Jackhammer Nguyễn
Sau thất bại trong cuộc bầu cử ngày 3/11/2020, đảng Cộng hòa ở Mỹ đã mất quyền hành pháp và mất luôn cả hai viện của Quốc hội, cơ quan lập pháp liên bang. Đảng Cộng hòa đã không chịu thua ý chí của người dân Mỹ, muốn lật lại chiến thắng của phe Dân chủ bằng nhiều biện pháp rất phản dân chủ, đi ngược lại Hiến pháp Mỹ.
Hành động mới nhất thuộc loại này của đảng Cộng hòa diễn ra hôm thứ Năm, ngày 29/1/2021. Bà Shawnna Bolick, một dân biểu của đảng Cộng hòa thuộc Quốc hội tiểu bang Arizona đề xướng một dự luật, cho phép các dân biểu Quốc hội tiểu bang có quyền hủy bỏ việc chứng nhận thắng cử của một ứng cử viên tổng thống ở tiểu bang này.
Điều hiển nhiên có thể thấy lâu nay là, Quốc hội sẽ quyết định nghiêng về ý kiến của phe đa số ở Quốc hội. Mà Quốc hội Arizona hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng đảng: Hạ viện Arizona có 60 ghế, Cộng hòa nắm 31 ghế, Dân chủ nắm 29 ghế; Thượng viện có 30 ghế, Cộng hòa nắm 16 ghế, Dân chủ nắm 14 ghế.
Nếu dự luật này được quốc hội Arizona thông qua, thì từ bây giờ về sau, bất cứ chiến thắng nào của một ứng cử viên không thuộc phe đa số ở quốc hội Arizona sẽ bị loại bỏ.
Điều này có nghĩa là ý muốn của đa số dân chúng đi bầu cử bị loại bỏ bởi ý kiến của một nhóm người. Điều này không khác về thực tế là “Đảng cử Dân bầu” trong các chế độ cộng sản. Nghĩa là dân bầu thì mặc dân, đảng có quyền cho người khác thắng cử.
Dự luật này không bác bỏ việc thắng cử của dân biểu tiểu bang, nhưng khi đã bầu cử tiểu bang xong rồi, biết được phe nào đã chiếm đa số rồi, thì mất công làm gì để đi bầu tổng thống, trong khi ứng cử viên của phe đa số luôn chiến thắng?
Việc chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống của một tiểu bang do viên Bộ trưởng Hành chính của tiểu bang công bố. Hành động này là một hành động nghi thức để thể hiện ý chí của cử tri. Tương tự như vậy, khi ông phó tổng thống Mike Pence đếm số phiếu đại cử tri tại điện Capitol vào ngày 6/1, cũng là một hành động mang tính biểu trưng cho ý chí của dân chúng.
Những người bênh vực cho dự luật này của bà Bolick có thể nói rằng, việc đưa ra luật là để chống gian lận, nhưng khi có một bên tri hô lên là gian lận, bên kia bảo rằng không, thì làm sao mà biết là có gian lận hay không, nếu không kiện ra tòa? Thể chế dân chủ Mỹ hơn 200 năm qua đâu có thiếu câu trả lời cho những việc tranh cãi: Đem nhau ra tòa!
Arizona là một trong những bang mà phe của cựu tổng thống Trump cho rằng có gian lận bầu cử. Các bang kia là Georgia, Michigan, Wisconsin, Pennsylvania và Nevada. Họ đã thực hiện hơn 60 vụ kiện ở tòa án các cấp, từ tiểu bang, liên bang, cho đến Tối cao Pháp viện, nhưng đều không đưa ra được bằng chứng nào chứng minh rằng bầu cử có gian lận.
Cần ghi nhận rằng, tòa án là cơ quan độc lập ở Mỹ, cũng như ở các nền dân chủ phương Tây, chứ nó không thuộc đảng Cộng sản như ở Việt Nam. Tổng thống không thể cách chức quan tòa được, mặc dù ông ta có quyền bổ nhiệm. Hơn 60 vụ kiện của ông Trump liên quan đến vụ bầu cử vừa qua, có nhiều quan tòa do chính ông ta bổ nhiệm, nhưng không có vụ nào có thể gọi là thắng cả. Xin nhắc lại: Không thắng là vì không cung cấp bằng chứng, hoặc bằng chứng không thuyết phục.
Tuy nhiên đảng Cộng hòa (khoảng 100 dân biểu liên bang, 17 thượng nghị sĩ liên bang) và Trump vẫn không hài lòng với sự vận hành độc lập đó của nền dân chủ Mỹ. Họ liên tục lên tiếng cáo buộc, dù không có chứng cớ, nhưng vô vàn thuyết âm mưu, rằng bầu cử bị đánh cắp. Tất cả những hành động này đạt đến tận cùng bằng lời kích động bạo lực của Donald Trump vào ngày 6/1/2021, đưa đến cuộc bạo loạn, tấn công điện Capitol làm 5 người thiệt mạng.
Tại sao?
Việc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thay nhau cầm quyền ở Mỹ cả trăm năm qua diễn ra rất đổi bình thường, thế tại sao lần này đảng Cộng hòa có vẻ cay cú, “ăn vùa thua giật” như thế?
Có lẽ câu trả lời nằm ở sự biến đổi kinh tế xã hội và cư dân Mỹ, làm cho họ cảm thấy tuyệt vọng, như lời của Donald Trump là, nếu để bầu cử mở rộng qua thư, thì đảng Cộng hòa không bao giờ thắng nữa.
Xã hội Mỹ đang thay đổi theo hướng cần nhiều an toàn xã hội hơn, sau một thời gian để cho các nhóm tài phiệt lũng đoạn, tạo khoảng cách kinh tế quá lớn giữa các tầng lớp dân chúng. Bên cạnh đó, dân chúng ngày càng lai tạp với nhau, khiến cho sắc dân thuần da trắng ngày càng ít đi, đi tới chỗ không còn chiếm đa số nữa. Mà cả hai điều này, an toàn xã hội và đa dạng sắc tộc đều không nằm trong nghị trình của đảng Cộng hòa (chính Mike Pompeo, ngoại trưởng vừa mãn nhiệm của đảng Cộng hòa nói rằng, nước Mỹ không phải là quốc gia đa văn hóa).
Để kềm hãm khuynh hướng này, các nhà chiến lược đảng Cộng hòa thực hiện những biện pháp rất phản dân chủ, đó là tìm cách hạn chế số cử tri người thiểu số, người nghèo đi bầu, vì những cử tri này có khuynh hướng bầu cho đảng Dân chủ.
Đảng Cộng hòa đã đi ngược lại với nguyên tắc của một nền dân chủ là cử tri đi bầu càng đông càng tốt. Họ chống lại việc đi bầu bằng thư, với lý do “chống gian lận”, họ tìm cách thu hẹp thời gian bầu cử sớm, giới hạn số lượng các phòng phiếu, các thùng phiếu. Tất cả những điều này nhằm mục đích ngăn người nghèo và người thiểu số đi bầu.
Các phong trào dân chúng vận động cử tri nghèo và sắc tộc thiểu số đi bầu đã đánh bại biện pháp phản dân chủ của đảng Cộng hòa. Phong trào vận động cử tri thiểu số ở Georgia của bà Stacey Abrams, và người tiếp nối là cô Bee Nguyễn, đã đưa đến thắng lợi hai ghế Thượng viện, đại diện Georgia thuộc về đảng Dân chủ. Thắng lợi này đưa đến phe Dân chủ chiếm đa số ở thượng viện, tạo điều kiện thuận lợi cho tổng thống Biden mạnh dạn thúc đẩy nghị trình của mình.
Dự luật của bà Bolick đưa ra chưa chắc đã thành công dù đảng Cộng hòa vẫn đang chiếm đa số ở quốc hội Arizona. Một số dân biểu đảng Cộng hòa đã lên tiếng phản đối, vì đơn giản, nó phản dân chủ.
Sự sợ hãi mất quyền lực của đảng Cộng hòa làm cho họ ngày càng lún sâu vào những suy nghĩ và hành động phản dân chủ, không khác xa bao nhiêu mô hình gọi là dân chủ tập trung của những người cộng sản, loại bỏ ý chí của toàn dân, loại bỏ lá phiếu của cử tri.
Nguồn: https://baotiengdan.com/2021/01/31/dang-cong-hoa-muon-theo-dan-chu-tap-trung-cua-cong-san/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét