, phó chủ tịch các tỉnh, thứ, bộ trưởng các bộ chẳng ra gì.
Đại Hội 12, Nguyễn Tấn Dũng bị Phú Trọng hạ đo ván thì cũng là lúc Trần Bắc Hà đến tuổi nghỉ hưu.
Nguyễn Tấn Dũng mất hết quyền lực nên phải lo giữ thân, đám đàn em như Tô Lâm thì lo giữ ghế cho mình, nhóm Đinh La Thăng thì bị đánh tan tác.
Vậy nên Trần Bắc Hà trở nên thân cô, thế cô và từng bước tiến tới cái “lò” nóng rực của Nguyễn Phú Trọng.
Cuối cùng Trần Bắc Hà đã chết một cách uất ức trong trại tạm giam của Bộ Quốc Phòng.
Kết cục và cái chết của Trần Bắc Hà để lại những bài học cho quan chức Cộng Sản đương thời.
Thứ nhất, khi còn chức còn quyền thì đừng có phách lối, đối xử tàn ác với chính các đồng chí của mình. Khi không còn chức, quyền, thế thì bị chính các đồng chí của mình trừng phạt, phải chết trên đường đi cấp cứu.
Thứ hai, Trần Bắc Hà đã dựng chính con trai của mình để làm sân sau cho hành vi tham tham nhũng, vơ vét của cải của nhân dân. Khi cha bị bắt, chết ở trong tù, con phải chạy trốn và bị truy nã quốc tế.
Cuối cùng là toàn bộ tài sản thì đang bị cơ quan điều tra phong tỏa để chờ quyết định của tòa án trong phiên xử sơ thẩm tới đây.
Những tài sản của gia đình ông Trần Bắc Hà bị kê biên bao gồm các bất động sản, cổ phần cổ phiếu và tài sản ngân hàng, sở hữu của các bị can và thân nhân các bị can:
Theo đó, đã kê biên 5 bất động sản đứng tên đồng sở hữu của vợ chồng ông Trần Bắc Hà tại TP.HCM, gồm các căn hộ ở quận Tân Bình; khu phố Panorama-Phú Mỹ Hưng (diện tích 224m2); khu Garden Plaza II (diện tích 281 m2); tòa nhà Hoàng Anh River View (diện tích 166 m2) và tòa nhà The Everich (diện tích 146 m2).
Cơ quan điều tra kê biên 2 bất động sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân đứng tên bà Ngô Kim Lan (vợ ông Hà).
Có 3 bất động sản đứng tên con trai ông Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng bị kê biên, gồm căn hộ ở tòa nhà Vicom, tòa nhà Hoàng Anh River View và chung cư Imperia.
Kê biên cổ phần, cổ phiếu đứng tên Trần Duy Tùng. Trong đó có số lượng hơn 678 ngàn cổ phần công ty CP Du Lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn; 15.5 triệu cổ phần Công Ty CP Tập Đoàn An Phú và 500 ngàn cổ phần Công Ty CP Tập Đoàn An Phú đứng tên sở hữu bị can Trần Anh Quang (cựu tổng giám đốc công ty Bình Hà, cháu ông Hà).
Cơ quan điều tra ra quyết định ngăn chặn các giao dịch liên quan đến 3 bất động sản ở Bình Định của gia đình ông Hà. Đồng thời ngăn chặn giao dịch liên quan đến hơn 1,130 cổ phiếu của 3 bị can và người liên quan.
Đó là các cổ phiếu thuộc sở hữu của ông Hà và con trai cùng 3,308 cổ phiếu của bị can Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV, chi nhánh Hà Tĩnh), cổ phiếu của bà Ngô Kim Lan và hơn 760 ngàn cổ phiếu của con gái ông Hà.
Các giao dịch liên quan đến việc góp vốn 1.7 tỷ đồng của Tùng vào Công Ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Phát Triển Toàn Cầu và 450 triệu đồng của bị can Trần Anh Quang vào Công Ty TNHH Đầu Tư Chiếu Sáng Đô Thị An Phú cũng bị ngăn chặn.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng thực hiện ngăn chặn giao dịch liên quan đến số tiền 25 tỷ đồng và hơn $102 ngàn của 7 bị can và 3 người liên quan.
Trong vụ án này, thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự, Viện KSND Tối Cao Lào cũng đã phong tỏa và ngăn chặn các tài sản của ông Trần Bắc Hà tại Lào, chờ cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam xử lý.
Tổng giá trị tài sản này là khoảng $14.4 triệu (tương đương hơn 300 tỷ đồng).
Trần Bắc Hà chỉ là một trong số ít các quan chức Cộng Sản bị trừng phạt trong cuộc chiến tranh giành quyền lực của nội bộ Cộng Sản Việt Nam.
Nhưng vẫn còn đa số các quan chức Cộng Sản khi hồi hưu vẫn ung dung cùng gia đình, con cháu hưởng thụ cuộc sống sa hoa, quí tộc từ những tài sản mà họ tham nhũng, vơ vét, cướp bóc của nhân dân khi họ còn đang có chức, có quyền.
Vậy nên, chỉ khi nào nhân dân Việt Nam đứng lên làm cuộc cách mạng xã hội để thay đổi đất nước thì khi đó tất cả các quan chức Cộng Sản mới bị trừng phạt, công lý mới được thực thi trên đất nước Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét