Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

4300 - Đại hội XIII và đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Phạm Nhật Bình



Đại hội XIII của đảng CSVN đã khai mạc vào ngày 25 tháng Giêng với hơn 1600 đại biểu tham dự. Trong vai trò kép chánh trong một vở tuồng không khán giả, ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trên sân khấu với lời kêu gọi hùng hồn nhưng nhuốm đầy sáo rỗng: “Cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc.”

Từ hơn bảy thập niên qua, định hướng xã hội chủ nghĩa là đích nhắm cuối cùng của đảng CSVN. Nhưng nhân dân Việt Nam và chính những người cộng sản cũng không bao giờ nhìn thấy cái hình dáng xã hội chủ nghĩa ấy ra sao. Hay nói như ông Trọng là cho đến cuối thế kỷ 21, không biết nó có hiện thực hay không. Những lời lừa đối hào nhoáng về con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa đã kéo dài từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21, bất chấp một thực tế là nước cộng sản đầu đàn Liên Xô đã giải thể vì thất bại trên con đường này.

Trong lúc đó tại đất nước Việt Nam, bên cạnh quang cảnh rầm rộ, trống kèn ầm ỉ của một vở tuồng mang tên đại hội đảng XIII, người ta thấy có một sự kiện khác cũng giống như tương lai của đảng CSVN: Đó là đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Đây là con đường sắt trên cao mà cách nay 10 năm được hoạch định để trở thành một hình ảnh tiên tiến đầu tiên của thủ đô Hà Nội, với sự hợp tác toàn diện của đàn anh Bắc Kinh. Đường sắt đô thị này xử dụng vốn vay từ Trung Quốc dưới hình thức ODA, kèm theo điều kiện phải mua thiết bị sản xuất từ các công ty Trung Quốc.

Sau nhiều lần điều chỉnh theo yêu cầu của tổng thầu Trung Quốc, công trình đã ngốn hết 868 triệu USD. Qua hai kỳ đại hội XI và XII, Cát Linh – Hà Đông “cứ đến hẹn lại lên” nhưng cứ nằm ỳ tại chỗ để đòi tiền thêm. Thời gian chạy thử và vận hành thương mại bị trì hoãn liên tục từ năm này qua năm khác. Trong lúc ấy, đảng CSVN tha thiết mong muốn lần này đường sắt Cát Linh – Hà Đông phải được làm lễ khánh thành để đưa vào hoạt động ngay trước thềm đại hội XIII, để đánh dấu một thành công vượt bậc của “trí tuệ cộng sản.” Nhưng đảng đã hoàn toàn vô vọng với khối sắt treo cao này.

Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể thì cố làm sao đẩy cho tàu sớm lăn bánh để chào mừng đại hội đảng, hay ít nhất là chạy thử trong quý 1/2021, tức trong vòng 3 tháng đầu năm 2021. Với những khuyết điểm nặng nề về phòng cháy, chữa cháy của 11 nhà ga trong cuộc nghiệm thu cuối cùng, cho dù Cát Linh – Hà Đông có chạy được chăng nữa thì cỗ xe đường sắt này thật sự cũng mù mịt tương lai. Vì không ai biết nó sẽ lăn đùng ra đổ bệnh lúc nào, mà ngay cả ông Bộ Trưởng Thể và ban quản lý dự án cũng mù tịt.

Chuyện rất dễ hiểu, nếu đường sắt Cát Linh – Hà Đông hoàn toàn dựa vào vốn vay, kỹ thuật xây dựng, thiết kế của đàn anh Trung Quốc thì quá rõ ràng là nó không ổn. Càng không ổn hơn khi dư luận được biết trong tháng Giêng, 2021 Công ty MTV Đường Sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) đã tổ chức một cuộc đấu thầu quốc tế về việc “Tư vấn, hỗ trợ vận hành khai thác tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.” Và đơn vị trúng thầu không ai khác hơn là Công ty Metro Bắc Kinh! Tin tức cũng nói rõ đơn vị trúng thầu sẽ hỗ trợ Metro Hà Nội trong công tác vận hành và khai thác tuyến đường sắt trên cao này. Như vậy cũng đã quá rõ về sự trì trệ của công trình đường sắt trên cao này.

Khi nhìn lại đại hội XIII đang diễn ra, người thấy cũng vậy. Chính ông Trọng là tổng bí thư đảng đã từng nói không biết khi nào đạt được xã hội chủ nghĩa. Thế mà các đàn em của ông vẫn bầu cho ông tiếp tục ngồi ghế tổng bí thư nhiệm kỳ XIII thêm 5 năm nữa, trong lúc ông đi đứng không vững. Thật không khác gì công trình thế kỷ treo trên đầu dân chúng thủ đô rơi xuống không biết lúc nào.

Và điều tai hại nhất là văn kiện đại hội vẫn khăng khăng định hướng cho 5 hay 10 năm nữa, Việt Nam sẽ thẳng tiến lên xã hội chủ nghĩa. Điều này cho thấy sau đại hội XIII, đảng CSVN chẳng khác gì con tàu Cát Linh – Hà Đông. Con tàu rồi đây cũng có thể chạy, dưới bàn tay điều khiển của người Trung Quốc. Giống như đảng CSVN sau đại hội XIII, cũng có thể khập khiễng vận hành cơ chế độc tài của mình nhưng trong một quỹ đạo đầy dẫy những chông gai, bất trắc và càng ngày càng lệ thuộc nặng nề vào Bắc Kinh.

Đó là tai họa của dân tộc Việt Nam.

Nguồn: https://viettan.org/dai-hoi-xiii-va-duong-sat-cat-linh-ha-dong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét