Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

4279 - Tiểu luận - Sài Thành, Tứ đại danh ca

Khuất Đẩu

Nghe tin nữ danh ca Lệ Thu qua đời, tôi bỗng nhớ hai câu thơ trong bài Long thành cầm giả ca của đại thi hào Nguyễn Du.
“Tây Sơn cơ nghiệp nhất đán tận tiêu vong
Ca vũ không lưu nhất nhân tại”!
(Tây Sơn cơ ngiệp tan rồi/ chỉ còn sót lại một người cầm ca!).
Chỉ trong vòng 20 năm, cơ nghiệp của Tây Sơn, tuy chưa hiển hách như của Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, nhưng cũng có thể nói là rất oai hùng với chiến thắng long trời lở đất quân Xiêm ở Rạch Gầm, Xoài Mút và quân Thanh ở gò Đống Đa. Một triều đại với các danh tướng như Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở, Bùi Thị Xuân và các nhà mưu lược như Nguyễn Thiệp, Ngô Thì Nhậm…thế mà chỉ sau cái chết của vua Quang Trung, tất cả đã sụp đổ tan tành trước một đội quân của Nguyễn Ánh suốt bao năm chỉ lo trốn chạy từ Côn Lôn đến Phú Quốc và cầu viện hết quân Xiêm đến quân Pháp.
Thi hào Nguyễn Du đã rất chua xót khi nhận định cái cơ nghiệp lẫy lừng của Tây Sơn, sau 20 năm chỉ còn lại một người Cầm ca vừa già, vừa xấu và rách rưới.
Lệ Thu, Thái Thanh, Khánh Ly, Thanh Thúy… bốn đại danh ca, cũng có thể là bốn đại mỹ nhân, nếu không “tìm đường trốn nước”, thì chắc gì không như cô kỳ nữ dưới thời Tây Sơn kia. Sách báo in trước 75 bị kết án là đồi trụy, phản động, nhạc bị mỉa mai, khinh bỉ là vàng vọt bệnh hoạn, bị cấm đoán, bị tịch thu. Ba thanh niên miền Bắc chỉ vì hát trộm nhạc của Đoàn Chuẩn mà bị kết tội hơn 30 năm tù, thì cỡ bốn đại mỹ nhân kia nếu buồn tình nhót nhép chắc cũng sẽ lĩnh hơn 40 năm tù, chưa kể hàng chục năm quản thúc.
Họ phải “đi” thôi, không phải tìm “giấc mơ Mỹ” mà tìm đất sống, nhất là tìm đến những xứ sở mà người ta không cấm mình ca hát.
Rất may, tuy cuống rốn của đất mẹ đã bị cắt lìa, nhưng họ lại tìm được trên xứ người hàng triệu người mất nước nhưng chưa mất tiếng nói, hãy còn yêu tiếng Việt và càng yêu hơn qua tiếng hát của không chỉ bốn đại danh ca mà còn của hàng trăm ca sĩ trẻ hơn đẹp hơn xếp sau lưng họ.
Bốn đại danh ca ấy là bốn ngọn núi sừng sững trong làng âm nhạc Việt Nam.
Thái Thanh với tiếng hát được nhà văn Mai Thảo xưng tụng là “vượt thời gian”, trước và sau cô, chưa có ai đưa tiếng hát lên tận mây trời, chưa ai luyến láy réo rắt cực kỳ điêu luyện như cô. Nghe cô hát, nhất là nghe bài Tình Ca của Phạm Duy “tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”, quả thật nơi xứ người, ai nghe mà không cảm thấy lòng mình rưng rưng muốn khóc, và chợt nhận ra rằng sao cái “tiếng nước tôi” nó ngọt ngào thiết tha đến như vậy. Tôi rất không ưa hai tiếng “tự hào” được các nhà đài sử dụng bậy bạ đến sáo mòn, còn hơn tự hào, tôi thấy vô vàn biết ơn tổ tiên tôi đã gìn giữ, lưu truyền một thứ tiếng đúng như các nhà truyền giáo Tây phương đã kinh ngạc khi muốn dùng mẫu tự latinh để phiên âm, một tiếng nói ngân nga nghe như chim hót. Rồi bà mẹ quê vất vả trăm chiều nuôi một đàn con chắt chiu… Cảnh làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói, có những cánh đồng cát dài, có lũy tre còm tả tơi…hay những con đê dài ngây ngất…Dĩ nhiên, là câu chữ của Phạm Duy, tuy không phải là nhà văn hay nhà thơ nhưng ông là người sử dụng tiếng Việt tinh tế nhất, đúng chỗ nhất, nhất là khi đặt nó vào giữa trái tim của mọi người. Nhưng làm cho nó trở nên sống động thiết tha, trở nên xao xuyến bồi hồi là do tiếng hát của Thái Thanh, một tiếng hát chẳng những “vượt thời gian” mà còn có mãnh lực hết sức siêu phàm.
Bỡi vì, giọng hát của cô không chỉ đưa hồn người nghe lên tận thiên đường hạnh phúc mà còn đưa họ xuống tận địa ngục, tận đáy sâu của khổ đau qua Nghìn trùng xa cách của Phạm Duy hay Nửa hồn thương đau của Phạm Đình Chương.
Nhưng, với Dòng sông xanh, ta lại nghe ra một giọng hát thật nhí nhảnh, trẻ trung vẽ nên hình ảnh vui tràn trề của những cô gái tóc vàng sợi nhỏ đang đùa giỡn trên làn sóng xanh sông Danube.
Cũng có người bảo rằng, cô là người của ban nhạc thời danh Thăng Long, được các ông anh nâng niu uốn nắn từ bé nên giọng hát của cô có thể nói là hết sức điêu luyện, từ phát âm đến nhấn nhá, luyến láy, đạt đến độ nhuần nhị cứ như từ trong máu huyết tuôn ra. Đến mức không ai đạt tới ngay cả con gái yêu của cô là Ý Lan. Theo tôi, cũng như nhiều người miền Bắc, cô chịu ảnh hưởng chẳng những từ núi Tản sông Hồng mà còn từ những làn điệu quan họ, từ tiếng đàn nhịp phách và luyến láy của ca trù, tập luyện rất công phu, nghe và hiểu được đã là khó nói gì đến hát, mà lại hát thật hay nữa thì quả thực không dễ.
Có thể nói, giọng hát của Thái Thanh rất giàu màu sắc, giàu nhân ái, đương nhiên cũng rất giàu tình cảm, một giọng hát không phải vượt, mà song hành cùng với thời gian để đi đến nơi cùng tận.
Có một giọng hát, không thể gọi là đối lập nhưng gần như hoàn toàn khác hẳn, ấy là của Lệ Thu. Tuy cùng là người miền Bắc, nghe đâu cũng có học piano và học trường tây nên ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng nhạc tây phương, dù hát rất hay, nhưng trước khi được mời mọc, nài ép để đứng trên bục hát, cô chưa bao giờ mơ rằng mình sẽ thành ca sĩ. Cái duyên ngẫu nhĩ trùng phùng từ một lần hát mừng sinh nhật cô bạn ở nhà hàng Bồng Lai với bài Tà Áo Xanh của Đoàn Chuẩn đã lọt vào đôi tai Chung Tử Kỳ của ông chủ nhà hàng tinh đời. Bùi tai, trốn mẹ đi hát ở nhà hàng, rồi nghỉ học để hát ở phòng trà, vào studio để thu đĩa, thu băng…tự nhiên và dễ dàng giống như chiều chủ nhật tung tăng đi bát phố cùng các bạn rồi mỏi chân tạt vào quán ăn kem vậy.
Tôi chưa có được cái may mắn nghe cô hát ở nhà hàng hay phòng trà, những nơi mà anh học trò kiết xác như tôi chỉ dám đứng nhìn (trộm) từ xa. Nhưng lần đầu tiên nghe cô hát bài Ngậm ngùi qua sóng radio, tôi bàng hoàng nhận ra, lục bát của Huy Cận sao mới lạ và ngọt ngào đến như vậy. Đọc câu thơ “nắng chia nửa bãi, chiều rồi”, tôi thấy cái chữ chia có vẻ thô mộc vụng về, chỉ đến khi nghe tiếng “chia” cô hát mới thấy nó vừa ngộ nghĩnh vừa sinh động. Rõ ràng, tiếng “chia” qua môi miệng cô khiến cho cái lằn mép giữa tối và sáng bỗng như đang nhảy múa. Đến câu cuối, tay anh em hãy tựa đầu, cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi, thì dịu ngọt quá, dễ thương quá, trái sầu nào đó chắc không phải sầu riêng, mượt như nhung cùng với tiếng hát ấm như vừa được hâm nóng rơi xuống, thì trái tim đàn ông nào mà không rộng mở đón mời.
Một lần khác qua đài VOA, bài Con Thuyền Viễn Xứ, nghe mấy tiếng sóng Đà giang, đường về cố lũy, cố lũy xa xôi, sao thấy nó gần gũi cứ như là tên sông, tên đường của chính thôn làng mình vậy.
Rồi những bài như Tôi đưa em sang sông, Mười năm tình cũ…có cách chia, có xót xa, có đau đớn nhưng rõ ràng là không vàng một cách bệnh hoạn mà là vàng của “vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông”. Có buồn đấy, nhưng không “rầu”, buồn một cách khỏe mạnh, cũng là nhờ trong giọng hát của cô lúc nào cũng rạt rào suối nguồn của thương yêu.
Nhưng, tuyệt vời nhất với tôi, chính là lúc nghe cô hát Mùa thu chết, những âm “chết” cứ nối tiếp nhau bay vút lên như pháo bông, buồn và đẹp làm sao! Thế nhưng, gần như bên thắng cuộc suốt ngày gầm gừ, chửi bới bỡi vì động đến ngày 19 tháng 8, ngày cướp chính quyền, suốt bao năm được họ đóng khung mạ vàng là cách mạng mùa thu. Họ chột dạ tưởng rằng Phạm Duy và Lệ Thu đang nguyền rủa cho cách mạng mau chết!
Người ta bảo định mệnh hay duyên kiếp đã trói buộc cô với hai tiếng “lệ thu”, đến nỗi Phạm Duy đã lấy cảm hứng từ tên cô mà sáng tác bài Nước mắt mùa thu rất nổi tiếng. Nhưng cô lại hiểu chữ “lệ” là đẹp, như hoa lệ, mỹ lệ, và cô hát một cách tỉnh táo không để chuyện riêng của mình làm buồn lòng người nghe. Tôi cũng nghĩ như vậy. Cái đẹp của giọng hát cô, đúng là nét đẹp của mùa thu, của trời rất xanh, của nắng rất vàng, của gió rất nhẹ và của mây rất trắng, mây xứ Đoài của Quang Dũng khi nhớ tới đôi mắt người Sơn Tây.
Một điều hay và đẹp nữa, là mỗi chữ nhả ra từ môi miệng cô đều rất tròn, rất chuẩn và rất rõ, không như nhiều người khác cố làm ra vẻ trọ trẹ hay lơ lớ, dù cô ít nhiều chịu ảnh hưởng các ông tây bà đầm ở trường học. Cô hát thật lòng, không bao giờ hát theo kiểu trả bài, hát cho lấy có. Cô là một nghệ sĩ rất mực nghiêm chỉnh.
Cô bảo, một nhà khoa học đã từng bỏ công ra nghiên cứu và tính được rằng, nếu một ca sĩ hát với tất cả tình yêu, tất cả năng lực, nghĩa là dốc hết cả tâm hồn mình vào bài hát thì cũng tốn sức như đã lao động đến 6 giờ bằng chân tay. Thế mà có lần cô hát đến 10 bài để đáp lại lòng đợi mong của hàng ngàn Việt kiều ở Âu châu.
Như vậy, tuy cô hát có vẻ dễ dàng, không tập luyện gì nhiều, nhưng không thể bảo đó là giọng hát của trời cho, có phúc cứ việc hưởng. Vì tự trọng, vì yêu quý khán giả, cô vẫn miệt mài tập luyện từ trong ý thức và ngay cả trong vô thức.
Cho đến khi cô phải nhập viện vì con virus Vũ Hán, cô vẫn đi hát thiện nguyện, cô còn đùa cho đến khi phải chống gậy, vẫn lên sân khấu để hát.
Giờ, cô đã đi theo đàn chị Thái Thanh, xác thân sẽ hòa cùng cát bụi, nhưng nói như cụ Nguyễn Du, rằng “thác là thể phách còn là tinh anh”. Cái còn lại chính là tiếng hát của hai người, tiếng hát đẹp rạng ngời của tiếng nói Việt Nam.
Một tiếng hát hiếm có nếu không muốn nói là rất độc đáo, tiếng hát buồn tê tái, như cất lên từ những thôn làng bị giặc đốt phá, từ những hành lang chật cứng người tị nạn đói khát nằm chồng chất lên nhau, từ những con phố không đèn đêm nay thiếu ánh trăng... Có người còn bảo là tiếng hát liêu trai, tiếng hát lúc không giờ, nghĩa là có gì ma mị, rờn rợn cứ như tiếng hát cất lên từ mồ ai mới đắp!
Tôi muốn nói tới tiếng hát Thanh Thúy.
Vì gia cảnh, cô phải đi hát rất sớm để nuôi mẹ bệnh và nuôi em. Cô không được cái may mắn lọt vào tai Chung Tử Kỳ như Lệ Thu, cứ phải đứng thập thò ở bên ngoài phòng trà, mãi rồi mới được cho hát thử. Đến khi được bước lên bục hát cô vẫn mặc áo dài trắng học trò, có đính một băng tang nhỏ trên ngực. Nhưng không phải vì vậy mà giọng hát cô trở nên buồn lạnh, hoang liêu. Cái buồn lạ lùng ấy là buồn của trời cho, cũng có thể là cái buồn của cả thời đại thấm vào từng lời hát, cho nên khi xuất hiện nó khiến người nghe sững sờ, xúc động. Một người có trái tim dễ rung động như Trịnh Công Sơn, không thể không vì cô mà làm bài Ướt mi, hay nhà thơ Hoàng Trúc Ly đã phải thốt lên:
Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc tay vời âm thanh
Sợi buồn chảy xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan tành hư vô
Đến cả những giáo sư đại học uyên bác như Nuyễn Văn Trung cũng phải viết về cô. Không phải là nắng mới, cũng không phải là làn gió lạ, lại càng không phải là cơn địa chấn, cô chỉ là một cô gái nghèo, nhưng khi xuất hiện trên bục hát, cô là cả nỗi đời quạnh hiu, là nỗi đau dài của những cuộc chia ly… Cô hát mà như độc thoại, đối diện với hư vô, đằng sau và đằng trước, bên trái và bên phải đều là quá khứ, một giọng hát không hướng về tương lai, bỏ quên hiện tại nhưng vẫn được mọi người ngay cả những người lính đang ngày đêm chiến đấu ngoài mặt trận ái mộ hết mình, thế nên mới gọi cô là một hiện tượng lạ của nền ca nhạc miền Nam.
Là người Huế chính gốc nên không ai hát hay hơn cô bài Đêm tàn bến Ngự và Tiếng xưa của Dương Thiệu Tước. Nghe hai bài hát này, ta vừa thấy được nét vàng son vương giả của cố đô, nhưng cũng lại thấm đẫm những cơn mưa ướt lạnh sụt sùi, mưa chi mưa mãi mưa mãi mưa hoài của xứ Huế mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn.
Nghe giọng hát cô, nhìn dáng dấp của cô, lại biết cô hát ở phòng trà, vũ trường nhiều người lầm tưởng cô chỉ sống về đêm như một vũ nữ thân gầy. Nhưng tất cả đều lầm. Cô có một đời sống rất đàng hoàng mẫu mực, là người con rất chí hiếu, người chị biết bảo bọc thương em. Cô lấy chồng khá sớm, một sĩ quan không quân, và mặc dù đi hát, kiếm được nhiều tiền, được nhiều giải thưởng, được nhiều người săn đuổi, nhưng cô vẫn chí thiết chung tình. Sau 75, cô dành tiền bạc và thì giờ cứu giúp những nghệ sĩ ở các trại tị nạn, những thương bệnh binh và hiện nay là các công tác thiện nguyện.
Có một giọng hát thủa ban đầu rất bụi, hát trên bãi đất trống sau trường đại học văn khoa, người hát không son phấn, đi chân dất, nhạc sĩ sáng tác và đệm đàn (thùng), là một thanh niên bỏ dạy, trốn lính, chỉ hát chùa cho sinh viên nghe, cả hai đã bất ngờ được người nghe nâng lên ngang hàng với Phạm Duy, Lệ Thu, đó là cặp đôi hát mộc Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.
Với tôi, Khánh Ly hát hay nhất ở những ca khúc da vàng của nhạc Trịnh. Người ta bảo đây là những ca khúc phản chiến, nhưng theo tôi, đó là những bài hịch được hát thành lời, như Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi…Hịch là những lời kêu gọi không để chiến đấu mà để yêu thương, kêu gọi những đứa con cùng cha, hãy xích lại gần nhau, hãy quên hận thù, nói chung là thức tỉnh tự tình của dân tộc trước chủ nghĩa đế quốc của tư bản và chủ nghĩa vô thần của cọng sản. Chính vì vậy mà chính quyền cả miền nam lẫn miền bắc đều không ưa những ca khúc này.
Khánh Ly hát chùa trong bao nhiêu năm, cùng chịu đói khát, bị rượt đuổi phải trốn chui trốn nhủi, nhưng vẫn gắn bó với Trịnh Công Sơn, là một cặp đôi hiếm có trong làng nhạc miền Nam. Khi Trịnh Công Sơn chuyển qua sáng tác những tình khúc với lời ca mới lạ, từ ngữ cách tân, tiếng hát Khánh Ly lập tức trở thành hiện tượng. Cái giọng khàn khàn bùi bụi, trầm đục đến nỗi có người bảo giống như tiếng mèo gào trong đêm khuya, rất nồng nàn gợi dục, là tiếng kêu của những người tình lạc nhau trong suốt cơn mê dài.
Dù sau 75, một cô gái trẻ nõn nường cặp với Trịnh Công Sơn, cùng hát cùng chơi với Trịnh, là Hồng Nhung, nhưng tài nghệ và tình cảm không thể nào sánh với Khánh Ly được.
Không chỉ bốn giọng hát tuyệt vời, mỗi người một giọng riêng biệt không lẫn vào ai, mà còn có cả hàng chục, hàng trăm những giọng khác, như thể trăm hoa cùng nhau đua nở dưới ánh nắng Sài Gòn rực rỡ và tự do. Đó là cái thắng của bên thua cuộc. Và thắng đậm khi hiện giờ sau bốn mươi năm hơn, ai muốn hát bài nào cứ việc hát, không cần phải xin phép!
Điều đó chứng tỏ một cách mạnh mẽ rằng, dù bị cấm đoán, bị cầm tù, bị đày đọa, cái Đẹp của Nghệ thuật vẫn không thể bị hủy diệt, cái Đẹp vẫn sống mãi để cứu rỗi cả thế giới, nói như Dostoievsky.
Trong phạm vi nhỏ hẹp của bài này, tôi muốn nói, chính các nghệ sĩ miền Nam chứ không phải tổng thống hay tướng lĩnh nào, lại càng không phải Mỹ, đã cứu hai mươi năm của Việt Nam Cộng Hòa khỏi bị chôn vùi dưới đám lá mục của lịch sử.
Thật đáng trân trọng!
20/1/2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét