Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Sau khi một thẩm phán kết án Alexei Navalny 30 ngày tù, được cho là vì vi phạm các điều khoản án treo, chính trị gia đối lập nổi tiếng của Nga đã kêu gọi những người ủng hộ ông xuống đường. Ông bị bắt giữ khi trở về Nga lần đầu kể từ khi bị đầu độc hồi tháng 8 (ông tin là theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin). Các nước phương Tây kêu gọi Nga thả ông.
WHO cảnh báo một “sự thất bại thảm khốc về mặt đạo đức” sắp xảy đến trong việc phân phối vắc-xin covid-19. Cho đến nay, chỉ mới có 25 liều được tiêm ở các nước nghèo nhất (đều ở Guinea), so với 39 triệu ở các nước giàu hơn. COVAX, một chương trình chia sẻ vắc-xin do WHO đồng dẫn đầu và nhằm phân phối vắc-xin ở các nước nghèo, cáo buộc các nước giàu tích trữ vắc-xin.
Na Uy trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên bắt đầu nới lỏng các hạn chế coronavirus gần đây nhất. Thủ tướng Erna Solberg tuyên bố mọi người đã có thể đón khách vào nhà của mình. Trường học, các hoạt động cho trẻ em và thể thao ngoài trời cũng sẽ được hoạt động lại. Na Uy chỉ có 517 ca tử vong do covid-19, so với 10.185 ở Thụy Điển.
Ít nhất 12 thợ mỏ mắc kẹt dưới lòng đất ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, vẫn còn sống và đã liên lạc được với các bên đang tìm kiếm cứu nạn. Một nhóm 22 người đã mất tích sau khi một vụ nổ làm hỏng hệ thống thông tin liên lạc và lối ra của mỏ hồi tuần trước. Hiện vẫn chưa rõ số phận của mười người còn lại.
Total, một gã khổng lồ dầu mỏ Pháp, sẽ chi 2,5 tỷ USD để mua lại 20% cổ phần của Adani Green Energy, một công ty năng lượng mặt trời của Ấn Độ. Thỏa thuận này giúp tăng cường cho nỗ lực giảm carbon của Total và mang lại cho họ một phần trong thị trường năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh của Ấn Độ. Vào tháng 9, Thủ tướng Narendra Modi đã hứa sẽ tăng đáng kể công suất năng lượng tái tạo của nước này vào năm 2022.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết 7 thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã mất quyền biểu quyết vì chậm đóng niêm liễm cho LHQ. Cộng hòa Trung Phi, Congo-Brazzaville, Iran, Libya, Niger, Nam Sudan và Zimbabwe đều nợ một khoản bằng hoặc lớn hơn phần đóng góp của họ cho hoạt động của LHQ trong hai năm qua.
GDP Trung Quốc tăng 2,3% trong năm 2020 và 6,5% trong quý 4 so với năm trước— khiến nước này trở thành nền kinh tế lớn vận hành tốt nhất trong đại dịch. Tuy nhiên, sự phục hồi của họ vẫn mất cân đối: sản xuất nhà máy tăng mạnh nhưng doanh thu bán lẻ lại chậm hơn.
TIÊU ĐIỂM
Người Rohingya mòn mỏi chờ được hồi hương
Ba năm rưỡi đã trôi qua kể từ khi khoảng 700.000 người Rohingya phải chạy từ Myanmar sang Bangladesh để thoát khỏi nạn diệt chủng. Một thỏa thuận hồi hương song phương được ký vào năm 2017, nhưng sắc tộc thiểu số Hồi giáo này vẫn đang sống mòn mỏi trong các trại tị nạn chật chội, tồi tàn. Hôm nay, Trung Quốc sẽ thử làm trung gian cho một thỏa thuận. AK Abdul Momen, Bộ trưởng Ngoại giao Bangladesh, cáo buộc Myanmar cố tình câu giờ. Bangladesh đã bàn giao thông tin chi tiết của 840.000 người tị nạn hồi hương; nhưng các quan chức Myanmar chỉ mới xác minh có 42.000 người.
Hầu hết người Rohingya mong muốn được về nhà, nhưng yêu cầu được đảm bảo an toàn và đầy đủ các quyền chính trị. Trong khi đó, cuộc sống trong các trại mỗi ngày mỗi tệ hơn. Myanmar khả năng cao sẽ phản đối bất kỳ lời kêu gọi hồi hương nhanh chóng nào, và sẽ thành công. Họ không bị ảnh hưởng bởi áp lực quốc tế — một phần vì bên hòa giải trong cuộc họp có lợi ích kinh tế ở Myanmar, đặc biệt là ở Rakhine, quê hương người Rohingyas. Sự tham gia của Trung Quốc không có khả năng dẫn đến bất kỳ đột phá nào.
Quyết định liệt Houthi vào danh sách khủng bố của Mỹ gây tranh cãi
Tình cảm phẫn nộ sau khi công bố chính sách có thể sống lâu hơn cả chính sách đó. Hôm nay, Mỹ sẽ liệt Houthi, một nhóm dân quân đang kiểm soát phần lớn Yemen, vào danh sách các tổ chức khủng bố. Họ làm như vậy bất chấp phản đối từ Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ và thậm chí một số quan chức Mỹ, những người lo ngại động thái có thể gây trở ngại cho nỗ lực cung cấp viện trợ nhân đạo mà 80% dân số [Yemen] sống dựa vào.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết các nhóm viện trợ sẽ được miễn trừ để tiếp tục làm việc tại các khu vực do Houthi kiểm soát. Theo lời ông, quyết định trên cũng sẽ cắt tài trợ cho Houthi. Nhưng Houthi có rất ít nguồn thu nhập chính thức để bị chặn, và các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không ngăn được họ đánh thuế và tống tiền thường dân. Các nhà ngoại giao lo ngại tác động thực sự sẽ là phá hủy các cuộc đàm phán do LHQ hậu thuẫn nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 5 năm giữa Houthi và liên minh do Ả Rập Saudi dẫn đầu. Những mối quan tâm như vậy có thể không đáng. Chính quyền Trump sẽ rời nhiệm sở vào ngày mai và Joe Biden có thể đảo ngược quyết định.
Janet Yellen điều trần việc bổ nhiệm trước Thượng viện Mỹ
Hôm nay, cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang sẽ điều trần trước Thượng viện, nhằm để phê chuẩn cho vị trí Bộ trưởng Tài chính của bà. Bà Yellen dự kiến có được ủng hộ từ lưỡng đảng, và không chỉ vì niềm tin rộng rãi rằng bà là người có thể tin tưởng. Từ cánh tả tiến bộ cho đến cánh hữu bảo thủ đều có thể tìm thấy ở bà một điều họ thích— một điểm rất hữu ích ở một ứng viên cho vai trò không chỉ mang tính kinh tế mà còn chính trị.
Hãy xem chính sách tiền tệ. Những người ‘diều hâu’ chỉ ra rằng trong nhiệm kỳ của bà Yellen, Fed đã tăng lãi suất từ gần 0 lên 1,25-1,5%. Trong khi các ‘bồ câu’ thì nói ‘diều hâu’ chiếm đa số trong hội đồng thiết lập tỷ giá vào thời điểm đó, và trên thực tế, bà Yellen đã làm rất tốt trong việc kiểm soát họ. Một thời gian ngắn trước khi Donald Trump trở thành tổng thống, bà Yellen đã lên tiếng phản đối chính sách tài khóa quá đà. Tuy nhiên, trong đại dịch bà Yellen đã kêu gọi “hỗ trợ tài khóa đặc biệt lớn”. Hãy cùng chờ đợi xem quan điểm thật sự của bà là gì trong những năm tới.
Bỏ phiếu tín nhiệm thủ tướng Ý
Giuseppe Conte hôm nay đối mặt một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại thượng viện Ý, điều có thể sẽ khép lại 31 tháng làm thủ tướng của ông. Sự rời đi của đảng Italia Viva nhỏ nhưng quan trọng của Matteo Renzi khỏi liên minh của Conte đã cướp đi thế đa số trong thượng viện của ông. Một số nghị sĩ Ý có thể thay đổi quan điểm chính trị của họ dễ dàng như tắc kè hoa, do đó khó mà dự đoán được.
Nhưng với việc các đồng sự của ông Renzi dự kiến bỏ phiếu trắng, tính toán mới nhất cho thấy chính phủ sẽ sống sót sau cuộc bỏ phiếu nhưng không thể có được đa số trong 321 ghế Thượng viện. Điều đó dẫn tới một trong những kết quả sau: một chính phủ thiểu số khập khiễng; một liên minh mới, có hoặc không có ông Conte làm lãnh đạo; một chính phủ của những “nhà kỹ trị” phi đảng phái; hoặc thậm chí một cuộc bầu cử sớm. Dù thế nào, nó cũng sẽ đồng nghĩa một giai đoạn bất ổn trong thời gian đại dịch, khiến Ý không thể tập trung vào việc lập kế hoạch chi tiêu số tiền quỹ phục hồi khổng lồ của EU.
Huawei bị cấm không được tham gia mạng 5G của Thụy Điển
Nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump sắp kết thúc. Nhưng cuộc chiến của chính quyền ông với Huawei tiếp tục làm xói mòn vị thế của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ở phương Tây. Thụy Điển theo chân Mỹ cấm công nghệ Huawei khỏi cơ sở hạ tầng 5G của họ từ tháng 10, với lý do lo ngại an ninh. Công ty phản đối lệnh cấm, nhưng tòa án hành chính cao nhất của Thụy Điển đã bác bỏ kháng cáo vào tuần trước. Hôm nay, cơ quan quản lý viễn thông của Thụy Điển sẽ tiến hành đấu giá dải tần không dây 5G cho các nhà khai thác mạng, và không bên nào được dùng công nghệ của Huawei.
Người ta có thể cho rằng Ericsson – một công ty Thụy Điển là lựa chọn thay thế cho Huawei đối với các công ty muốn xây dựng mạng 5G – sẽ rất vui mừng. Nhưng vị sếp của công ty này được cho là đã vận động bộ trưởng ngoại thương Thụy Điển xem xét lại lệnh cấm Huawei. Quyết định này mang lại cho Ericsson sức mạnh thị trường lớn hơn ở quê nhà, nhưng nó có thể dẫn đến trả đũa từ Trung Quốc, nơi doanh số bán hàng của hãng gần đây bùng nổ.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2021/01/19/the-gioi-hom-nay-19-01-2021/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét