Số người chết ở Tây Ban Nha do covid-19 đã tăng 864 ca chỉ trong 24 giờ trước tối thứ Tư, một kỷ lục đối với quốc gia thiệt hại nặng nhất do virus sau Ý. Mặc dù tốc độ lây nhiễm ở nước này đã chậm lại trong những ngày gần đây, nhưng coronavirus vẫn cướp đi hơn 9.000 mạng sống ở Tây Ban Nha và 30.000 trên khắp châu Âu.
Hoạt động sản xuất ở hai nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro đã sụt giảm trong tháng 3 sau khi covid-19 buộc các nhà máy phải đóng cửa. Sản lượng của các nhà sản xuất Đức giảm mạnh nhất kể từ năm 2009, với chỉ số nhà quản lý mua hàng của IHS markit giảm từ 48 trong tháng 2 xuống còn 45,4 (dưới 50 đồng nghĩa suy thoái). Chỉ số này của Pháp giảm chỉ còn 43,2, từ 49,8 hồi tháng 2.
Thị trường chứng khoán toàn cầu rung lắc trong ngày đầu của quý mới sau khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo ảm đạm rằng có tới 240.000 người Mỹ có thể chết vì covid-19. S&P 500, chỉ số chính của Mỹ, giảm 4,1% trong phiên giao dịch sáng. FTSE 100 của London giảm 3,8% khi đóng cửa và Topix của Nhật cũng giảm 3,7%.
Chính phủ Anh hứa sẽ đẩy mạnh xét nghiệm coronavirus sau khi có những chỉ trích rằng chính phủ chưa làm đủ nhiều. Đức đang tiến hành khoảng 500.000 xét nghiệm hàng tuần; Anh gần 10.000 một ngày. Chính phủ đã cam kết tăng con số này lên 25.000. Các xét nghiệm ban đầu đối với các nhân viên NHS phát hiện ra có tương đối ít những người tự cách ly thực sự mắc bệnh.
Xerox, một trong những công ty đầu tiên ở Thung lũng Silicon, đã đề nghị mua HP, một đối thủ lâu năm chuyên sản xuất máy in và PC. Đề nghị của họ với các cổ đông HP định giá công ty ở mức 35 tỷ đô la: cao hơn nhiều lần giá trị của Xerox, trong một thế giới mà người ta càng ngày càng ít in giấy hơn. Carl Icahn, một nhà đầu tư chủ động có chân ở cả hai công ty, nằm trong số những người sẽ thất vọng.
Ả Rập Saudi yêu cầu người Hồi giáo hoãn kế hoạch hành hương (haj) vào mùa hè này để ngăn chặn sự lây lan của covid-19. Chuyến hành hương đến Mecca và Medina dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 7 và có thể có tới 2 triệu khách du lịch. Tất cả những người Hồi giáo khỏe mạnh theo giáo luật phải thực hiện hành hương ít nhất một lần trong đời.
Giải quần vợt Wimbledon đã bị hủy vì đại dịch, lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II. Giải Pháp Mở rộng cũng đã bị hoãn cho đến cuối tháng Chín. Còn đối với bóng đá, tất cả các trận đấu Champions League và Europa League đã bị hoãn cho đến khi có thông báo mới.
TIÊU ĐIỂM
Cuộc di cư trong lòng Ấn Độ giữa dịch bệnh
Chính phủ Ấn Độ đã buộc phải thay đổi chiến lược chống dịch của mình. Vào ngày 24 tháng 3, thủ tướng Narendra Modi tuyên bố phong tỏa đất nước 1,3 tỷ dân này và đóng cửa các doanh nghiệp. Một hậu quả không lường trước được là ít nhất 600.000 người, vì mất việc, phải rời thành phố về quê; và họ thường chỉ đi bộ dọc theo những con đường vắng. Cuộc di cư hàng loạt này lại vô tình làm mất tác dụng của lệnh phong tỏa, vốn nhằm ngăn chặn virus lây lan.
Một quan chức cho biết có đến một trong ba người di cư có thể mang mầm bệnh. Vì vậy, các sắc lệnh mới bắt buộc các chính quyền bang phải cách ly tất cả những người mới về. Những người di cư kiệt sức giờ còn phải đối mặt với việc bị giữ lại trong nhiều tuần tại các nơi cách ly vốn chỉ được chuyển đổi vội vàng. Trong khi đó, những người chọn quay trở lại hoặc ở lại thành phố nơi họ làm việc lại phải đối mặt với tình trạng bấp bênh. Chính quyền bang Delhi đang lên kế hoạch trợ cấp thực phẩm miễn phí cho hơn 1 triệu người mỗi ngày.
Kinh tế Hàn Quốc lao đao
Hôm nay, Hàn Quốc sẽ công bố số liệu về lạm phát, cho thấy rõ hơn thực trạng nền kinh tế nước này trong bối cảnh đại dịch covid-19. Cho đến nay, các dấu hiệu là không khả quan. Mặc dù xuất khẩu đã tăng tương đối tốt, trừ xuất khẩu sang đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc có giảm, có lẽ vẫn còn đó những tin xấu hơn. Niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng đã giảm mạnh trong tháng 3. Hoạt động sản xuất giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2009, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính.
Bộ Tài chính dự báo suy thoái đáng kể trong quý đầu tiên, và có thể là cả năm nay, mặc dù nước này đã cắt giảm lãi suất và công bố các gói kích thích cũng như giải cứu trị giá tới 100 tỷ đô la. Hàn Quốc đã làm tốt hơn nhiều nước khác trong việc ngăn chặn đại dịch covid-19. Song điều đó không có nghĩa là họ sẽ thành công trong việc che chở cho nền kinh tế mở của mình trước viễn cảnh sụp đổ kinh tế toàn cầu.
NATO chống dịch
Khi các bộ trưởng ngoại giao NATO họp hôm nay, cách thức sẽ không như mọi lần. Đại dịch covid-19 đã buộc các quan chức, lần đầu tiên trong lịch sử, phải họp online – và đưa virus lên hàng đầu chương trình nghị sự. Liên minh đã bị một phen ê chề khi đối thủ chính của họ, Nga, gửi viện trợ y tế cho Ý, nước đồng minh bị thiệt hại nặng nhất bởi covid-19. NATO vội vã phản công với hình ảnh viện trợ của Séc cho Milan, và sau đó là Madrid, dưới sự bảo trợ của trung tâm ứng phó thảm họa NATO.
Tuy nhiên, ngay cả khi liên minh tiến hành một cuộc chiến quan hệ công chúng, việc chuẩn bị cho thực chiến cũng phải đối mặt với những khó khăn. Defender 20, cuộc tập trận khổng lồ của Quân đội Mỹ giúp kiểm tra khả năng của NATO trong việc điều chuyển quân Mỹ tới khắp châu Âu, đã bị hủy bỏ, cũng như các cuộc tập trận khác. Trong khi đó, trách nhiệm của NATO vẫn đang tăng lên: vào thứ Hai, Bắc Macedonia vừa trở thành thành viên thứ 30 và mới nhất của liên minh này.
Walmart vẫn ăn nên làm ra trong đại dịch
Hầu hết các nhà bán lẻ bị thiệt hại nặng nề bởi những hạn chế đặt ra do đại dịch covid-19. Song không phải Walmart, hãng lớn nhất theo doanh thu. Trong khi các cổ phiếu bán lẻ của Mỹ (được đo theo Standard & Poor) giảm 35,3% kể từ khi đạt đỉnh vào ngày 20 tháng 2, Walmart chỉ giảm 3,5%. Các nhà bán lẻ hàng hóa ít thiết yếu hơn đã cho nghỉ bớt nhân viên, còn Walmart lại đang tuyển thêm người giữa lúc khách hàng đổ xô đi mua hàng thiết yếu.
Song, nhân viên của họ phải đối mặt với một vấn đề nan giải. Họ vui vì tiếp tục được nhận lương, nhưng lo lắng về mức độ tiếp xúc cao của công việc. Để tri ân họ, Walmart hôm nay trao phần thưởng trị giá 300 đô la cho những nhân viên toàn thời gian và 150 đô la cho những người làm việc bán thời gian ở Mỹ. Họ có kế hoạch trả nhiều tiền thưởng hơn trong mùa xuân này. Công ty hy vọng sẽ thuê được 150.000 người mới để giúp cho các kệ hàng luôn đầy. Đáng buồn thay, với tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, chắc họ sẽ chẳng gặp mấy khó khăn trong việc này.
Ngành du thuyền bị đại dịch nhấn chìm
Các chính phủ từng rất háo hức chào mời khách du lịch, đặc biệt là những du thuyền giàu có, đến bờ biển của họ. Nhiều nước đã bỏ ra số tiền lớn trong những năm gần đây để tân trang cảng và xây dựng các bến du thuyền phức tạp. Covid-19 đã chấm dứt điều đó. Hôm nay, Canada sẽ áp dụng lệnh cấm đối với các tàu du lịch chở hơn 500 khách đến thăm các cảng của nước này cho đến ít nhất là ngày 1 tháng 7, nhằm ngăn họ mang dịch bệnh đến. Úc, Ấn Độ, New Zealand, Tây Ban Nha và Singapore cũng đã áp đặt các hạn chế tương tự.
Các quốc gia khác, bao gồm Panama, Thái Lan và Việt Nam từ chối tàu theo từng trường hợp cụ thể. Danh tiếng của ngành công nghiệp tan thành mây khói trong những ngày đầu đại dịch, khi một số tàu bị thiệt hại nghiêm trọng do covid-19. Hậu quả là nhu cầu sụp đổ. Ba hãng du thuyền lớn nhất thế giới, chiếm gần 80% công suất toàn cầu, đã đình chỉ tất cả các chuyến đi và phải neo tàu. Cổ phiếu của họ đã giảm khoảng 80% kể từ tháng 1, nhiều hơn so với hầu hết các ngành khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét