Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

4337 - 28/01/1973: Lệnh ngừng bắn có hiệu lực tại Sài Gòn

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng


Nguồn: Cease-fire goes into effect, History.com

Vào ngày này năm 1973, lệnh ngừng bắn chính thức bắt đầu có hiệu lực vào lúc 8 giờ sáng, giờ Sài Gòn (tức nửa đêm ngày 27/01 giờ GMT). Khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, phía Sài Gòn đang kiểm soát khoảng 75% lãnh thổ và 85% dân số của miền Nam Việt Nam. 

Quân Lực Việt Nam Cộng hòa đã được vũ trang rất tốt nhờ có hỗ trợ phút chót từ Mỹ, và họ vẫn tiếp tục nhận được viện trợ của Mỹ sau lệnh ngừng bắn. CIA ước tính có khoảng 145.000 lính Bắc Việt hiện diện ở miền Nam, tương đương với năm trước. Dù lệnh ngừng bắn có hiệu lực đúng giờ, nhưng cả hai bên đều vi phạm. Trong hai ngày trước thời hạn ngừng bắn, quân miền Nam tiếp tục tấn công để giành lại các làng mạc bị cộng sản chiếm đóng, trong khi phe cộng sản cố gắng chiếm thêm lãnh thổ.

Mỗi bên đều biện minh rằng các hoạt động quân sự của mình là do sự vi phạm của bên kia đối với lệnh ngừng bắn. Kết quả là một chuỗi trả đũa gần như vô tận. Trong khoảng thời gian từ khi bắt đầu ngừng bắn đến cuối năm 1973, mỗi tháng trung bình có 2.980 sự cố giao tranh ở miền Nam. Hầu hết trong số này là các trận đánh nhỏ nhằm quấy rối, được thiết kế để làm tiêu hao sức lực của lực lượng Việt Nam Cộng hòa.

Tuy nhiên, Bắc Việt đã tăng cường nỗ lực ở Tây Nguyên vào tháng 9 khi họ tấn công cơ quan chính phủ miền Nam ở phía tây Pleiku bằng xe tăng. Với những hành động sau ngừng bắn này, khoảng 25.000 người miền Nam đã thiệt mạng trong những cuộc giao tranh vào năm 1973, trong khi thiệt hại của phía cộng sản ước tính là 45.000 người.

Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2021/01/28/lenh-ngung-ban-co-hieu-luc-tai-sai-gon/

Đọc thêm: Ngày 27/1/1973: Ký Hiệp định hoà bình Paris


Nguồn: Paris Peace Accords signedHistory.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1973, đại diện của Mỹ, Việt Nam Cộng hòa, chính quyền miền Bắc và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (Việt Cộng) đã chính thức ký  “Hiệp định chấm dứt chiến tranh và khôi phục hòa bình ở Việt Nam” tại Paris.

Vì phía Việt Nam Cộng hòa nhất quyết không công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam, nên mọi đề cập đến Chính phủ này đều chỉ nằm trong phiên bản song phương do chính quyền miền Bắc và Mỹ ký. Còn phía Việt Nam Cộng hòa được trao một phiên bản hiệp định riêng biệt, trong đó không đề cập đến chính phủ Việt Cộng. Đây là một phần trong nỗ lực từ trước đó rất lâu của Sài Gòn nhằm từ chối công nhận Việt Cộng là một bên hợp pháp trong các cuộc thảo luận về chấm dứt chiến tranh.

Hiệp định được ký bao gồm một lệnh ngừng bắn trên toàn Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ còn đồng ý rút toàn bộ quân đội và cố vấn (tổng cộng khoảng 23.700 người) ra khỏi miền Nam, cũng như tháo dỡ tất cả các căn cứ của Mỹ trong vòng 60 ngày. Đổi lại, chính quyền miền Bắc đồng ý thả tất cả các tù nhân chiến tranh người Mỹ hoặc thuộc phe Mỹ.

Cả hai bên đã đồng ý rút toàn bộ quân đội của mình ở Lào và Campuchia, đồng thời cấm việc thành lập căn cứ hoặc hành quân qua các nước này. Họ cũng đồng ý rằng khu vực phi quân sự (DMZ) tại vĩ tuyến 17 sẽ chỉ là một đường phân chia tạm thời, cho đến khi hai miền được thống nhất “thông qua các biện pháp hòa bình.” Một ủy ban kiểm soát quốc tế sẽ được thành lập, gồm 1.160 thanh sát viên đến từ Canada, Hungary, Ba Lan, và Indonesia, nhằm giám sát việc thực thi thỏa thuận.

Cũng theo bản hòa ước, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu sẽ tiếp tục nắm quyền cho đến khi tổ chức bầu cử. Chấp nhận “quyền nhân dân tự quyết của người miền Nam,” chính quyền miền Bắc tuyên bố sẽ không khởi xướng các phong trào quân sự vượt quá DMZ và sẽ không sử dụng vũ lực để thống nhất đất nước.

Chú thích: Người lính Mỹ cuối cùng chết trong chiến tranh Việt Nam, Trung tá William B. Nolde, đã bị giết bởi một quả đạn pháo ở An Lộc, nằm cách Sài Gòn 60 dặm về phía tây bắc, chỉ 11 giờ trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.

Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2017/01/27/ky-hiep-dinh-paris/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét