Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

4288 - Nhật ký Bắc Kinh (12/10/20): Trung Quốc, Đài Loan và Tôn Trung Sơn

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy


Nguồn: 
Tetsushi Takahashi, Beijing DiaryNikkei Asian Review, 10/2020.

Tôi chưa từng nghĩ cảnh sát sẽ xuất hiện khi tôi chuẩn bị bước vào Công viên Trung Sơn, ngay phía tây Thiên An Môn – hay Cổng Thiên Bình – ở Bắc Kinh.

Hôm thứ Bảy (10/10/2020), tôi mua một vé đã đặt từ hôm trước tại lối vào của công viên và tiến đến chốt kiểm tra an ninh, nơi tôi được yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân. Ngay sau khi tôi xuất trình hộ chiếu, một cảnh sát đi tới.

“Anh làm nghề gì?” viên sĩ quan hỏi. Khi tôi trả lời: “Tôi là nhà báo”, anh ta bảo tôi đợi. “Tôi sẽ gọi cho cán bộ phụ trách,” người này nói.

Các nhà báo nước ngoài làm việc tại Trung Quốc không lạ gì những trải nghiệm như vậy. Nhưng tôi chưa từng nghe nói về việc bị cấm vào một công viên bình thường mở cửa cho công chúng.

Tôi đợi khoảng 10 phút trước khi một cảnh sát khác – dường như là người phụ trách – cuối cùng cũng xuất hiện.

“Nhà báo nước ngoài không được phép vào công viên?” Tôi hỏi anh ta.

Người này lịch sự trả lời: “Không phải họ không được phép vào. Nhưng vì công viên Trung Sơn thuộc quận Thiên An Môn, nên họ phải nộp đơn cho bộ phận quản lý.”

Tôi chưa bao giờ nghe nói về một quy tắc như vậy, nhưng chẳng có lý do gì để tranh cãi. Tôi trả lại tấm vé 3 nhân dân tệ (hơn 10.700 đồng) và bỏ cuộc.

Tôi cảm thấy các “quy tắc” hạn chế hoạt động của các nhà báo nước ngoài đã ngầm tăng lên kể từ đợt bùng phát coronavirus hồi đầu năm nay (2020).

Lý do tôi muốn đến thăm công viên là thứ Bảy, ngày 10 tháng 10, đánh dấu kỷ niệm một sự kiện lịch sử quan trọng.

Khởi nghĩa Vũ Xương diễn ra vào ngày đó năm 1911, dẫn đến Cách mạng Tân Hợi lật đổ triều đại nhà Thanh.

Tôn Trung Sơn, nhà lãnh đạo cuộc cách mạng, vẫn được tôn sùng là “người mở đầu cách mạng dân chủ” ở Trung Quốc. Sau khi ông qua đời năm 1925, thi hài của ông được tạm thời an nghỉ trong một ngôi đền có từ thế kỷ 15 trong Công viên Trung Sơn, nơi cho đến nay vẫn đóng vai trò trung tâm trong việc tưởng nhớ những thành tựu của ông.

Dù vậy, Đảng Cộng sản không bao giờ tổ chức các sự kiện kỷ niệm vào ngày 10 tháng 10. Đó là vì Đài Loan – mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ của mình – kỷ niệm Ngày Quốc khánh của họ vào chính ngày đó.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào hôm thứ Bảy đã tuyên bố sẽ làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đối tác của hòn đảo tự trị với những nước chia sẻ các giá trị tương tự, nhằm bảo vệ nền dân chủ.

Với cam kết này, rõ ràng bà muốn ra hiệu Đài Loan sẽ tiến gần hơn với Mỹ vào thời điểm quan hệ của Washington với Bắc Kinh đang căng thẳng nghiêm trọng.

Tại Đài Loan, hiện có những lời kêu gọi sửa luật nhằm xóa các bức chân dung của Tôn Trung Sơn, người được tôn xưng là “Cha đẻ của Trung Quốc,” khỏi các cơ quan nhà nước và trường học. Ông Tôn được nhiều người coi là anh hùng chung của cả Trung Quốc đại lục và Đài Loan, do đó điều này gần giống như phủ nhận sự tồn tại của ông.

Chính phủ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phản ứng gay gắt, cáo buộc Đảng Dân Tiến cầm quyền của bà Thái đang tìm cách “phi Trung Quốc hóa”.

Nhưng có lẽ động lực để Đài Loan tách mình ra khỏi Trung Quốc nên được xem xét một cách bình tĩnh hơn. Tại sao nhà báo nước ngoài lại bị chặn vào Công viên Trung Sơn? Tôi cảm thấy khác biệt giữa Trung Quốc và các nước khác về các ý tưởng như tự do ngôn luận hay tự do báo chí đang ngày càng bị nới rộng ra./.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.

Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2021/01/27/trung-quoc-dai-loan-va-ton-trung-son/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét